Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới (Phần 1)

Ngày phát hành: 25/08/2022 Lượt xem 3454


     Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt (tháng 3-1964)

Nguồn: TTXVN

   Đặt vấn đề                                                             

Sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam từ 1986 đến nay gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đổi mới với các mục tiêu phát triển toàn diện và sâu rộng về kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục… nhằm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại và giàu mạnh, dân chủ và thịnh vượng là một sự nghiệp lớn lao chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro, thách thức. Sự nghiệp ấy đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ của đội ngũ trí thức, thúc đẩy giới trí thức thực hiện vai trò chuyên môn và trách nhiệm xã hội của mình. Trong một thế giới đầy biến động với những hình thái vận động mới của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, Việt Nam không thể không có sự dẫn đường hay trợ giúp của những nhà trí thức. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ đổi mới trên bốn lĩnh vực chính là: hoạch định, thực thi chính sách; giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ và văn hóa - nghệ thuật.

 

I. Quan niệm về trí thức

Trí thức là một thuật ngữ quen thuộc trong đời sống xã hội hiện đại. Tuy nhiên, thuật ngữ này mới chỉ ra đời cách đây hơn một thế kỷ ở châu Âu, gắn liền với những sự kiện lịch sử khác nhau. Theo ngôn ngữ tiếng Anh thông dụng hiện nay, có hai từ liên quan đến khái niệm trí thức là intelligentsia (tầng lớp trí thức) và intellectual (người trí thức).

Từ intelligentsia xuất hiện ở Nga từ thập niên 1860 do nhà văn, nhà báo Nga Petr Boborykin đề xuất, được dùng để chỉ “những con người có văn hóa tinh thần và đạo đức ở mức cao, chứ không phải là những lao công làm việc bằng trí óc” [Nhiều tác giả, tr. 279]. Họ là những người đã truyền bá triết học Đức vào Nga với mong muốn cải thiện tình trạng lạc hậu của xã hội Nga so với thế giới văn minh Tây Âu lúc bấy giờ.

Từ intellectual có nguồn gốc từ nước Pháp (tiếng Pháp: intellectuel), ra đời trong một sự kiện chống bất công vào năm 1898, khi nhà văn Émile Zola viết một bản kháng nghị có chữ ký của nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng gửi cho tổng thống, yêu cầu xét xử lại bản án oan sai mà nhà cầm quyền áp đặt cho một sĩ quan Do Thái là Dreyfus. Chủ bút của tờ Tia sáng - Tiến sĩ Clemenceau (sau trở thành Thủ tướng Pháp) - đã sử dụng cụm từ “Tuyên ngôn của những người trí thức” (Manifeste des intellectuels) để mô tả bản kháng nghị này [Alexander Balayan, tr. 236]. Từ đây, từ intellectuel (người trí thức) trong tiếng Pháp được dùng để chỉ những người không chỉ có học vấn cao, làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần mà còn sẵn sàng lên tiếng phản biện các vấn đề bất cập của xã hội và dấn thân đấu tranh đến cùng cho lẽ phải, cho những giá trị tốt đẹp của con người.

Từ khi thuật ngữ này ra đời đến nay, trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thức mà ý nghĩa của nó so với nguyên gốc có thể đã ít nhiều thay đổi tùy theo lập trường, quan điểm, giác độ tiếp cận của mỗi người. Có thể liệt kê ra một số định nghĩa tiêu biểu sau đây:

V. I. Lênin viết:

Tôi “dịch” người trí thức, tầng lớp trí thức theo ngữ nghĩa Đức là Literat, Literatentum bao gồm không chỉ các nhà văn hóa học mà là tất cả những người có văn hoá, những người làm nghề tự do nói chung, những đại biểu của lao động trí óc (brain worker - như người Anh nói) để phân biệt với những đại biểu của lao động chân tay [Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Quốc Bảo, tr. 11].

Nhà Đông phương học Edward Said quan niệm:

Người trí thức, như tôi hiểu, không phải là người làm hòa dịu, cũng không phải là người tạo dựng sự đồng thuận, mà là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở; trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc. Đâu phải họ chỉ từ chối một cách thụ động mà thôi: họ còn tích cực, công khai nói lên tiếng nói của họ. (….) người trí thức không quên những tiếng nói và những người đã bị lãng quên [Cao Huy Thuần].

Ở Việt Nam, cần lưu ý đến quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trí thức. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, sau khi đặt câu hỏi “Trí thức là gì?”, Người viết:

“Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác.

(…) Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” [Hồ Chí Minh, tr. 235].

Như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng trí thức vừa phải là người hiểu biết, lại vừa phải gắn hiểu biết đó vào thực tiễn để phục vụ cho đất nước.

 Trong Nghị quyết Hội nghị TW 7 khóa X (2008) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng Cộng sản Việt Nam định nghĩa: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội” [Nghị quyết].

Căn cứ vào nghĩa nguyên của từ trí thức và cách hiểu được rút ra từ những định nghĩa trên, có thể quan niệm về trí thức như sau: Trí thức là những người lao động trí óc có trình độ học vấn cao hoặc có hiểu biết sâu rộng về một hoặc một số lĩnh vực khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật, quản lý kinh tế - xã hội, thường xuyên vận dụng những hiểu biết đó để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn và có trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của cộng đồng.

Xét về mặt sở hữu tài sản và đặc điểm lao động thì những người trí thức không cố kết với nhau thành giai cấp - giai cấp trí thức. Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam gọi họ là “tầng lớp” hay “đội ngũ” và xác định trí thức là một lực lượng có vị trí độc lập tương đối trong khối liên minh đại đoàn kết dân tộc công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo thành trụ cột của sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng chế độ mới trên đất nước ta.

Cũng cần lưu ý rằng mặc dù đội ngũ trí thức sẵn sàng đón nhận vào hàng ngũ của mình những phần tử xuất thân từ trong lực lượng những người lao động trí óc, nhưng không phải mọi người lao động trí óc đều là trí thức. Để được gọi là trí thức, điều kiện “cần” là phải có trình độ học vấn cao, làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện “đủ” là phải có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, phải có tinh thần “dấn thân” và “phản biện” để góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. “Dấn thân” và “phản biện” là hai phẩm tính thuộc về phạm trù đạo đức của người trí thức. Tuy nhiên, thể hiện theo cách nào trên thực tế lại là vấn đề khác, thuộc về lựa chọn của mỗi cá nhân. Một nhà khoa học không nhất thiết lúc nào cũng phải lên tiếng về chủ trương, chính sách cụ thể của giới cầm quyền hay phát biểu quan điểm chính trị của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Họ chọn dấn thân cho phát minh, sáng tạo, cho các công trình khoa học và khi đất nước cần điều gì nằm trong khả năng của họ, họ sẵn sàng cống hiến hết tài năng, sức lực của mình cho lợi ích chung. Kết tinh những yếu tố ưu trội so với các giai tầng khác, trí thức - theo nghĩa đẹp nhất của từ này - xứng đáng là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ và phồn vinh của xã hội.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn

 

II. Vai trò của trí thức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

1. Là lực lượng quan trọng trong hoạch định và thực thi chính sách

Đường lối, chính sách là yếu tố mang tính quyết định đến vận mệnh quốc gia. Đường lối đúng hay không có liên quan đến sự tồn vong, hưng suy của cả một sự nghiệp hay chế độ. Tuy nhiên, việc hình thành đường lối, chính sách là một quá trình khó khăn, phức tạp mà không một nhà lãnh đạo nào có thể tự mình làm được nếu chỉ dựa vào tri thức và kinh nghiệm của bản thân. Điều này đòi hỏi họ phải tham khảo ý kiến và sử dụng nguồn chất xám của các nhà trí thức, đặc biệt là các trí thức tinh hoa. Lúc này, với tư cách là những chuyên gia cao cấp nhất không chỉ có khả năng xử lý hiệu quả các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành mà còn cả các vấn đề có tính chất đa ngành, các trí thức này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những bình luận, khuyến nghị, gợi ý và cả những phương án, giải pháp cần thiết để giúp nhà lãnh đạo có được những lựa chọn tối ưu cho việc xây dựng hoặc điều chỉnh đường lối, chính sách của mình.

Bước vào thời kỳ đổi mới, các nhà trí thức là lực lượng quan trọng trong việc mở đường cho đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế cũng như tham gia có hiệu quả vào chu trình chính sách và hoạt động phản biện xã hội.

 

- Mở đường cho đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế

Trải qua 30 năm liên tục tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kể từ 1975, Việt Nam đã giành được độc lập, bước sang một thời kỳ lịch sử mới: thời kỳ xây dựng trong hòa bình. Từ đây, nếp quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội theo tư duy thời chiến dần dần bộc lộ nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng, tỏ ra không thích hợp với thời bình. Mô hình quản lý tập trung quan liêu bao cấp đã khiến cho tất cả các ngành sản xuất đều đình trệ, đặc biệt là nông nghiệp. Hệ quả là bước sang thập niên 80 của thế kỷ XX, một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng đã xảy ra ở Việt Nam.

Một số nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã sớm nhận ra sự phức tạp của tình hình và sự cần thiết phải đổi mới ngay, không chậm trễ vì lợi ích của nhân dân, dân tộc. Bởi vậy, yêu cầu hình thành một hệ thống tư vấn mới thay thế cho hệ thống tư vấn cũ (gồm các trợ lý, các ban của Đảng, một số viện nghiên cứu) nhằm giúp các nhà lãnh đạo hoạch định đường lối đổi mới đã được đặt ra cấp thiết. Thành viên của hệ thống mới này là những chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực được tập hợp trong các nhóm nghiên cứu mà ta có thể gọi là think tank theo cách gọi của chính trị học hiện đại ngày nay. Có những think tank chính thức do lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, điều hành nhưng cũng có những think tank không chính thức do các địa phương, các cá nhân tự tổ chức để tham mưu cho Đảng và Nhà nước. Các think tank đều làm nhiệm vụ tư vấn chính sách và trên thực tế đã giúp tạo ra được những đột phá quan trọng về mặt tư duy để giải quyết bài toán khủng hoảng kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 

Ở cấp Trung ương, có một số think tank chính thức đáng chú ý là Nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị (03-1986), Tiểu ban nghiên cứu giải pháp cấp bách về tài chính - tiền tệ - giá cả (09-1986), Nhóm nghiên cứu của Bộ Ngoại giao (1986). Đặc biệt, êkíp riêng gồm 10 người được Tổng Bí thư Trường Chinh lập ra và trực tiếp chỉ đạo từ cuối tháng 07-1986 như Hoàng Tùng, Đào Duy Tùng, Phạm Như Cương, Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên, Lê Văn Viện… chính là lực lượng đã góp phần đắc lực vào việc hình thành những quan điểm chủ yếu có tính chất đột phá của Báo cáo chính trị tại Đại hội VI (12-1986), mở đầu cho công cuộc đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế ở Việt Nam [Đặng Phong, tr. 264-266]. Kể từ đây, những câu hỏi lớn xoay quanh việc xác định mô hình kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế đã bước đầu có lời giải. Theo đó, đổi mới tư duy kinh tế phải bắt đầu từ đổi mới mô hình kinh tế theo hướng chuyển mạnh sang kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và cơ chế thị trường; xóa bỏ mô hình kinh tế hiện vật với cơ chế tập trung và kế hoạch hóa từ trên xuống là căn nguyên gây ra những bất ổn và khủng hoảng trong xã hội. Đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần đã chứng tỏ sự đúng đắn của mình khi trở thành nhân tố mở đường thúc đẩy sự ra đời của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh rộng lớn trong các lĩnh vực của nền kinh tế, giải phóng sức sản xuất của nhân dân, cởi trói cho các năng lực sản xuất vốn có của xã hội. Thành tựu đưa lại sau đó là rất khả quan, tạo tiền đề cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam ở giai đoạn sau này.

 

Trước thềm Đại hội VII (1991), Tiểu ban xây dựng Cương lĩnh Tiểu ban xây dựng chiến lược với tư cách là những think tank do Bộ Chính trị thành lập đã ra đời. Được tạo điều kiện tối đa để nghiên cứu, tìm tòi, các thành viên của hai tiểu ban này đã làm nên những đột phá về quan điểm và chính sách của “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000” như: xác định xã hội mà nhân dân ta xây dựng là “xã hội do nhân dân làm chủ”; tương ứng với nó là nền kinh tế “có nhiều thành phần với nhiều dạng sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển có hiệu quả nền sản xuất xã hội”; “tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường” [Đảng Cộng sản Việt Nam, tr. 8-9]…

 

Năm 1993, để đưa những quan điểm cốt lõi của Chiến lược năm 1991 vào cuộc sống, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thành lập Tổ chuyên gia tư vấn về cải cách kinh tế và cải cách hành chính, năm 1996 được điều chỉnh thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính và năm 1998 được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp lên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trước khi giải thể vào tháng 07-2006. Trải qua 14 năm, think tank này đã cộng tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường, các tổ chức và các chuyên gia cả trong và ngoài nước để trực tiếp tư vấn giúp Thủ tướng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách cải cách kinh tế - xã hội và hành chính thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, đã đưa ra tư vấn được một hệ thống cơ chế, chính sách cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nếu thiếu nó nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể vận hành. Phần lớn các kiến nghị đưa ra đều được Thủ tướng chấp thuận và chuyển thành các quyết định hành chính để đi vào cuộc sống, được dư luận ủng hộ, hoan nghênh. Đây cũng là lực lượng nòng cốt chủ trì, nghiên cứu, biên tập các báo cáo của Chính phủ, tham gia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 và các kế hoạch 5 năm, văn kiện các kỳ hội nghị Trung ương khóa VII, VIII, IX… Không chỉ được Thủ tướng tin cậy, think tank này còn được giới nghiên cứu thừa nhận là một nhân tố có vai trò tích cực trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, vừa góp phần đưa vào cuộc sống các quan điểm, chính sách đổi mới đã được đề ra, vừa đề xuất các yêu cầu và chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đổi mới [Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, tr. 120-121].

 

Trong bối cảnh cởi mở của đổi mới, bên cạnh những think tank chính thức của Đảng và Nhà nước, những think tank không chính thức cũng ra đời và hoạt động sôi nổi, đóng góp tích cực vào việc tham vấn cho lãnh đạo các vấn đề quốc kế dân sinh. Điển hình là nhóm của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh và nhóm “Thứ Sáu” ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ngoài các think tank, một lực lượng quan trọng tham gia vào sự phát triển của tư duy kinh tế Việt Nam thời kỳ này là các chuyên gia Việt kiều sống và làm việc ở nước ngoài như Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long (Mỹ), Trần Văn Thình, Lê Văn Cường, Cao Huy Thuần (Pháp), Trần Văn Thọ (Nhật Bản)… Thông qua kênh chính là nhóm nghiên cứu của Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch phụ trách, các chuyên gia này đã trở về Việt Nam, đem theo nguồn chất xám và kinh nghiệm quốc tế quý giá mà họ đã học hỏi được khi làm việc ở nước ngoài về để kịp thời bổ sung cho những thiếu hụt về nhiều mặt của các chuyên gia trong nước, giúp Việt Nam có điều kiện để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Thực tế cho thấy bước chuyển thành công về mọi mặt trên đất nước ta trong thời kỳ đổi mới đều có nguồn gốc từ bước ngoặt thành công về đổi mới tư duy kinh tế. Các nhà trí thức, trên cương vị là thành viên của các think tank hoặc cương vị cá nhân đã trở thành lực lượng đóng vai trò chủ chốt trong việc định hướng, tham mưu, phản biện cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần tạo nên những thay đổi tận gốc trong đường lối, chính sách kinh tế, giúp kịp thời rời bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để chuyển nhanh sang cơ chế thị trường. Đây cũng là một đóng góp to lớn của giới trí thức nước ta vào quá trình dân chủ hóa kinh tế nói riêng, dân chủ hóa xã hội nói chung.

 

- Tham gia có hiệu quả vào chu trình chính sách và hoạt động phản biện xã hội

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là trong giai đoạn đầu chuyển mình chông gai kéo dài suốt những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, sự xuất hiện và tham gia có hiệu quả của đội ngũ trí thức vào chu trình chính sách đã có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc mở ra những mũi đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của Việt Nam, khiến cho công cuộc đổi mới gặt hái được những thành tựu hết sức rõ rệt. Thực tế là có không ít trí thức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong các tổ chức đoàn thể của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, có những người trực tiếp giữ các trọng trách chủ chốt trong lãnh đạo, quản lý ở các Bộ, ban, ngành (Bộ trưởng, Thứ trưởng,…). Với vị thế và ảnh hưởng xã hội của mình, họ không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và đề xuất ý tưởng cho việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là người thực thi chính sách; đồng thời, tham gia phản biện để hình thành nên những chính sách tối ưu.

 

Trước hết, phải kể đến vai trò của trí thức trong hoạt động quan trọng bậc nhất là hoạch định và thực thi chính sách mà tiêu biểu là chính sách phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, đưa thông tin - truyền thông trở thành một trong những ngành mở đường cho đổi mới. Trước khi công nghệ thông tin lần đầu tiên được chính thức coi là một ưu tiên phát triển của Việt Nam vào năm 1993 thì trên thế giới, lĩnh vực này đã đạt được một bước tiến dài với sự ra đời của một công nghệ mới có tính chất bước ngoặt trong lịch sử loài người: công nghệ Internet. Quốc gia nào hiểu và tận dụng được sức mạnh của công nghệ mới này sẽ có nhiều cơ hội tham gia sâu rộng vào mạng lưới toàn cầu để tạo ra sự nhảy vọt mạnh mẽ trong phát triển. Việt Nam là một trong số các quốc gia tiếp cận sớm với Internet nhờ có tầm nhìn dài hạn của một số ít nhà khoa học, nhà quản lý hiểu biết về lĩnh vực này như GS. Đặng Hữu, GS. Phan Đình Diệu, TS. Mai Liêm Trực, kỹ sư Trần Bá Thái, GS. Bạch Hưng Khang… Cho đến nay vai trò và ảnh hưởng của Internet nói riêng và công nghệ thông tin nói chung trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là hết sức rõ ràng. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta khẳng định rằng Việt Nam không thể hội nhập mạnh mẽ vào thế giới, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng bị cô lập và lạc hậu cũng như đạt được những thành tựu to lớn vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nếu thiếu những nhà khoa học đầu đàn, có uy tín cao trong Đảng và trong xã hội.

 

Bên cạnh hoạt động đề xuất và thực thi chính sách, trí thức còn là lực lượng chủ yếu tham gia phản biện cho Đảng và Nhà nước - những chủ thể của quyền lực chính trị. Nội dung phản biện ở đây là sự xem xét, đánh giá, khuyến nghị, đề xuất các kiến nghị đối với đường lối, chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước nêu ra. Phản biện còn bao hàm cả phản biện về các giải pháp, tổ chức thực hiện hay điều chỉnh các chương trình, dự án liên quan tới quốc kế dân sinh, đến ổn định và phát triển, cả quan hệ đối nội lẫn đối ngoại. Phản biện đem lại những luận chứng đánh giá về tính đúng, sai, nên hay không nên, cần hay chưa cần, triển vọng kết quả có thể nhìn thấy hoặc những hệ lụy, hậu quả phát sinh cần phải chủ động phòng tránh hoặc khắc phục trong các quyết sách liên quan tới đất nước, dân tộc, xã hội và con người [Hoàng Chí Bảo, tr. 10].

Trên thực tế, hoạt động phản biện xã hội của trí thức trong thời kỳ đổi mới đã đạt được một số kết quả nhất định. Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã lắng nghe và tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của các nhà khoa học như ý kiến của GS. Nguyễn Xiển về trí thức, GS. Nguyễn Khắc Viện về khoa học xã hội nhân văn, GS. Hoàng Tụy về giáo dục… và từng bước thực hiện những điều chỉnh thích hợp để khắc phục tình hình. Đặc biệt, trong các quyết sách lớn có liên quan trực tiếp đến phát triển bền vững và sự an nguy của nhân dân, tiếng nói phản biện, tư vấn của các nhà khoa học lại càng được coi trọng và tin cậy. Điển hình như hoạt động phản biện xã hội về dự án thủy điện Sơn La. 60 nhà khoa học của tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA đã thành công trong việc thuyết phục Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội xem xét lại tính khả thi của một số yếu tố trong dự án này. Khảo sát thực địa trong hai năm, họ đã có đủ bằng chứng khoa học cho thấy nếu giữ nguyên phương án cao trình đập là 264m như đã thông qua thì khi xảy ra sự cố đập, tất cả nền văn minh sông Hồng sẽ bị cuốn trôi ra biển chỉ trong vòng 24 tiếng. Cuối cùng, tháng 12-2002, Quốc hội đã ra nghị quyết mới về dự án thủy điện Sơn La với quyết định hạ thấp cao trình an toàn xuống còn 215m theo đề xuất của VUSTA.

 

Mặc dù hoạt động phản biện xã hội ở Việt Nam còn ít ỏi, số lượng ý kiến phản biện còn khiêm tốn và không phải ý kiến nào cũng được lắng nghe và thực hiện đến nơi song nhìn chung, tinh thần khai phóng, dân chủ, cởi mở, khoan dung của đổi mới đã cho phép hoạt động phản biện xã hội của các nhà trí thức Việt Nam thời kỳ này có những bước tiến rất đáng ghi nhận so với thời kỳ trước. Điều đó chứng minh rằng, khi lãnh đạo và trí thức cùng nhìn về một hướng, khi sự cầu thị của nhà lãnh đạo kết hợp được với sự sáng suốt và dũng cảm của nhà trí thức, đất nước sẽ tránh được những sai lầm không đáng có và nắm bắt được nhiều hơn các cơ hội để vươn lên.

 

(Còn tiếp)

 

Lại Quốc Khánh & Lê Quân

                  Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết