Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhận thức, quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa

Ngày phát hành: 27/05/2019 Lượt xem 40897

1. Mở đầu

   Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt cấu thành của phương thức sản xuất. Theo quy luật khách quan, quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; ngược lại, lực lượng sản xuất phát triển quyết định quan hệ sản xuất.Trong quá trình hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm tìm tòi, phát triển nhận thức, tư duy về mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trên tổng thể và đối với từng yếu tố cấu thành của quan hệ sản xuất. Đó là một quá trình phát triển liên tục về nhận thức thông qua lãnh đạo, chỉ đạo và tổng kết lý luận - thực tiễn, với nhiều đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, nhất là từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay, từ đó đề ra những chiến lược, chính sách đúng đắn, đem lại những thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII tiếp tục đặt ra yêu cầu đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, kế thừa và phát triển những thành tựu của quá trình đổi mới, thực hiện thành công mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

  Thực tiễn trên 30 năm đổi mới, nhất là trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay đã minh chứng và khẳng định trình độ và tính chất lực lượng sản xuất ở nước ta đã và đang được khơi dậy, giải phóng và không ngừng phát triển. Đây là cơ sở vừa khoa học, vừa thực tiễn mang tính quyết định để chúng ta nhận thức và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cho cả giai đoạn và cả thời kỳ quá độ này.Mỗi bước hoàn thiện quan hệ sản xuất là một cơ hội để lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển.

2. Sự phát triển nhận thức của Đảng về mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa

  Sau giải phóng miền Bắc năm 1954, nước ta bắt đầu một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất ở miền Nam. Trải qua nhiều năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước, Đảng ta đã chủ động, sáng tạo thay đổi tư duy về xây dựng CNXH phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta, trong đó xác định phải đồng thời tiến hành xây dựng quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất trong mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, trong những năm đầu của thời kỳ này, chúng ta đã nhấn mạnh thái quá vai trò "tích cực" của quan hệ sản xuất, dẫn đến chủ trương quan hệ sản xuất phải đi trước, mở đường để tạo động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất.

  Trước thời điểm đổi mới (năm 1986), việc vận dụng, giải quyết mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã mắc phải bệnh chủ quan duy ý chí, nóng vội, bảo thủ và trì trệ; không tuân theo các quy luật khách quan, đặc biệt là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Trong xác lập quan hệ sản xuất, chúng ta tuyệt đối hoá vai trò của công hữu, làm cho quan hệ sản xuất chỉ còn tồn tại giản đơn dưới hai hình thức toàn dân và tập thể; kỳ thị, nóng vội xoá bỏ các thành phần kinh tế khác, không chấp nhận các hình thức sở hữu hỗn hợp, sở hữu quá độ; xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân một cách ồ ạt, dẫn đến lực lượng sản xuất không phát triển, tình trạng trì trệ kéo dài, sản xuất đình đốn, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế tăng trưởng thấp và thực chất không có phát triển. Sản xuất không có tích luỹ, chỉ số giá bán lẻ hàng hóa năm sau so năm trước luôn tăng ở mức hai con số.

  Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định: Phải từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhằm phát triển lực lượng sản xuất, coi đó là tiêu chuẩn đánh giá việc xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã khẳng định phải giải phóng sức sản xuất, đồng thời đưa ra chủ trương điều chỉnh lớn cơ cấu sản xuất, bố trí lại cơ cấu đầu tư; xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất; cải tạo xã hội chủ nghĩa theo nguyên tắc bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động.

  Đại hội VII nêu định hướng: "Phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu". Đồng thời xác định: Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Từ thực tiễn đổi mới của đất nước, Đại hội VIII khẳng định: Lấy việc giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức kinh doanh. Đại hội IX khẳng định rõ thêm: Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội.

  Qua tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X đã khái quát, một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là "có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất".

  Đại hội XI đã chỉ rõ một trong những mối quan hệ lớn phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa"; "Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao; đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

  Đặc biệt, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nhấn mạnh mối quan hệ “giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” là một trong tám mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt.

 Đại hội XII tiếp tục xác định “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”.

Nhận thức chung về mối quan hệ mật thiết này còn được thể hiện rõ nét thông qua hoàn thiện nhận thức cả về phát triển lực lượng sản xuất và cả về ba nội dung của quan hệ sản xuất theo quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

 Về phát triển lực lượng sản xuất, nhận thức của Đảng đã khẳng định trong báo cáo kinh tế - xã hội của tất cả các Văn kiện, các kỳ Đại hội. Đặc biệt Đảng và Nhà nước luôn luôn xác định “phát triển kinh tế là trọng tâm”. Nhận thức này còn được cụ thể hóa thành mục tiêu, giải pháp trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả thời kỳ này, nhất là sau năm 2011.

  Về quan hệ sở hữu và thành phần kinh tế, từ hai hình thức chính là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã xác định quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hóa từ nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa. Đây chính là điểm đột phá trong lý luận về mô hình phát triển, khẳng định việc chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Quan niệm về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện qua các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII, IX, X và XI của Đảng. Cụ thể: Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, tập thể và tư nhân, hình thành nhiều hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu hỗn hợp và sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế bao gồm: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế có các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đa dạng với sự đan xen, hỗn hợp của các loại hình sở hữu. Đồng thời xoá bỏ sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu; “Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và XII của Đảng tiếp tục khẳng định:“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật…”.
 Về cơ chế quản lý kinh tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tổng kết và phê phán cơ chế quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp cần phải xóa bỏ; không ngừng đổi mới cơ chế quản lý kinh tế gắn với yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đã rút ra kinh nghiệm bước đầu về tiến hành đổi mới là: Đổi mới về kinh tế, chuyển nền kinh tế mang nặng tính tự cấp, tự túc với cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước là hoàn toàn cần thiết để giải phóng và phát huy các tiềm năng sản xuất kinh doanh trong xã hội.
 Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII thấy rõ sự buông lỏng và lung túng trong việc xây dựng quan hệ sản xuất mới, nhất là cơ chế quản lý kinh tế vì cả ba nội dung của quan hệ sản xuất được xây dựng trước đổi mới đã không còn phù hợp và nhận thức về quan hệ sản xuất mới còn chưa rõ rang. Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Chưa đổi mới kinh tế hợp tác, hợp tác xã tan rã hoặc chỉ tồn tại hình thức chưa có hình thức hợp tác xã mới, chưa thực sự thúc đẩy và quản lý tốt kinh tế tư nhân, quản lý kinh tế liên doanh với nước ngoài còn nhiều sơ hở. 
 Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX và X luôn nhấn mạnh yêu cầu đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định: "Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế...". 
 Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm và bài học thực tiễn của các kỳ đại hội trước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thừa kế mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển”. Đây là sự phát triển mới về nhận thức của Đảng, trong đó xác định rõ nội hàm nước công nghiệp hiện đại thông qua những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế, của xã hội và những tiêu chí phản ánh về chất lượng môi trường.
 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã có những phát triển mới về định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Về mục tiêu tăng trưởng Đảng đã chỉ rõ: “kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế”. Như vậy, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng chính lấy năng suất, hiệu quả sử dụng các nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế làm mục tiêu hàng đầu để vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Về định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng”. 
 Về quan hệ phân phối, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khẳng định phải thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời mở rộng nội dung phân phối trong các kỳ Đại hội VII, VIII theo hướng có nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; đồng thời phân phối theo mức đóng góp các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”. Đây là một bước tiến mới so với các nguyên tắc phân phối được nêu trong Văn kiện các kỳ Đại hội trước, khẳng định nguyên tắc phân phối của cả thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X và XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định, hoàn thiện nguyên tắc phân phối trên và coi đó là nguyên tắc phân phối của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
 Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta xác định: Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. 
 Nhìn lại, sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là sau năm 2011 nhận thức của chúng ta về mức độ quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ngày càng tăng dần từ “phù hợp” đến “phù hợp từ thấp đến cao” và đến nay là “phù hợp tiến bộ”. Trong đó, nhận thức về quan hệ sở hữu được đổi mới cơ bản chuyển từ hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là chủ yếu, sang nhiều hình thức sở hữu đan xen, hỗn hợp; xoá bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế phải được cùng phát triển. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được tăng cường. Khu vực doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại và đổi mới cơ chế hoạt động, trọng tâm là đẩy mạnh cổ phần hoá theo nguyên tắc thị trường; tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, hoạt động có hiệu quả hơn. Vai trò kinh tế tư nhân đã được thừa nhận và được xác định là một động lực phát triển rất quan trọng của nền kinh tế. Về cơ chế quản lý, trong quản lý nền kinh tế kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển hẳn sang cơ chế thị trường. Cơ chế quản lý vĩ mô, vi mô trong thị trường, xã hội phải được thay đổi theo hướng hiện đại và cơ chế vận hành nền kinh tế. Nhận thức về quan hệ phân phối đã đổi mới cả về các yếu tố sản xuất và nguồn lực đầu vào, cả về kết quả sản xuất và sản phẩm đầu ra, đặc biệt là phân phối thu nhập. Chế độ phân phối đã có đổi mới, khắc phục một bước tính bình quân cào bằng; giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách với gia đình và người có công, chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực; đời sống của nhân dân được cải thiện./.

 

TS Nguyễn Bích Lâm

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết