Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới (Phần 2)

Ngày phát hành: 28/08/2022 Lượt xem 1141

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964)

Nguồn: TTXVN

 

2. Là lực lượng nòng cốt trong giáo dục và đào tạo

Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố đảm bảo thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay. Do vậy, phát hiện và tuyển chọn, bồi dưỡng và đào tạo các tài năng trẻ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu của ngành giáo dục và đào tạo nước ta. Nhiệm vụ khó khăn và quan trọng ấy không chỉ cần có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và các bậc phụ huynh mà còn còn cần có sự quan tâm đặc biệt của các nhà trí thức. Sự hiện diện của họ trong vai trò nhà sư phạm ở nhiều cấp học cả trước, trong và sau đại học chính là yếu tố căn bản quyết định chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực. Trên thực tế, hoạt động giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân tài trong thời kỳ đổi mới với sự tham gia rộng rãi và chuyên sâu của giới trí thức có thể được khái quát lại trên những nét lớn như sau:

 

- Phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở bậc học phổ thông

Bồi dưỡng học sinh năng khiếu là bước đầu tiên trong quá trình đào tạo nhân tài, đòi hỏi phải được thực hiện từ rất sớm, nhất là trong một số lĩnh vực tinh tế, đặc thù, cần có tố chất bẩm sinh vượt trội được thể hiện ngay từ khi còn nhỏ như toán học, hội họa, thể thao, âm nhạc… Các trường chuyên được mở rộng rãi từ cấp II, III tại Hà Nội và một số địa phương, do các nhà giáo có chuyên môn cao ở trình độ chuyên gia trực tiếp tham gia giảng dạy và đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào trong việc đào tạo tài năng trẻ cho đất nước. Trong đó, Khối Trung học phổ thông chuyên Toán - Tin (thường gọi tắt là Khối A0) thuộc trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nơi giàu thành tích nhất, đạt đến đẳng cấp quốc tế, nhận được nhiều danh hiệu cao quý và trở thành một điển hình xuất sắc của hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Khối tập trung các nhà sư phạm toán học hàng đầu của nước ta như PGS. Phan Đức Chính, GS. Hà Huy Khoái, GS. Nguyễn Văn Mậu, TS. Nguyễn Vũ Lương, ThS. Phạm Văn Hùng… tham gia giảng dạy. Dưới sự hướng dẫn của họ, nhiều thế hệ học trò chuyên toán đã đạt được các giải thưởng cao tại các kỳ thi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là các giải thưởng tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế (International Mathematical Olympiad - IMO) - kỳ thi danh giá nhất dành cho học sinh toán trên toàn thế giới. Từ những học sinh chuyên toán A0, nhiều người đã trở thành giáo sư, nhà khoa học nổi tiếng như Đào Trọng Thi, Trần Văn Nhung, Nguyễn Đông Anh, Hoàng Ngọc Hà, Lê Hồng Vân, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo [Hàm Châu, 2014, tr. 653]…

 

Bên cạnh Khối A0, Việt Nam còn có các trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giàu thành tích khác trong đào tạo học sinh chuyên toán trên cả nước như Trường THPT Chuyên, Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội; Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội; Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh; Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa; Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng… Đây đều là những trung tâm đào tạo lớn của hệ trung học phổ thông ở Việt Nam, nơi mà cả thầy và trò đều nỗ lực hết mình trong hoạt động dạy và học, tự tin, cần cù, sáng tạo để ươm mầm những tài năng cho đất nước.

 

- Đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và sau đại học

Về nguyên tắc, để đào tạo nên những tài năng khoa học trẻ xuất sắc, những người sẽ làm chủ nền khoa học và công nghệ của đất nước trong tương lai, việc đào tạo phải được thực hiện ở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo lớn, nơi tập trung đông đảo các nhà khoa học có năng lực nhất của chuyên ngành với các điều kiện làm việc tương đương chuẩn mực quốc tế, có quan hệ hợp tác rộng rãi với các cơ quan nghiên cứu, các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có một số rất ít các trường đại học, viện nghiên cứu lớn và một số mô hình đào tạo đặc biệt khác đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này và trở thành những hạt nhân ở tuyến đầu trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc một số chuyên ngành khoa học quan trọng như y học, toán học, vật lý, v.v. Tại đây, các trí thức khoa học làm công tác giáo dục ở trình độ chuyên gia đã hết lòng truyền đạt tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm và lòng say mê nghề nghiệp, say mê khám phá khoa học cho các học trò và đồng nghiệp trẻ của mình. Họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bồi đắp nên thế hệ những nhà khoa học kế cận trong lực lượng nghiên cứu cũng như tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng cần thiết cho đất nước.

 

Trường Đại học Y Hà Nội, được xem là cơ sở đào tạo uy tín nhất nước ta với bề dày lịch sử hàng thế kỷ (thành lập từ năm 1906). Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, trường đã đào tạo được nhiều thầy thuốc ưu tú đạt trình độ quốc tế như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước…, đặt nền móng cho việc đào tạo các bác sĩ giỏi sau này. Mặc dù thế hệ những người thầy đáng kính trong thời kỳ lập nước Cộng hòa Dân chủ và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đều đã qua đời song lớp học trò của họ với nhiều cá nhân xuất sắc như các giáo sư Nguyễn Huy Phan, Nguyễn Dương Quang, Tôn Thất Bách, Đặng Hanh Đệ, Nguyễn Văn Vân, Nguyễn Lân Việt... vẫn tiếp bước các tiền bối của mình, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo các nhà y học trẻ. Dưới sự hướng dẫn của họ, rất nhiều đề tài có ý nghĩa quốc gia hay quốc tế đã được thực hiện tại các trường đại học và các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa lớn và bảo vệ thành công trong mấy thập niên qua, góp phần hình thành nên một đội ngũ thầy thuốc giỏi và nhà y học ưu tú cho ngành y tế Việt Nam.

 

Đặc biệt, mô hình kết hợp Viện - Trường do GS. Nguyễn Lân Việt đề xuất và thực hiện đã tạo nên sự gắn kết rất hiệu quả giữa hoạt động giảng dạy ở Bộ môn Tim mạch - Trường Đại học Y Hà Nội với thực tiễn điều trị ở Viện Tim mạch Việt Nam. Nhờ mô hình này, hiện nay Viện Tim mạch đã có được một đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, hầu hết đều trẻ tuổi, có trình độ sau đại học; nhiều người đang là chuyên viên của Tổ chức Y tế Thế giới và giảng dạy về chuyên ngành tim mạch ở nhiều nước. Viện cũng là đơn vị mũi nhọn của ngành y trong việc ứng dụng các kỹ thuật cao để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý chuyên ngành.

 

Trong một lĩnh vực quan trọng khác của khoa học là toán học, Viện Toán học được xem là sơ sở nghiên cứu và đào tạo tài năng toán học có nhiều thành tựu ở bậc sau đại học của nước ta. Đây là một viện hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển. Hiếm có cơ sở nghiên cứu khoa học nào ở nước ta có một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học trình độ cao, phần lớn là những người tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học lớn tại châu Âu và Mỹ. Hoạt động đào tạo sau đại học của Viện đã được bắt đầu từ rất sớm với chương trình đào tạo tiến sĩ từ năm 1980. Phần lớn luận án đều có bài đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín, nhiều luận án có hơn hai bài đăng trên tạp chí nằm trong danh mục trích dẫn khoa học (Science Citation Index - SCI) hoặc danh mục trích dẫn khoa học mở rộng (Science Citation Index Expanded - SCIE) gồm những tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ. Những tiến sĩ tốt nghiệp tại Viện đều trở thành các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy toán học tại các trung tâm nghiên cứu, trường đại học và cao đẳng trong cả nước.

 

Bên cạnh toán học, một ngành khoa học cơ bản khác là vật lý cũng đã thu được những thành tựu rất đáng ghi nhận với sự xuất hiện và hoạt động hiệu quả của tổ chức Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam) do GS.Trần Thanh Vân làm chủ tịch. Kể từ khi được biết đến lần đầu tiên năm 1993 cho tới nay, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trên cả hai địa hạt là khoa học và giáo dục cho đất nước. Trong hai thập kỷ qua, GS. Trần Thanh Vân đã tổ chức thành công 12 lần Gặp gỡ Việt Nam tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Quy Nhơn, thu hút hàng trăm nhà vật lý nổi tiếng đến thông báo và tranh luận về những kết quả mới nhất trong vật lý hạt và vật lý thiên văn, trong đó có nhiều giáo sư đoạt giải thưởng Nobel về vật lý. Những cuộc gặp gỡ này đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng vật lý quốc tế và tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận được những thành tựu nghiên cứu đỉnh cao và những xu hướng nghiên cứu mới đang được quan tâm của chuyên ngành. Bên cạnh đó, từ năm 2001 tới nay, tổ chức Gặp gỡ Việt Nam còn trao các suất Học bổng Vallet với mục đích khuyến học, khuyến tài cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc trên cả nước với số học bổng lên tới hơn 120 tỉ đồng. Học bổng Vallet hiện là quỹ học bổng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam.

 

Có thể khẳng định rằng đội ngũ trí thức trong vai trò nhà sư phạm, nhà chuyên môn, nhà tổ chức khoa học chính là những người tạo nên dấu ấn của nền giáo dục thời kỳ đổi mới ở nước ta. Sứ mệnh đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao của nền giáo dục sẽ không thể đạt được nếu thiếu đi những nhân vật tinh hoa nhiệt tình này. Bằng nhiều hoạt động đa dạng trong đào tạo, họ đã góp phần không nhỏ vào việc khuyến khích sự học - chìa khóa của phát triển và hưng thịnh quốc gia; đồng thời, tạo dựng nên một thế hệ những tài năng khoa học mới làm vốn quý cho đất nước.

 

3. Là lực lượng tiên phong trong khoa học và công nghệ

Bước vào thời kỳ đổi mới, trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước đã có những bước tiến rất dài trong việc đảm đương vai trò khoa học - công nghệ của mình. Trên cương vị là nhà chuyên môn, họ đóng vai trò tiên phong trong hoạt động khám phá tri thức mới; phát minh, sáng tạo, cải tiến những vật liệu, sản phẩm và quy trình mới; ứng dụng công nghệ mới; đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển của các ngành khoa học và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội mà thực tiễn đặt ra. Vai trò của họ thể hiện trên hai lĩnh vực sau:

 

- Có những đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển các ngành khoa học

Có thể nói, chưa bao giờ trí thức Việt Nam lại đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trong nghiên cứu khoa học như trong giai đoạn vừa qua.

Đầu tiên, phải kể đến những khám phá ở trình độ đỉnh cao của các nhà khoa học mang quốc tịch Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Nổi bật nhất là thành tựu có ý nghĩa đột phá mà nhà toán học Ngô Bảo Châu đã đạt được trong việc loại bỏ một chướng ngại vật lớn của ngành toán học có tên Bổ đề cơ bản (Fundamental Lemma). Việc Ngô Bảo Châu tìm thấy lời giải trọn vẹn cho cho Bổ đề cơ bản vào năm 2007 là sự kiện gây chấn động giới toán học lúc bấy giờ. Tờ Time, một tạp chí nổi tiếng của Mỹ, ngay lập tức xếp công trình này vào top 10 phát minh khoa học nổi bật nhất thế giới năm 2009. Sau đó, tại Đại hội toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ năm 2010, Ngô Bảo Châu đã được trao Huy chương Fields - một vinh quang trong toán học tương đương với giải thưởng Nobel trong các ngành khoa học cơ bản khác. Ông là người thứ tư ở châu Á (sau ba nhà toán học Nhật Bản) và là người đầu tiên ở các nước đang phát triển giành được vinh dự lớn lao này [Hàm Châu, 2010].

 

Cùng với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, ở trong nước, một số nhà khoa học đầu đàn ưu tú nhất trên cả hai địa hạt khoa học tự nhiên và xã hội cũng đã có được những công trình nghiên cứu giá trị, chẳng những gây được ảnh hưởng lớn trong giới chuyên môn mà còn có khả năng tạo ra những nhánh mới của chuyên ngành. Có thể kể tới những tên tuổi sáng giá như GS. Hoàng Tụy trong lĩnh vực toán học, GS. Nguyễn Văn Đạo trong lĩnh vực cơ học, GS. Nguyễn Tài Cẩn trong lĩnh vực ngôn ngữ học hay GS. Hà Văn Tấn trong lĩnh vực sử học.

 

Qua một vài gương mặt tiêu biểu kể trên, có thể thấy rằng những trí tuệ hàng đầu của giới trí thức nước ta chẳng những đủ sức thấu hiểu kho tàng tri thức rộng lớn của khoa học hiện đại mà còn có thể tạo ra được những thành tựu mang tính đột phá, làm giàu thêm cho ngành khoa học ấy. Họ không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong trong khoa học mà đất nước, nhân dân kỳ vọng mà còn qua đó góp phần làm rạng danh Tổ quốc, nêu cao vị thế quốc gia, trở thành nguồn động viên, khích lệ thế hệ trẻ nước ta tiếp tục học tập và nghiên cứu nhằm chiếm lĩnh những đỉnh cao mới trong khoa học.

 

- Phát minh, sáng tạo, làm chủ và triển khai ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ mới vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

 

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước từ 1986 đến nay, trí thức Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực đổi mới sáng tạo độc đáo liên quan đến khoa học và công nghệ. Họ đã đạt được những thành tựu hết sức nổi bật trong việc phát minh, sáng tạo công nghệ mới, sản phẩm mới và những quy trình kỹ thuật mới có chất lượng cao để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn sản xuất và đời sống đặt ra.

 

Những năm cuối thập kỷ 80 và đầu 90 thế kỷ XX, việc thực hiện chủ trương khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên gặp trở ngại lớn do nguồn nước lũ mạnh từ phía trên tràn qua biên giới Tây Nam, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Do đó, vấn đề chống lũ rất được Chính phủ quan tâm giải quyết. Là chuyên gia đầu ngành về thủy điện, cuối năm 1995, GS.Nguyễn Sinh Huy cùng cộng sự đã trực tiếp đề xuất với Thủ tướng một ý tưởng đầy sáng tạo: thoát lũ ra biển Tây. Thực chất, đây là cả một hệ thống quy trình kỹ thuật, phương án kỹ thuật để kiểm soát lũ ở vùng Đồng Tháp Mười. Ý tưởng của GS.Nguyễn Sinh Huy nhanh chóng được Thủ tướng cho phép nghiên cứu chi tiết để triển khai thực hiện. Trong các năm 1997-2000, các công trình trong hệ thống thoát lũ ra biển Tây đã lần lượt được xây dựng và hoàn thành. Ngoài việc ngăn lũ hiệu quả, giải quyết vấn nạn thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của hàng vạn người dân, tạo ra nhiều việc làm mới, cải tạo môi trường, công trình này còn làm hình thành nên một vùng lúa cao sản rộng lớn ở Tứ giác Long Xuyên, mang lại hiệu quả hết sức to lớn và toàn diện đối với sự phát triển bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long cả về kinh tế và xã hội.

 

Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, các nhà trí thức càng trở thành một lực lượng không thể thiếu trong việc tiến hành các hoạt động liên quan tới sáng chế và đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất, thay thế hàng nhập ngoại, góp phần gia tăng năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhà máy thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á là công trình tích hợp rất nhiều giải pháp sáng tạo về kỹ thuật và công nghệ có giá trị kinh tế lớn do các chuyên gia Việt Nam thiết kế, sản xuất, thi công, lắp đặt. Trong đó, đáng chú ý nhất là các thiết bị cơ khí công nghệ cao được nghiên cứu, phát minh bởi nhà khoa học Nguyễn Tăng Cường gồm cần cẩu siêu trường, siêu trọng có sức nâng 1200 tấn và cần cẩu “chân què” có sức nâng 350 tấn với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 80%. Trên thực tế, tính ưu việt của sản phẩm cơ khí công nghệ cao mà nhà khoa học Nguyễn Tăng Cường là người đưa ra ý tưởng, nghiên cứu và sản xuất đã trở thành một trong những nhân tố quyết định làm nên kỳ tích về đích sớm 3 năm của công trình thủy điện Sơn La (từ tháng 12-2005 đến tháng 12-2012 thay vì kéo dài đến năm 2015 như kế hoạch ban đầu), làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỷ đồng, khắc phục tình trạng thiếu điện trên diện rộng và tạo ra khả năng tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Thành công này được đánh giá là một mốc son của ngành cơ khí Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển và cạnh tranh với nước ngoài.

 

Nếu như trước đây, những thành tựu lớn trong khoa học hầu hết đều là những nghiên cứu có tính chất cá nhân thì nay, cùng với sự gia tăng của xu hướng hợp tác liên ngành, đa ngành trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và với đồng nghiệp quốc tế trong việc thực hiện các công trình nghiên cứu và dự án quy mô lớn. Trên thực tế, hoạt động hợp tác này đã đem lại những kết quả hết sức tích cực mà công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thời gian qua là một điển hình. Công trình được thực hiện trong vòng 20 năm (1987-2007), với sự phối hợp chặt chẽ của 36 nhà khoa học địa chất Việt Nam và 13 chuyên gia Nga (Liên Xô cũ). Các nhà khoa học đã phát hiện ra các thân dầu trong tầng đá móng granitoit nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ thuộc bể Cửu Long và các mỏ khác (Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc…) và tìm ra tổ hợp các giải pháp công nghệ để khai thác thành công dầu khí trong đối tượng chứa dầu rất mới này. Về khoa học - công nghệ, công trình đóng góp lớn cả về lý thuyết và thực tiễn cho khoa học dầu khí thế giới khi không chỉ khám phá ra một đối tượng chứa dầu rất đặc thù mà còn sáng tạo ra những giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác có hiệu quả dầu từ tầng đá móng với những đặc trưng địa chất cực kỳ phức tạp, có thể ứng dụng cho các bể chứa dầu khác trên thềm lục địa Việt Nam và khu vực [Ngô Thường San]. Về kinh tế - xã hội, công trình góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và đem lại nguồn thu ngoại tệ khổng lồ cho đất nước. Từ năm 1987 đến nay, các mỏ dầu trong móng đã giúp ngân sách thu về khoảng 60 tỉ USD từ việc xuất khẩu dầu và 13 tỉ USD từ 77 hợp đồng dầu khí được kí kết với các đối tác nước ngoài [Bộ Khoa học và Công nghệ, tr. 256]. Ngoài ra, còn tạo tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp khác như hóa dầu, xơ sợi, điện khí, phân đạm, v.v. ở nước ta.

 

Bên cạnh hoạt động phát minh, sáng tạo, trí thức Việt Nam còn thể hiện vai trò trọng yếu của mình trong việc tiếp nhận, làm chủ và triển khai, ứng dụng những thành tựu mới từ cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, điện tử, viễn thông… Trong đó, những thành tựu gặt hái được từ những tiến bộ trong lĩnh vực y tế là hết sức nổi bật. Các nhà nhà khoa học trong lĩnh vực này đã làm chủ được hoàn toàn nhiều quy trình tiên tiến trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh như nội soi, can thiệp nội mạch, sử dụng tế bào gốc, sinh sản, tim mạch…, đặc biệt là quy trình ghép tạng với chi phí giảm hơn rất nhiều so với nước ngoài, tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho đất nước và góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Như vậy, thông qua hoạt động khám phá, phát minh, sáng tạo và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đội ngũ trí thức Việt Nam đã cho thấy vai trò trụ cột của mình đối với việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Họ chính là người nối dài thêm hy vọng và sự tự tin để đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng sáng tạo, không ngừng vươn xa, làm chủ và làm giàu thêm những tri thức khoa học công nghệ mang tầm thế giới.

 

4. Là lực lượng sáng tạo trong văn học và nghệ thuật

Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã ghi nhận những đóng góp nổi bật của trí thức văn nghệ sĩ nước ta trên địa hạt văn hóa và nghệ thuật. Những thành tựu mà họ đạt được đã đưa lại những hiệu ứng hết sức tích cực đối với đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trên ba phương diện sau đây:

 

- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc và giới thiệu những giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới là một trong những chủ trương lớn về văn hóa - nghệ thuật của Đảng ta. Trong thời kỳ đổi mới, các trí thức văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà hoạt động âm nhạc và các nhà văn hóa lớn là những người đóng vai trò quan trọng bậc nhất vào quá trình hiện thực hóa chủ trương này.

Trong lĩnh vực âm nhạc, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc dân gian cổ truyền luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cùng với âm nhạc bác học, âm nhạc dân gian là cơ sở nền tảng để xây dựng một nền văn hóa âm nhạc có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Nhờ tài năng và tâm huyết của các nhà hoạt động âm nhạc Việt Nam đương đại như Nguyễn Vĩnh Bảo, Trần Văn Khê, Nguyễn Thuyết Phong..., nhiều loại hình âm nhạc truyền thống không chỉ được “đánh thức” và nuôi dưỡng mà còn tìm lại được vị thế xứng đáng của mình trong nền văn hóa dân tộc và thế giới.

Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, các nhà văn hóa lớn như Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc… đã đảm đương tốt vai trò là người lưu giữ những di sản quý báu của các danh nhân cũng như những giá trị tinh thần và đạo đức của dân tộc và là cầu nối để giới thiệu vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam ra thế giới. Họ chính là những người đi đầu trong hoạt động ngoại giao văn hóa, làm cho bạn bè quốc tế thêm hiểu và thêm yêu những sắc thái văn hóa tinh thần độc đáo của dân tộc Việt Nam. 

Có thể nói, sự hiện diện của những nhà trí thức trên là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển dài lâu, bền vững của nền văn hóa dân tộc. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, họ không chỉ đóng vai trò là người kế thừa, gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa của cha ông mà còn góp phần làm giàu có hơn nâng tầm vốn văn hóa ấy trở thành tài sản chung của nhân loại.

 

- Góp phần hình thành khuynh hướng mới và hiện đại hoá nền văn học - nghệ thuật

Trí thức văn nghệ sĩ là những người có hiểu biết sâu sắc về thực tiễn đất nước, có sự nhạy cảm cao về chính trị và đặc biệt nhạy cảm trước những đổi thay của xã hội, của con người. Trên lĩnh vực sáng tạo văn học và nghệ thuật, họ là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, tồn tại lâu bền với thời gian và sống mãi trong lòng công chúng. Thông qua các tác phẩm của mình, họ đã nhanh chóng trở thành những người đi tiên phong lay chuyển nhận thức xã hội, khiến đông đảo cán bộ, nhân dân phải “nhận thức lại” hiện thực, nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật để tự mình giải phóng khỏi mọi trói buộc giáo điều, tự phê phán để trưởng thành, thoát khỏi chủ nghĩa ấu trĩ tả khuynh, duy ý chí từng ngự trị một thời.

Trên thực tế, ngay trước thềm đổi mới, nhiều trí thức đã có những tác phẩm mở đường có tính chất dự báo, đi trước, “bọc lót” cho cái mới ra đời được êm xuôi giữa những năm gian nan chuyển đổi cơ chế kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phải chờ đến đổi mới, tiếng nói của họ mới có điều kiện được phổ biến, lan tỏa rộng rãi trong xã hội và thực sự trở thành một nguồn cổ vũ lớn lao đối với công cuộc cải cách kinh tế - xã hội toàn diện và sâu sắc trên đất nước ta. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, Đặng Nhật Minh, nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ và các nhà văn như Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường… là những tác giả đáng chú ý đã cống hiến nhiều tác phẩm quan trọng, có ý nghĩa như những hồi chuông cảnh tỉnh để định hướng cho xã hội, thể hiện sự nâng niu, trân trọng con người và niềm hy vọng vào tương lai, vào những điều nhân bản và tốt đẹp. Từ đó, làm hình thành nên khuynh hướng nhận thức lại hiện thực trong đời sống văn học - nghệ thuật thời kỳ đổi mới, có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình dân chủ hóa xã hội ở Việt Nam.

 

Đổi mới đã thổi một luồng sinh khí ấm áp vào mọi mặt của đời sống, khơi dậy những suy nghĩ mới, những tìm tòi sáng tạo mới trong giới trí thức văn nghệ sĩ, đưa tới những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Đặc biệt, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI (1987) về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới đã mở ra một cách nhìn mới về vị trí, vai trò của văn nghệ, về mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ [98]. Tinh thần của bản Nghị quyết này đã nhanh chóng lan tỏa trong đời sống văn nghệ, được các nhà văn, nghệ sĩ hưởng ứng hết sức mạnh mẽ và thực thi ngay trong các sáng tác của mình, làm nên những tác phẩm mới có những đặc điểm về nội dung và phong cách thể hiện khác với thời kỳ trước, dẫn đến hình thành một giai đoạn mới có sự biến đổi về chất trong văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là trong địa hạt sáng tác văn học và âm nhạc.

 

Trong lĩnh vực văn học, nếu như trước đây, do yêu cầu của cách mạng, những người sáng tác hầu như chỉ đi vào phản ánh một chiều của hiện thực xã hội thì nay, nhờ được “cởi trói” về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật, họ đã mạnh dạn đề cập tới các vấn đề phức tạp, đa chiều của cuộc sống, đồng thời tự tin đưa ra những kiến giải trước các tình huống được đặt ra trong tác phẩm của mình. Thực tiễn văn học thời kì đổi mới đã diễn ra rất sôi động với sự xuất hiện của nhiều gương mặt nổi bật như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… cùng những tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật.

 

Trong lĩnh vực âm nhạc, bên cạnh các nghệ sĩ sáng tác gạo cội như Phạm Tuyên, An Thuyên, Thuận Yến…, các nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng như Đặng Thái Sơn, Lê Phi Phi, Bùi Công Duy, Dương Minh Chính, Tôn Nữ Nguyệt Minh…. là những người đã có ảnh hưởng nhất định thúc đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nền âm nhạc dân tộc, tạo ra những tác động tích cực tới đời sống tinh thần của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân. Là những nghệ sĩ mà tài năng đã được thừa nhận ở phạm vi quốc tế, họ thường xuyên có những hoạt động nghệ thuật gây tiếng vang cả trong và ngoài nước, góp phần đưa những tinh hoa của âm nhạc Việt Nam ra thế giới và mang những tinh hoa của nền âm nhạc hàn lâm thế giới đến Việt Nam. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng giúp nền âm nhạc Việt Nam bắt kịp các xu thế mới và hội nhập sâu rộng vào đời sống âm nhạc của thế giới đương đại; đồng thời giúp nâng cao trình độ của các nghệ sĩ biểu diễn trong nước, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

 

Như vậy, kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, nền văn hóa - nghệ thuật đã thực sự có một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ so với trước đây. Đặc biệt, đã xuất hiện thêm một số nhà văn, nghệ sĩ mà tên tuổi vượt ra ngoài biên giới quốc gia với những tác phẩm được bạn bè quốc tế nhiệt thành đón nhận. Cùng với các đồng nghiệp của mình, họ chính là những hạt nhân đi đầu trong hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như trong quá trình hiện đại hóa nền văn học - nghệ thuật, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng thành công nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta.

 

Kết luận

Tóm lại, những phân tích trên cho thấy đội ngũ trí thức chính là lực lượng tham gia kiến tạo nên những điểm sáng rực rỡ nhất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam từ 1986 đến nay. Khó có thể hình dung Việt Nam sẽ đối mặt với các khó khăn, thử thách như thế nào, sẽ phát triển ra sao nếu không có sự tham gia tích cực, sâu rộng và hiệu quả của đội ngũ này. Trên hàng loạt các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội như hoạch định chính sách, văn hóa, giáo dục và khoa học, đội ngũ trí thức Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng bậc nhất của mình khi đạt được những thành tựu có khả năng làm thay đổi cục diện phát triển của đất nước và tạo ra những bước chuyển về chất trên nhiều lĩnh vực của chuyên ngành, nêu những tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần tận hiến cho đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ trí thức đã có những nỗ lực cao nhất để làm tròn trọng trách của mình, xứng đáng là tầng lớp giữ địa vị trung tâm trong quá trình đổi mới ở Việt Nam./.

(Hết)

Lại Quốc Khánh & Lê Quân

                  Đại học Quốc gia Hà Nội

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Hoàng Chí Bảo (2012), “Tính đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam và tác động của nó đối với sự vận hành hoạt động phản biện xã hội”, Tạp chí Phát triển nhân lực (4), tr. 9-13.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Hoạt động khoa học (2012), Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (1996-2010), Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  3. Hàm Châu (2010), Ngô Bảo Châu - một “Nobel toán học”, Nxb Dân Trí, Hà Nội.
  4. Hàm Châu (2014), Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự Thật, Hà Nội.
  6. Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Quốc Bảo (2001), Một số vấn đề về trí thức Việt Nam, Nxb Lao Động, Hà Nội.
  7. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, T.5 (1947-1949), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH TW khóa X về xây dựng đội ngũ trí thứctrong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước,

    http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30668&cn_id=243149.

  9. Nhiều tác giả (Nga) (2009), Về trí thức Nga, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
  10. Đặng Phong (2008), Tư duy kinh tế Việt Nam - chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
  11. Ngô Thường San, Kỳ tích tìm dầu ở tầng đá móng, http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=4979&CategoryID=2
  12. Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn (chủ biên) (2008), Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm, Nxb Tri Thức, Hà Nội.
  13. Cao Huy Thuần, GS. Cao Huy Thuần: “Có một người trí thức như thế”,

    http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/gs-cao-huy-thuan-co-mot-nguoi-tri-thuc-nhu-the

  14. Alexander Balayan, Intellectual Elite: Identification Problem and Influence on Socio - political Processes in Europe by the Example of France and Poland, http://ijbssnet.com/journals/Vol_2_No_19_Special_Issue_October_2011/29.pdf

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết