Ngày 28/11/1959, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo lịch sử “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào trồng cây. Lời kêu gọi giản dị mà sâu sắc ấy không chỉ tạo nên một phong tục đẹp, mà còn đặt nền móng cho hành trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước Việt Nam suốt hơn sáu thập kỷ. 65 năm kể từ ngày bài viết ra đời, “Tết trồng cây” vẫn giữ nguyên giá trị và trở thành di sản văn hóa sống động của dân tộc, minh chứng cho tầm nhìn vượt thời đại của Bác Hồ về lợi ích to lớn của việc trồng cây gây rừng, hướng tới một Việt Nam xanh bền vững.
Bác Hồ trồng cây đa tại Công viên Thống nhất, mở đầu Tết trồng cây do Người phát động (ngày 11/1/1960).
(Ảnh tư liệu)
“Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều...”
Trong bài viết “Tết trồng cây”, Bác kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị: “tổ chức một ngày “Tết trồng cây”. Bác nhấn mạnh: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều...” và dặn dò: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia".
Bên cạnh lợi ích kinh tế, Bác khẳng định phong trào Tết trồng cây cũng góp phần quan trọng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng. Bác chỉ rõ nếu phong trào trồng cây phát triển mạnh, đất nước ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng tươi tốt, mà rừng chính là thành lũy vững chắc của thế trận quốc phòng. Thực tế trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cho thấy, những hàng cây xanh tươi dọc theo các con đường quốc lộ, tỉnh lộ, các bờ kênh, bờ mương… là những tấm lưới ngụy trang khổng lồ, giúp cho bộ đội phòng không của ta cơ động tiêu diệt máy bay Mỹ.
Đặc biệt, Bác sớm thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây gây rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Vì vậy, Bác động viên nhân dân cả nước ra sức trồng cây để: “Chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, bao đồi, chống xói mòn, chống cát bay…” và khẳng định: “Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn”.
Nói đi đôi với làm, Bác đã tự mình nêu gương trong việc trồng cây. Cái cây được Bác trồng đầu tiên là cây đa tại Công viên Thống Nhất. Ngày 11/1/1960, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Bác đã trồng cây đa tại Công viên hồ Bảy Mẫu (sau này là Công viên Thống Nhất; nay là Công viên Lênin), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây.
Năm 1965, đế quốc Mỹ rải chất độc da cam tàn phá những cánh rừng ở miền Nam, Bác đã ra lời kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây vì miền Nam ruột thịt. Người nói: “... Trong lúc giặc dã man rải chất độc da cam phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng... Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Và cũng chính tay Người đã trồng cây đa tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh vào sáng ngày 31/1/1965.
Cái cây cuối cùng Bác trồng là ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Khi đó, sức khỏe Bác đã yếu, nhiều lần mọi người đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây, nhưng Bác nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại. Tại đây, Bác đã trồng thêm một cây đa. Trồng cây xong, Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn và thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người. Bác căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Trồng cây, gây rừng gắn với phát triển bền vững
Kể từ ngày Bác Hồ phát động, phong trào Tết trồng cây đã vượt xa kỳ vọng ban đầu. Không chỉ dừng lại ở một hoạt động Tết, việc trồng cây, gây rừng đã trở thành chiến lược quốc gia với nhiều chương trình lớn. Nổi bật như: chương trình “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” được triển khai từ thập niên 1990, đã giúp hồi sinh hàng triệu hecta rừng bị tàn phá bởi chiến tranh và khai thác quá mức; chương trình “trồng 5 triệu hecta rừng” (giai đoạn 1998-2010) góp phần quan trọng đưa tỷ lệ che phủ rừng cả nước lên 39,7% vào năm 2010…
Gần đây nhất là việc thực hiện Đề án “trồng 1 tỷ cây xanh” (2021-2025) với mục tiêu trồng 690 triệu cây phân tán tại khu đô thị và nông thôn, 310 triệu cây tại rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Đến đầu năm 2024, hơn 770 triệu cây xanh đã được trồng trên toàn quốc, đạt 121% so với kế hoạch đề ra cho ba năm đầu triển khai. Các tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Long An, Gia Lai... đều vượt chỉ tiêu, đóng góp hàng triệu cây xanh vào mục tiêu chung.
Nhờ những chính sách và chương trình hành động cụ thể, diện tích rừng và cây xanh của Việt Nam không ngừng được mở rộng. Theo số liệu cập nhật đến năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đạt 42%. Ngoài ra, phong trào trồng cây còn thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, từ các cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Nhiều chương trình, quỹ hỗ trợ trồng rừng đã được triển khai, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ đa dạng sinh học, giảm nhẹ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những tác động tích cực đến môi trường, việc trồng cây, gây rừng còn thúc đẩy ngành kinh tế lâm nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế-xã hội. Nhờ các dự án trồng rừng, những cánh rừng cao su, cà phê và cây lấy gỗ đã phục hồi hơn hàng trăm nghìn hecta đất trống, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện sinh kế trong nước, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã vươn ra thế giới, ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 13 tỷ USD; trong 10 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt trên 13 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời. Thành công này không chỉ khẳng định chất lượng và năng lực sản xuất của ngành lâm nghiệp Việt Nam mà còn cho thấy giá trị của các chương trình trồng rừng bền vững.
Đặc biệt, năm 2023, đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, khi lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới. Điều này minh chứng rằng, việc phát triển ngành lâm nghiệp trên cơ sở trồng cây gây rừng không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững.
Nhìn lại chặng đường 65 năm, phong trào trồng cây đã trở thành một truyền thống đẹp trong văn hóa của người dân Việt Nam. Đây không chỉ là cách thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ, mà còn là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam đối với thế hệ tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ là của Nhà nước mà còn là bổn phận của từng người dân. Mỗi cây xanh hôm nay không chỉ mang lại bóng mát mà còn gửi gắm hy vọng cho một Việt Nam xanh và thịnh vượng trong tương lai./.
Theo TTXVN