Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đảm bảo an ninh lương thực trước cú sốc COVID-19

Ngày phát hành: 02/08/2021 Lượt xem 1431

                                            

     Trước những diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 suốt gần 2 năm qua, đảm bảo an ninh lương thực trở thành một bài toán cấp thiết đặt ra đối với toàn cầu. An ninh lương thực vốn được coi là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sức khỏe và phúc lợi cộng đồng. Đây cũng là chìa khóa quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia.

 

Phụ nữ nhận lương thực cứu trợ tại Jalalabad, Afghanistan, ngày 20/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

      * COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng
     Gần 2 năm sau khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã tấn công mạnh nhất những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó, phụ nữ và những lao động yếu thế phải đối mặt với tình trạng mất việc làm tồi tệ nhất.
     COVID-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và làm chuỗi cung ứng thực phẩm bị phá vỡ, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.  Giới phân tích lo ngại rằng, tình hình có thể còn tồi tệ hơn khi dịch COVID-19 và hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ làm trầm trọng hơn các nguy cơ liên quan xung đột và đói nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người từ khắp các châu lục mất việc làm và lần đầu tiên phải sống dựa vào nguồn cung cấp thực phẩm miễn phí. Trong khi đó, tổ chức Oxfam cho biết, có tới hơn 50 triệu người ở Ðông và Trung Phi đã đề nghị cứu trợ lương thực khẩn cấp. Con số nêu trên dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khu vực này còn phải chịu hạn hán nghiêm trọng liên quan hiệu ứng La Nina và nạn châu chấu.
     Nạn đói có nguy cơ gia tăng còn do giá lương thực đã và tăng phi mã gần đây. Theo báo cáo Triển vọng Lương thực được FAO công bố hai lần/năm, chi phí nhập khẩu lương thực của thế giới, bao gồm cả chi phí vận chuyển, dự kiến đạt mức kỷ lục 1.715 tỷ USD trong năm 2021, so với con số 1.530 tỷ USD trong năm 2020. Trước đó, FAO cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó. Tình hình này khiến vấn đề an ninh lương thực “nóng” tại nhiều quốc gia.
     Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá lương thực tăng mạnh là do lượng nhập khẩu lương thực cơ bản tăng mạnh vào năm 2020 khiến chi phí nhập khẩu toàn cầu tăng lên mức kỷ lục là 3%. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu thực phẩm cũng khiến giá nông sản thế giới tăng cao. FAO dự báo rằng, nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ tăng lên mức 24 triệu tấn, cao hơn mức dự báo 22 triệu tấn trước đó.
     Việc giá lương thực tăng cao, trong khi số người mất việc làm gia tăng; chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.
     Theo dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành nông nghiệp rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Điều này tạo ra điểm nghẽn về thị trường lao động, cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, vận tải và hậu cần… Nguy cơ mất an ninh lương thực hiển hiện rõ nhất tại các nước có giá bán lẻ cao hơn, nhưng thu nhập lại giảm vì dịch bệnh. Thế giới có thể có thêm 132 triệu người rơi vào tình cảnh thiếu đói, bên cạnh 690 triệu người đã thuộc diện này từ trước đó. Đồng thời, sẽ có khoảng 135 triệu người phải chịu ảnh hưởng từ mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
     Riêng khu vực Tây và Trung Phi, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) hồi tháng 4 vừa qua đã cảnh báo an ninh lương thực đang đe dọa khu vực với khoảng 31 triệu người bị đói trong thời gian chuyển giao mùa từ tháng 6 đến tháng 8/2021. Theo Giám đốc FAO ở Tây và Trung Phi Chris Nikoi, giá cả tăng “theo cấp số nhân” đã làm gia tăng sự nghèo đói, đẩy hàng triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực và tuyệt vọng. So với mức trung bình của nhiều năm trước, các sản phẩm lương thực địa phương đã tăng gần 40%, và trong một số khu vực, giá đã tăng hơn 200%.
     Bên cạnh đại dịch COVID-19, các cuộc xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Trong một phát biểu gần đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh tình trạng xung đột và nạn đói đang tác động lẫn nhau. Ông thúc giục các nhà lãnh đạo nhanh chóng tìm biện pháp để chấm dứt vòng luẩn quẩn này.
     Hơn thế nữa, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp. Nửa đầu năm 2021, nhiều nơi trên thế giới đã phải trải qua những trạng thái thời tiết khắc nghiệt bất thường. Biến đổi khí hậu đã góp phần tạo ra các cơn bão và hình thái thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới, như mưa lớn ở Đông Nam Á, thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ, băng giá hay mưa lũ ở châu Âu... Từ đó ảnh hưởng lớn đến thời gian gieo trồng và năng suất các sản phẩm nông nghiệp.

 

Trẻ em Syria nhận lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở gần làng Yazi Bagh, phía bắc tỉnh Aleppo. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

     * Tìm giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm
     An ninh lương thực luôn là một trong những yếu tố sống còn đối với sự thành bại của việc thực thi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Đây cũng là "chìa khóa" quan trọng quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển đổi nông nghiệp tại một số quốc gia, là tiền đề để những quốc gia này hội nhập hiệu quả hơn vào thị trường khu vực và quốc tế.
     Trong bối cảnh nhiều dự báo cho rằng, tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 còn có thể kéo dài sang năm 2022, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang khẩn trương kêu gọi một sự hợp tác toàn cầu nhằm thay đổi mạnh mẽ hệ thống lương thực-nông nghiệp.  
     Tháng 6/2021, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 250 triệu euro nhằm giải quyết nạn đói tại châu Phi, Afghanistan và Venezuela. Khoản tiền này được trích từ ngân sách của EU và dành cho các nước đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng mạnh. 
     Trong khi đó, tại Seoul, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) tháng 6/2021, Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Nông thôn Hàn Quốc đã tổ chức phiên họp chuyên đề về nông nghiệp và thực phẩm. Các đại biểu tham dự đã nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ đối tác công-tư và hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh (sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường) trong ngành lương thực.
     Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tháng 6/2021 tại thành phố Matera, miền Nam Italy cũng đã thông qua tuyên bố về việc nâng cao vai trò của Liên minh lương thực do Italy phát động trong Tổ chức FAO và tái cam kết việc xây dựng các chuỗi thực phẩm bền vững và linh hoạt. Đây là những nỗ lực rất lớn của Italy nhằm cung cấp động lực chính trị cần thiết để đạt được mục tiêu “Không còn người bị đói vào năm 2030”.
     Và mới nhất, tại hội nghị trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thế giới vừa diễn ra tại Rome (Italy) từ ngày 26 đến 28/7/2021, Liên hợp quốc đã đặc biệt kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế về vấn đề mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các nước nghèo và đang phát triển, thúc đẩy những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo, đói, bất bình đẳng và các thách thức khác vào năm 2030. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang kéo theo khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, gây ra bệnh tật và tử vong trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo thế giới đều thống nhất cần phải thay đổi tư duy, các chính sách và mô hình kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) mà Liên hợp quốc đặt ra là vào năm 2030 sẽ không còn nạn đói.
     Phát biểu tại phiên họp cấp cao trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực-thực phẩm toàn cầu với tư cách là quốc gia cung cấp lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp với biến đổi khí hậu, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi các hệ thống lương thực-thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững... ./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết