Ngày 13/9 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đã khai mạc Hội nghị khoa học quốc tế “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam Do giáo sư Trần Thanh Vân làm Chủ tịch đã tổ chức trong khuôn khổ Năm khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc phát động. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự và có bài phát biểu quan trọng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài Phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng.
Phát biểu của Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học:
Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người.
Quy Nhơn, ngày 13 tháng 09 năm 2022
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo
Thưa các Quý vị,
Hôm nay, tại thành phố Quy Nhơn tươi đẹp và mến khách, đông đảo các nhà khoa học lớn trên thế giới và Việt Nam đã về tham dự Hội thảo: Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người. Đây là hội thảo thứ 3 trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” do Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam tổ chức và cũng là một sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động của Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm hưởng ứng Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững 2022 do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phát động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng và nồng nhiệt đến các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã về với Quy Nhơn, Bình Định, mảnh đất giàu truyền thống văn hoá – lịch sử của miền Trung Việt Nam, nơi hội tụ và lan toả nhiều ý tưởng mới, để tham dự Hội thảo quan trọng và có nhiều ý nghĩa này. Xin chúc toàn thể các quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và thu được nhiều trải nghiệm thú vị ở Việt Nam.
Thưa các quý vị,
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, đột biến và rủi ro khó lường. Tốc độ tiến bộ của khoa học công nghệ vượt xa nhận thức chung của nhân loại, ra khỏi tầm nhìn, dự báo của các chính khách và nhanh hơn nhiều đối với quá trình hoàn thiện, bổ sung luật pháp, chính sách của các quốc gia. Xu hướng đó đang đặt tiến trình phát triển của nhân loại trước nhiều cơ hội và thách thức không nhỏ; và ranh giới đạo đức của khoa học, nhất là những khoa học liên quan trực tiếp đến con người, trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Cách nay gần 130 năm, Alfred Nobel đã để lại chúc thư đề nghị trao thưởng cho những cá nhân có cống hiến to lớn cho nhân loại với mong muốn có thể bù đắp cho sự phát triển và hoà bình thế giới trước những hệ luỵ nảy sinh từ phát minh ra thuốc nổ của ông. Ngày nay, nhân loại không còn quá ngỡ ngàng khi tác động của những thành tựu khoa học vượt ra khỏi mong muốn và dự liệu của chính những người phát minh ra chúng, thậm chí con người có thể mất quyền kiểm soát đối với chính những thành tựu mà mình đã sáng tạo ra.
Chúng ta đều biết, kỹ thuật nhân bản vô tính có thể được dùng để chọn lọc các bộ gen khỏe mạnh nhưng cũng làm dấy lên cơn ác mộng rằng: khả năng con người có thể được “nhân bản” hàng loạt trong phòng thí nghiệm đang trở nên gần hơn với thực tế. Sự ra đời của mạng xã hội tạo ra một không gian trao đổi thông tin rộng lớn để các cá nhân có thể chia sẻ, kết nối và hợp tác vượt qua khoảng cách về địa lý, song cũng làm cho thế giới nội tâm của con người trở nên nghèo nàn, khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán, cô đơn và lạc lõng. Sự phát minh ra trí tuệ nhân tạo và robot thông minh đã tạo động lực mới cho phát triển, giúp chúng ta giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống, nhưng nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn trong thế giới hiện đại, đó là: con người sẽ có vị trí như thế nào trong mối quan hệ với thể chế và công nghệ?
Đó chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong vô vàn ví dụ hết sức sinh động mà chúng ta sẽ bàn đến trong chuỗi hội thảo này. Ở đây, tôi không chỉ muốn nói đến vai trò to lớn làm thay đổi thế giới của khoa học tự nhiên mà cả của khoa học xã hội và nhân văn. Chúng ta đều biết, các nghiên cứu về địa - chính trị, địa - chiến lược trong quan hệ quốc tế đã hình thành tư duy cạnh tranh chiến lược, khơi mào cho những cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và cả những cuộc xung đột đẫm máu kéo dài. Rất tiếc là, cho tới hôm nay, tư duy đó vẫn đang ám ảnh một phần nhân loại. Khoa học xã hội và nhân văn từ lâu vẫn đang định dạng mô hình và con đường phát triển của các quốc gia. Có những mô hình đã rất thành công, song có những mô hình mang lại hệ luỵ tai hại cho xã hội, đẩy một bộ phận dân chúng vào tình cảnh đói nghèo.
Do vậy, các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong xác định đường biên “đạo đức” để tiến bộ khoa học thực sự vì con người, phù hợp với sự phát triển của xã hội và phục vụ nhu cầu thực sự của xã hội. Điều đó đòi hỏi sự tỉnh táo và bản lĩnh, nhất là phải có niềm tin vào con đường và sự nghiệp sáng tạo trước những thay đổi. Nhân đây, tôi muốn nói đến ba trào lưu có thể phương hại đến việc thiết lập cầu nối quan hệ giữa các nhà chính khách với cộng đồng khoa học và các chủ thể trên thị trường:
(1)- Chủ nghĩa dân tuý, đó là khi những quan điểm chính trị chủ yếu phục vụ tranh thủ lá phiếu của cử tri, trở thành những lời nói hoa mỹ để lấy lòng số đông dân chúng, không dựa trên những luận cứ khoa học, hoặc chỉ dựa trên những luận cứ một chiều, không hề có những phản biện chính sách. Hệ luỵ là, người ta có thể đổ lỗi cho việc hàng loạt thành tựu khoa học đang trở thành mối đe dọa phá hoại hệ sinh thái, môi trường tự nhiên mà không đề cập đến một khía cạnh khác, đó là chính sự phát triển của khoa học công nghệ đang tạo ra những cơ hội cho con người sửa chữa những sai lầm đó. Vì thế, cần cân nhắc thận trọng thái độ ứng xử đối với các nghiên cứu khoa học: một mặt, các nhà khoa học không thể tuỳ tiện nhận xét, đánh giá khi chưa nghiên cứu thật sự thấu đáo; mặt khác, các chính khách cũng không thể tuỳ tiện ngăn chặn, cấm đoán những phương hướng nghiên cứu với lý do vi phạm đạo đức, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia, làm hạn chế sự sáng tạo và phản biện.
(2)- Chủ nghĩa giáo điều, đó là khi có sự sùng bái thái quá, nhập khẩu, rập khuôn vội vã những ý tưởng mới từ bên ngoài, thiếu sự chọn lọc phù hợp với điều kiện phát triển, thậm chí hoàn toàn xa lạ với thực tiễn cụ thể của một quốc gia hay một cộng đồng. Những nước đi sau rất cần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học nhưng điều đó không nên dẫn tới việc hạ thấp năng lực nội sinh, hạ thấp việc kế thừa và phát huy các tri thức khoa học truyền thống. Trong quá trình phát triển, chúng tôi cho rằng, nội lực đóng vai trò quyết định, ngoại lực đóng vai trò quan trọng, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nếu như không đứng được trên vai của những người khổng lồ, thì chí ít có thể cùng đi với họ.
(3)- Chủ nghĩa độc quyền thị trường. Sự phát triển của khoa học công nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn những rủi ro và đối mặt với những vấn đề đạo đức. Ngày nay, các công ty lớn đang độc quyền kiểm soát hầu hết các công nghệ mới, ngay cả chính phủ quốc gia mạnh vẫn rất khó có thể can thiệp. Đại dịch Covid-19 một lần nữa đã làm dấy lên yêu cầu phải thiết lập những cơ chế chia sẻ hữu hiệu, kể cả bản quyền của những phát minh, sáng chế, để những nước đi sau có điều kiện phát triển vác-xin cho cộng đồng. Tuy nhiên trên thực tế, điều này vẫn còn rất khó khăn. Cần nhấn mạnh rằng, những thành tựu khoa học công nghệ phải là nền tảng thúc đẩy sự hình thành các giá trị nhân văn thực sự, đạo đức chân chính của con người; mục đích cuối cùng là vì sự phát triển chung của toàn nhân loại như người ta thường nói: muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi tới đích hãy đi cùng nhau.
Thưa các quý vị,
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các quý vị thông điệp: Tầm nhìn Việt Nam đối với phát triển khoa học vì con người. Đó là thông điệp về một tầm nhìn mang đặc sắc, bản lĩnh Việt Nam, về sự hài hoà giữa đạo đức, khoa học và phát triển trong một bối cảnh đang thay đổi nhanh, khó dự liệu của thế giới.
Phát triển vì con người đã được Việt Nam kiên trì theo đuổi ngay từ những ngày đầu lập nước. Mục tiêu đó đã được thể hiện kiên định trên quốc hiệu Việt Nam suốt 77 năm qua, đó là: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Ba quyền này gắn chặt với nhau, như lãnh tụ Hồ Chí Minh quan niệm: Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Khi ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quyết định chọn hướng hành trình là đến phương Tây, bởi đây là nơi nắm giữ sức mạnh của nền khoa học kỹ thuật thế giới. Người cũng từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và luôn căn dặn thế hệ trẻ phải gắng sức học hành để dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thực hiện nguyện ước của Người, ngày nay, chúng tôi xác định tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. Đó là tầm nhìn vừa mang giá trị, ý nguyện và khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa mang những giá trị phát triển phổ quát của nhân loại và được hiện thực hoá bằng tiến trình Đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước.
Đổi mới là sự lựa chọn mang tính lịch sử, đánh dấu bước chuyển to lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, mang đến sự thay đổi sâu sắc, toàn diện trong nhận thức, tư duy về đường lối xây dựng, phát triển đất nước. Đó là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, chắt lọc tiếp thu tri thức của nhân loại; đã thật sự trở thành sản phẩm sáng tạo của Việt Nam.
Từ tư duy kế hoạch hóa tập trung, Việt Nam đã nhận thức rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có nhiều mô hình, được phát triển và thích ứng với nhiều điều kiện, thực tiễn khác nhau. Phát triển kinh tế thị trường tự nó không đi đến chủ nghĩa xã hội, nhưng để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội dứt khoát phải phát triển kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá về lý luận của Việt Nam và thực tế đã trở thành mô hình phát triển kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Từ tình trạng khép kín, bị bao vây, cô lập, cấm vận, Việt Nam đã từng bước mở cửa, hội nhập toàn diện, sâu rộng vào khu vực và thế giới; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với những đóng góp nổi bật như ý tưởng về tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm tại Hội nghị APEC năm 2017 và nhiều hoạt động xây dựng các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu.
Sau 35 năm Đổi mới, từ một nước nghèo, lạc hậu, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đã tăng gấp 14 lần, quy mô nền kinh tế tăng gấp 26 lần so với những năm đầu đổi mới. Trong gần hai thập kỷ 1990-2010, đã có gần 30 triệu người Việt Nam thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức 58,1% năm 1993 xuống còn 2,23% năm 2021. Tăng trưởng ổn định và bao trùm đã đem lại lợi ích cho tuyệt đại đa số người dân, góp phần cải thiện đáng kể mọi lĩnh vực xã hội.
Đó là kết quả của việc thực hiện xuyên suốt chiến lược phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; của quan điểm coi con người là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; nhân dân là chủ thể của Đổi mới, là trung tâm của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; và đặc biệt, trong đó có đóng góp quan trọng của việc thực hiện nhất quán tư tưởng coi phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, phát triển con người là “quốc sách hàng đầu”, là con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất để phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa đất nước.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam đề ra mục tiêu tổng quát: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam.
Tôi muốn đề cập đến ba yếu tố quan trọng tạo nên sự gắn kết hài hoà giữa các nền tảng đạo đức, khoa học và phát triển ở Việt Nam trong tầm nhìn mới:
(1)- Đổi mới sáng tạo. Đây là điểm nhấn nổi bật của tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ và là động lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, được thể hiện xuyên suốt trong các định hướng về tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng chính phủ số; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích đổi mới sáng tạo…
(2)- Phát triển nhanh và bền vững. Đây là chiến lược mang mục tiêu “kép”, phù hợp với yêu cầu của một nước đi sau. Trong đó, yêu cầu phát triển bền vững được thể hiện qua các định hướng về chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là đất đai, khoáng sản và nguồn nước; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh...
(3)- Lấy con người làm trung tâm. Đây là thuộc tính trong mọi quá trình phát triển của Việt Nam. Chúng tôi chủ trương phát triển con người toàn diện, bảo đảm an ninh con người, chăm lo sức khoẻ, sự an toàn và môi trường sống tốt cho nhân dân, không để một ai bị bỏ lại phía sau, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người; đặc biệt, coi văn hoá, con người là sức mạnh nội sinh, nguồn lực và là động lực quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển đất nước.
Thưa các quý vị,
Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trên hành trình phát triển nhanh và bền vững, biến những thách thức thành cơ hội để bứt phá, vươn lên, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chúng tôi hiểu rằng, để thực hiện được những điều đó cần có sự đồng hành của cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế. Thông qua chia sẻ tầm nhìn và định hướng phát triển của mình, chúng tôi mong muốn các vị khách quốc tế nhận thức đầy đủ hơn về quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực hướng khoa học tới mục tiêu cao nhất là phát triển toàn diện con người, nỗ lực phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững của thế giới.
Với tình yêu thương con người và trân trọng đối với hành tinh kỳ diệu của chúng ta, xin chúc cộng đồng các nhà khoa học tiếp tục có nhiều phát minh, sáng tạo đóng góp cho phát triển, hoà bình và hạnh phúc của nhân loại.
Xin trân trọng cảm ơn các quý vị!