Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thực hiện nói đi đôi với làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày phát hành: 03/09/2019 Lượt xem 5121

                                                                


Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tiếp thu vận dụng học thuyết Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam đã rất coi trọng nguyên tắc thống nhất giữa nhận thức và hành động. Sự coi trọng này bắt nguồn từ một nhận thức sâu sắc của Người về bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin là "theo chủ nghĩa Mác thì chẳng những cần hiểu biết quy luật thế giới để giải thích thế giới mà còn phải dùng sự hiểu biết ấy để cải tạo thế giớí ".
Người xác định: "Duy vật biện chứng của Mác có hai đặc điểm. Một là tính chất giai cấp, nói rõ duy vật biện chứng là để phụng sự giai cấp vô sản. Hai là tính chất thực hành, nói rõ thực hành là nền tảng của lý luận và lý luận lại phụng sự thực hành. Chỉ có thực hành mới là tiêu chuẩn của sự thật".
Trong mối quan hệ giữa lý luận và thực hành, Người chỉ rõ "lý luận rất quan trọng", song theo Người sở dĩ lý luận có vai trò quan trọng là vì "nó dạy ta hành động". Cho nên, " Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.
Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn) . Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.
Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.
Vì vậy chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành".Và Người khẳng định "Quan điểm thực hành là quan điểm chính của duy vật biện chứng".
Thấm nhuần thực chất nguyên lý khoa học này, trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, Người luôn nhắc nhở, căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: "Học chủ nghĩa Mác-Lênin là học để mà làm", và thước đo đánh giá kết quả việc học tập chính là phải xem khi thực hành thì lời nói và việc làm có thống nhất với nhau không.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin thì điều quan trọng nhất là phải đạt tới sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, được như vậy mới là học đúng tinh thần Mác-Lênin. Nguyên tắc thống nhất giữa lời nói và việc làm được Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vận dụng trong công tác giáo dục, đàọ tạo huấn luyện cán bộ, từ việc học tập lý luận, học tập các chủ trương, chính sách của Đảng cho tới việc rèn luyện tác phong tiếp xúc, vận động lãnh đạo nhân dân…Và tư tưởng của Người về nguyên tắc này được thể hiện nhất quán qua rất nhiều tác phẩm của người, ở các thời điểm lịch sử khác nhau.
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết năm 1947, là một trong những tác phẩm thể hiện sâu sắc tư tưởng của Hồ Chí Minh về nguyên tắc nói phải đi đôi với làm. Nếu như trước đây, trong " Đường cách mệnh" Người xác định, việc thực hiện nói phải đi đôi với làm trước hết là vấn đề thuộc về tư cách, đạo đức của người cách mạng, là một trong 14 điểm mà Người yêu cầu mọi người cách mạng phải thường xuyên tự rèn luyện mình "nói thì phải làm". Thì trong "Sửa đổi lối làm việc" Người tiếp tục nhấn mạnh, coi đó là một trong những tiêu chí thuộc về tính đảng mà mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng. 
Theo Người, tính đảng có ba điểm:
Một là: phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn....
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau."
Đồng thời Người cũng chỉ rõ vì kém tính đảng mà có nhưng bệnh sau: Bệnh ba hoa; bệnh địa phương; bệnh ham danh vị; bệnh thiếu kỷ luật; bệnh cẩu thả; bệnh xa quần chúng; bệnh chủ quan; bệnh hình thức; bệnh ích kỷ; bệnh hủ hoá; bệnh thiếu ngăn nắp; bệnh lười biếng. Nếu mắc phải một trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Cũng theo Người, vấn đề nói phải đi đôi với làm ở đây, trước hết và quan trọng nhất là nói đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách ấy. Người khẳng định "đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng".

 


Xuất phát từ sứ mệnh và vai trò tiên phong của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, lời nói và việc làm của đảng viên rất quan hệ đến sự nghiệp cách mạng vì nó ảnh hưởng lớn đến quần chúng. Người coi biểu hiện của những đảng viên, miệng thì nói rất thông chủ trương chính sách của Đảng, nhưng trên thực tế thì lại chẳng thực hiện hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn là "trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng… làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng". Bởi vậy để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, nâng cao uy tín của Đảng phải "kiên quyết chống lại thói nghị quyết một đường thi hành một nẻo".
Vì cách mạng luôn vận động và phát triển, có khi rất mau lẹ nên giữa nhận thức và hành động thường có khoảng cách khiến cho lời nói và việc làm nhiều khi không khớp nhau. Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở phải đề phòng và chống hai khuynh hướng : khuynh tả và khuynh hữu.
Khuynh hữu là biểu hiện thái độ của một số người không thường xuyên học tập trau dồi kiến thức, khiến cho tư tưởng không theo kịp biến đổi của tình hình khách quan. Tình hình đã tiến lên mà sự hiểu biết của họ vẫn ở chỗ cũ. Và như vậy tư tưởng của họ trở thành lạc hậu, kìm hãm thực hành cách mạng của nhân dân.
Khuynh tả là biểu hiện của những người "chỉ biết nói cho sướng miệng". Tư tưởng của họ nhảy qua những giai đoạn phát triển nhất định. Họ cho ảo tưởng là sự thật, cho nên hành động của họ cũng không thiết thực, nó xa rời thực hành của đại đa số nhân dân.
Cả hai khuynh hướng trên đều do tách rời điều kiện khách quan và chủ quan, tách rời lý luận với thực hành. Và theo Người, để khắc phục khuynh hướng này, Đảng một mặt phải thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, mặt khác phải " Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng" bởi vì " Dân chúng biết giải quyết  nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu, căn dặn cán bộ, đảng viên phải thực hiện lời nói đi đôi với việc làm, mà chính người luôn là tấm gương sáng về điều này từ việc lớn đến việc nhỏ. 
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trước nguy cơ đe doạ của nạn đói, Người kêu gọi toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói thì Người nhịn ăn trước. Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ, mọi người ăn độn, Bác cũng yêu cầu cho Bác ăn độn y như cán bộ, nhân dân. Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm, chính thì Người sống giản dị thanh bạch. Người khước từ ở ngôi nhà sang trọng, nguyên là nơi ở của Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền thời đó. Sau đó Người đã ở một ngôi nhà sàn suốt mười một năm cho đến khi đi xa đúng như điều Người muốn. Người khuyên thưởng, phạt phải thật công minh, thì chính Người cũng ký án tử hình một cán bộ cấp cao do vi phạm kỷ luật nặng để giữ nghiêm phép nước, mặc dù trong lòng rất xót xa...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và được sự dìu dắt, giáo dục trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày thành lập Đảng tới nay, đội ngũ những người Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì thực hành nguyên tắc lời nói đi đôi với việc làm. Hàng triệu chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm hy sinh xương máu, tính mạng của mình để biến lý tưởng, mục tiêu cao đẹp của Đảng thành hiện thực. Nhờ đó sự nghiệp cách mạng đất nước ta liên tục phát triển, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, uy tín của Đảng không ngừng được nâng cao. Đảng đã trở thành tấm gương, thành lương tri và niềm tin của cả dân tộc.

 


Tuy nhiên từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, việc thực hiện nói đi đôi với làm đang có chiều hướng ngày càng tách xa nhau. Hiện tượng nói nhiều làm ít, hoặc nói mà không làm, thậm chí nói một đằng làm một nẻo đang trở thành căn bệnh trầm trọng ở nhiều nơi, từ cấp trung ương cho tới cấp cơ sở.
Rất nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị xâm phạm, giảm hiệu lực do hậu quả của tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí… thì vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, có cả những người giữ trọng trách cao, cậy quyền, cậy thế để sách nhiễu, ức hiếp dân, tiếp tay, tham gia vào các đường dây tham nhũng, buôn lậu, phá hoại môi trường; ganh đua nhau dùng tiền công quỹ mua sắm ô tô đắt tiền, quá tiêu chuẩn, xây dựng trụ sở to trong khi trường học, trạm y tế và nhiều công trình công cộng khác phục vụ trực tiếp đời sống của dân còn chưa có, hoặc đã hư hỏng. 
Tình trạng nói không đi đôi với làm, nghị quyết một đằng làm một nẻo giờ đây đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, từ đạo đức lối sống; nguyên tắc tổ chức cho tới nhận thức, tư tưởng chính trị. Tác hại của việc kéo dài tình trạng này đang góp phần đẩy sâu một bộ phận cán bộ, đảng viên vào con đường thoái hoá, biến chất, phai nhạt lý tưởng, làm nảy sinh trong xã hội tâm lý xem thường kỷ cương phép nước, xem thường kỷ luật cũng như các nghị quyết của Đảng, làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng.
Nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có mặt khách quan là do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và hoạt động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, nhưng về chủ quan, có thể nêu ra một số nguyên nhân sau:
- Do một số cán bộ, đảng viên buông lỏng việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân và xem nhẹ việc học tập trau dồi kiến thức để không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng.
- Do tình trạng buông lỏng kỷ luật Đảng và công tác quản lý đảng viên của các cấp uỷ đảng.
- Việc đấu tranh chống lại tình trạng nói không đi đôi với làm còn chưa được các cấp uỷ Đảng quan tâm đúng mức, chưa đặt vấn đề đấu tranh để khắc phục tình trạng này tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. 
- Tâm lý chung của nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay mới chỉ dành nhiều sự quan tâm tới tình trạng nói không đi đôi với làm ở một số lĩnh vực như chính trị, tư tưởng, đường lối chính sách. Còn biểu hiện nói không đi đôi với làm thuộc các lĩnh vực lốì sống, sinh hoạt thường ngày dễ được bỏ qua, ít bị phê phán. 
- Tiêu chuẩn tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trên thực tế còn coi nhẹ, khiến cho việc phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu của những đảng viên chân chính bi hạn chế, thậm chí có khi còn bị chê bai. 
 Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện yếu kém hiện đang có xu hướng gia tăng trong Đảng như: Sự suy thoái về nhận thức, tư tưởng, chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ… Và cũng để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII tới nay, Đảng ta đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đã được Đảng triển khai thực hiện liên tục trong suốt cả hai nhiệm kỳ Đại hội VIII và IX. Tới Đại hội X, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 07 tháng 11 năm 2006 về tổ chức cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là cuộc vận động nhằm ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng.... mà còn có ý nghĩa, tầm quan trọng lớn hơn thế. Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 7/11/2006 đã xác định rõ mục đích của Cuộc vận động  là nhằm:" Làm cho toàn Đảng, toàn dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng". 
Sau 5 năm thực hiện, để Cuộc vận động ngày càng lan toả sâu rộng, trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên trong Đảng và trong xã hội, ngày 14-5-2011 Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại nhiệm kỳ Đại hội XII, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chỉ thị yêu cầu phải làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo Chỉ thị 05, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không giới hạn thời gian thực hiện.
Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó, rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong công tác tổ chức thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho cấp uỷ các cấp, trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ, đồng chí bí thư cấp uỷ chỉ đạo. Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng và xã hội.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa tích cực rộng rãi trong xã hội, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, thực hiện nói đi đôi với làm, được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Từ Đại hội XI tới nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định về vấn đề này, như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07 tháng 6 năm 2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016,  của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, quy định: Cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương; Điều 3. Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: 1. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít...,
Như vậy có thể nói, ngoài việc tiếp tục nâng cao và tạo sự thống nhất về nhận thức của tất cả cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc, thiết thực của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, việc thể chế hóa nguyên tắc: Nói đi đôi với làm, nói đúng và tự giác, gương mẫu làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với tất cả cán bộ, đảng viên, từ cấp cao đến cấp thấp, trong đó cấp càng cao càng phải gương mẫu, tự giác hơn bằng các Quy định của Đảng là vấn đề có ý nghĩa then chốt, quyết định thành công của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua đó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới./. 



                           NGUYỄN TIẾN 


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết