Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Ph.Ăngghen, người thực hiện di chúc về trước tác của C.Mác và ý nghĩa cho công tác lý luận hiện nay

Ngày phát hành: 05/12/2024 Lượt xem 123


 

C.Mác, cũng như bao người khác, trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, thường dặn lại những việc người sau cần làm (di chúc). Trong trước tác (những tác phẩm nói và viết) đồ sộ của C.Mác, ngoài những tác phẩm đã in ấn, còn những bản thảo chuẩn bị xuất bản, đang viết dở hoặc mới sưu tầm được tài liệu, phác thảo đề cương... Chính Ph.Ăngghen cho hay, những ngày cuối đời[1], “Mác chỉ thị bằng miệng là Mác đã chỉ định con gái út của Mác là Êlêônôna và tôi là những người chấp hành việc hoàn thành tác phẩm của ông”[2]. Lịch sử cho thấy, Ph.Ăngghen đã thực hiện xuất sắc ý nguyện này của người quá cố để hôm nay chúng ta có được một học thuyết Mác khoa học và cách mạng hoàn chỉnh; có được một tấm gương cảm động về tình bạn giữa C.Mác và Ph.Ăngghen, mà như V.I.Lênin nói, như “những chuyện cổ tích”, hơn nữa: “... đã vượt xa tất cả những gì là cảm động nhất trong những truyền thuyết của đời xưa kể về tình bạn của con người”[3].

 

1. Ph.Ăngghen, sau khi C.Mác qua đời, với tinh thần khoa học và trách nhiệm cao cả đã hoàn chỉnh các bản thảo của C.Mác để xuất bản. Điển hình vấn đề này là Ph.Ăngghen với Quyển II và III bộ Tư bản của C.Mác. Như chúng ta đã biết, bộ Tư bản là tác phẩm chủ yếu của C.Mác. Đó là tác phẩm vĩ đại bậc nhất của thế kỷ, đã vận dụng tài tình những nguyên lý triết học duy vật và biện chứng về lịch sử vào nghiên cứu một cách sâu sắc những vấn đề kinh tế của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, qua đó cũng làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại và tính khách quan của cách mạng vô sản tương lai trên toàn thế giới. Quyển I bộ Tư bản, với hàng ngàn trang, được xuất bản năm 1867. Mười sáu năm sau, khi C.Mác qua đời, các quyển tiếp theo mới ở dạng bản thảo. Giai cấp công nhân, các đảng cộng sản và các lực lượng tiên tiến nóng lòng mong được đọc tiếp bộ Tư bản và cũng thật lo lắng về công tác biên soạn phần còn bỏ dở này ra sao.

 

Việc biên soạn các quyển còn bị dở của bộ Tư bản đem in không phải là một việc dễ dàng. Về khối lượng, bản thảo là một khối khổng lồ hàng mấy ngàn trang viết. Về mặt nội dung, bản thảo hàm chứa những vấn đề khoa học phức tạp nhất, để hiểu được, đòi hỏi có chiều sâu rộng tư duy của liên ngành triết học, kinh tế học, sử học, toán học... Trong khi đó, sự biểu đạt của C.Mác trong bản thảo thật khác biệt, không giống nhau bởi được viết ở những thời điểm khác nhau của nhiều năm tháng, sử dụng nhiều thứ tiếng, bởi sự cắt quãng của nhiều công việc khác, và bởi sự chi phối vì thiếu thốn vật chất, vì tình trạng bệnh tật dày vò tác giả... Cho nên, bản thảo quyển II bộ Tư bản, như Ph.Ăngghen cho biết: “Bên cạnh những phần đã được phát triển tỉ mỉ, lại có những phần cũng quan trọng như vậy, nhưng chỉ mới được viết phác ra thôi; những tài liệu thực tế cần dùng để chứng minh đã được thu thập lại, song chỉ mới được tạm sắp xếp lại chưa nói đến việc soạn lại; cuối mỗi chương, do muốn chuyển ngay sang chương sau, nên nhiều khi Mác chỉ tạm viết vài câu rời rạc dùng để đánh dấu một đoạn thuyết minh tạm thời bỏ dở; cuối cùng, lại còn lối chữ viết bất hủ mà chính Mác nhiều khi cũng không đọc được nữa”[4].

 

Trước những khó khăn của việc hoàn thiện các bản thảo bộ Tư bản, để xuất bản, Ph.Ăngghen đã không ngần ngại, hơn nữa coi là nghĩa vụ. Người nói: “Tôi có nghĩa vụ phải chuẩn bị để đưa in những di cảo của Mác, và việc đó quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ một công việc nào khác”[5]. Sẽ phải lao động không ít, nhưng đối với Ph.Ăngghen, đó là một lao động thích thú, bởi vì như Người nói, Người dường như sẽ lại được sống “cùng với người bạn cũ của mình”[6]. Ph.Ăngghen cho rằng, để hoàn thành được nghĩa vụ đó, không chỉ thuần túy nỗ lực mà phải có một tinh thần khoa học để không làm sai lệch nội dung tác phẩm và giữ được đặc trưng trình bày của C.Mác. Từ đó, Ph.Ăngghen đã trực tiếp hoặc chỉ đạo làm rất nhiều các công đoạn, công việc với rất nhiều thời gian, kể cả khi ốm đau, của biên tập để bản thảo quyển II và quyển III bộ Tư bản được xuất bản vào tháng 7 năm 1885 và tháng 9 năm 1894. Xuất bản quyển II và III bộ Tư bản là cả một chiến công. V.I.Lênin cho biết, “Átlơ, một đảng viên dân chủ - xã hội Áo đã nhận xét rất đúng rằng khi xuất bản quyển II và III của bộ Tư bản, Ăngghen đã dựng cho người bạn thiên tài của ông một đài kỷ niệm trang nghiêm trên đó Ăngghen cũng không ngờ là đã khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ mờ được”[7].

 

2. Ph.Ăngghen tâm huyết và sáng tạo biến những di cảo mới chỉ là thai nghén khoa học của C.Mác thành những tác phẩm thực thụ. Điển hình điều này là đối với một trong những tác phẩm lớn nhất của Ph.Ăngghen: Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, được in lần thứ nhất vào tháng 10 năm 1884, sau khi C.Mác qua đời một năm.

Vào năm 1877, nhà nhân chủng học Mỹ - Luixơ Henri Moócgan cho ra mắt cuốn sách nổi tiếng: Xã hội cổ đại hay sự nghiên cứu về những con đường phát triển của loài người từ thời đại mông muội thông qua thời đại dã man đến thời đại văn minh. Trong đó thể hiện những công trình nghiên cứu nhiều năm của tác giả về những phong tục cổ của các bộ lạc Bắc Mỹ. L.Moócgan chỉ ra rằng, tế bào xã hội nguyên thủy là thị tộc, rằng hình thức quan hệ hôn nhân trong thời cổ là chế độ quần hôn, những hình thức khác nhau của chế độ nhiều chồng, phản ánh trong những hệ thống thân thuộc cổ xưa...

C.Mác đánh giá cao cuốn sách của L.Moócgan. Người nhận thấy tác phẩm này là một bằng chứng chứng minh cho sự đúng đắn của quan niệm duy vật về lịch sử mà mình và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra. C.Mác định viết một tác phẩm riêng về những phát hiện của L.Moócgan. Người đã tóm tắt rất kỹ cuốn sách Xã hội cổ đại, nhận xét sâu sắc những kết luận của L.Moócgan và dự định trình bày chúng trên cơ sở nghiên cứu của mình về các hình thái kinh tế - xã hội trước chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng, C.Mác không kịp làm điều đó.

 

Trong khi sắp xếp lại các giấy tờ để lại của C.Mác, Ph.Ăngghen đã phát hiện ra những ghi chép trên. Từ những ghi chép của C.Mác, với tư duy uyên bác, Ph.Ăngghen nhận ra những giá trị khoa học trong đó và cùng với tâm nguyện thực hiện nguyện vọng của C.Mác, Ph.Ăngghen đã quyết định bắt tay vào công việc. Dựa vào những tư liệu của L.Moócgan, bổ sung bằng những tài liệu mới, những luận chứng kinh tế không có trong cuốn sách ấy và sử dụng những nhận xét phê phán, những ý kiến của C.Mác rút ra từ tóm tắt nói trên, cũng như những tài liệu riêng của Ph.Ăngghen về lịch sử Hy Lạp, La Mã, Airơlen, về lịch sử người Giécmanh cổ đại, Ph.Ăngghen đã nhanh chóng hoàn thành tác phẩm đặc sắc của mình. Cuốn sách đã nêu lên một bức tranh rộng lớn, phong phú, đầy thuyết phục và hấp dẫn về nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Trong lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất của tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph.Ăngghen coi tác phẩm “... trên một mức độ nào đó là sự thực hiện một di chúc”. Người với thái độ khoa học và công bằng nêu rõ: “Chính C.Mác, chứ không phải ai khác đã dự định trình bày những kết quả của công trình nghiên cứu của L.Moócgan, gắn với những kết luận của công cuộc nghiên cứu lịch sử theo quan điểm duy vật của mình, trong những giới hạn nào đó, tôi có thể nói là của cả hai chúng tôi - và chỉ bằng cách đó mới làm sáng tỏ, được tất cả ý nghĩa của những kết quả ấy”. Và thật khiêm tốn, Ph.Ăngghen nói: “Tác phẩm này của tôi chỉ có thể thay thế một cách yếu ớt những gì mà người bạn đã quá cố của tôi không còn có thể làm được nữa mà thôi”[8].

 

V.I.Lênin đã đánh giá cao tác phẩm này của Ph.Ăngghen, gọi nó là một “trong những tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa xã hội hiện đại”. Tác phẩm là sự bay bổng khác thường của tư tưởng sáng tạo của Ph.Ăngghen, đã cung cấp cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động những luận cứ khoa học mới trên con đường cách mạng của mình[9].

 

 

3. Ph.Ăngghen nhiệt thành và biện chứng trong việc tái bản những tác phẩm của C.Mác. Sau khi C.Mác từ trần, những tác phẩm của Người cũng như của Ph.Ăngghen, ngày càng được giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản và các lực lượng tiến bộ tìm đọc, nghiên cứu. Do vậy, nhu cầu tái bản các tác phẩm của các ông là thường xuyên. Thế nhưng, tái bản không hẳn là in lại y như cũ mà cần có sự biến đổi nào đó một cách hợp lý, để tác phẩm chính xác hơn, hay hơn, đúng với những yêu cầu của điều kiện mới.... Điều đó lại được đặt lên vai Ph.Ăngghen và ông lại với một sự nhiệt thành trong công việc, như thực hiện một lời hứa với người bạn thân thiết quá cố.

 

Vào những năm 40 của thế kỷ XIX, C.Mác còn chưa hoàn thành sự phê phán của mình đối với môn kinh tế chính trị. Mãi đến cuối những năm 50, Người mới làm xong việc đó. Do vậy, những tác phẩm viết giai đoạn trước của C.Mác không khỏi khiếm khuyết so với các tác phẩm viết sau đó cả về nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm Lao động làm thuê và tư bản của C.Mác viết năm 1849, và năm 1891, người ta yêu cầu Ph.Ăngghen cho tái bản. Ph.Ăngghen đã đồng ý. Nhưng trước khi in, Người có sửa chữa. Người cho hay, điều này rất cần, nhất là khi cuốn sách “gần như hoàn toàn chỉ nhằm để tuyên truyền trong công nhân” và phân tích một cách khoa học, thuyết phục rằng: “Trong trường hợp ấy, chắc chắn là Mác cũng sẽ sửa lại bản trình bày cũ năm 1849 cho hợp với quan điểm sau này của mình. Và tôi tin chắc rằng trong lần xuất bản này, sửa lại một đôi chỗ và thêm vào một đôi chỗ cần thiết để đạt được mục đích đó trên tất cả mọi điểm căn bản thì như thế là tôi cũng làm hoàn toàn theo tinh thần của Mác mà thôi. Vậy tôi xin nói trước với bạn đọc: cuốn sách nhỏ này không giống hệt như quyển Mác đã viết năm 1849, mà lại gần giống với quyển sách mà Mác sẽ có thể viết năm 1891”[10].

Cũng như vậy, khi được yêu cầu cho phép in thành sách riêng những bài báo của C.Mác viết về cuộc cách mạng Pháp năm 1848-1849, Ph.Ăngghen đã tiến hành một loạt các công việc sửa lại những lỗi in sai trong bản văn của lần in đầu, viết các chú thích, sửa lại đôi chút nhan đề của ba chương và bổ sung một số đoạn với tư cách là chương thứ tư... và đặt tên các cuốn sách là Đấu tranh giai cấp ở Pháp. Cuốn sách trở thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất của C.Mác dành cho việc tổng kết cách mạng, chỉ ra tính tất yếu phải tiến hành đấu tranh tự giác của giai cấp công nhân, trình bày những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học trong việc cải biến xã hội bằng cách mạng.

 

Khi các tác phẩm của C.Mác được tái bản, thường Ph.Ăngghen đảm nhận việc sửa chữa và viết lời tựa, lời mở đầu. Nhiều lời tựa, lời mở đầu ấy như là để giải thích thêm cho tác phẩm, bổ sung chỉnh lý hoặc nhấn mạnh vấn đề nào đó của tác phẩm... Sau sự kiện vĩ đại là Công xã Pari, C.Mác viết tác phẩm Nội chiến ở Pháp. Tác phẩm quan trọng này nêu rõ ý nghĩa lịch sử toàn thể giới của Công xã Pari, cho thấy Công xã Pari với những nét của Nhà nước kiểu mới - nhà nước vô sản lần đầu tiên có được trong lịch sử, các hình thức xây dựng chính quyền vô sản cần phải có để thay thế bộ máy nhà nước tư sản đã bị đập tan... Ph.Ăngghen đã viết lời mở đầu cho lần xuất bản thứ 3 (1891) tác phẩm Nội chiến ở Pháp. Trong đó, Người nói: “Nếu ngày nay, sau hai mươi năm, chúng ta nhìn lại hoạt động và ý nghĩa lịch sử của Công xã Pari năm 1871, thì thấy cần phải bổ sung thêm một vài điểm vào bức họa mà tác phẩm Nội chiến ở Pháp đã cung cấp cho chúng ta”. Và một trong những điều cần phải bổ sung này, theo Ph.Ăngghen đó là: Việc công xã mắc phải một “điều khó hiểu”, là: “Công xã không dám bước vào ngưỡng cửa Ngân hàng Pháp. Đó cũng còn là một sai lầm nghiêm trọng”[11]. Trong lời mở đầu này, do thực tế lúc đó ở Đức, người ta hiểu sai về vấn đề nhà nước trong cách mạng mà C.Mác đã nhiều lần đề cập, nên Ph.Ăngghen đã lưu ý: “Việc phá hủy chính quyền nhà nước cũ và thay thế nó bằng một chính quyền nhà nước mới, thật sự dân chủ, đã được mô tả tỉ mỉ trong phần thứ ba của tác phẩm “Nội chiến”. Nhưng ở đây, cần phải nhắc lại tóm tắt một số nét của sự thay thế đó, vì chính ở Đức, sự mê tín nhà nước đã chuyển từ địa hạt triết học vào ý thức chung của giai cấp tư sản và ngay cả vào ý thức của nhiều công nhân nữa”[12].

 

4. Ph.Ăngghen đấu tranh không mệt mỏi bảo vệ và tiếp tục phát triển những luận điểm của C.Mác. Từ khi quen biết nhau, suốt nhiều năm công tác sáng tạo lý luận và hoạt động cách mạng, thì cũng bằng ấy thời gian, Ph.Ăngghen cùng C.Mác sát cánh đấu tranh bảo vệ những quan điểm khoa học của hai ông, mà thực chất đã trở thành tài sản tư tưởng - học thuyết cách mạng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nay, C.Mác từ trần, Ph.Ăngghen vẫn tiếp tục cùng các đồng chí khác của mình đấu tranh không mệt mỏi bảo vệ và đồng thời phát triển lý luận của C.Mác.

 

Khi C.Mác từ trần, những kẻ thù của chủ nghĩa Mác coi đó là dịp tốt, đã tăng cường chỉ trích C.Mác. Lý luận về giá trị và giá trị thặng dư, được phát triển hoàn hảo trong Quyển I bộ Tư bản, đã bóc trần bản chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng họ lại cho rằng lý luận ấy quá trừu tượng, khó hiểu và không biểu hiện đúng quan hệ hiện thực của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Họ ác ý rằng, do vậy Mác không đi xa hơn được Quyển I, không dám và không thể có được Quyển II bộ Tư bản. Chính vì thế, trước tình hình này mà sau khi C.Mác từ trần, Ph.Ăngghen đã ngay lập tức gác mọi công việc của mình, dành thời gian và sức lực hoàn thiện bản thảo và nhanh chóng đưa in Quyển II bộ Tư bản.

Khi quyển II bộ Tư bản ra mắt bạn đọc, thì những kẻ xấu lại tung tin rằng, trong đó C.Mác đã sao chép tác phẩm của nhà kinh tế người Đức Rodbetus. Ph.Ăngghen lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ sự vu khống này. Ph.Ăngghen khẳng định: “Theo như tôi biết một cách đích xác cho mãi đến năm 1859, nghĩa là cho đến ngày Mác đã hoàn thành sự phê phán của riêng mình đối với khoa kinh tế chính trị không những về những nét lớn, mà cả về những chi tiết trọng yếu nhất, thì Mác không hề biết gì về hoạt động viết lách của Rodbetus cả”[13]. Người còn chứng minh rằng, C.Mác có nghiên cứu những tác phẩm kinh tế của nhiều tác giả, nhưng là những tác giả nổi tiếng. Còn những kiến thức gì mà Rodbetus có thì lại “không thể thoát ra khỏi những phạm trù kinh tế mà ông ta thấy ở những người đi trước ông ta”[14], hơn nữa, lại không thể nào bằng được với A.Smith và Ricardo.

 

Văn phong của C.Mác thật bác học và những vấn đề mà Người bàn đến thật rộng lớn và phức tạp, nên không phải nội dung nào độc giả cũng hiểu hết. Vấn đề này, nếu được biết, được hỏi, Ph.Ăngghen đã nhiệt thành giải thích trên báo chí hoặc thư riêng. Đặc biệt, Người luôn lưu ý với bạn đọc phương pháp nghiên cứu của C.Mác, rằng: “... toàn bộ thế giới quan của Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp. Nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiên cứu đó”[15].

 

Quá trình thực hiện di chúc về trước tác của C.Mác, cũng là quá trình Ph.Ăngghen viết rất nhiều, hướng vào góp phần phát triển lý luận làm cho chủ nghĩa Mác sâu sắc và toàn diện hơn. Trong đó, ngoài tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, đã nói ở trên, phải kể đến tác phẩm lớn khác của Ph.Ăngghen là Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chúng của triết học cổ điển Đức, viết năm 1889. Ở tác phẩm này, trên cơ sở làm rõ sự khác nhau về nguyên tắc giữa một mặt là chủ nghĩa duy vật biện chứng và mặt khác là chủ nghĩa duy vật siêu hình của Phoiơbắc và phép biện chứng duy tâm của Hêghen, Ph.Ăngghen diễn tả một cách dễ hiểu và phát triển những nội dung cơ bản của triết học mácxít.

Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, Ph.Ăngghen có hàng loạt thư từ gửi bạn bè, đồng chí, bạn đọc... xoay quanh một chủ đề lớn nên được tập hợp lại với cái tên Những bức thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong những bức thư đó, Ph.Ăngghen nghiên cứu sâu hơn và phát triển lý luận mácxít, cũng như chống lại những mưu toan lúc đó muốn tầm thường hóa quan niệm duy vật về lịch sử theo kiểu chủ nghĩa duy vật kinh tế và định mệnh về những quy luật của lịch sử. Đồng thời lúc này, trước những dấu hiệu manh nha ra đời chủ nghĩa đế quốc, Ph.Ăngghen với sự nhạy cảm, nhận thức sâu sắc tính quy luật của sự phát triển kinh tế, đã viết nhiều bài dự báo những nét đặc trưng cơ bản của thời đại mới - giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đồng thời nêu ra những triển vọng và nhiệm vụ của phong trào công nhân quốc tế.

 

Nghiên cứu về Ph.Ăngghen, với tính cách là người thực hiện di chúc về trước tác của C.Mác, đem lại ý nghĩa sát thực cho công tác lý luận hiện nay:

 

Một là, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác lý luận hiện nay là tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cách gọi “chủ nghĩa Mác” trước đây và sau đó là: “Chủ nghĩa Mác-Lênin” là diễn đạt ngắn gọn. Điều này vận dụng nguyên tắc ngôn ngữ học chứ tuyệt nhiên không phải là sự coi nhẹ hay đánh giá thấp vai trò của Ph.Ăngghen trong xây dựng học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động quốc tế.

 

Như trình bày ở phần trên, chưa kể đến những hoạt động khoa học riêng của Ph.Ăngghen hoặc chung với C.Mác..., chỉ nói đến công việc Ph.Ăngghen làm đối với các trước tác chưa kịp hoàn thiện, những di sản khoa học của C.Mác chưa kịp hoàn thành... cũng đã nhận thấy đóng góp to lớn nhường nào của ông cho hệ thống lý luận của phong trào cách mạng thế giới. Vì thế, V.I.Lênin nhấn mạnh rằng: “Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”[16]. Nhấn mạnh này cũng là lời nhắc nhở chúng ta hôm nay, trước hết là đội ngũ công tác lý luận và các tổ chức nghiên cứu - giảng dạy lý luận, một mặt, ghi nhớ công lao vĩ đại trong phát kiến lý luận của Ph.Ăngghen; mặt khác, phải vươn tới nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin một cách hệ thống, đồng bộ, trong đó có di sản lý luận của Ph.Ăngghen và những gì ông kết hợp hoạt động khoa học và thực hiện di chúc về trước tác của C.Mác. Qua đấy, những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin mới được khai thác đầy đủ cả về phương diện triết học, kinh tế và chính trị - xã hội. Cũng qua đó mới củng cố hơn nữa niềm tin của xã hội và của chính chúng ta - những người cán bộ lý luận, vào hệ tư tưởng - kim chỉ nam của Đảng ta là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Hai là, như vừa nói, hệ tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch vẫn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Thực tế mấy năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW[17] cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có nội dung rộng lớn, bằng nhiều hình thức và thật khó khăn, phức tạp. Nhiều lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó đội ngũ tuyên giáo là nòng cốt, nhưng quan trọng hơn là bộ phận những người trực tiếp đọc - nghiên cứu và giảng dạy các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều người nghiên cứu, tuyên truyền, giảng dạy, bảo vệ... hệ tư tưởng của Đảng có thể dựa trên những cơ sở dữ liệu thứ cấp. Còn bộ phận tiếp cận trực tiếp với tác phẩm kinh điển (phần lớn là cán bộ lý luận, một số trí thức và nhân dân có tâm huyết và trình độ học vấn cao...) trong nghiên cứu có khả năng khai thác đúng và hiểu rõ bản chất những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó góp phần có hiệu quả và thuyết phục vào thực hiện nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà Nghị quyết số 35-NQ/TW nêu ra. Đồng thời, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt của họ (tạp chí, sách, đề tài khoa học, giáo trình - bài giảng...) chính là tài liệu thứ cấp đáng tin cậy cho đông đảo cán bộ, nhân dân làm cơ sở tham gia với nhiều hình thức vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

Do đó, cần đánh giá cao những sản phẩm khoa học nghiên cứu trực tiếp kinh điển. Cần động viên, khuyến khích để có nhiều cán bộ lý luận tiếp cận trực tiếp với kinh điển. Thế nhưng, đọc trực tiếp, phân tích, khai thác các nội dung trong các tác phẩm kinh điển không phải là dễ dàng. Vì thế phải có phương pháp tiếp cận kinh điển. Một trong những phương pháp nổi bật ở Ph.Ăngghen khi thực hiện các hoạt động khoa học theo di chúc của C.Mác là: tinh thần biện chứng. Như nêu ở phần trên, mỗi khi tái bản các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen đều chỉnh sửa thận trọng, theo ông tái bản không hẳn là in lại như cũ, mà cần có sự biến đổi nào đó một cách hợp lý, để tác phẩm chính xác hơn, hay hơn, đúng với những yêu cầu của điều kiện mới... Hoặc nhiều tác phẩm tái bản khác của C.Mác, Ph.Ăngghen thường đảm nhận việc viết lời mở đầu, lời tựa... (có những tác phẩm mấy lần) để giải thích thêm cho tác phẩm, bổ sung, chỉnh lý hoặc nhấn mạnh vấn đề nào của tác phẩm... do đòi hỏi từ sự biến đổi khách quan...

 

Tinh thần biện chứng trong công tác lý luận hiện nay ở nước ta có những yêu cầu cụ thể và đã được nêu ra ngay từ yêu cầu của Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 và nhắc lại ở Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị, nay vẫn cần tiếp tục quán triệt. Đó là, công tác lý luận phải khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, làm rõ những vấn đề cần nhận thức cho đúng, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu của khoa học hiện đại. Nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời chú trọng nghiên cứu những tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Đối với những học thuyết khác - ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin, về xã hội, cần được nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều cũng như chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi màu sắc.

 

Ba là, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, trong đó có dự báo khoa học, là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của công tác lý luận. Để hoàn thành tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước, Ph.Ăngghen, không chỉ trên cơ sở tài liệu của C.Mác đã chuẩn bị, mà còn dựa vào kết quả khảo sát thực tiễn của nhiều nghiên cứu khác, mà C.Mác chưa kịp tiếp cận. Vào những năm cuối đời, Ph.Ăngghen đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu manh nha của chủ nghĩa đế quốc, từ đó đã có nhiều dự báo khoa học về cách mạng vô sản và xã hội tương lai. Về chính trị, ông nhấn mạnh đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự liên minh với các giai tầng khác, trong đấy có giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Do đó, ở tác phẩm Vấn đề nông dân ở Pháp và ở Đức, viết năm 1894, Ph.Ăngghen phân tích khá toàn diện về giai cấp nông dân với tính cách “... là nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị”[18]. Còn trong thư gửi Đại hội quốc tế các sinh viên xã hội chủ nghĩa, cũng vào năm 1894, Ph.Ăngghen dự báo tương lai sẽ hình thành “giai cấp vô sản trí thức” và trí thức có vai trò to lớn trong cách mạng vô sản. Ông viết: “... sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân còn cần phải có những bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học và các chuyên gia khác...”[19].

 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta rất chú trọng đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Về thường xuyên và lâu dài là tiếp tục làm rõ cơ sở thực tiễn, lý luận, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nâng cao năng lực khoa học phục vụ công tác lý luận, bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước mắt đến đầu năm 2026, tiến hành Đại hội XIV, hoạt động lý luận tập trung tích cực vào công tác chung của Đảng là: chuẩn bị các Văn kiện Đại hội. Công tác lý luận này thật quan trọng và nặng nề góp phần nghiên cứu thực tiễn, lý luận của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành đổi mới và mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước trong 5 năm tới (2026-2030), cùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030)...

Các cá nhân, tổ chức khoa học, trong đó nhất là Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập Văn kiện... thật vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng thật nặng nề khi được trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị các Văn kiện Đại hội XIV. Do đó, phải quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi thực hiện công việc là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” và “Gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách”[20].

 

Bốn là, đức tính của người nghiên cứu lý luận chính trị mácxít (cán bộ lý luận). Ph.Ăngghen có đủ và ở mức độ điển hình về những đặc tính cơ bản này. Cán bộ lý luận chúng ta chưa thể đạt được như vậy, nhưng rất cần noi theo để nâng cao hơn năng lực và hiệu quả công tác lý luận của mình cho công cuộc đổi mới đất nước.

 

Trước hết, đó là niềm tin vào lý tưởng cộng sản. Điều này, ở Ph.Ăngghen là biểu hiện ở việc tin tưởng vào học thuyết mà mình cùng C.Mác xây dựng. Học thuyết mang bản chất nhân văn, khoa học và cách mạng, không phải xuất phát từ chủ quan mà từ đòi hỏi của thực tiễn phát triển xã hội, để giải phóng giai cấp và con người đi đến tương lai tươi sáng. Điều này, ở Ph.Ăngghen, còn được biểu hiện cụ thể trong tình yêu C.Mác, người tiên phong trong xây dựng học thuyết. Nói về điều này. V.I.Lênin viết: “Mối tình thân yêu của ông đối với Mác lúc còn sống và lòng kính mến của ông đối với Mác lúc đã mất, thật vô hạn. Người chiến sĩ khắc khổ và nhà tư tưởng nghiêm nghị ấy có một tấm lòng yêu thương thật là sâu sắc”[21].

 

Từ niềm tin vào hoạt động khoa học của mình, Ph.Ăngghen đã vượt qua nhiều khó khăn trong lao động sáng tạo. Công việc khoa học, vốn dĩ, chưa bao giờ dễ dàng. Điều này nhân lên nhiều đối với công việc khoa học của Ph.Ăngghen, sau khi C.Mác mất, như nêu ở phần đầu. Và chứng minh điều này có thể nhận thấy chỉ cần qua một đánh giá của V.I.Lênin về tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước rằng, trong tác phẩm đó “có thể tin vào từng câu, có thể tin rằng mỗi câu không phải được nói một cách hời hợt, mà được viết trên cơ sở những đống tài liệu lịch sử, và chính trị khổng lồ”[22].

 

Đánh giá trên của V.I.Lênin, cũng là cho thấy đặc tính nghiêm túc, chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học của Ph.Ăngghen. Bản thảo quyển II và III bộ Tư bản với hàng chục ngàn trang bản thảo, khi biên tập để xuất bản, ông đọc từng trang từng dòng, chữa từng câu, từng chữ với rất nhiều thời gian, kể cả khi ốm đau. Các tác phẩm khác của C.Mác, khi đem in hoặc tái bản, Ph.Ăngghen cũng làm như vậy. Ph.Ăngghen chân thành và khiêm tốn về khoa học, Ph.Ăngghen có công lao rất lớn cùng với C.Mác xây dựng học thuyết cách mạng nói chung và thực hiện di chúc về trước tác của C.Mác nói riêng, nhưng ông “luôn coi mình là cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh Mác”. Khi biên tập, bổ sung tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen luôn giữ nguyên tắc làm cho tác phẩm hoàn chỉnh hơn nhưng “lại phải làm cho chính nó thành tác phẩm riêng của tác giả, chứ không phải của người biên tập”[23]

 

Nghiên cứu khoa học chân chính là có phát kiến mới, thúc đẩy sự phát triển, đồng thời kiên quyết đấu tranh với cái lạc hậu, sai trái, phản tiến bộ. Điển hình tinh thần này của Ph.Ăngnghen là ở tác phẩm Chống Đuyrinh, viết năm 1877. Trong đó, Ph.Ăngnghen đã phê phán mạnh mẽ, không khoan nhượng với những quan điểm sai trái – “đảo lộn khoa học” của Đuyrinh. Đồng thời, qua đấy trình bày toàn diện và phát triển những bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác. Ph.Ăngnghen cũng đã phát huy tinh thần này trong các hoạt động khoa học, sau khi C.Mác qua đời, để bảo vệ và phát triển học thuyết mà hai ông đã dày công nghiên cứu, xây dựng nên.

 

Noi theo tấm gương Ph.Ăngnghen, hiện nay ở nước ta, cần một đội ngũ cán bộ lý luận với những đặc tính phù hợp với công tác lý luận trong công cuộc đổi mới. Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu những biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận đến năm 2030, trong đó có biện pháp 3.2. Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ lý luận, các chuyên gia đầu ngành; nâng cao trình độ năng lực nghiên cứu, nhất là năng lực phân tích dự báo. Các nội dung của biện pháp này cần được bổ sung và khái quát để có được hệ thống những đặc tính cơ bản của người cán bộ lý luận ở nước ta hiện nay.

 

PGS,TS. Phan Thanh Khôi
Nguyên Thường trực HĐKH Học viện CTQG Hồ Chí Minh



[1] C.Mác mất ngày 14/3/1883.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 19, tr.511.

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1974, tập 2, tr.12.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 24, tr.11.

[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 20, tr.21.

[6] Xem Tiểu sử Ph.Ăngghen, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tập 2, tr.181.

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1974, tập 2, tr.12.

[8] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 21, tr.43-44.

[9] Xem Tiểu sử Ph.Ăngghen, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tập 2, tr.223.

[10] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.297.

[11] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.286.

[12] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.290.

[13] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 24, tr.21.

[14] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 24, tr.28.

[15] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tập 39, tr.545.

[16] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1980, tập 26, tr.110.

[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

[18] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.613.

[19] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 22, tr.613.

[20] Nguyễn Phú Trọng: Việc chuẩn bị các Văn kiện Đại hội XIV..., Tạp chí Cộng sản (điện tử), 22:33, ngày 23/02/2024.

[21] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1974, tập 2, tr.12.

[22] Trích lại của Tiểu sử Ph.Ăngghen, Nxb Khoa học xã hội, 1977, tập 2, tr.223.

[23] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tập 24, tr.11.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết