Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Một số vấn đề về xây dựng đội ngũ trí thức phục vụ CNH, HĐH đất nước theo tinh thần Nghị quyết TW 7 khóa X

Ngày phát hành: 10/01/2023 Lượt xem 1072

Bài viết phân tích sự phát triển đội ngũ tri thức Việt Nam thời gian qua với các góc nhìn của các hoạt động KHCN và GDĐH nhằm làm rõ mức độ đạt được mục tiêu và đề xuất một số giải pháp pháp phát triển đội ngũ tri thức nhằm đáp ứng yêu cầu của CNH, HĐH đất nước thời gian tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức Việt Nam. Ảnh minh họa

 

1. Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức

 

Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã chỉ rõ: “ Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giầu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”. Khái niệm này đã chỉ ra những khía cạnh quan trọng để phân biệt đội ngũ tri thức với các tầng lớp xã hội khác.  Thứ nhất, về đặc điểm công việc, tri thức là những người lao động trí óc; Thứ hai,  về đặc điểm cá nhân: tri thức là người có trình độ học vấn cao,  có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; Thứ ba, về vai trò trong xã hội của trí thức được khẳng định ở ba khía cạnh đó là (i) truyền bá; (ii) làm giàu tri thức và (iii) tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội; (iv) đội ngũ trí thức Việt Nam bao gồm cả trí thức Việt Nam ở nước ngoài.

Từ những đặc điểm này, có thể thấy trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “ Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới… Trong dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”.

 

2. Thực trạng của đội ngũ tri thức Việt Nam thời gian qua

 

Trong thời gian qua, tổng cục thống kê chưa có số liệu tổng hợp riêng để xác định số lượng, qui mô của đội ngũ trí thức của Việt Nam qua các năm. Tuy nhiên, từ khái niệm tri thức là những người lao động tri óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định chúng ta có thể xác định phân tích một phần về thực trạng số lượng của đội ngũ tri thức qua nhân lực nghiên cứu và phát triển theo các khu vực hoạt động qua các năm qua bảng sau:

 

Bảng 1: Nhân lực nghiên cứu và phát triển theo khu vực hoạt động

 

Năm

2015

2017

2019

Khu vực hoạt động

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Số lượng (người)

Tỷ lệ %

Tổ chức nghiên cứu và phát triển

38.628

23,02

34.197

19,81

33.092

17,84

Tổ chức giáo dục đại học

77.841

46,40

88.481

51,24

96.400

51,98

Tổ chức dịch vụ KHCN

3.909

2,33

3.229

1,86

3.857

2,08

Đơn vị hành chính sự nghiệp

21.255

12,69

20.584

11,93

23.759

12,82

Doanh nghiệp KHCN

26.113

15,56

26.192

15,16

28.328

15,28

Tổng cộng

167.746

100

172.683

100

185.436

 

Nguồn: KH, CN và ĐMSST Việt Nam 2020, NXB KHKT

 

Bảng số liệu này cho thấy, tính đến năm 2019, cả nước có 185.436 người tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT), tăng gần 13.000 người (gần 7,4%) so với năm 2017. Trong đó, đa số nhân lực làm việc trong các tổ chức giáo dục đại học với trên 96.400 nhân lực (chiếm gần 52% năm 2019), tiếp đến là các tổ chức nghiên cứu và phát triển với trên 33.092 lao động (chiếm 17,84% năm 2019) và các doanh nghiệp KHCN với 28.328 lao động (chiếm 15,25% năm 2019). Xu hướng biến động nhân lực cho thấy lao động trong hệ thống giáo dục đại học tăng lên  cả về số lượng và tỷ trọng trong khi tỷ trọng lao động trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển có xu hướng giảm cả về số lượng và tỷ trọng. Một điều đáng mừng là số lượng nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp KHCN và các tổ chức dịch vụ KHCN cũng có xu hướng tăng lên về số lượng qua các năm. Đây là một dấu hiệu tốt, là nguồn lực quan trọng để xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó DN giữ vị trí trung tâm.

Theo báo cáo của Bộ KHCN, tính đến hết năm 2019, tỷ lệ nhân lực nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sỹ, thạc sỹ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng từ gần 50% lên gần 57,3% (2019). Trong đó, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao (tiến sỹ) tăng nhanh từ khoảng 11 lên 15%. Xét theo cơ cấu về trình độ học vấn, trong hệ thống giáo dục đại học, số lượng nhân lực có trình độ từ tiến sỹ trở lên đã tăng qua các năm nhưng tỷ trọng  nhân lực có trình độ GS.TS và PGS.TS năm học 2021-2022 là vô cùng khiêm tốn, tỷ trọng lao động có trình độ thạc sỹ chiếm đa số với trên 60 %. Nếu tính toàn bộ nhân lực có trình độ từ tiến sỹ trở lên chỉ đạt 32,29%, trong khi trình độ đại học cón chiếm đến 7,63%. Cụ thể như sau:

 

Bảng 2: Tỷ lệ nhân lực trong hệ thống giáo dục đại học theo trình độ

GT.TS

PGS.TS

TS

Thạc sỹ

Đại học

0,89%

6,21%

25,19%

60,35%

7,36%

Nguồn: Báo cáo tổng kết của Bộ GD&ĐT năm học 2021-2022

 

Về cán bộ nghiên cứu quy đổi tương đương toàn thời gian, theo số liệu từ điều tra của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (2020), tỷ lệ quy đổi cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian (FTE) của Việt Nam năm 2019 là 72.991 người, tăng 6.038 người so với năm 2017. Bình quân Việt Nam có 7,6 cán bộ nghiên cứu FTE trên 1 vạn dân. So sánh trong khu vực Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Malaysia) về số lượng cán bộ nghiên cứu qui đổi FIE. Nếu so sánh về số cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân thì Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (69,2), Malaysia (23,6) và Thái Lan (12,1). Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu trên 1 vạn dân là 1 chỉ tiêu được tính trong bộ chỉ tiêu đổi mới sáng tạo toàn cầu, cho thấy tỷ lệ này có cải thiện qua các năm nhưng tốc độ cải thiện chậm.

 

Bên cạnh nguồn nhân lực trí thức hiện tại, nguồn cung cho nhân lực trí thức trong tương lai được thể hiện qua tỷ lệ tuyển sinh đại học hàng năm. Theo báo báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù qui mô đào tạo đại học của Việt Nam  qua các năm có tăng nhưng qui mô đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ đang có xu hướng giảm cả về số lượng và tỷ trọng. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến phát triển và gia tăng số lượng trí thức trong tương lai, đó là chưa kể một số lượng lớn học sinh đi du học không muốn trở về Việt Nam làm việc hàng năm. Cụ thể, qui mô đào tạo được thể hiện qua bảng dưới đây:

 

Bảng 3: Qui mô đào tạo qua các năm

 

Stt

Trình độ và ngành ĐT

Khối Ngành KHGD

Khối ngành Nghệ thuật

Khối ngành KD, QL & Luật

Khối ngành KH sự sống và KH tự nhiên

Khối ngành Toán, máy tính, CNTT, Kỹ thuật, SXCB, Kiến trúc, nông lâm Thủy sản

Khối ngành Sức khỏe

Khối ngành Nhân văn, KHXH & Hành vi, báo chí TT, DVXH, DL&KS, Vận tải, MT, QPAN

Tổng qui mô

1

Đào tạo đại học

 

 

Năm học 2020-2021

151.248

19.531

532.951

23.659

548.114

154.155

24.968

1.454.626

 

Tỷ trọng %

10,40

1,34

36,64

1,63

37,68

10,60

1,72

100%

 

Năm học 2021-2022

151.504

21.511

545.359

23.541

543.652

147.605

435.287

1.868.459

 

Tỷ trọng %

8,11

1,15

29,19

1,26

29,09

7,90

23,29

100

2

Đào tạo thạc sỹ

 

 

Năm học 2020-2021

11.207

471

34.659

4.030

18.915

6.386

24.986

100.654

 

Tỷ lệ %

11,13

0,47

34,43

4,00

18,79

6,34

24,82

100%

 

Năm học 2021-2022

9.392

311

31.068

3.433

16.456

6.616

20.967

88.243

 

Tỷ trọng %

10,64

0,35

35,21

3,89

18,65

7,50

23,76

100%

3

Đào tạo Tiến sỹ

 

 

Năm học 2020-2021

940

94

3.064

1.168

2.689

1.531

3.134

12,620

 

Tỷ trọng %

7,45

0,74

24,28

9,26

21,31

12,13

24,83

100.00

 

Năm học 2021-2022

695

43

2.472

641

2.032

1.225

1.825

8,933

 

Tỷ trọng %

7,78

0,48

27,67

7,18

22,75

13,71

20,43

100.00

Nguồn: Báo cáo của Bộ GD&ĐT tháng 8 năm 2022

 

Bảng tổng hợp qui mô đào tạo trên đây cho thấy năm học 2021-2022, qui mô đào tạo khối ngành nhân văn, KHXH &Hành vi, báo chí tuyên truyền, dịch vụ xã hội, Du lịch, dịch vụ cá nhân, vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường ở bậc đại học có sự gia tăng đột biến ( tăng 410.319 sinh viên trong toàn hệ thống, tăng 1.633% so với năm học 2019-2020). Trong khi đó, khối ngành giảm mạnh nhất là ngành sức khỏe với tổng qui mô đào tạo giảm là 6.550 sinh viên. Về đào tạo ở bậc thạc sỹ và tiến sỹ cũng có sự giảm mạnh trong 2 năm qua, đặc biệt là đào tạo tiến sỹ ở tất cả các khối ngành. Qui mô đào tạo chung ở bậc thạc sỹ giảm hơn 10 ngàn học viên trong khi ở bậc tiến sỹ giảm hơn 1500 NCS. Đây cũng là một thách thức không nhỏ báo hiệu một xu hướng thay đổi cơ cấu đội ngũ trí thức của Việt Nam trong thời gian tới theo ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.

 

3. Một số đóng góp của đội ngũ tri thức Việt Nam thời gian qua

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn

 

Trong thời gian vừa qua, đội ngũ tri thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói chung cũng như có đóng góp tích cực cụ thể trong việc sáng tạo, truyền bá và làm giầu tri thức cũng như tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội. Sự sáng tạo của đội ngũ tri thức được phần nào thể hiện qua số lượng các bằng sáng chế và độc quyền sáng chế không ngừng tăng qua các năm. Tính từ năm 2012 đến nay đã có trên 58.038 đơn đăng ký sáng chế đã nộp và 21.060 bằng sáng chế đã được cấp. Số lượng bằng sáng chế được cấp năm 2021 cao gấp gần 4 lần số bằng sáng chế được cấp năm 2012. Số đơn đăng ký sáng chế nộp năm 2021 tăng gấp gần 3 lần số đơn đăng ký sáng chế năm 2012. Điều này cho thấy năng lực sáng tạo của đội ngũ tri thức Việt Nam đã có sự cải thiện đáng ghi nhận.  Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid diễn ra (3 năm 2019, 2020, 2021). Tuy nhiên, trong 10 năm qua, có thể thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế của người nước ngoài chiếm 88,8%, cao hơn rất nhiều lần so với số đơn đăng ký sáng chế do người Việt Nam (11,2%). Số lượng bằng sáng chế được cấp của người nước ngoài đạt 20.006 (chiếm 94,9%) trong khi số bằng sáng chế được cấp của người Việt Nam chỉ đạt 1.054 (chiếm 5,1%). Điều này được thể hiện qua bảng 3 sau:

 

Bảng 4: Đơn đăng ký sáng chế đã nộp và bằng độc quyền sáng chế đã cấp

 

 

Số đăng ký đã nộp

Số bằng độc quyền sáng chế đã cấp

 

Người nộp đơn VN

Người nộp đơn nước ngoài

Tổng số

Cấp cho người VN

Cấp cho người nước ngoài

Tổng số

2012

382

3.557

3.959

45

980

1.025

2013

443

3.726

4.169

59

1.203

1.262

2014

487

3.960

4.447

36

1.322

1.368

2015

583

4.450

5.033

63

1.325

1.388

2016

560

4.668

5.228

76

1.347

1.423

2017

592

4.790

5.328

109

1.636

1.745

2018

646

5.425

6.071

205

2.014

2.219

2019

720

6.800

7.520

169

2.451

2.620

2020

1.020

6.674

7.694

139

4.180

4.319

2021

1.066

7.469

8.535

153

3.538

3.691

Tổng số

6.499

51.539

58.038

1.054

20.006

21.060

%

11,2%

88,8%

100%

5,1%

94,9%

100%

Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ, 2022

 

Bên cạnh đăng ký bằng sáng chế, số lượng các giải pháp hữu ích và bằng độc quyền giải pháp hữu ích đã được cấp cũng được xem là kết quả của sự sáng tạo của đội ngũ tri thức. Số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích cũng tăng nhiều qua các năm tăng từ  298 đơn và 87 bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2012 lên 595 đơn và 250 bằng độc quyền giải pháp hữu ích nâng tổng số đơn đăng ký giải pháp hữu ích đạt 14.789 đơn và 1.866 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Tuy nhiên, khác với  bằng độc quyền sáng chế, tỷ lệ đơn đăng ký và bằng độc quyền giải pháp hữu ích lại chủ yếu vẫn thuộc về người Việt Nam. Tỷ trọng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của người Việt Nam chiếm 31,6% và bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt Nam là 76,36%. Điều này được thể hiện qua bảng 4 dưới đây:

Bảng 5: Đơn đăng ký giải pháp hữu ích đã nộp và số lượng bằng

độc quyền giải pháp hữu ích đã cấp

 

 

Số đăng ký đã nộp

Số bằng độc quyền sáng chế đã cấp

 

Người nộp đơn VN

Người nộp đơn nước ngoài

Tổng số

Cấp cho người VN

Cấp cho người nước ngoài

Tổng số

2012

198

100

298

59

28

87

2013

227

104

331

74

33

107

2014

246

127

373

66

20

86

2015

310

140

450

86

31

117

2016

326

152

478

114

24

138

2017

273

161

434

118

28

146

2018

370

187

557

290

65

355

2019

395

204

599

230

72

302

2020

485

189

674

201

77

278

2021

449

146

595

187

63

250

Tổng số

3.279

1.510

4.789

1.425

441

1.866

%

68,4%

31,6%

100

76,36%

23,64%

100

Nguồn: Cục sở hữu trí tuệ, 2022

   

Kết quả đóng góp của đội ngũ tri thức Việt Nam có thể được nhìn nhận qua những đóng góp vào xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, trực tiếp nhất là Dự thảo các Văn kiện Đại hội của Đảng; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp cũng như những thành tựu thể hiện qua các chỉ số xếp hạng, công bố nghiên cứu quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế trên WoS, Scopus của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Năm 2020, số công bố quốc tế của Việt Nam tăng 5.505 bài (43,6%) so với năm 2019; và năm 2021, số công bố quốc tế tăng 5777 bài (45,7%) so với năm 2019. Cụ thể, kết quả công bố quốc tế trên danh mục Scopus được thể hiện qua bảng sau:

 

Bảng 6: Kết quả công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế

 

Năm

2019

2020

 

2021

Bài báo Scopus của các nước

12.625

18.130

18.402

Bài báo Scopus của các cơ sở GD đại học

11.999

 

17.334

17.625

95,04%

95,61%

 

95,78%

Nguồn: https://www.scopus.com

    

Ngoài ra, đội ngũ tri thức còn có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của nước ta thời gian qua, thể hiện trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, góp phần tăng năng suất lao động và gia tăng giá trị của sản phẩm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015). Nhân lực KH&CN ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

 

4. Mức độ đạt mục tiêu về phát triển đội ngũ tri thức mà Nghị quyết Trung ương 7 khóa X  đã đề ra

 

Sự phát triển của đội ngũ tri thức trong những năm qua đã phần nào thể hiện vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp phát triển đất nước. Kết luận số 52/KL-TW ngày 30/5/2019 của Ban bí thư đã chỉ rõ “Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc”.  Tuy nhiên, bản kết luận cũng chỉ rõ Đội ngũ trí thức sáng tạo, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận thiếu hụt…”. Số lượng nhân lực tri thức có trình độ cao chưa chiếm tỷ trọng lớn ngay cả trong các trường đại học, số lượng nhân lực làm việc trong các viện nghiên cứu có xu hướng giảm, trong khi mức độ tăng nhân lực trong các doanh nghiệp KHCN và các tổ chức dịch vụ KHCN còn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Ðến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới….”.

 

Trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ trí thức nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, số bằng độc quyền sáng chế và các bài báo công bố quốc tế có tăng qua các năm nhưng còn ở mức độ khiêm tốn. Năng lực KHCN &ĐMST ở việt Nam còn hạn chế, được thể hiện qua bảng sau:

 

Bảng 6: Năng lực KHCN&ĐMST của Việt Nam

Tiêu chí

Việt Nam

So sánh

Đóng góp TFP vào tăng trưởng giai đoạn 2016-2020

45,2%

Thời kỳ tăng tốc của Nhật Bản là 129,6% và Hàn Quốc là 64,9%

% chi cho GD&ĐT năm 2021

17,3%

Khiêm tốn so với các nước

% chi ngân sách cho KHCN năm 2021

0,934%

Khiêm tốn so với các nước

Tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2016-2020

5,8%

Thấp hơn 3 lần so với Thái Lan

Thấp hơn 4 làn so với Trung Quốc

Thấp hơn 7 lần so với Malaysia

Thấp hơn 2 lần so với Philipine

 

Những hạn chế này là do các nguyên nhân sau:

 

Thứ nhất, bản thân định nghĩa trí thức còn mang tính mơ hồ và khó lượng hóa, khó xác định đầy đủ số lượng đội ngũ tri thức, thiếu thước đo để đánh giá trí thức thông qua kết quả tạo ra những sản phẩm có giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, trong đó có tính đến những đóng góp trong việc hình thành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, hoàn thiện pháp luật Nhà nước, tham gia phân tích, đánh giá, kiến nghị các kế hoạch đề án, dự án cấp quốc gia và địa phương, trong và ngoài Nhà nước hay không hay chỉ tính đến các sản phẩm dịch vụ cụ thể…. Những hoạt động lao động trí óc nào, hoạt động sáng tạo nào, hoạt động truyền bá kiến thức nào được coi là hoạt động của đội ngũ trí thức. Điều này khiến cho chưa có một đơn vị nào có nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi cũng như báo cáo về số lượng, chất lượng của trí thức hàng năm. Bên cạnh đó, việc sử dụng bằng cấp để xác định đội ngũ trí thức là đúng, nhưng chưa đủ vì có những người, do những điều kiện khác nhau, không có bằng cấp cao, nhưng lao động của họ là lao động trí óc, sáng tạo, chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội. Do đó, cần làm rõ khái niệm trí thức và có thể lượng hóa cụ thể và đầy đủ hơn về số lượng, chất lượng cũng như những vai trò và đóng góp của đội ngũ tri thức

 

Thứ hai, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X còn chung chung, chưa cụ thể và khó đo lường để đánh giá mức độ đạt được. Bên cạnh các từ “chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý..” chưa có các chỉ tiêu định lượng cụ thể chất lượng cao là thế nào? Cơ cấu dịch chuyển theo hướng nào là hợp lý? . Mặc dù mục tiêu cũng đã đề ra là đạt “ngang tầm với trình độ trí thức của khu vực và thế giới” nhưng chưa thể hiện trong lĩnh vực nào? Trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế của của Việt Nam, không thể dàn đều mà cần chọn lĩnh vực ưu tiên trong từng thời kỳ. Điều này gây ra những khó khăn trong việc thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài cũng như phân bổ nguồn lực quốc gia.

 

Thứ ba, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức mà nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã đề ra. Đến nay vẫn chưa có chiến lược tổng thể về đội ngũ trí thức. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa chưa gắn với các giải pháp phát huy vai trò đội ngũ trí thức trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trí thức chậm đi vào cuộc sống; có nơi, có lúc thực hiện thiếu nghiêm túc.

 

Thứ tư, đầu tư cho các hoạt động lao động trí óc thông qua các đầu tư cho KHCN và GD&ĐT còn ở mức độ khiêm tốn, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và quốc tế, hưa đáp ứng yêu cầu phát triển nền tảng vững chắc cho CNH, HĐH đất nước

 

 Thứ năm, chế độ đãi ngộ nhân lực lao động trí óc thấp. Hiện nay nhân lực lao động trí óc chủ yếu hưởng lương hành chính mà thường là quá thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động KH&CN và GDĐT…. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Một số chủ trương, chính sách không sát với thực tế; có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng thiếu những chế tài đủ mạnh đảm bảo cho việc thực hiện có kết quả.

 

Thứ sáu, các chủ trương, chính sách đào tạo đội ngũ trí thức chưa đồng bộ. thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Mặc dù tỷ lệ nhà nghiên cứu trên 1 vạn dân có xu hướng tăng nhưng tỷ lệ tuyển sinh vào đại học còn thấp và có xu hướng giảm. So với các nước trên thế giới, tỷ ệ tuyển sinh đại học của Việt Nam không đóng góp nhiều trong cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ đạt giá trị 28,6 điểm đứng thứ 87 trên 106 nước thế giới theo báo cáo của WIPO năm 2021. Chỉ số này đang có xu hướng tụt điểm từ năm 2017 đến nay. Cụ thể như bảng dưới đây:

 

Bảng 7: Hiện trạng điểm số và thứ hạng của Việt Nam về tỷ lệ tuyển sinh ĐH

 

Năm 2017

Năm 2019

Năm 2021

 

Giá trị

Điểm số

Thứ hạng

Giá trị

Điểm số

Thứ hạng

Giá trị

Điểm số

Thứ hạng

FTE/triệu dân*

674,8

8,04

58

700,8

8,4

58

707,7

8,3

57

Tỷ lệ tuyển sinh đại học**

28,84

24,8

83

28,3

21,9

85

28,6

19,6

87

Điểm TB của 3 trường ĐH hàng đầu theo QS***

0

0

75

9,9

9,9

64

8,9

8,9

66

Nguồn: Báo cáo GII của  WIPO năm 2021

 

*Nhà nghiên cứu, FTE/1 triệu dân được tính từ số lượng nhà nghiên cứu qui tương đương toàn thời gian trên tổng số (đơn vị triệu dân). Trong đó bao gồm cán bộ nghiên cứu dành tối thiểu 10% thời gian cho hoạt động sáng tạo tri thức mới, tạo ra các sản phẩm, qui trình, PP, hệ thống mới và những người quản lý các dự án liên quan, nghiên cứu sinh SĐH tham gia vào hoạt động R&D cũng được tính vào nhóm này.

 

**Tỷ lệ tuyển sinh đại học được tính là số lượng sinh viên nhập học đại học vào cao đẳng không phân biệt lứa tuổi trên tổng số dân ở nhóm tuổi tương ứng

***Điểm trung bình của 3 trường hàng đầu trong xếp hạng QS đại học bằng tổng số điểm của 3 trường đại học được xếp hạng này chia 3. Năm 2019, Việt Nam có 2 trường ĐH quốc gia HCM và ĐH quốc gia HN trong bảng xếp hạng này. QS đánh giá và xếp hạng các trường theo 6 yếu tố với toongt điểm là 100 gồm (i) danh tiếng học thuật (40%); danh tiếng chất lượng đào tạo từ nhà tuyển dụng (10%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%); tỷ lệ giảng viên người nước ngoài (5%) và tỷ lệ sinh viên người nước ngoài (5%)

 

Thứ bảy, thiếu chính sách đủ mạnh thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giải quyết những vấn đề của đất nước và tạo điều kiện để trí thức trong nước được giao lưu, hợp tác, làm việc ở các trung tâm khoa học và văn hoá lớn trên thế giới.

 

5. Một số quan điểm và giải pháp phát triển đội ngũ tri thức thời gian tới

 

Bối cảnh của Thế kỷ XXI đã có những thay đổi to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ, quy mô và tác động của những thành tố công nghệ mới đã và đang làm thay đổi cách con người sống, làm việc và tương tác với nhau”. Do vậy, cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức phù hợp với bối cảnh mới của thời đại và yêu cầu mới của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm rõ những nhiệm vụ cần thực hiện, những đột phá trong xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện nhằm phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức trong năng lực khoa học công nghệ quốc gia.

 

Trước hết về quan điểm, cần nhấn mạnh 3 quan điểm chỉ đạo

 

- Một là, coi Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng nước ta thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2045. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.

 

-  Hai là, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

 

- Ba là, đảm bảo dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.

 

Các phương hướng và giải pháp chủ yếu là:

Một là, nhanh chóng ban hành chiến lược tổng thể về phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước trên nền tảng KHCN và ĐMST. Chiến lược cần đặc biệt cần làm rõ đội ngũ trí thức là những ai, làm việc trong các lĩnh vực cụ thể nào để có thể lượng hóa chính xác sự phát triển của đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng và các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức về chất và lượng cũng như các nhiệm vụ cụ thể mà đội ngũ trí thức cần đạt được.

 

Hai là, hoàn thiện môi trường thể chế, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật cũng như tăng tính hiệu lực của pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi chuyển giao phát minh, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến.

 

Ba là rà soát, hoàn thiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Xây dựng và thực hiện cơ chế tạo điều kiện để trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình cho đất nước. Phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước; trong việc sử dụng kinh phí, sử dụng trí thức đầu ngành theo nhu cầu của đơn vị, nghiên cứu ban hành quy định tuổi lao động cho phù họp. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khoẻ đã hết tuổi lao động.

 

Bốn là, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn đầu tư và ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tăng cường huy động và đa dạng hoá các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phù hợp nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia. Xây dựng một số trường đại học ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tạo điều kiện để các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của các nước phát triển đầu tư mở cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

 

Năm là, thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng trí thức ở trong và ngoài nước, khuyến khích trí thức thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn. Đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, tổ hợp khoa học - sản xuất, trường đại học trọng điểm, các trung tâm văn hoá hiện đại để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của trí thức trong và ngoài nước,

 

Sáu là, xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới… Có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học, trí thức học tập, làm việc tại các tổ chức quốc tế, cơ sở nghiên cứu khoa học, trường đại học, doanh nghiệp ở nước ngoài. Triển khai các chương trình cụ thể để thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài. Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế .

 

GS.TS. Trần Thị Vân Hoa

Trường ĐH KTQD - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ GD&ĐT, Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 tại Hội nghị triển khai công tác đạo tạo năm học 2022-2023
  2. Bộ KH&CN, Cục thông tin KH&CN Quốc gia (2020), Sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nxb Khoa học và Kỹ thuật.
  3. Bộ KH&CN (2021), Chuyên đề: Phát triển KH&CN thúc đẩy đổi mới sáng tạo
  4. Cục sở hữu trí tuệ, (2022)
  5. https://www.scopus.com.
  6. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn.
  7. http://vjst.vn/vn/tin-tuc/6424/phat-trien-nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe--nhung-van-de-can-quan-tam.aspx
  8. WIPO báo cáo đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết