Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh tư liệu
Năm 1932, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong cùng một số đồng chí tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng trong nước nhằm khôi phục phong trào trong tình hình Đảng ta, một mặt, bị tổn thất nặng nề do khủng bố trắng của thực dân Pháp sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng dao động, bi quan; mặt khác, trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên của Đảng rất hạn chế. Từ đây, Lê Hồng Phong trực tiếp tiến hành các hoạt động lãnh đạo Đảng vượt qua những thách thách, hy sinh vô cùng to lớn để khôi phục lại tổ chức, phong trào và có những đóng góp to lớn trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Qua các văn kiện do đồng chí Lê Hồng Phong soạn thảo, chỉ đạo soạn thảo; các báo cáo, bài viết của Ông, cho thấy Lê Hồng Phong là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta không chỉ trong lãnh đạo thực tiễn mà cả trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
1. Những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Hồng Phong trên mặt trận tư tưởng
- Tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, nâng cao sự thống nhất tư tưởng trong Đảng
Đồng chí Lê Hồng Phong luôn đề cao hàng đầu nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng cho đảng viên, quần chúng. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 15-1-1935 Về công tác trong ba năm qua và tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đã báo cáo lại hoạt động tuyên truyền của mình trong những ngày đầu trở về lãnh đạo phong trào:
“Từ tháng 10-1932 đến tháng 3-1933 tôi đã mở một lớp hai tuần lễ bồi dưỡng cho hơn 20 người từ trong nước sang, trong một thời gian ngắn tôi đã cung cấp cho họ những kiến thức sơ đẳng: tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, đường lối chung của Đảng Cộng sản Đông Dương, nguyên tắc tổ chức của Đảng, làm thế nào để tổ chức quần chúng và làm thế nào để công tác đối với họ, v.v..
Thời gian này tôi cũng đã dịch có kết quả một vài quyển sách về Xôviết Tàu về Hiến pháp Xôviết Tàu, các nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Hội nghị toàn thể Ban Chấp uỷ Quốc tế Cộng sản…, đã viết một quyển sách nhỏ về tình hình quốc tế và cách mạng Đông Dương. Tất cả những tài liệu và sách ấy đã được đưa về nước và nhiều đồng chí đã chép lại để chuyền tay”[1].
- Đấu tranh phê phán tư tưởng dao động, bi quan, tiêu cực về Đảng, về cách mạng sau phong trào cách mạng 1930-1931; khẳng định giá trị của phong trào cách mạng 1930-1931
Do cuộc đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp sau phong trào cách mạng 1930-1931, một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng dao động, thậm chí có luận điệu cho rằng “Đảng đã chết, rằng tình trạng thật là bi thảm”[2]. Bằng nhiều hình thức, nhiều diễn đàn, nhiều bài viết, bài phát biểu, đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định mặc dù có “thất bại nặng nề và đau đớn”, nhưng, bất chấp sự khủng bố của đế quốc Pháp phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phục hồi, bằng các tư liệu, số liệu cụ thể về các cuộc đấu tranh trong các năm 1932, 1933. Đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định giá trị của phong trào cách mạng 1930-1931 đã chỉ rõ cho quần chúng thấy con đường đúng duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo khổ và kiếp nô lệ là con đường tranh đấu[3].
- Khẳng định sự phục hồi của Đảng, cổ vũ niềm tin tất thắng, tinh thần đấu tranh không sợ hy sinh, cầm tù của đế quốc cho cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Trong các bài viết, bài nói và văn kiện Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã phân tích rõ tình hình, thẳng thắng nêu lên những tổn thất, sai lầm của Đảng, nhưng cũng chỉ rõ quy luật phát triển của Đảng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn sau sự đàn áp của kẻ thù. Trong Trong Báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong gửi Quốc tế Cộng sản (1935), đồng chí Lê Hồng Phong chỉ rõ:
“Kinh nghiệm của phong trào vô sản thế giới và kinh nghiệm tranh đấu của bản thân xứ Đông Dương cho thấy rằng dùng cuộc đàn áp và khủng bố không thể ngăn chặn được sự phát triển cách mạng, không thể xoá bỏ được tranh đấu giai cấp.
Cần phải nói thẳng rằng (Đảng chúng tôi đã chịu thất bại tạm thời trong vòng hai năm) đế quốc Pháp đã làm cho phong trào mất người lãnh đạo một thời gian, cao trào cách mạng cũng tạm thời lắng xuống, nhưng phong trào quần chúng đã và đang tiếp tục, do đó không nên nói cách mạng ở Đông Dương đã thất bại như một số đồng chí tìm cách chứng minh.
Trái lại, thời kỳ làn sóng cách mạng lắng xuống là thời kỳ chuẩn bị một cao trào cách mạng mới (về điều này chính quần chúng đã nói lên sự thật). Đó là những cuộc bãi công, biểu tình, v.v. xảy ra không dứt... Đế quốc Pháp không dễ dàng thủ tiêu bộ máy của chúng tôi như báo chí tư sản đã viết trong thời gian làn sóng cách mạng lắng xuống. Đúng là đế quốc Pháp đã tạm thời đập tan được cơ quan lãnh đạo Trung ương của chúng tôi, nhưng các tổ chức hạ cấp ở trong nước không phút nào bị đập tan”[4].
Trong Nghị quyết chính trị của Đại biểu đại hội (congrès) lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (27-31-3-1935) khẳng định sự phục hồi của Đảng: “… trong khoảng hai năm nay Đảng ta lại chiếm địa vị ưu thế trong các cuộc tranh đấu có tính chất tổ chức của quần chúng… Một điều đặc sắc là đa số trong các cuộc tranh đấu của quần chúng do Đảng chỉ huy trong khoảng hai năm sau này đều được thắng lợi hoặc hoàn toàn, hoặc từng phần, khiến cho công nông thêm hăng hái tranh đấu…Cao trào cách mạng mới đã lan khắp các miền hậu tiến (Lào, Cao Miên, thượng du Bắc Kỳ, các địa phương Thượng), các lớp hậu tiến và quần chúng lao động trong các miền dân tộc thiểu số chẳng phải chỉ vào hàng ngũ cách mạng mà thôi mà lại còn tham gia trong công tác chỉ đạo trong công cuộc tranh đấu (Lào, Bắc Kỳ).
- Chỉ ra cách tiến hành công tác tuyên truyền của Đảng
Trong tài liệu huấn luyện của Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1934 “Trật tự tấn hành công tác cách mạng” được biên soạn dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, đã chỉ ra cách tiến hành công tác tuyên truyền rất cụ thể:
“Mục đích tuyên truyền
1. Làm cho quần chúng hiểu sự thống khổ đó là vì giai cấp bóc lột như: sưu thuế, công ích, tạp dịch, v.v..
2. Phải vạch rõ mặt quân thống trị làm cho quần chúng biết những thủ đoạn bố trí của nó, và làm cho quần chúng biết vì cớ gì mà nó bố trí như thế. 3. Làm cho quần chúng biết tự cứu, muốn tự cứu phải tự mình đứng lên làm cách mạng để đánh đổ bọn bóc lột, thoát khỏi sự khổ thì phải đoàn kết mới được.
Cách tuyên truyền cho quần chúng
1. Tuyên truyền bằng miệng như nhân dịp gây ra cuộc đàm thoại để giải thích cho quần chúng rõ những tội ác trên xã hội đều bị bọn tư bản gây nên cả.
2. Tuyên truyền bằng bút truyền đơn, sách, báo.
3. Tuyên truyền bằng mỹ thuật như vẽ hoặc diễn kịch.
Thủ đoạn tuyên truyền
1. Lợi dụng phong triều như có phong triều gì nổi lên nhân đó mà tuyên truyền.
2. Gây nên phong triều nhân khi quần chúng căm tức bọn thống trị, hay nhân sự áp bức gì mới xảy ra mà gây nên phong triều.
3. Nhân cơ hội khi thống trị thi hành việc gì làm cho quần chúng căm tức hay thất vọng, nhân đó mà tuyên truyền hay gặp một việc gì cũng giải thích cho rõ tội ác của tư bản”[5].
- Xây dựng và phát triển báo chí cách mạng của Đảng
Ý thức sâu sắc vai trò đặc biệt của báo chí trong tuyên truyền cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong luôn quan tâm xây dựng các cơ quan báo chí của Đảng. Trong Nghị quyết chính trị (Nghị quyết Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài 3 của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934) đã chỉ đạo: “Các tổ chức đảng cần phải khôi phục các cơ quan ấn loát báo chí, sách tuyên truyền, truyền đơn, in lại các tài liệu cũ của Đảng, v.v. để nâng cao trình độ lý luận của đảng viên và tuyên truyền rộng rãi chính sách của Đảng trong phong trào cách mạng, để nâng cao trình độ chính trị của đông đảo quần chúng lao động… Mỗi tờ báo cần phải có tính giai cấp chiến đấu, không dùng các câu chữ chung chung; viết bằng ngôn ngữ phổ thông và dễ hiểu nhất. Đảng nhắc lại rằng mỗi tổ chức đảng cần ra một tờ báo”[6]
- Truyền bá hình ảnh của Đảng và kêu gọi sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản
Là người từng học tập, công tác ở Trung Quốc, ở nước Nga xô viết khá lâu, am hiểu tình hình cách mạng quốc tế, nên trong các báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, các thư từ gửi các đảng cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong luôn chú ý giới thiệu về Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong tham luận tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong phát biểu: “Thưa các đồng chí, ngày nay, ở Đông Dương, chúng tôi đã có một đảng chưa thật mạnh về số lượng, nhưng là một đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết chiến đấu để thực hiện Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện cách mạng ruộng đất và chống đế quốc, chiến đấu để giành giải phóng hoàn toàn và độc lập cho xứ Đông Dương. Thay mặt cho Đảng chúng tôi, cho công nhân, cho những người lao động Đông Dương, cho hàng ngàn tù chính trị đã bao năm rên xiết trong các nhà tù, tôi gửi lời chào mừng các đại biểu Đại hội Quốc tế Cộng sản và xin trình bày với các đại biểu những kinh nghiệm mà chúng tôi đã thu được trong những năm chiến đấu”[7].
Với các hoạt động tuyên truyền không mệt mỏi trên mặt trận tư tưởng, đồng chí Lê Hồng Phong đã đóng góp to lớn vào nâng cao tư tưởng, tinh thấn đấu tranh cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, góp phần quan trọng vào việc khôi phục phong trào và tổ chức của Đảng trong thời kỳ cực kỳ khó khăn này.
2. Những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Hồng Phong trên mặt trận lý luận
Đồng chí Lê Hồng Phong đã tiến hành nhiều hoạt động để truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin; truyền bá, phát triển, bảo vệ quan điểm lý luận cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Về vai trò của giai cấp vô sản, trong bài viết Vai trò của giai cấp vô sản trong cách mạng Đông Dương (1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã vạch rõ những nhận thức không đúng về vai trò của giai cấp vô sản, đánh giá thấp trong thực tiễn vai trò quan trọng của giai cấp vô sản trọng cách mạng, và chỉ rõ: “Giai cấp vô sản là một giai cấp, ngoài sức lao động của mình không có gì làm sở hữu tư nhân và không có những ý tưởng về sở hữu tư nhân. Giai cấp vô sản có ý thức giai cấp của mình và có tổ chức là lực lượng mạnh nhất trên thế giới. Chính vì vậy mà nó là một giai cấp cách mạng triệt để”[8]. Ở Đông Dương, “mặc dù sự yếu kém về số lượng và sự non trẻ của nó, giai cấp công nhân Đông Dương xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của nó. Đó là điều không thể chối cãi”[9].
- Về tính chất, nhiệm vụ cách mạng Đông Dương, trong bài viết Tình hình và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm (1932), đồng chí Lê Hồng Phong chỉ rõ: “... tánh chất của cách mạng Đông Dương là tư bản dân quyền mục đích để giải quyết (resoidre) các nhiệm vụ về sự làm tiêu diệt phong kiến, các hình thức nô lệ còn sót lại ở thôn quê, đánh đuổi đế quốc ra khỏi Đông Dương, Đông Dương được hoàn toàn độc lập, tịch ký hết thảy cả đất cát của bọn điền chủ bản xứ và ngoại quốc, nhà thờ và giao lại cho dân cày nghèo và trung bình, ngày làm việc tám giờ, dựng chính quyền thợ thuyền và dân cày dưới quyền lãnh đạo của vô sản giai cấp”[10].
- Về vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong khẳng định: “Cái nhiệm vụ lịch sử này thành tựu được chỉ nhờ có một điều kiện là tất cả các giai cấp bị bóc lột ở Đông Dương phải đi dưới bóng cờ mácxít-lêninnít, dưới cờ Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới quyền lãnh đạo của vô sản. Chỉ có đi dưới quyền lãnh đạo của vô sản, tay nắm lấy tay với giai cấp thợ thuyền thì hết thảy các giai cấp bị bóc lột trong xã hội Đông Dương sẽ thoát khỏi cái nạn đói lạnh. Không có sự lãnh đạo của vô sản thì cuộc cách mạng không làm sao thắng lợi được.
- Về bản chất của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong sách Hỏi và đáp về những vấn đề Cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương xuất bản tháng 5-1935, khi đồng chí Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư, đã định nghĩa về đảng chính trị rất khái quát, dễ hiểu:
“H. Đảng là gì? Đ. Đảng là đội quân tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, tích cực nhất, đó là đội quân tiên phong của một giai cấp nhất định, liên hợp lại bằng cùng những nguyên lý như nhau, và được tổ chức thành đảng để tranh đấu bảo vệ những lợi ích của toàn thể giai cấp”
Về bản chất của Đảng, sách chỉ rõ: “Đ.C.S1 là đảng duy nhất của giai cấp vô sản, nó là đội tiên phong của giai cấp này, tập hợp những phần tử tiên tiến nhất, giác ngộ nhất và tận tuỵ nhất với cách mạng trong giai cấp công nhân, Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng và dựa vào lý luận của Mác - Ăngghen - Lênin, là lý luận của cách mạng vô sản”.
Đặc biệt, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những giải thích, nhấn mạnh từ rất sớm đặc thù trong bản chất, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Đông Dương: “... “Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp vô sản, là bộ phận cấu thành của giai cấp vô sản".
Ghi chú: Hoàn toàn đúng, nhưng trong điều kiện của Đông Dương cần nói thêm rằng Đảng bảo vệ tất cả các lợi ích của hết sức đông đảo quần chúng lao động, để nông dân hiểu rằng Đảng không phải chỉ bảo vệ lợi ích của công nhân mà thôi”[11].
- Về mục đích của Đảng, sách Hỏi và đáp về những vấn đề Cách mạng chỉ rõ:
“Mục đích của Đảng Cộng sản là gì?
Đ. "Đảng Cộng sản Đông Dương là đội tiên phong duy nhất của giai cấp vô sản, Đảng tranh đấu để giành đa số của giai cấp công nhân, lãnh đạo nông dân lao động và các tầng lớp nhân dân lao động khác, lãnh đạo họ trong cách mạng phản đế và điền địa (vì nền độc lập hoàn toàn của Đông Dương, ruộng đất cho nông dân, giải phóng tất cả các dân tộc), lập ra chính quyền Xôviết của công nhân, nông dân và binh lính, để chuẩn bị những điều kiện tranh đấu cho nền chuyên chính vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, phù hợp với những điều đã được Cương lĩnh của Q.T.C.S quy định”[12].
- Về nền tảng tư tưởng của Đảng, Lê Hồng Phong chỉ rõ: “Đóng vai trò tiên phong cho giai cấp thợ thuyền và chỉ đạo cho lao động nhất là dân cày, Đảng Cộng sản có những nhiệm vụ rất vĩ đại và quan trọng mà Đảng Cộng sản có thể làm trọn được là nhờ lý thuyết mácxít-lêninnít mà trước kia Đảng Bônsơvích Nga nhờ sự học sâu hiểu rộng lý thuyết ấy mà đánh đổ được chính quyền Nga hoàng, đánh đổ được giai cấp tư bản ở Nga và kéo quần chúng thợ thuyền và dân cày lên con đường kiến thiết xã hội”[13].
- Về nguyên tắc tổ chức của Đảng
Đồng chí Lê Hồng Phong phê bình cách hiểu không đầy đủ nguyên tắc xây dựng tổ chức của Đảng theo địa bàn sản xuất và chỉ ra cách hiểu đúng:
“Tại sao Đảng phải được củng cố ở xí nghiệp? " Bởi vì xí nghiệp là trái tim, là mạch máu, là cuống họng của chế độ tư bản; bởi vì đa số trong giai cấp vô sản (tức là động lực chủ yếu của cách mạng) tập trung tại các xí nghiệp".
Ghi chú: Người ta thường hay lặp lại những lý lẽ ấy, như thế là các đồng chí chưa hiểu rằng nguyên tắc tổ chức theo địa bàn sản xuất là nhằm mục đích tạo dễ dàng cho cuộc tranh đấu; những điều kiện lao động và sinh sống của những người làm việc tại các xí nghiệp đều giống nhau, công nhân gắn bó chặt chẽ với nhau, ngoài ra, ở xí nghiệp dễ lập mặt trận thống nhất chống lại bọn chủ hơn”[14].
- Về nguyên tắc tập trung dân chủ
Đồng chí Lê Hồng Phong đã phê phán cách hiểu không đúng về nguyên tắc tập trung dân chủ và có những giải thích rất sâu sắc và vẫn còn tính thời sự về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng:
"Chế độ tập trung dân chủ là gì?" "Chế độ tập trung có nghĩa là tất cả các tổ chức cấp dưới ở trong Đảng nhất thiết phải phục tùng các tổ chức cấp cao hơn; nhưng chế độ tập trung ấy là chế độ tập trung dân chủ, chứ không phải là chế độ tập trung độc tài, không chịu bất cứ một sự kiểm soát nào và không tính đến ý kiến của đa số nhân dân, đó cũng là chế độ tập trung, nhưng là chế độ tập trung độc tài". "Mang tính dân chủ, nghĩa là tất cả các cơ quan cấp trên đều do các cơ quan cấp dưới bầu ra".
Ghi chú: Điều này không đúng.
1. Nói rằng "chế độ tập trung là chuyên chính" thì không đúng.
2. "Chế độ tập trung - đó là tuyệt đối phục tùng các cơ quan cấp trên", điều đó cũng không đúng.
3. "Mang tính dân chủ - điều đó có nghĩa là các cơ quan cấp trên được các cơ quan cấp dưới bầu ra", nói như vậy cũng không đúng.
4. Giải thích riêng từng từ một - như thế đã là sai lầm rồi.
Tiếp nữa: "Nhưng chế độ dân chủ như vậy không phải là một huyền thoại nào đó, không phải là vật "thiêng" mà người ta không thể đụng vào được. Tuỳ theo hoàn cảnh, chúng ta thực hiện chế độ dân chủ ấy hoặc từ chối không thực hiện nó, chúng ta mở rộng nó hoặc hạn chế nó".
Ghi chú: Có thể nói rằng chúng ta mở rộng hoặc hạn chế dân chủ, nhưng không thể nói rằng có thể thực hiện dân chủ hoặc từ chối không thực hiện nó, dĩ nhiên trừ những trường hợp đặc biệt.
Các đồng chí viện dẫn Lênin, Người nói: "trong điều kiện hoạt động bí mật chúng ta không thể thực hiện dân chủ thực sự được", nhưng bằng câu nói này, Lênin muốn nói đến dân chủ hạn chế, chứ không phải muốn nói rằng hoàn toàn từ bỏ dân chủ”[15].
- Về tự phê bình và phê bình
Đồng chí Lê Hồng Phong luôn đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng, sẵn sàng nhận khuyết điểm, sai lầm và tích cực sửa chữa trên tinh thần đồng chí chân thành. Tinh thần này thể hiện trong nhiều tác phẩm của bản thân đồng chí Lê Hồng Phong và các văn kiện của Đảng dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Phong trên cương vị Tổng Bí thư.
Trong Nghị quyết chính trị (Nghị quyết Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài 3 của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934), khi đồng chí Lê Hồng Phong là người đứng đầu đã thẳng thắn tự phê bình về thiếu sót của Đảng: “Nhưng Đảng cũng còn nhiều thiếu sót và yếu kém mà Đảng không thể giấu được, trái lại Đảng cần phải phê phán để sửa chữa và đi theo đường lối đúng đắn của Lênin, theo đường lối của quốc tế cộng sản”[16].
Trong Báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong gửi Quốc tế Cộng sản, Đồng chí đã thẳng thắn thừa nhận: “Bên cạnh những thành tựu to lớn, các nhược điểm của chúng tôi cũng không nhỏ’’. Khi báo cáo về tinh thần chỉ đạo Đại hội I của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã khẳng định: “Đại hội Đảng diễn ra dưới khẩu hiệu tự phê bình theo tinh thần bônsơvích. Tất cả các đại biểu đều tích cực tham gia phê bình các khuyết điểm và nhược điểm của mình”.
- Đấu tranh phê phán những quan điểm lý luận sai trái, bảo vệ lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây cũng là một đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Hồng Phong trên mặt trận lý luận. Trong nhiều bài viết, văn kiện Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã phê phán những nhận thức, quan điểm lý luận không đúng trong Đảng. Trong bài viết Vai trò của giai cấp vô sản trong cách mạng Đông Dương (1935), đồng chí Lê Hồng Phong đã đấu tranh vạch rõ những nhận thức không đúng về vai trò của giai cấp vô sản, về mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức của công nhân, nông dân, mặt trận, qua đó bảo vệ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản. đồng chí Lê Hồng Phong chỉ rõ: “Khi đọc những tài liệu của Xứ uỷ Nam Kỳ, người ta thấy rằng những sai lầm trong việc đánh giá kinh nghiệm của các cuộc tranh đấu đã qua sản sinh ra một số những sai lầm khác, và trong vấn đề quan hệ của Đảng với giai cấp vô sản, và trong vấn đề quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong thời kỳ cách mạng trước đây, và trong vấn đề khởi nghĩa vũ trang năm 1930, v.v..
… Khi phạm sai lầm đó, người ta lao vào một sai lầm khác. Đó là đối lập giai cấp với Đảng, nói cách khác là tách Đảng khỏi giai cấp... Đó là điều trái với lý luận mácxít - lêninnít. Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản bao gồm những phần tử tích cực nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất của giai cấp vô sản, nhưng Đảng không đóng cửa với những phần tử của các giai cấp khác (không vô sản) trong tranh đấu tỏ ra tận tâm và bảo vệ kiên quyết những lợi ích của giai cấp vô sản, thì họ có thể được gia nhập vào hàng ngũ của Đảng. Vì vậy, không được dựa vào một vài trường hợp để rút ra cái kết luận hết sức sai lầm là Đảng gồm các đại biểu của tất cả các giai cấp. Đảng là một bộ phận của giai cấp vô sản, Đảng là đại biểu của giai cấp, nó gắn bó chặt chẽ với giai cấp, Đảng tồn tại thông qua các công hội, Đảng lãnh đạo các công hội, các hiệp hội nông dân và các tổ chức cách mạng khác”[17].
- Về mối quan hệ giữa Đảng - giai cấp - chuyên chính vô sản, đồng chí Lê Hồng Phong đã vạch rõ những nhận thức sai lầm và chỉ rõ: “… không được giải thích một cách máy móc và tuyên bố rằng chuyên chính vô sản hay chuyên chính công nông đó chính là chuyên chính của Đảng. Chuyên chính của giai cấp vô sản có nghĩa rằng giai cấp vô sản thực hành nền chuyên chính của mình đối với giai cấp tư sản và địa chủ, còn Đảng là một thiểu số trong giai cấp và lãnh đạo giai cấp thực hành nền chuyên chính của mình đối với các giai cấp khác, đó không chỉ là Đảng thực hành nền chuyên chính của mình đối với các giai cấp khác. Sách lược và chiến lược của Đảng, đó là sách lược và chiến lược của toàn bộ giai cấp, chính vì vậy mà quần chúng theo họ và phát huy mọi nỗ lực để thực hiện sách lược và chiến lược đó và không được kết luận từ đó rằng đó là nền chuyên chính của Đảng”[18].
Trên đây là điểm qua một số đóng góp to lớn trên mặt trận tư tưởng, lý luận của đồng chí Lê Hồng Phong. Về phương pháp nghiên cứu lý luận, đồng chí Lê Hồng Phong bao giờ cũng gắn với thực tiễn cách mạng Đông Dương, đi thẳng vào thực tiễn, mổ xẻ thực tiễn để qua đó mà tổng kết phong trào cộng sản và phong trào cách mạng ở Đông Dương. Với đồng chí Lê Hồng Phong, phương pháp chỉ đúng khi nó được gắn chặt với lý luận, với đời sống thực tiễn. Đó là phương pháp đúng đắn nhất trong nghiên cứu lý luận cách mạng./.
PGS,TS Nguyễn Văn Giang *
* Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr394-395
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.323.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.313.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.299
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr.207-208
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr.168-189
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.316
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.377
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr 317
1 Đ.C.S: Đảng Cộng sản (B.T).
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr317
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.253
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr430
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H, 1999, tr 430-431
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2002, tr.381-382.