Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phương pháp luận tiếp cận về sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 22/08/2019 Lượt xem 6351

                                                                         

Hiện nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước đều xác định “Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH”, “Nước ta phát triển theo định hướng XHCN”. Tuy nhiên sự phát triển theo định hướng XHCN là như thế nào lại đang còn không ít những ý kiến khác nhau cả về lý luận và thực tiễn, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ ? Điều quan trọng trước tiên là cần có phương pháp tiếp cận vấn đề này đảm bảo tính khách quan, khoa học và thực tiễn. Bài viết này xin nêu một cách tiếp cận để cùng thảo luận.

 

 

1. Phương pháp luận tiếp cận mục tiêu và “con đường” quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

1) Quan điểm của Đảng ta về phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là: xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý có hiệu lực - hiệu quả của Nhà nước "của dân, do dân, vì dân", nhân dân làm chủ; với một nền tảng kinh tế vững mạnh, một đời sống văn hoá tinh thần phong phú, nhân văn, vừa hiện đại vừa giàu bản sắc dân tộc.

Đối với một đất nước phát triển theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa (trong thời kỳ quá độ), chính bản chất của chế độ chính trị - xã hội, của nền tảng tư tưởng - đạo đức của xã hội, của hệ giá trị xã hội – hệ giá trị con người, của các mục tiêu phát triển xã hội như nêu trên được thể hiện ở đường lối phát triển đất nước và được chế định ở Hiến pháp, ở hệ thống pháp luật, ở hệ thống cơ chế chính sách, ở phương thức quản lý được xác lập phù hợp và hiệu quả, ở các chuẩn mực con người và công dân…là tiền đề, là điều kiện, là cơ chế bảo đảm cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó mọi thành phần kinh tế, mọi lực lượng xã hội, mọi tổ chức xã hội và mọi thành viên xã hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các cơ chế chính sách, tạo dựng nên các giá trị tốt đẹp của dân tộc, của con người, của xã hội, đóng góp cho sự phát triển đất nước, mang lại lợi ích cho mỗi con người, mỗi gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", thì đó là thực chất góp phần đảm bảo cho đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức này nói lên “ai, lực lượng nào” góp phần tạo nên động lực, sức mạnh và hiệu quả thực tế để đất nước phát triển theo những mục tiêu và những giá trị tốt đẹp. Một doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ liên tục, không đảm bảo được đời sống cho người lao động, không đóng góp được cho Nhà nước và xã hội thì khó có thể nói rằng doanh nghiệp nhà nước này góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển theo định hướng XHCN. Ngược lại, một doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển có hiệu quả, thực hiện tốt pháp luật của nhà nước, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo tốt đời sống của người lao động, như thế có góp phần vào sự phát triển theo định hướng XHCN của đất nước không ?!; Hàng chục triệu hộ nông dân không sản xuất theo mô hình HTX - Tập thể hóa như trước đây, nhưng đã và đang tạo nên những thành tựu lớn lao trong nông nghiệp - một cứu cánh của đất nước, chắc chắn là đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong định hướng phát triển XHCN của đất nước. Trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội cũng có thể nêu lên các ví dụ tương tự. Vì thế tính định hướng XHCN phải được quy tụ ở mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là ngọn cờ Đại đoàn kết Dân tộc để xây dựng - bảo vệ - và phát triển Đất nước theo định hướng XHCN.

2) Cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong một thời gian dài trước đây, nước ta (cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác) với quan niệm chủ nghĩa xã hội sai lệch, giáo điều, đã có nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và mối quan hệ với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã cho rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa; kinh tế thị trường không dung hợp với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Cơ chế phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phải là cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp cao độ.

Quá trình thực hiện đường lối Đổi mới đã mang lại cho chúng ta những nhận thức mới cả về lý luận và thực tiễn về bản chất kinh tế thị trường và mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ tổng kết lý luận và thực tiễn Đảng ta đã đề ra đường lối Đổi mới đất nước, từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường, với sản xuất hàng hoá. Đến Đại hội VIII, Đảng ta đã nêu rõ: " Sản xuất hàng hoá không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng"[1]. Đến Đại hội IX, Đảng ta đã tiến lên một bước cao hơn, khẳng định: "Mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"[2], và nêu rõ những đặc trưng cụ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội X, Đảng ta đã chỉ rõ hơn bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: "Kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại phát triển tới trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, nhưng tự nó không đồng nghĩa với tư bản chủ nghĩa". Chúng ta cần phải sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới góc độ thể chế, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa "Đó là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"[3]. Có thể nói rằng, từ chỗ coi kinh tế thị trường là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, không dung hợp với chủ nghĩa xã hội, tiến lên coi kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể vận dụng và phát triển kinh tế thị trường, cao hơn nữa coi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là cuộc một bước ngoặt có tính lịch sử cả về lý luận và thực tiễn của Đảng ta, của đất nước ta. Những quan điểm cơ bản của Đảng ta thể hiện một số nội dung quan trọng sau đây:

+ Kinh tế thị trường không phải là sản phẩm bản chất - đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể và cần thiết vận dụng và phát triển kinh tế thị trường.

+ Kinh tế thị trường là một trình độ phát triển cao hơn của kinh tế hàng hoá, là trình độ phát triển của xã hội.

+ Kinh tế thị trường có những mặt mạnh, tích cực; đồng thời có những mặt hạn chế, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển; các mặt tích cực và tiêu cực tác động khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau; trong kinh tế khác với trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội; trong giáo dục khác với trong trong khoa học công nghệ, trong y tế… Việc vận dụng đúng đắn, có hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi nhà nước.

+ Mỗi nước, mỗi thể chế kinh tế - chính trị - xã hội, tuỳ theo điều kiện cụ thể lại vận dụng và phát triển kinh tế thị trường với những nội dung, hình thức, qui mô, cấp độ khác nhau.

+ Tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải chỉ thể hiện ở phương diện chính sách xã hội, lại càng không phải chỉ là sự bao cấp xã hội, mà tính định hướng xã hội chủ nghĩa phải được thể hiện đồng bộ ở ba phương diện: xây dựng cơ chế phát triển để giải phóng triệt để sức sản xuất nhiều thành phần; hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, dân giàu, nước mạnh; thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển con người, các chính sách xã hội, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Như vậy, nếu không đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ để mang lại được lợi ích mọi mặt thiết thực ngày càng cao cho nhân dân, để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn như nêu trên, thì không thể nói là tính định hướng xã hội chủ nghĩa được đảm bảo và phát triển cao hơn, đầy đủ hơn.

+ Mối quan hệ giữa kinh tế thị trường, cơ chế thị trường và tính định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là mối quan hệ "kết hợp", vận dụng đơn giản, chủ quan duy ý chí, "muốn thì làm, không muốn thì thôi". Ở đây là mối quan hệ hữu cơ tạo nên cơ chế mới với bản chất và động lực mới cho sự phát triển khách quan theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, những mặt mạnh, những mặt tích cực của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường có tác động cùng chiều, làm tăng thêm sức mạnh phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, những mặt bất cập, hạn chế của kinh tế thị trường, cơ chế thị trường lại có tác động tiêu cực, làm yếu đi sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy một nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phải hoàn thiện cơ chế phát huy cao những mặt mạnh, tích cực, đồng thời hạn chế, triệt tiêu những tác động tiêu cực, phù hợp và hiệu quả đối vởi từng lĩnh vực .

3) Trong định hướng chung về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta nêu rõ phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế phát triển không chỉ về lĩnh vực kinh tế, mà cả cơ chế phát triển các lĩnh vực dịch vụ tiếp cận với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế phù hợp với đặc điểm của từng lĩnh vực. Đối với các lĩnh vực dịch vụ, một mặt phải quán triệt những nguyên tắc chung, định hướng chung, đồng thời cần phải thấu suốt những đặc điểm riêng của từng lĩnh vực (như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ …)để xây dựng cơ chế phù hợp góp phần đảm bảo phát triển các lĩnh vực này theo đúng định hướng, mục tiêu và hiệu quả. Nhưng trên thực tế về nhận thức và xây dựng thể chế phát triển các lĩnh vực này còn rất nhiều bất cập và yếu kém, chậm hơn so với lĩnh vực kinh tế.

 

2. Thực tiễn xác định mục tiêu và “con đường” phát triển định hướng XHCN

           1) Về mục tiêu

Khi xác định mục tiêu phát triển xã hội, thường phải xem xét các phương diện sau: lý luận và thực tiễn; lý tưởng và hiện thực. Khi nói nhân loại sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội, thì xét về mặt lý luận và lý tưởng, mục tiêu chung của nhân loại phải là những giá trị tốt đẹp chung, phản ánh kết quả quá trình phát triển khách quan của nhân loại, nó mang tính phổi biến và khái quát. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp chung đó được thể hiện và tồn tại thông qua các giá trị cụ thể của mỗi quốc gia - dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, với những cấp độ và hình thức khác nhau. Vì thế mục tiêu của mỗi nước đi lên CNXH bao giờ cũng phải mang các giá trị chung của nhân loại trong sự hài hoà với các giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc. Những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại như tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, hạnh phúc… được thể hiện cụ thể với những sắc thái và hình thức khác nhau ở mỗi dân tộc. Đồng thời, bản thân những giá trị tốt đẹp hiện thực của nhân loại cũng như của mỗi dân tộc không phải là bất biến, là một quá trình phát triển ngày càng cao hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn trong sự đấu tranh với những cái cũ, lạc hậu.

Chính vì vậy, khi xác định mục tiêu của quá trình phát triển định hướng XHCN cần phân biệt rõ phương diện lý luận - lý tưởng của mục tiêu và phương diện thực tiễn - hiện thực của mục tiêu. Tính thực tiễn - hiện thực đòi hỏi phải xem xét tính khả thi, tính giai đoạn, tính trung gian quá độ, tính hai mặt của nội dung các mục tiêu (tức không chỉ đề cập đến các mặt, các giá trị tích cực, tốt đẹp cần và có thể đạt được, mà còn phải xem xét đầy đủ những mặt không thuận, thậm chí tiêu cực có thể nảy sinh, thí dụ những chính sách bao cấp qua phúc lợi xã hội quá cao cũng có thể có những mặt trái của nó trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển). Như vậy, các mục tiêu mang tính lý tưởng cao chỉ có thể đạt tới thông qua quá trình thực hiện được một loạt các mục tiêu hiện thực cụ thể, trung gian, quá độ.

Cách tiếp cận nêu trên đã được phản ánh trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng khi xác định mục tiêu xây dựng đất nước trong mỗi chặng đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với các cấp độ sau:

- Cấp độ nhân loại, Cương lĩnh nêu rõ: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[4]. Điều này nói lên những mục tiêu, những giá trị tốt đẹp cơ bản, cốt lõi chung của nhân loại sẽ đạt tới trong quá trình đấu tranh - phát triển lâu dài.

- Mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ. Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[5]. Có thể coi đây là mục tiêu lý tưởng vừa mang tính nhân loại vừa mang giá trị dân tộc trong điều kiện cụ thể của Việt Nam đi lên CNXH.

Nhưng mục tiêu nêu trên cũng mới là mục tiêu khái quát những giá trị cơ bản nhất, cốt lõi nhất mà đất nước ta, nhân dân ta sẽ phải phấn đấu để đạt được sau thời kỳ quá độ còn khá dài. Trong mỗi chặng đường của thời kỳ quá độ, các nội dung của mục tiêu tổng quát đó cần phải được cụ thể hoá cho phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Văn kiện của Đại hội XI đã nêu rõ việc thực hiện các mục tiêu này là “một qúa trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biểu đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển”[6]. Như vậy việc xác định các mục tiêu và giải pháp cho mỗi chặng đường phải rất khoa học và thực tiễn, tránh rơi vào chủ quan, giáo điều như đã từng diễn ra trong lịch sử.

- Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ đã được nêu trong Cương lĩnh của Đảng là: “xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[7]. Vì thời kỳ quá độ là một khoảng thời gian khá dài, do đó thiếu những tiền đề khách quan và chủ quan để xác định thật chi tiết mục tiêu cụ thể khi kết thúc thời kỳ quá độ, nên Cương lĩnh đã nêu lên mục tiêu tổng quát như trên.

- Mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI đã được khái quát cô đọng là: “Xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8]. Có thể nói đây là mục tiêu trung tâm, cốt lõi nhất của nước ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Bởi vì nếu không thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì các mục tiêu khác khó có thể đạt được (nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ).

Cũng có ý kiến cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải là mục tiêu mang đặc trưng riêng của chủ nghĩa xã hội, mà là giải pháp phát triển đất nước ở một giai đoạn lịch sử nhất định. Lập luận này có khía cạnh hợp lý. Song mặt khác cần thấy rằng đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước có trình độ phát triển còn thấp, tất yếu phải trải qua các bước, các mục tiêu trung gian, quá độ. Vì vậy, mục tiêu xây dựng một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phải được coi là một mục tiêu trọng yếu, cơ bản trong bước đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội để đi tới các mục tiêu cao hơn của chủ nghĩa xã hội.

- Mục tiêu đến năm 2020: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”[9]. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát chiến lược đã cụ thể hoá thành các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường cho giai đoạn 2011-2020. Từ các mục tiêu của giai đoạn 2011-2020, Văn kiện Đại hội XI, XII cũng đã xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho kế hoạch 5 năm 2011-2015, 2016-2020 với nhiều nội dung đã được định lượng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đến nay, cho thấy mục tiêu “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã không thể đạt được.

Qua việc xác định các mục tiêu cho mỗi chặng đường trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta như trên, có thể thấy:

- Các mục tiêu, giá trị chung mang tính khách quan về những giá trị tốt đẹp của nhân loại cần được thể hiện cụ thể, hài hoà trong các giá trị riêng của mỗi dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Các mục tiêu vừa mang định tính vừa mang tính định lượng. Mục tiêu xác định cho giai đoạn càng dài, càng xa sẽ càng mang tính khái quát cao và mang tính định tính. Mục tiêu xác định cho giai đoạn càng ngắn, càng gần càng phải được định lượng hoá; giữa các mục tiêu định lượng và mục tiêu định tính có quan hệ hữu cơ với nhau.

- Quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước còn kém phát triển phải qua nhiều bước trung gian, quá độ, do đó khó có thể tuyệt đối hoá máy móc rằng chỉ tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể này đảm bảo “tính chất xã hội chủ nghĩa”, còn không coi trọng thực hiện các mục tiêu - giải pháp kia “không mang tính xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì sự phát triển của một xã hội là mang tính tổng hợp, chế định lẫn nhau của tất cả các mặt, các lĩnh vực, và việc thực hiện các mục tiêu trung gian, quá độ đó đều phải phục vụ cho sự phát triển hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.

Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định luận điểm “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, vì nó phản ánh đúng bản chất và tính chất trung gian, quá độ (vừa có chủ nghĩa xã hội lại vừa chưa có chủ nghĩa xã hội). Tính chất xã hội chủ nghĩa sẽ từng bước được nâng lên và mở rộng ra khi thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trung gian, quá độ đó. Thấu suốt luận điểm “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ khắc phục được bệnh giáo điều, máy móc, xa rời thực tiễn trong việc xác định các mục tiêu và giải pháp phát triển đất nước. Có quan điểm cho rằng tính chất xã hội chủ nghĩa được thể hiện chủ yếu ở các chính sách xã hội và coi đó là ưu việt của chủ nghĩa xã hội, do đó khi đề xuất xây dựng và thực hiện một số mục tiêu xã hội đã không xem xét trong tương quan chặt chẽ với các lĩnh vực khác và trong sự phù hợp với trình độ phát triển cụ thể, thậm chí vượt quá khả năng của nền kinh tế. Rõ ràng đây là một cách tiếp cận không thực tế.

Luận điềm “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa” với cách tiếp cận về mục tiêu như nêu trên phù hợp với luận điểm của Mác - Ăngghen rằng: các hình thức phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội có trước chưa thể mất đi và vẫn còn động lực phát triển khi các điều kiện - tiền đề khách quan cho sự tồn tại của nó vẫn còn. Minh chứng cho điều này là hiện nay ở Việt Nam số hộ nông dân sản xuất nhỏ mang nặng tính tự cung tự cấp (đặc biệt là ở vùng núi cao) và các hộ làm nghề thủ công vẫn còn tồn tại trong một thời gian dài nữa. Việc từng bước đưa các hộ này phát triển lên trình độ cao hơn không đơn giản và không thể một sớm một chiều.

Thực tiễn cho thấy rằng việc xác định đúng, phù hợp các mục tiêu phát triển trong mỗi giai đoạn còn đòi hỏi phải gắn bó hữu cơ, biện chứng với các cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện phù hợp với trình độ phát triển cụ thể, nếu không hiệu quả sẽ thấp hoặc không đạt được mục tiêu đặt ra.  

 

2) Về “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội

Theo lôgích khách quan thì cách tiếp cận “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội phải gắn bó biện chứng với cách tiếp cận mục tiêu, vì các mô hình, giải pháp sử dụng phải nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra. Nhưng cần thấy rằng, các mục tiêu được xác định một cách khoa học - khách quan, do trình độ phát triển quy định, chứ không phải là mong muốn chủ quan (như đã từng diễn ra trong lịch sử). Vì vậy, “con đường” đi tới các mục tiêu đó cũng phải mang tính khách quan, không thể được xác định một cách duy ý chí. Mác và Ăngghen đã từng nói rằng, mỗi thời đại chỉ đặt ra những nhiệm vụ hiện thực khi đã có đủ những điều kiện khách quan đề giải quyết những nhiệm vụ đó. Vì vậy, việc hình thành “con đường” quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải mang tính khách quan và hiện thực. Liên quan đến vấn đề này có những nội dung sau cần được nhận thức cho đúng cả về lý luận và thực tiễn:

- Khi nói về một “con đường” (theo nghĩa đen) thì nó chỉ có khi đã được khai phá - hình thành bởi những người đi trước, để lại cho những người đi sau tiếp bước. Còn theo nghĩa bóng của “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội, thì về lý thuyết có thể cho là đã có những nét phác thảo sơ bộ về định hướng con đường đó, nhưng về mặt hiện thực thì cho đến nay chưa có con đường đó, chưa có nước nào đã qua con đường đó. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang là một trong số ít nước đi tiên phong khai phá “con đường” đi lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ phát triển còn thấp.

- Vì chưa có tiền lệ và con đường chưa hình thành, nên những người đi tiên phong (dù có kim chỉ nam là lý luận) vẫn phải “mò mẫm”, khảo sát từ thực tế, có thể chệch hướng, có thể sai lầm, có thể vấp phải những trở ngại không thể vượt qua thậm chí có thất bại, đổ vỡ, phải tìm lối khác để tiếp tục đi lên. Điều này trong thực tế đã xảy ra.

- Nhân loại có chung một định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội (theo quy luật tiến hóa tới những giá trị tốt đẹp hơn), nhưng mỗi nước sẽ tìm kiếm con đường cụ thể và mô hình cụ thể phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của mình.

Từ những điều phân tích trên, có thể thấy rằng việc sử dụng cụm từ “kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” là chưa chuẩn xác cả về lý luận và thực tiễn. Nhận thức kiên định về một con đường trong khi con đường đó còn “ chưa có tiền lệ”, chưa hình thành, còn đang khai phá, rất dễ rơi vào giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Những bài học của quá khứ về xác định con đường và mô hình quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị.

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy cần có cách tiếp cận đúng hơn “con đường” quá độ lên chủ nghĩa xã hội: không phải là kiên định “con đường” mà là kiên định định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Điều này khẳng định mục tiêu và định hướng phát triển là đi tới một xã hội tốt đẹp hơn. Song theo định hướng đó, đòi hỏi một sự nghiên cứu sáng tạo rất công phu, rất sâu cả về lý luận và thực tiễn về các mô hình và giải pháp phát triển; mỗi bước phát triển là một bước đúc kết về lý luận và điều chỉnh thực tiễn. Gắn với những mục tiêu trung gian, quá độ, cũng phải là mô hình, giải pháp trung gian, quá độ để đi tới trình độ phát triển cao hơn. Đó cũng là thể hiện trên thực tế bản chất khoa học - cách mạng - sáng tạo của phép biện chứng duy vật lịch sử. Để không chệch hướng, thì điều cốt tử là phải luôn luôn quán triệt phương châm của Bác Hồ “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.

 

                                                          PGS.TS. TRẦN QUỐC TOẢN



[1] .Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, NXB CTQG, HN 2005, trang 481.

[2] .Như trên, trang 459.

[3] .Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng khoá X, NXB CTQG, HN, 2008, trang 139.

       [4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.69

       [5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70

        [6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70

         [7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.71     

        [8]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.71       

         [9]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.103    

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết