Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống quý báu được hình thành, phát triển trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Trong mỗi kỳ tích ấy, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được bồi đắp để trở thành di sản vô giá, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam
Hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết là cội nguồn sức mạnh và truyền thống quý báu, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao thách thức, biến cố và viết nên những trang sử chói lọi... Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, “nhất tề đứng lên” tạo thành một sức mạnh to lớn, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này chỉ có thể bởi lòng yêu nước thiết tha và sức mạnh như “sức nước” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ.
Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo… Mặt trận dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như: Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành độc lập và thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, cả dân tộc lại bước vào những cuộc chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chặng đường vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa bảo vệ nền độc lập non trẻ ấy, đất nước lại hơn 10 năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế-xã hội.
Thế nhưng, bằng sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết, bằng máu và mồ hôi của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã vượt qua muôn vàn áp lực, khó khăn, thách thức. Một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm. Trên chặng đường gian khó mà hào hùng đó, Đảng ta luôn xác định: đoàn kết là một chính sách dân tộc, là phương pháp cách mạng, là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trong cơn hoạn nạn vì đại dịch COVID-19, tính nhân văn của người Việt Nam được lan tỏa rộng khắp và đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục được phát huy. Càng trong khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái càng phải được khơi dậy, phát huy. Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19; đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán và nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, luôn quan tâm, coi trọng việc chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.
Cũng trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, chúng ta đã được thấy một Việt Nam quả cảm, phát huy sức mạnh tổng hợp với những phẩm chất, đức tính tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, bao dung, sự chia sẻ bằng những hành động, việc làm thiết thực, có nghĩa có tình. Nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần đại đoàn kết, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đã kịp thời hỗ trợ, động viên đồng bào nơi tâm dịch và công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả tích cực. Kết quả đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không thể phủ nhận đó là tinh thần đoàn kết của cả dân tộc...
Trải qua không ít lần sóng gió, song con thuyền Việt Nam vẫn vững vàng, nhờ đồng tâm hiệp lực, ý chí độc lập, tự cường và lòng khao khát hòa bình. Những yếu tố đó góp phần định hình nên tầm vóc quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
Ngày nay, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Ðại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh. Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, bảo đảm lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt chính sách xã hội, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội nước ta. Thực hiện tốt chính sách xã hội không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một trong những yếu tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII xác định cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng ta thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng chính là ngọn cờ tập hợp, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khi “lòng Dân” và “ý Đảng” hội tụ thì đó thực sự là động lực và sức mạnh để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.
Theo TTXVN