Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Giải pháp nào cho khủng hoảng lương thực toàn cầu?

Ngày phát hành: 05/10/2022 Lượt xem 2666

 

Theo đánh giá của giới phân tích, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất và phân phối lương thực, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine cũng đẩy giá lương thực và phân bón tiếp tục tăng mạnh. Hệ quả là dẫn tới một cuộc khủng hoảng lương thực đang lan rộng trên toàn cầu.


 48 quốc gia đối mặt khủng hoảng lương thực
Theo cảnh báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 48 quốc gia trên thế giới phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, trong số đó, 10-20 quốc gia có khả năng sẽ yêu cầu viện trợ khẩn cấp và phần lớn thuộc khu vực tiểu Sahara ở châu Phi. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết đến tháng 6/2022, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng - những người có khả năng tiếp cận thực phẩm trong thời gian ngắn bị hạn chế đến mức cuộc sống và sinh kế của họ đang gặp nguy hiểm - đã tăng lên 345 triệu người ở 82 quốc gia. Liên hợp quốc thì ước tính tình hình xung đột tại Ukraine đã đẩy thêm 47 triệu người vào cảnh “đói nghèo cùng cực”.


Thực tế cho thấy, vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng trở nên cấp bách kể từ khi giá lương thực tăng cao do căng thẳng Nga-Ukraine. Lý do là Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch và dầu hướng dương lớn nhất thế giới còn Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine được cho là đang tiếp tục làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, với giá năng lượng, thực phẩm, phân bón biến động và tăng cao, các chính sách thương mại hạn chế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Mặc dù giá lương thực toàn cầu có giảm và việc xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen được nối lại, nhưng thực phẩm vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều người do giá cao và các “cú sốc” thời tiết.


Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định các cuộc xung đột và những tác động liên quan đến khí hậu sẽ vẫn là những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực và trong thời gian tới, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Thị trường phân bón vẫn biến động, đặc biệt là ở châu Âu, nơi nguồn cung khí đốt tự nhiên thắt chặt và giá cao, có thể làm giảm tỷ lệ bón phân cho vụ mùa tiếp theo, kéo dài và làm sâu sắc thêm ảnh hưởng của khủng hoảng.


Trước tình hình nghiêm trọng của khủng hoảng lương thực toàn cầu, FAO nhấn mạnh: "Chúng ta cần tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng về tiếp cận lương thực trở thành một cuộc khủng hoảng về cung cấp lương thực". Hồi tháng 7 vừa qua, FAO, IMF, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), WFP và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu.

 


 Cần một sự nỗ lực hơn nữa
Các nhà quan sát nhấn mạnh giải quyết khủng hoảng lương thực cũng như duy trì động lực và xây dựng khả năng phục hồi cho tương lai đòi hỏi các nỗ lực: Phối hợp toàn diện liên tục nhằm hỗ trợ sản xuất và thương mại hiệu quả; Cải thiện tính minh bạch; Đẩy nhanh đổi mới và lập kế hoạch chung; Đầu tư vào chuyển đổi hệ thống lương thực. Những người đứng đầu các tổ chức quốc tế cần tiếp tục cam kết làm việc cùng nhau để giải quyết nhu cầu dinh dưỡng và an ninh lương thực tức thời, giải quyết các vấn đề cấu trúc thị trường có thể làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi và xây dựng khả năng phục hồi của các quốc gia để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai.


Với nhận định “Thiệt hại về người, xã hội và kinh tế do xung đột luôn rất lớn, vì vậy hòa bình là điều kiện tiên quyết để phục hồi các hệ thống nông nghiệp - thực phẩm quốc gia và quốc tế”, FAO kêu gọi các nước tăng cường khả năng chống chịu và nỗ lực hơn nữa vì hòa bình.


Trong khi đó, WTO khẳng định trong bối cảnh suy thoái toàn cầu có thể diễn ra, ưu tiên hàng đầu của WTO trong thời gian tới sẽ là giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư nghèo nhất của thế giới. WTO bày tỏ hy vọng rằng các hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón được áp dụng kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine cuối cùng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn bởi việc chấm dứt xung đột có thể không giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng sẽ đóng góp quan trọng để tháo gỡ bế tắc.


Nhằm hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó với tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng cao do hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine, IMF cuối tháng 9 vừa qua đã đưa ra các thủ tục hỗ trợ vay vốn ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực mới trong khuôn khổ các công cụ tài chính khẩn cấp hiện nay.


Tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế Oxfarm lại đưa ra quan điểm cuộc chiến chống đói nghèo có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc chiến chống bất bình đẳng và cần phá bỏ thế độc quyền và áp thuế lợi tức phụ thu trong hệ thống lương thực thế giới nhằm ngăn chặn nạn đói. Oxfarm nêu rõ toàn bộ hệ thống lương thực đã được định hình theo cách "rất mong manh và là một hệ thống vô cùng bất bình đẳng". Toàn bộ hệ thống này được sắp đặt theo cách mang lại lợi ích cho 1% các tập toàn lương thực quy mô rất lớn trong khi chính những người nông dân canh tác quy mô nhỏ lại phải chịu cảnh đói kém do mùa màng thiếu phân bón và chịu những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu./.

 

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết