Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), năm 1954
1. Là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị xã hội, lại là khát vọng muôn thuở của con người, dân chủ đã xuất hiện từ xa xưa. Thời Hy Lạp cổ đại đã dùng từ demokratina có nghĩa là dân chủ, quyền lực của nhân dân. Dân chủ là một phàm trù lịch sử, biến đổi và phát triển không ngừng cả về nhận thức và thực hành trong từng giai đoạn phát triển của xã hội loài người.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, dân chủ là một phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ; để khi ấy, con người sẽ từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin thường sử dụng khái niệm dân chủ trên nhiều phương diện khác nhau của xã hội. Khái niệm dân chủ như một hình thức nhà nước hay một chính thể dân chủ; dân chủ là vấn đề quyền lợi của nhân dân theo nghĩa rộng; dân chủ là nguyên tắc trong quản lý – tổ chức; dân chủ là khái niệm về tư tưởng, tinh thần dân chủ.
Với quan niệm dân chủ nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ, Hồ Chí Minh không chỉ đặt nhân dân lên vị thế chủ thể xã hội, mà còn nói rõ mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa vị thế chủ thể xã hội của nhân dân với hành động làm chủ xã hội của nhân dân. Người khẳng định “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là lợi ích thiết thực của nhân dân, là động lực thúc đẩy nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Với Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực không chỉ cho những thành công của cách mạng giải phóng dân tộc, mà cả cho những thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam.
2. Ở Việt Nam hiện nay, qua gần một thế kỷ lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, được toàn thể nhân dân tin tưởng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền là một lẽ đương nhiên. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Việt Nam không có tam quyền phân lập mà có sự thống nhất, phân công và phối hợp kiểm soát giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền vì Hiến pháp và pháp luật là tối thượng. Cơ chế vận hành thể chế chính trị của Việt Nam dựa trên nền tảng thống nhất giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tức là nền dân chủ mà ở đó tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân; pháp luật của Nhà nước vì lợi ích của nhân dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm toàn bộ các quyền của con người, quyền của công dân như quyền tự do cá nhân, tự do báo chí, hội họp, đi lại, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo, quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền nhà ở, nghỉ ngơi, học hành… Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương, quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là khẳng định quyền lực của nhân dân, là giải quyết mối quan hệ giữa quyền và lợi ích, quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm.
Qua các kỳ đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và cụ thể hơn về dân chủ và thực hành dân chủ. Đại hội IV của Đảng (năm 1976) khẳng định: Để đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, một trong những điều kiện tiên quyết là thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Các Đại hội tiếp theo của Đảng đều có những quan điểm sâu sắc về dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XII của Đảng khẳng định “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội[1]. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[2].
3. Thành công của Việt Nam trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là kết hợp hài hòa giữa nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về dân chủ để có chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phù hợp, là giữa lý thuyết về dân chủ với việc thực hành dân chủ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Thực hành dân chủ chính là hình thành những cơ chế, chính sách, những quy định, nguyên tắc và biện pháp hữu hiệu để bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền dân chủ, là hiện thực hóa phương châm mà Đảng đã xác định. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Thực chất của việc thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là phát huy vai trò chủ thể của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là phát huy vai trò tích cực, tự giác, sáng tạo của con người với tư cách là chủ nhân của xã hội. Mục tiêu của thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vững mạnh; giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo tiền đề đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ.
Nội dung cơ bản của thực hành dân chủ là Đảng lãnh đạo toàn bộ xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước là tổ chức quyền lực của nhân dân, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý, điều hành xã hội để thực hiện đường lối của Đảng và bảo đảm lợi ích của nhân dân; các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bảo đảm quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Nhân dân có quyền và trách nhiệm trực tiếp tham gia xây dựng, hoạch định và thi hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4. Hành trình 35 năm đổi mới đất nước vừa qua cũng là thời gian Việt Nam đẩy mạnh việc thực hành và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 35 năm đổi mới để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay chính là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân ta, đồng thời cũng là thành công của quá trình thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong 35 năm qua đã có những bước tiến rất quan trọng.
Thể chế thực thi các quyền làm chủ của nhân dân từng bước được xác lập, cụ thể hóa và đi vào cuộc sống như một lẽ đương nhiên. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ làm chủ của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều chủ trương, biện pháp phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân đã được thực hiện hiệu quả. Niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước được củng cố và trở thành quan hệ hữu cơ, bền chặt. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nước ta, gây nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội và chính trong hoàn cảnh đó dễ nhận thấy tính ưu việt của thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo nhạy cảm, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các ngành, các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng hành, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội của nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh để hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước phát triển quan trọng là cơ sở cho sự bảo đảm dân chủ trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đường lối xây dựng và phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh, hình thức phân phối, bình đẳng trước pháp luật, hoạt động theo pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đã tạo nền điều kiện nền tảng cho việc thực hành và phát huy dân chủ.
Trong lĩnh vực chính trị, dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức nhà nước, đoàn thể và xã hội trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử được mở rộng và phát huy hiệu quả tích cực. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm quyền dân chủ được chú trọng hơn. Hệ thống chính trị có những đổi mới theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả; dân chủ hóa, công khai minh bạch trong phương thức hoạt động, qua đó dân chủ xã hội ngày càng được phát huy, hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng mở rộng và phát huy dân chủ, phát huy tốt hơn vai trò giám sát và phản biện xã hội. Các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp ra đời đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân. Các hình thức thực hiện dân chủ (dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện) từng bước được mở rộng, đổi mới và thực hiện hiệu quả hơn.
Dân chủ trong lĩnh vực văn hóa – xã hội được đẩy mạnh và thực thi hiệu quả hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các giải pháp hữu hiệu trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, công nghệ, môi trường… ngày càng hoàn thiện và đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Nhiều văn bản pháp luật đã cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật được luật hóa và từng bước đi vào cuộc sống. Công bằng, bình đẳng xã hội có bước tiến bộ rõ rệt. Việt bảo đảm quyền con người, quyền công dân ngày càng được quan tâm và phát huy hiệu quả tích cực.
Có thể khẳng định việc thực hành dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam là phù hợp với điều kiện ở nước ta nên đã đưa tới những thành công tốt đẹp. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững chủ trương và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, mọi vấn đề từ cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược đến chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng đều được tổ chức thảo luận rộng rãi trong Đảng và lấy ý kiến của nhân dân. Tất cả những phương thức và giải pháp thực hành dân chủ ở Việt Nam đã đưa tới kết quả tốt đẹp, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là biểu tượng về dân chủ và vấn đề cốt tử để xây dựng bảo vệ Tổ quốc chính là phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Chính vì thế, trong Văn kiện Đại hội XIII, từ thực tiễn 35 năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 5 bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết, trong đó có bài học thứ hai là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sau sắc quan điểm dân là gốc; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”[3].
GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch HĐLLTW
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.169.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.173.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr 27-28.