Cách đây 77 năm, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về nền độc lập của đất nước và sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vững bước trên con đường Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng đấu tranh bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Ngày nay, tiến bước mạnh mẽ trên con đường 77 năm cách mạng vẻ vang, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện; ổn định chính trị-xã hội được giữ vững; quốc phòng-an ninh được bảo đảm; thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác tại khu vực và trên toàn cầu. Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng phát triển vươn lên của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khẳng định Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao
Sau khi giành được chính quyền, nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn: một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ngân khố kiệt quệ, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và manh mún, sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ… sau nhiều nỗ lực và trải qua chặng đường tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, tổng kết của Đảng và nhân dân ta để xây dựng cương lĩnh cho cách mạng nước ta trong giai đoạn mới và đề ra chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong vòng 20 năm (1996-2016) của Việt Nam thuộc các nhóm nước đạt mức 5% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2018 đạt 7,08% (cao nhất trong gần một thập kỷ qua) và năm 2019 đạt 7,02%. Đáng chú ý, năm 2020, dưới tác động của COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì tăng trưởng dương (2,9%), bảo đảm an sinh xã hội.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trong giai đoạn 2010-2020 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống 14,85% năm 2020; các khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng tương ứng từ 81,1% lên 85,15%, vượt mục tiêu đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu. Năm 2021, vượt qua chặng đường đầy khó khăn bởi đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm về đích với con số kỷ lục 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Trong năm 2021 có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Bên cạnh thế mạnh xuất khẩu nông sản, với nền chính trị ổn định, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính đến 20/7/2022, đã có trên 15,41 tỷ USD vốn nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam. Tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 59,3% và 25,7%.
Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong những gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng. Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Việt Nam đã được vinh danh tại nhiều lễ giải quốc tế về du lịch, như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An”…
Đời sống nhân dân được cải thiện
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho sự phát triển các mặt thuộc lĩnh vực văn hoá-xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Trong đó, thành công nổi bật, đầy ấn tượng qua hơn 35 năm thực hiện đổi mới là đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, khuyến khích, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nếu như năm 1988 chỉ đạt 86 USD/người/năm thì đến năm 2019 đã đạt 2.800 USD/người/năm, nước ta đã ra khỏi nhóm nước thu thập thấp để trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,4% năm 2010 và giảm xuống còn khoảng 7% năm 2015. Năm 2019, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước ước còn 4%.
Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Bảo hiểm y tế được mở rộng; các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều đặn và liên tục suốt mấy thập kỷ qua. Với chỉ số HDI 0,706 năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm có HDI cao của thế giới.
Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm, đảm bảo mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú…
Quốc phòng-an ninh được bảo đảm
Việt Nam đã bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo đảm được chủ quyền quốc gia, biển đảo và giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; bước đầu đối phó có hiệu quả với mối đe dọa an ninh phi truyền thống, kiềm chế sự gia tăng tội phạm.
Những chủ trương, giải pháp trong chiến lược quốc phòng, quân sự, chiến lược an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh về mọi mặt của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được tăng cường; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Kết hợp có hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại và ngược lại.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng cao. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được tăng cường. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” ngày càng được củng cố…
Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao
Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ với các nước, cả song phương và đa phương.
Đến năm 2022, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tạo được khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài và đan xen lợi ích với tất cả các nước láng giềng, khu vực. Sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần vào việc củng cố đoàn kết, duy trì những nguyên tắc cơ bản, tăng cường hợp tác nội khối, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của của hiệp hội ở khu vực và trên trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh COVID-19…
Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định tự do tế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKFTA. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Phương Dung(TTXVN)