Thứ Năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024

Chính sách xã hội cho người cao tuổi trong trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay

Ngày phát hành: 02/08/2021 Lượt xem 8606

 

 

1. Xu hướng già hóa dân số và những thách thức đối với kinh tế - xã hội

Già hóa dân số đang là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nâng cao chất lượng đời sống và gia tăng tuổi thọ trung bình là đánh dấu thành tựu của quá trình phát triển. Tuy nhiên đồng thời với gia tăng tuổi thọ trong bối cảnh mức sinh thay thế không được duy trì bền vững thì xu thế già hóa dân số nhanh là một tất yếu về mặt chuyển đổi nhân khẩu học. Những thách thức so xu hướng già hóa dân số nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế - xã hội và áp lực cho thực hiện hệ thống an sinh xã hội. Với một đất nước nên kinh tế còn non trẻ như Việt Nam nếu chúng ta không có những giải pháp chính sách xã hội thích ứng kịp thời thì trong tương lai không xa chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng cả về thị trường lao động, bảo trợ xã hội cho người cao tuổi cũng như cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người cao tuổi.

Theo UNFPA (2011), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng dân số và giai đoạn “già” khi dân số cao tuổi chiếm 20% tổng dân số [1]. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số; hơn 7 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64%) [2][3]. Điều đáng nói hơn là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm. “Bước nhảy vọt” của tiến trình già hóa dân số sang dân số già đang tạo ra những áp lực trong tương lai đối với mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta.

Theo số liệu thống kê năm 2011-2012 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa và ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi, có nghĩa cứ 3 người Việt Nam thì sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên [1][4]; Trong tổng số hơn 11 triệu NCT hiện chỉ có 3,1 triệu NCT có lương hưu và 1,7 triệu NCT có trợ cấp xã hội và mới có khoảng 10 triệu NCT tham gia BHYT (đạt 95%). 5% còn lại chủ yếu là NCT có hoàn cảnh khó khăn, nhưng không thuộc diện hộ nghèo, hộ được cấp thẻ BHYT miễn phí. Với cùng dự báo dân số, tỉ số phụ thuộc dân số (tính bằng số người từ 60 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động 15-59) được dự báo tăng gấp hơn ba lần, từ 14% năm 2014 lên 43% năm 2049. Tỷ lệ NCT chính thức vượt tỷ lệ trẻ em (từ 0-14 tuổi) vào năm 2040 [3][5]. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999. Các chuyên gia đánh giá, chỉ số này còn có xu hướng tiếp tục tăng nhanh lên trong những năm sắp tới. Số liệu tại bảng 1 phản ánh xu hướng người cao tuổi tăng lên khi mà số trẻ em từ 0-15 tuổi giảm rất nhanh điều đó dẫn đến tỷ trọng người trong độ tuổi lao động giảm xuống. Điều này đang tạo ra áp lực đối với Chính phủ, các Bộ ngành vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực «cơ cấu vàng» cho phát triển kinh tế, vừa chú trọng việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con để duy trì mức sinh thay thế (xem bảng 1). Nhận thức được xu hướng tỷ trọng dân số từ 0-15 tuổi giảm nhanh đồng thời tỷ trọng người già từ 65 tuổi tăng nhanh nên trong mục tiêu chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 Chính phủ đã đưa mục tiêu duy trì mức sinh thay thế là giải quyết bài toán ứng phó với quá trình già hóa nhanh ở nước ta hiện nay.

Các nghiên cứu về già hóa dân số trên thế giới đã chỉ ra tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh sẽ tác động đến mọi chiều cạnh của đời sống xã hội, từ kinh tế- xã hội. Đặc biệt, dễ dàng nhận ra nhất đó là sự khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động (Nhật Bản, Pháp, Đức,…) ; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế và lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho NCT. Chăm sóc NCT về sức khỏe thể chất và tinh thần và các tương tác xã hội trong bối cảnh già hóa dân số cũng đặt ra nhiều vấn đề không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn là cấp độ gia đình và xã hội. Vì vậy, nghiên cứu về già hóa dân số ở Việt Nam cũng như đề xuất các chính sách xã hội thích ứng với điều kiện một quốc gia già hóa nhanh “chưa giàu đã già” là một vấn đề cần được quan tâm thấu đáo và phù hợp với bối cảnh kinh tế - văn hóa và xã hội.

 

Bảng 1. Tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi, 1999 – 2019

Tỷ trọng dân số

1999

2009

2019

Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi

33,1

24,5

24,3

Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi

61,1

69,1

68,0

Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên

5,8

6,4

7,7

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê 2019

 

 

2. Một số chính sách xã hội hiện hành đối với người cao tuổi

 

Ở nước ta quan tâm đến người cao tuổi là một trong những trọng tâm chính sách của được Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc thực hiện các chính sách xã hội đối với người già, quan tâm thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân và các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có nhóm người cao tuổi. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh ”Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số”[6]. Với mục tiêu đảm bảo hệ thống chính sách xã hội và phúc lợi cho nhóm người cao tuổi ngày càng được cải thiện bao phủ đối tượng hưởng và tăng mức hưởng. Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phù hợp đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận cả về vật chất và tinh thần. Bao trùm chính sách xã hội cho người cao tuổi đều nhấn mạnh đến công tác và bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe đối với Người cao tuổi bao hàm cả lĩnh vực sức khoẻ, việc làm, văn hóa, thể thao, du lịch; lĩnh vực giao thông cũng như xây dựng và quản lý hiệu quả quỹ chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi. Hiến pháp 2013, tại Điều 37 đã ghi rõ:  “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2009 Quốc hội ban hành Luật người cao tuổi và đã đưa ra tiêu chí người cao tuổi gồm những người từ 60 tuôi trở lên (Điều 2) [4]. Ngày 14/1/2011, Chính phủ ban hành Nghị định  số 06/2011/NĐ-CP về phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Tiếp đó các Bộ, ban ngành liên quan đã ban hành 07 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các chính sách về bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm giá vé, phí tham gia giao thông, văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động du lịch, chúc thọ mừng thọ NCT. Đặc biệt đối với nhóm người già từ 80 trở lên thuộc hộ gia đình nghèo không có người phụng dưỡng, hoặc có phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thì được hưởng mức trợ cấp 270 nghìn đồng/người/tháng và bảo hiểm y tế. Đối với người cao tuổi được nhận nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại khoản 2 điều 18 Luật người cao tuổi, thì được hưởng mức trợ cấp 360 nghìn đồng/người/tháng và hiện nay Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đang dự kiến đề xuất mức hưởng trợ cấp xã hội từ năm 2021 tăng lên là 360.000 đồng/tháng và từ ngày 01/01/2023 là 500.000 đồng/tháng. Chương trình quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020 xác định các nhóm mục tiêu thể hiện sự quan tâm và mong đợi của nhà nước và xã hội trong phát huy vai trò kinh tế của NCT thông qua hệ thống chỉ tiêu mà chương trình đề ra [5]. Và gần đây nhất ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 [6]. Chương trình đưa ra nhiều chỉ tiêu quan trọng và bao phủ, trong đó đáng kể đến các chỉ tiêu như 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;  Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030; Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030;  Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030; 100% năm 2030; Số xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có ít nhất 01 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới.

 Nhìn một cách tổng thể cho thấy  Hiến Pháp và Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để ban hành và thực thi các chính sách xã hội đối với người cao tuổi. Rà soát các văn bản pháp luật, chương trình, chính sách xã hội đối với người cao tuổi cho thấy việc đề cao phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy các vai trò của NCT một cách tối ưu thể hiện tính nhân văn của Nhà nước Việt Nam đối với NCT, đặc biệt khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong chăm sóc và phụng dưỡng NCT, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và các nguồn lực hiện nay của Việt Nam.

Tuy nhiên với dự báo về tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam trong nhóm nước nhanh nhất thế giới thì trong tương lai việc ứng phó với những áp lực dân số già, tỷ trọng dân số phụ thuộc tăng nhanh trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh nỗ lực vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thì sẽ là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính sách xã hội cũng như việc xây dựng một chính sách xã hội thích ứng với già hóa dân số cần được tính toán kỹ và phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội và cân đối các nguồn lực sẵn có.

 

3. Những hàm ý chính sách xã hội cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số

Từ sự phân tích trên cho thấy, cùng với nhiều thách thức lớn khác, hiện nay Việt Nam đang đối diện với nguy cơ dân số bước vào giai đoạn già hoá. Một là, già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc, quy mô gia đình thay đổi. Khi tuổi thọ gia tăng và con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. So với các nước phát triển thì  dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng về mô hình và ở cấp độ cá nhân thì phần lớn người cao tuổi thiếu hụt nguồn lực tài chính, hiện nay ở khu vực nông thôn thì đa số người cao tuổi vẫn sống dựa vào sự chăm sóc, hỗ trợ của con cháu là chủ yếu. Hai là, các nghiên cứu về người cao tuổi cũng đã chỉ ra trong tương lai với tốc độ già hóa vào nhóm nhanh nhất thế giới thì trong vài thập kỷ tới người cao tuổi Việt Nam cùng lúc đối mặt với nhà ở, chăm sóc y tế và an sinh xã hội. Hơn nữa khi tuổi thọ tăng lên thì đổi với nhóm hưởng lương hưu cũng kéo dài hơn và là áp lực dễ nhìn thấy đối với hệ thống y tế và quỹ lương hưu.

Vì vậy việc thiết kế hệ thống chính sách xã hội cho người cao tuổi thích ứng với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam cần được coi là một trọng tâm của chính sách xã hội. Thiết nghĩ, chính sách xã hội cho người cao tuổi cần tập trung chú ý đến những vấn đề sau:

 

Thứ nhất, cần rà soát tổng thể các chính sách xã hội cho người cao tuổi hiện nay  và  tập trung vào các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để đánh giá một cách tổng thể những điểm mạnh, điểm yếu và khoảng trống của chính sách để từ đó từng bước xây dựng một hệ thống chính sách xã hội tổng thể, bao trùm đối với nhóm NCT từ chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội, việc làm phù hợp và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Bởi lẽ thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc NCT, khai thác các tiềm năng, thế mạnh từ nguồn lực của NCT một cách tối ưu sẽ góp phần giải quyết những “khủng hoảng” của dân số già mà các nước đã và đang trải qua. Với một quốc gia đang trong quá trình vượt lên “bẫy thu nhập trung bình” thì việc vừa khai thác lợi thế dân số vàng vừa xây dựng chính sách thu hút NCT vào thị trường lao động là một chiến lực mang tính dài hơi và hiệu quả.

 

Thứ hai, phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đa dạng hơn, phù hợp với các nhóm xã hội người cao tuổi theo giới, nơi ở, thu nhập và các nhóm tuổi của người cao tuổi. Giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội đối với nhóm người cao tuổi trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Hệ thống khoa Lão khoa ở các bệnh Viện tuyến tỉnh và Huyện cần có chiến lược dài hạn và đầu tư nguồn lực. Cần chú ý cải thiện cơ hội tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc y tế có khả năng chi trả và thân thiện đáp ứng đa dạng các nhóm xã hội NCT. Ngoài hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước cho NCT thì cần đặc biệt chú ý các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; thành lập các quỹ trợ giúp NCT lúc gặp khó khăn để kịp thời động viên vật chất và tinh thần cho NCT khi gặp các cú sốc hay những rủi ro trong cuộc sống. Phát huy vai trò Hội người cao tuổi ở các cấp, các ngành.  Các Bộ, ngành và Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu đến phương án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về  NCT trong đó chú trọng các yếu tố như: Dân tộc, giới tính, nơi ở, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, việc làm,... để thực hiện việc quản lý và chăm sóc NCT một cách hệ thống và toàn diện hơn.

 

Thứ ba, Một trong những mối quan tâm hàng đầu của NCT trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam là đảm bảo thu nhập. Bên cạnh yếu tố chăm sóc y tế thì vấn đề việc làm và thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng NCT thường xuyên đề cập đến. Vì vậy, để giúp người cao tuổi tăng thu nhập từ việc làm thì việc tăng cường hơn nữa khả năng tham gia thị trường lao động của NCT, thích ứng với bối cảnh già hóa dân số và suy giảm nguồn cung lao động thì cở cấp độ quốc gia, gia đình và cá nhân cần có những giải pháp và lộ trình phù hợp hướng đến tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi. Hiện nay các nghiên cứu đều chỉ ra  nhu cầu việc làm NCT là đáng kể và họ vẫn có đóng góp khá quan trọng cho kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay NCT đối diện với nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp vì những lý do về sức khỏe, học vấn, kỹ năng lao động và nơi ở. Vì vậy đa dạng hóa ngành nghề, việc làm ở khu vực nông thôn để nhóm người cao tuổi có cơ hội tiếp cận được việc làm và cải thiện thu nhập cũng như đời sống tinh thần. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng NCT vào các việc làm phù hợp và trả lương xứng đáng, cũng như các điều kiện về bảo hiểm. Khủng hoảng về tài chính và thu nhập của NCT sẽ là thách thức đối với chính bản thân họ trong việc kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh hay nói cách khác là thực hiện Già hóa thành công.

 

Thứ tư, trong bối cảnh xu hướng nữ hóa người cao tuổi, thì việc quan tâm đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhóm nữ cần tính đến những yếu tố đặc thù theo giới. Trong tương quan với nhóm nam giới, phụ nữ là nhóm dễ tổn thương hơn, tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật cũng cao hơn và sự đối mặt cuộc sống độc thân, góa cao hơn nam giới. Không nên áp dụng một chính sách chung đồng nhất cho nhóm người cao tuổi thiếu nhạy cảm giới. Chính sách xã hội cần đảm bảo sự bao trùm và tính đến sự đa dạng về các chiều cạnh: giới tính, độ tuổi, dân tộc, giáo dục, thu nhập và sức khỏe. Sàn an sinh xã hội cần phải được thực hiện đảm bảo cho nhóm nữ được tiếp cận đến các dịch vụ xã hội và y tế thiết yếu cho NCT trong đó chú ý tính đặc thù của giới tính nữ. Đặc biệt trong nhóm người cao tuổi có nhóm dễ tốn thương nhất như nhóm già  nhất, không biết chữ, sống vùng sâu vùng xa, người đồng bào dân tộc thì chính sách xã hội cần có những chương trình và mô hình can thiệp dành riêng cho nhóm này./.

 

Đặng Thị Ánh Tuyết[1]

Lại Thị Thu Hà[2]



[1] PGS,TS Học viện CTQG Hồ Chí Minh

[2] ThS, NCVC Học viện CTQG Hồ Chí Minh

[3]http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=222363

[4]Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tháng 7 năm 2011.

[5]http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210245/Chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-doi-voi-gia-hoa-dan-so-o-Viet-Nam.html

[6] Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, T2, tr 136.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết