Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp

Ngày phát hành: 01/04/2020 Lượt xem 50755


 

1. Tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp

C.Mác và Ph.Ăngghen đã phân tích xã hội đương thời, phân tích vị trí, vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, phân tích các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản đã đưa kết luận: những cuộc cách mạng sắp tới chỉ có thể thu được những thắng lợi nếu giai cấp nông dân ủng hộ những cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, nếu không thì bài “đơn ca” cách mạng của giai cấp vô sản sẽ trở thành bài “ai điếu”. Từ thực tiễn của các cuộc cách mạng, nhất là từ thực tiễn sinh động của Công xã Pari, C.Mác đã bổ sung cho lý luận của mình về liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân - đó là vai trò hết sức quan trọng của giai cấp nông dân không chỉ trong việc giành chính quyền mà cả trong việc giữ chính quyền.

Kế thừa, bổ sung và phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về vị trí, vai trò, nội dung của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, V.I.Lênin cho rằng, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nguyên tắc tối cao của chuyên chính vô sản. Lênin chỉ rõ: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiên phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, v.v..) hoặc với phần lớn những tầng lớp đó; liên minh nhằm chống lại tư sản, liên minh nhằm lật đổ hoàn toàn tư bản, tiêu diệt hoàn toàn sự chống cự của giai cấp tư sản và những mưu toan khôi phục của giai cấp ấy, nhằm thiết lập và củng cố vĩnh viễn chủ nghĩa xã hội”[1]. Lênin cũng chỉ rõ trong liên minh ấy, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo, thông qua đội tiên phong của nó là đảng cộng sản. Lênin đặc biệt nhấn mạnh sau khi giành được chính quyền, chuyển sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải lấy kinh tế làm cơ sở. Do đó, phải gắn kết công nghiệp với nông nghiệp và khoa học kỹ thuật.

Theo Lênin, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là một tất yếu khách quan:

Một là, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là điều kiện bảo đảm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân; là điều kiện quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hai là, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là mối liên hệ tự nhiên gắn bó và sự thống nhất lợi ích cơ bản của các giai cấp, tầng lớp.

Ba là, liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức xuất phát từ sự gắn bó tất yếu giữa công nghiệp với nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Nếu không có sự liên minh chặt chẽ giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức thì các ngành kinh tế sẽ khó phát triển. Khối liên minh này tạo ra sức mạnh to lớn. V.I.Lênin chỉ rõ: “... thực hiện liên minh công nông là một việc khó, nhưng vô luận thế nào đó cũng là khối liên minh vô địch duy nhất để chống lại bọn tư bản”[2].

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh và liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức

 

 

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân. Người khẳng định, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản. Hồ Chí Minh xác định giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ nhất, cách mạng nhất, là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo khối liên minh công nhân, nông dân và trí thức. Người khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”[3].

Hồ Chí Minh phân tích vị trí, vai trò của từng giai cấp, tầng lớp trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiên tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”[4].

Giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất, là quân chủ lực của cách mạng. Người chỉ rõ: “Trong điều kiện một nước nông nghiệp như nước ta thì vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân, cách mạng dân tộc thực chất là cách mạng của nông dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo”[5]; “Nhưng vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn, vững chắc. Thế là công nông liên minh”[6].

Hồ Chí Minh sớm đánh giá cao vai trò của trí thức. Người xác định trí thức là tầng lớp hàng đầu xã hội Việt Nam. Người xác định, trí thức là bộ phận trong lực lượng cách mạng và là đồng minh ngày càng quan trọng của giai cấp công nhân. Người chỉ rõ: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao”[7]; “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công cuộc cách mạng khó khăn nhiều”[8].

3. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp trong tiến trình cách mạng Việt Nam

 

 

Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp, thể hiện ở những điểm nổi bật sau:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức xây dựng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về thành lập đảng cộng sản vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động, trong đó nòng cốt là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (năm 1930), khẳng định công nông là gốc của cách mạng, trí thức, học trò, nhà báo là bầu bạn của cách mạng.

1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng.

2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến.

3. Đảng phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khởi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia.

4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”[9].

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng của Nhà nước.

Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội II của Đảng (năm 1951) đã nêu rõ: “Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính quyền dân chủ của nhân dân, nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ...

Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí óc làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo”[10].

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng năm 1991 (viết tắt là Cương lĩnh năm 1991) xác định: “xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do đảng cộng sản lãnh đạo”[11].

Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[12].

Liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.

Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định liên minh giai cấp với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

 Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội  IX của Đảng (năm 2001) đã nhìn lại Việt Nam trong thế kỷ XX và xác định triển vọng trong thế kỷ XXI. Đại hội khẳng định: Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội xác định: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp  hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội”[13].

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 7 khóa IX đã ban hành Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đã khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các Đại hội X, XI và XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm trên. Đại hội XII xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”[14].

4. Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh quan điểm của Đảng ta về liên minh giai cấp công nhân với nông dân và trí thức là đúng đắn, khẳng định tư tưởng của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp vẫn còn nguyên giá trị

 

 

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp. Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được phát huy, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua gần 35 năm đổi mới.

Thực tiễn liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức của Việt Nam cùng với thực tiễn trên thế giới (cả thành công và thất bại) là minh chứng hùng hồn cho tư tưởng của Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp vẫn còn nguyên tính khoa học và cách mạng.

Để tiếp tục đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta phải tiếp tục vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp trong điều kiện mới, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế số... Đồng thời, Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức./.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

 



[1] V.I.Lênin: Toàn tập, t.38, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.452.

[2] V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.340.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.441.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.256.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.416.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.258.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.542.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.235.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập,  t.3, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.3.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.274.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2001, tr.437.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2011, tr.85.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2001, tr.86.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia, HN, 2016, tr.158.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết