Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Giáo dục trong tương lai ở Việt Nam

Ngày phát hành: 04/09/2019 Lượt xem 3730

 

I. Những xu thế mới của giáo dục trong tương lai

Khi nói đến giáo dục trong tương lai tức là nói đến giáo dục trong một thời kì mà công nghệ thông tin xâm nhập rất mạnh vào giáo dục. Sự xâm nhập này có thể tạo ra một số thay đổi lớn và những xu thế sau:

1. Cá nhân hóa triệt để trong dạy học (Personalized Learning)

Dạy học hướng đến sự phát triển của mỗi cá nhân là mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục. Với mục tiêu như vậy quá trình dạy học phải có tính phân hóa. Sự phân hóa trong dạy học trong các nhà trường cho đến thời điểm này thường mới chỉ thực hiện ở mức tổ chức dạy học phù hợp với năng lực và nhu cầu của những nhóm người học (ví dụ như chia học sinh thành các ban) mà chưa phải là hướng đến từng cá nhân người học. Ở mức độ phân hóa sâu hơn người ta đã cho mỗi học sinh lựa chọn một số môn học. Sự phân hóa như vậy đã hướng nhiều hơn đến các cá nhân nhưng vẫn chỉ có rất ít sự lựa chọn cho mỗi người học. Trong tương lai nhờ sụ hỗ trợ của công nghệ số quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”. Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh chọn môn học, chọn một số phần của nội dung môn học,  chọn cách thức, các kĩ thuật, công cụ học và cả thời gian học phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung của mỗi môn học. Mỗi học sinh cũng sẽ được yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ riêng để đánh giá được sự tiến bộ của bản thân.

 

 

2. Không gian học linh hoạt và xu hướng học ở nhà (Home schooling)

Vì việc học có thể diễn ra mọi nơi và mọi lúc nên các nhà trường với ý nghĩa vật chất (các ngôi nhà và khuôn viên với kiến trúc xây dựng cụ thể) trong tương lai không còn như trước. Ở nhiều nước người ta dự báo về tình trạng “no physical campuses” (không còn các trường học truyền thống nữa) và học sinh có thể được lựa chọn học ở những nơi thích hợp nhất. Trong tình hình như vậy có một xu thế nổi lên là “Học ở nhà” (Home schooling). Ngay từ những thập niên cuối thế kỉ 20 xu hướng home schooling đã phát triển ở Mỹ và một số nước châu Âu. Nhiều cha mẹ không muốn cho con tới trường khi phát hiện ra rằng trong cặp của các học sinh ở trường có cả súng và bao cao su. Họ muốn con cái được học ở nhà do cha mẹ hoặc thuê gia sư dạy theo các chương trình của nhà trường. Một số bang ở Mỹ cho phép kiểu học như vậy. Một số nơi thì còn e ngại rằng liệu cha mẹ có đủ kiến thức để dạy con theo các chương trình của nhà trường. Ngày nay và nhất là trong tương lai gần nhờ các công nghệ số trong dạy học những mối lo ngại này không còn nữa. Trẻ em ở nhà với máy tính hay điện thoại di động cũng có thể tiếp cận với những nguồn tri thức phong phú, được nghe những bài giảng và có thể tương tác với những người dạy có trình độ cao. Một nghiên cứu về Home schooling cho biết ở Mỹ hiện nay có trên 2,5 triệu trẻ em, (chiếm tỉ lệ 4% trẻ em ở Mỹ ) là những Home schooler. Con số này cũng phát triển ở một số quốc gia Châu Âu. Người ta chỉ ra một số thuận lợi của home schooling:

  • Chi phí rẻ cho các gia đình
  • Tâm trạng thoải mái cho trẻ
  • Sự gắn bó nhiều hơn của trẻ đối với gia đình.

Mong muốn về home shooling đã xuất hiện ở Việt nam trong một số năm gần đây chủ yếu tại Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và thường ở những gia đình mà các cha mẹ đã từng sống làm việc ở nước ngoài và ở cả những gia đình mà người ta không còn đặt quá nhiều niềm tin vào sự bình yên của các nhà trường. Mặc dù hiện nay chúng ta chưa chấp nhận và chưa có một chủ trương nào về việc này nhưng xu thế học ở nhà sẽ phát triển ở Việt nam trong nhiều năm tới khi mà công nghệ sốlàm thay đổi cách học truyền thống và việc học ở nhà thực sự có những ưu điểm. Chúng ta không thể không xem xét tới những nguyện vọng như vậy trong tương lai.

3. Cơ hội thực hiện những tư tưởng tích cực của giáo dục học

Đã từ nhiều năm qua những tư tưởng tích cực của giáo dục thường chỉ được nhắc đến trong các cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học như là những khẩu hiệu (ví dụ “Học sinh là trung tâm của quá tình dạy học” , dạy học khám phá, dạy học tương tác…) nhưng thực tiễn dạy học đã không diễn ra theo đúng ý nghĩa của những tư tưởng này. Rồi đây học với công nghệ thông tin (CNTT) người học phải thực sự khám phá kiến thức với sự trợ giúp và hướng dẫn của giáo viên và do đó họ thực sự được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình dạy học. Bản chất của Dạy Học sẽ trở về đúng nghĩa của nó, tức là dạy học là dạy cách học, dạy cách khám phá kiến thức. Lí thuyết tương tác trong dạy học (interractive learning) đã từng chỉ được hiểu ở mức độ đơn sơ và hình thức, tức là chỉ tạo ra những hợp tác đơn giản trong lớp học. Giờ đây ngồi trước máy tính hay điện thoại di động (ĐTDĐ) học sinh thực hiện những chia sẻ, trao đổi thông tin liên tục, tức là tương tác thực sự với cả ba thành phân củả quá trình dạy học: Người học - Người dạy - Môi trường (trong đó có các tài liệu học). Lí thuyết kết nối (connectivism) giờ đây sẽ được vận dụng thực sự trong các qúa trình  học với công nghệ số: kết nối các nguồn tri thức; kết nối các thành phần của quá trình học (người dạy - người học - tài liệu).

Như vậy nhờ sự xâm nhập mạnh của CNTT các tư tưởng dạy học tích cực vốn rất khó thực hiện trong khuôn khổ các lớp học truyền thống chật hẹp, với thời gian hạn chế  của một tiết học và với  người giáo viên đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức duy nhất... sẽ được thể hiện thực sự trong quá trình dạy học với công nghệ số.

Còn có thể nói đến rất nhiều ưu thế cũng như xu thế mà CNTT mang đến cho giáo dục. Tuy nhiên cần lưu ý rằng trong nhiều bài nghiên cứu về CNTT trong giáo dục thường thấy có những bình luận khá giống nhau, đại thể như là: “It is believed that ICT have possitive effect on students’ achievement” (Được tin rằng CNTT có ảnh hưởng tích cực tới kết quả học của học sinh), hoặc là “We believe that  ICT empower our students” (Chúng ta tin là CNTT làm tăng cường khả năng của học sinh của chúng ta). Đó chỉ là niềm tin và hầu như tất cả chúng ta đều tin như vậy. Phải thừa nhận là  đến thời điểm này trên thế giới chưa có những nghiên cứu đủ sâu đề đo được, xác định được những thay đổi cụ thể về người hoc nhờ CNTT. Giáo sư Greenberg, tác giả của bài viết “Education in digital age” đã viết: “Thành thực mà nói chúng ta chưa có những chứng cứ cụ thể để khẳng định rằng công nghệ thực sự cải thiện giáo dục. Chúng ta chỉ lạc quan một cách cẩn trọng rằng công nghệ đang có những tác động rõ nét với giáo dục”.

Ở Việt Nam lại càng chưa có những nghiên cứu cụ thể để khẳng định về tác động của CNTT đến kết quả học của người học. Chúng ta cũng chỉ có niềm tin lạc quan về những gì CNTT mang đến cho giáo dục. Tuy nhiên bên cạnh niềm tin vào những yếu tố tích cực cũng cần tỉnh táo để nhận thức đươc những thách thức và những bất lợi có thẻ xảy ra trong giáo dục ở tương lai.

II. Những thách thức và những mặt trái

Có thể nói tới một số thách thức đáng suy ngẫm sau đây:

1. Sự phát triển thiếu hài hòa đối với nhân cách của trẻ

Các nhà giáo dục có lí khi lo sợ rằng sự lạm dụng CNTT sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách hài hòa của trẻ. Theo dõi “Education Forum” trên tờ The Guuardian “một tờ bào nổi tiếng ở Anh có số lượng người truy cập tương đương với só người truy cập tờ “The New York Times” có thể thấy có rất nhiều ý kiến chia sẻ của giáo viên, cha mẹ về vấn đề này...  Người ta lo ngại rằng ở tiểu học trẻ thường phát âm sai và không có khả năng đọc thành thạo. Học sinh không tự làm được các phép toán cộng, trừ nhân chia, không thuộc các bảng cửu chương, không được yêu cầu học thuộc lòng để nhớ những sự kiện. Tất cả đã dựa vào sự làm thay của máy tính… làm thế nào có thể phát triển được các kĩ năng tư duy bậc cao (tư duy phê phán, tư duy sáng tạo) khi mà những tư duy bậc cao này phải dựa trên nền tàng của những tư duy cơ bản (basic thinking) như  trí nhớ, tái hiện…

Ở giáo dục trung học khả năng tưởng tượng, phán đoán của học sinh dựa nhiều vào máy tính có nguy cơ giảm sút. Một nghiên cứu ở Mĩ mô tả một tọa đàm với các giáo viên toán trung học. Có tới 87% số giáo viên được hỏi ý kiến cho rằng khả năng phán đoán của trẻ khi làm các bài toán cần đến sự phán đoán (ví dụ các bài toán tìm tập hợp các điểm cùng thỏa mãn một tính chất nào đó) ở những học sinh dựa nhiều vào máy tính là thấp hơn so cới các học sinh ít làm việc với máy tính. Nên nhớ là phán đoán và tưởng tượng là những phẩm chất quan trọng và cần thiết để làm nên năng lực giải quyết vấn đề.

Ở Việt Nam chúng ta cũng thấy rõ một tình hình là do lạm dụng việc chia sẻ, trò chuyện trên các trang mạng xã hội thông qua máy tính hoặc điện thoại di động ngôn ngữ của trẻ bị ảnh hưởng xấu đi rất nhiều. Những lối nói cụt lủn, tối nghĩa, vô cảm..., các biểu đạt sai chính tả, sai ngữ pháp thấy xuất hiện đầy trên mạng. Giới trẻ đang và có lẽ sẽ ngày một nhiều hơn sử dụng một thứ tiếng Việt xấu xí, những thứ ngôn ngữ quái dị hoặc vô hồn kiểu ngôn ngữ của robot. Có thể lo ngại rằng đến một ngày nào đó các cấu trức “cú pháp “và” ngữ nghĩa “của ngôn ngữ chỉ còn là những thứ xa xỉ. Khái niệm “Vở sạch Chữ đẹp” hay “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” có thể chỉ còn là những khái niệm mơ hồ nếu các giáo viên không kiên quyết uốn nắn hoặc có những đòi hỏi nghiêm khắc đối với học sinh.

2. Sự bất an

Sự lạm dụng các phương tiện CNTT, việc truy cập nhiều vào internet và các trang mạng xã hội có thể mang đến những bất an cho trẻ em. Vấn đề này nghiêm trọng tới mức ở nhiều nước người ta gọi là dark side (Các mặt tối của vấn đề).

Thế giới chúng ta đang sống rõ ràng chứng kiến sự bất an ngày càng gia tăng. Chúng ta cũng chứng kiến sự bất an ngày càng gia tăng trong các trường học ở hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Khủng bố trường học, ngộ độc thực phẩm, bạo lực học đường, bắt nạt học đường, xâm hại thân thể, các tai nạn… có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việt nam không phải là một ngoại lệ.

Giờ đây khi chứng kiến tất cả các đứa con đã từ các trường học về nhà vào cuối ngày không hẳn các bậc cha mẹ đã hoàn toàn có thể yên tâm. Nên biết rằng khi chúng ngồi vào máy tính, hoặc làm việc với các điện thoại di động. Các mối hiểm họa đang rình rập trên các màn hình.

- Tình trạng bắt nạt học đường (Cyber Bullying) đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam cũng vậy. Đây là những hành vi đe dọa, xâm hại làm nhục hoặc tra tấn tinh thần qua các tin nhắn, các mạng xã hội, lặp đi lặp lại hướng tới một cá nhân. Trẻ em vốn chưa đủ năng lực bảo vệ bản thân dễ bị tổn thương tinh thần, hoảng loạn, tuyệt vọng và nhiều tre đã tự sát.

- Các nhà nghiên cứu ở 3 trường đại học ở Anh (Oxford, Swansea, Birmingham) đã theo dõi 150,000 người bị bặt nạt qua mạng ở 30 quốc gia trong vòng 21 năm và thấy rằng bắt nạt qua mạng đảy nguy cơ tự sát lên cao tới 2,5 lần.

- Một nghiên cứu tại trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN vào năm 2015 về Bắt nạt qua mạng cung cấp những số liệu đáng quan tâm. Trong số 762 học sinh được nghiên cứu có tới 183 (24%) thừa nhận đã là nạn nhân của bắt nạt qua mạng. Trong đó có 14% thì thoảng bị bắt nạt bởi ít nhất một hành vi và 10% bị bắt nạt thường xuyên bởi ít nhất một hành vi. Ở Việt Nam đã có những trẻ tự sát vì bị làm nhục, một kiểu bắt nạt qua mạng.

- Vô tình làm lộ các  thông tin cá nhân: Sử dụng máy tính, điện thoại di động và tham gia vào các trang mạng xã hội nhiều trẻ em đã vô tình để lộ các thông tin cá nhân như: ngày sinh, địa chỉ, nơi học, sở thích cá nhân... đủ để kẻ xấu lợi dụng thực hiện các hành vi xấu như lôi kéo, mua chuộc, dọa dẫm, bắt cóc…

- Một báo cáo của UNICEF về những nguy hiểm như vậy ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam cho thấy: “Hơn 1/4 trẻ em thành thị và 1/5 trẻ em ở nông thôn trong số các trẻ được nghiên cứu ở Việt nam đã chia sẻ và để lộ các thông tin cá nhân. Có 49% trẻ nói chuyện với người lạ trên mạng (talk to strangers) ít nhất mỗi tuần một lần”. Báo cáo của UNICEF cũng nhẫn mạnh sự thiếu vắng các nghiên cứu và biện pháp bảo vệ sự an toàn cho trẻ ở trên mạng tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

3. Sự bất bình đẳng số (Digital Divide)

Thuật ngữ Digital divide được hiểu là các “khoảng cách số”, “hố ngăn số”, “phân cực số”. Nói chung thuật ngữ này nói đến sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận công nghệ số giữa những nước giầu và những nước nghèo, giữa những vùng phát triển và vùng chậm phát triển, giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp… Đó là sự khác biệt giữa hai loại người mà thế giới gọi là “The Have” và “The Have not”. Trong tương lai khi công nghệ số càng phát triển khoảng cách sô này càng lớn, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục ở các vùng miền khác nhau. Đây là những khoảng cách không thể san lấp. Sự bù đắp cho vùng khó (The Have not) chỉ bằng cách đổ tiền trang bị nhiều hơn máy tính và các phương tiện CNTT là thực sự không hiệu quả. Người ta lo ngại về sự khác biệt không chỉ ở cơ hội tiếp cận CNTT mà quan trọng hơn là ở những gì người học thu nhận được từ các phương tiện công nghệ số. Sự khác biệt thứ hai còn đáng ngại hơn nhiều và được gọi là “the second digital divide”. Cả hai khoảng cách như vậy sẽ làm cho học sinh nghèo và học sinh ở các vùng khó chịu đựng thua thiệt nhiều hơn. Ở Việt Nam, tình trạng phân biệt này là rất rõ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Điều này sẽ làm cho những mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục của chúng ta là rất khó đạt.

 

 

III. Những vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam

Những xu thế mới của giáo dục kèm theo những ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực đòi hỏi phải xem xét một số vấn đề sau:

1. Những vấn đề về Luật Giáo dục

Trong tương lai khái niệm “trường học” hay “cơ sở giáo dục” sẽ được hiểu khác hơn so với cách hiểu truyền thống do đó những giải thích và quy định trong Luật Giáo dục liên quan tới các khái niệm này cần được biểu đạt lại linh hoạt và cởi mở hơn. Xu thế cá nhân hóa triệt để trong giáo dục cho phép học sinh được lựa chọn cách học và nơi học, trong đó có Home schooling. Xu thế này sẽ phát triển ở Việt Nam, kể cả vùng đô thị và những nơi hẻo lánh. Rất khó ngăn cản các nguyện vọng học theo kiểu này vì cách thức học này chứa đựng những yếu tố tích cực. Có thể ở những giai đoạn đầu chấp nhận cho học sinh học ở nhà chỉ với một số môn học nào đó. Những chấp nhận như vậy cần được quy định trong Luật Giáo dục.

Ở những lần sửa đổi Luật Giáo dục tiếp theo cần đưa vào Luật những quy định cụ thể về Giáo dục cơ bản (basic education) và Giáo dục bắt buộc (Compulsory Education). Chúng ta đã thấy nhắc tới nhiều lần trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam về Giáo dục cơ bản nhưng chưa hề có một văn bản pháp quy nào giải thích chính thức khái niệm này với những quy định cụ thể. Việt Nam cũng thuộc một số ít nước trên thế giới không có một tuyên bố rõ ràng về Giáo dục bắt buộc, do đó rất khó có thể trả lời câu hỏi: “Ở Việt nam đã có Giáo dục bắt buộc chưa?”.

Vào năm 1991 Việt Nam ban hành “Luật Phổ cập giáo dục tiểu học”. Tại điều 1 chương “Những quy định chung” đã quy định: “Nhà nước thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 5 đối với tất cả trẻ em Việt nam từ 6 đến 14 tuổi”. Đây là một quy định khó hiểu vì sử dụng cùng lúc cả hai khái niệm “phổ cập” và “bắt buộc” trong khi phổ cập và bắt buộc là hai câu chuyện khác nhau. Cho dù cứ xem như chúng ta đã có quy định về giáo dục bắt buộc 5 năm thì Việt nam cũng thuộc vào một nhóm rất ít nước có số năm học bắt buộc ít như vậy.

Theo thống kê của World Bank các  nước như Dominica, Hà Lan, Bỉ có số năm học của giáo dục bắt buộc dài nhất là 13 năm. Nước có cố năm học bắt buộc ít nhất là Angola (4 năm). Việt Nam thuộc khoảng 5 nước (cùng với Myanmar, Pakistan…) có số năm học bắt buộc ít thứ hai là 5 năm. Trong khi đó số năm học trung bình của giáo dục bắt buộc trên thế giới là 9 năm.

Dĩ nhiên quy định về giáo dục bắt buộc là rất khó khăn với đất nước chúng ta vì đòi hỏi cam kết rất mạnh từ cả hai phía Chính phủ và các gia đình học sinh trong khi đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng vì không đưa thành luật và không có những cam kết mạnh mẽ của cả chính Phủ và người học số học sinh không tới trường hoặc bỏ học ở tiểu học còn nhiều. Đất nước vẫn còn trên 2 triệu người mù chữ. Đây là số liệu công bố chính thức của Vụ GDTX Bộ GD ĐT năm học 2017-2018. Trong khi đó Ủy Ban Dân tộc của Quốc Hội khẳng định tỷ lệ mù chữ ở các vùng dân tộc còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước, chiếm khoảng 21%.

Nếu không có những quy định về giáo dục bắt buộc với các chính sách và cam kết mạnh để duy trì việc học của trẻ ở những vùng khó thì làm sao có thể có thể nói tới một nền giáo dục công nghệ số ở những nơi mà mưu sinh vẫn là mối quan tâm lớn nhất?.

 

 

2. Những vấn đề về chương trình giáo dục

Các chương trình giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với các chương trình hiện tại, kể cả về nội dung và format. Xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay. Chương trình sẽ được cấu tạo thành các module để mỗi người học có thể chọn lựa. Các công nghệ số được sử dụng trong dạy học khiến có thể tiến tới những mức độ tích hợp rất sâu trong chương trình, đạt tới kiểu tích hợp Transdíciplinary (một kiều tích hơp làm thay đổi hoàn toàn các môn học truyền thống và chỉ còn lại các chủ đề cuộc sống)… Phải bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục mới. Chu kì của một chương trình giáo dục thường là 15, 16 năm. Kể từ năm 2003 khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông đang được thực hiện trên toàn quốc cho đến 2020 khi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là một khoảng thời gian như vậy. Khoảng 5 năm nữa phải bắt đầu ngay việc xây dựng chương trinh giáo dục của thời kì công nghệ số, dĩ nhiên phải được thực hiện bởi một đội ngũ người làm chương trình có tư duy và kĩ năng khác hẳn.

Trong khi chờ đợi một chương trình của thời kì công nghệ số các chương trình tích hợp STEM (Science – Technology – Engineering - Mathematics) cần được khích lệ ở Việt Nam. Các chương trình và các khóa học STEM nhằm chuẩn bị kĩ năng cho người lao động tham gia vào thị trường lao động automation (tự động hóa). Nên nhớ rằng các thị trường lao động tự động hóa sẽ tạo nên sự bất bình đẳng lớn giữa nam giới và nứ giới. Các công việc đòi hỏi công nghệ cao phù hợp với nam giới hơn. Nữ giới có ít hơn cơ hội làm việc. Một nghiên cứu của EU cho thấy cứ 1000 phụ nữ có bằng đại học chỉ có 4 người (chiếm tỷ lệ 0,4%) tham gia vào các ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ. Rất nhiều nước có chính sách khuyến khích học sinh và sinh viên nứ tham gia các khóa học STEM. Ở Hà lan trong khoảng thời gian 2008 đến 2015 số học viên nứ tham gia các khóa học STEM đã tăng 2,5 lần.

Ở Việt Nam cần khuyến khích các nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức các khóa học STEM. Đáng tiếc là ngay ở thời điểm này ở một số nơi một số đăng ki đề tài NCKH liên quan tới STEM đã bị cấp quản lí từ chối, với lí do là “vấn đề còn xa lạ ở Việt nam!”.

3. Sự chuẩn bị cho những người thày

Mặc dù học với công nghệ số sẽ càng thể hiện rõ hơn vị trí trung tâm của người học nhưng người thày càng trở nên quan trọng hơn với vai trò hướng dẫn và trợ giúp. Dạy học sẽ thực sự là “dạy cách học” “dạy cách khám phá kiến thức”. Người giáo viên không chỉ cần giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà phải giỏi về công nghệ và giỏi về cách hướng dãn học sinh học bằng công nghệ. Sứ mệnh của người giáo viên càng trở nên nặng nề hơn. Phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ giáo viên với rất nhiều phẩm chất khác biệt như vậy ở các trường sư phạm. Đây là đòi hỏi gấp gáp vì chúng ta thường chứng kiến sự than phiền rằng “Ở Việt nam đào tạo sư phạm bao giờ cũng đi sau đổi mới giáo dục ở phổ thông”.

Cũng cần chuẩn bị những chương trình bồi dưỡng, đúng hơn là các chương trình “đào tạo lại” cho 1,5 triệu giáo viên đang hành nghề. Những gì các nhà giáo này đang có rõ ràng không thể giúp họ đảm nhận được vai trò trong tương lai. Cần xây dựng ngay một mạng lưới các trường đại học có thể đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng như vậy. Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQG Hà nội với việc tiên phong thành lập khoa Công nghệ Giáo dục và với những nỗ lực liên tục tổ chúc các nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục sẽ là một địa chỉ rất đáng tin trong mạng lưới các cơ sở bồi dưỡng cho các giáo viên trong tương lai.

4. Đảm bảo an toàn cho trẻ

Tình trạng bất an đối với trẻ em như đã nói ở trên (bắt nạt qua mạng, sự để lộ thông tin cá nhân…) có thể sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai khi ngày càng có nhiều thanh thiếu niên truy cập internet và truy cập thường xuyên hơn. Cần có những biện pháp bảo vệ sự an toàn cho thanh thiếu niên. Các nhà sư phạm, nhà kĩ thuật ngoài việc tiếp tục được khuyến khích phát triển các phần mềm, các hệ thống tích hợp dạy học cần quan tâm nghiên cứu tới các biện pháp phòng ngừa rủi ro trên mạng cho trẻ.

Ở Việt Nam có một việc cần và có thể làm ngay, đó là đưa thêm một kĩ năng sống nữa vào danh sách  kĩ năng sống cần giáo dục ngay cho trẻ em: Kĩ năng tự phòng vệ trên mạng.

5. Đối phó với  tình trạng bất bình đẳng số

Giống như ở nhiều nước không thể san lấp các khoảng cách số, nhưng  ở Việt Nam  cần có những nỗ lực để cải thiện tình hình cho các địa phương khó khăn, các gia đình khó khăn. Có thể học được một số bài học kinh nghiệm về vấn đề này từ các quốc gia đang phát triển như một số nước ở lưu vực Amazon (Peru, Ecuador, Bolivia..) và một số quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á:

- Tăng cường việc học di động (Mobile learning) trong đó có việc học bằng điện thoại di động. Học bằng điện thoại di động là rất tiện tích với tất cả mọi người, vì có thể học ở mọi nơi và mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động, dĩ nhiên phải là điện thoại thông minh. Học bằng điện thoại di động càng thích hợp hơn với những vùng khó và với học sinh có khó khăn về tài chính khi mà các em rất khó có điều kiện để có một máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại di động thông minh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ dân số Việt Nam sử dụng smart phone là 30,1%. Cũng theo số liệu thống kê của thế giới, tỉ lệ người dân ở nhũng nước nghèo sử dụng ĐTDĐ để truy cập internet cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ này ở những nước giầu. Ví dụ Ở CHLB Đức chỉ có 8% người dân dùng ĐTDĐ để truy cập internet. Ở Indonesia tỉ lệ này là hơn 70%...

- Đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các sách giáo khoa điện tử. Các sách giáo khoa điện tử vừa là nguồn cung cấp tri thức, vừa là phương tiện cho học sinh thực hiện khám phá, kiến tạo kiến thức và tự đánh giá kết quả học. Với các chức năng như vậy sách giáo khoa điện tử là hữu ích với tất cả học sinh nhưng càng hữu ích hơn với học sinh ở những nơi không có internet hoặc chỉ có một thứ sporadic, intermittent internet (Internet phập phù, không ổn định). Tuy nhiên cần xây dựng sách giáo khoa điện tử theo đúng ý nghĩa của nó mà không phải chỉ là “những bản chụp PDF của các sách giáo khoa in trên giấy”.

- Cuối cùng có một bài học rất đáng học từ những nước đang phát triển khác, là  “Use old technology in new ways” (Sử dụng công nghệ cũ theo những cách thức mới). Radio, TV vẫn cần được tận dụng khai thác sử dụng ngay cả trong thời kì phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn./.

 

GS.TS Nguyễn Hữu Châu

Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết