“Chống dịch như chống giặc”; “Nhiệm vụ trên hết, trước hết là bảo vệ sinh mạng, sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội” – đó là khẩu hiệu hành động hiện nay đang đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở nước ta.
Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch nguy hại có tác động to lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Đây là một dịch bệnh có sức tàn phá và hủy diệt khủng khiếp. Điều rất khác biệt của đại dịch lần này chính là sự lan tỏa vô cùng nhanh chóng. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trở thành cơ hội đưa Covid-19 đi theo các đường hàng không, đường bộ, đường thủy đến tất cả các châu lục và tàn phá nghiêm trọng ngay cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản… Covid-19 đã xâm nhập tới hơn 200 nước trên thế giới; làm cho hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội ở các nước bị ngưng trệ, đảo lộn, đứt gãy; có nơi, có lúc bị hỗn loạn. Kinh tế thế giới đứng trước thách thức nghiêm trọng, rơi vào cuộc khủng hoảng mới khó đoán định. Covid-19 làm gia tăng các nhân tố bất ổn, bất trắc và bất định trên phạm vi thế giới, khu vực và trong nhiều quốc gia, làm gia tăng sự phức tạp trong quan hệ quốc tế. Với các mức độ khác nhau, các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly tập trung, cấm đoán hoặc hạn chế các hoạt động tối cần thiết trong đời sống gây tâm trạng bất an, lo âu và bào mòn cuộc sống của người dân.
Là một nước đang phát triển với số dân gần một trăm triệu, hệ thống y tế còn những mặt hạn chế nhưng Việt Nam nổi lên như một hình mẫu thành công trong chống dịch thời gian qua và có được những kinh nghiệm quý. Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã bám sát các diễn biến của tình hình; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả, phù hợp, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những giải pháp chính xác, quyết liệt và hiệu quả đã được Chính phủ đưa ra và thực thi lập tức, đồng bộ như kiểm dịch trên diện rộng, truy tìm đến cùng những nguồn tiếp xúc với mầm bệnh. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” là câu cửa miệng và cũng là hành động cụ thể, sâu sát, tỉ mỉ của công tác chống dịch thời gian qua.
Mô hình chống dịch hiệu quả với sự đồng thuận xã hội cao, chi phí thấp của chúng ta vừa qua được nhân dân trong nước ghi nhận và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên tình hình dịch bệnh hiện nay đã có những diễn biến mới phức tạp hơn trước nhiều lần. Trong những tuần trước đây, biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) đã gây báo động khắp thế giới khi lây lan nhanh ở các nước được coi là đã chống dịch thành công như Mỹ, Anh, Israen… và ở nước ta đã không phải là ngoại lệ. Các biến thể mới, sự tiếp cận vắc xin không đồng đều và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách đã trở thành yếu tố để dịch bệnh quay trở lại với qui mô và mức độ nguy hiểm hơn trước.
Trên thế giới, các ca mắc Covid-19 mới có suy giảm trong 2 tháng gần đây nhưng nay đang tăng trở lại. Tới cuối tháng 7-2021 thế giới đã ghi nhận gần 200 triệu ca mắc và hơn 4 triệu người tử vong. Ở nhiều nước Đông Nam Á dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường. Tại nước ta, nếu như đợt dịch thứ nhất (từ ngày 22/1/2020 đến ngày 05/3/2020) có 16 ca mắc; đợt 2 (từ ngày 06/3/2020 đến ngày 22/7/2020) với 399 ca mắc; đợt 3 (từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/4/2021) với 2.427 ca mắc; thì đợt 4, tính từ ngày 27/4/2021 đến 29/7/2021 đã có tới 124.584 ca mắc.
Nếu tính kể từ khi dịch bùng phát từ đầu 2020 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128.360 ca nhiễm, 31.776 người khỏi bệnh, 95.721 bệnh nhân đang điều trị và 863 ca tử vong.
Như vậy, trên thế giới, khu vực và ở trong nước đợt dịch này đã có những biến đổi nhanh chóng, nguy hiểm hơn nhiều so với thời gian trước đây và trở thành thách thức to lớn mà chúng ta phải đương đầu, đòi hỏi phải có những định hướng và giải pháp quyết liệt hơn. Vấn đề đặt ra là cần bình tĩnh, vừa kiên định thực hiện những biện pháp hữu hiệu đã làm, vừa tiếp tục thực thi những biện pháp mới nhanh hơn, mạnh hơn và phù hợp hơn với tình hình. Một số định hướng và giải pháp sắp tới là: Thứ nhất, phải xác định diễn biến mới của dịch bệnh phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, cần theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình để có các phương án phòng chống dịch kịp thời, đúng hướng, toàn diện, tổng thể, hiệu quả với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa có giải pháp chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và “thế trận lòng dân” trong phòng chống dịch. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở và lực lượng tuyến đầu, các địa phương, đơn vị, huy động mọi lực lượng, mọi tổ chức cùng toàn dân tham gia, tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với các chủ trương, giải pháp chống dịch. Thứ ba, linh hoạt, sáng tạo, chủ động trong việc mua, nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vắc xin Covid đủ để miễn dịch cộng đồng chắc chắn. Kiên trì thực hiện giải pháp “5K + Vắcxin” đối với mọi cá nhân. Có chủ trương, biện pháp cụ thể để có đầy đủ thiết bị y tế cần thiết, kịp thời bảo đảm điều kiện tốt nhất cho việc chữa bệnh. Các giải pháp chống dịch Covid-19 phải mang tính đồng bộ và quyết tâm cao, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân duy trì sản xuất, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế để vượt qua dịch và chuẩn bị mọi điều kiện tranh thủ cơ hội bật dậy sau dịch. Với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam từng hiên ngang vượt qua mọi thách thức để chiến thắng mọi kẻ thù, nhất định chúng ta sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh, phục hồi sản xuất, bình thường hóa mọi hoạt động kinh tế - xã hội và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước./.
GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương