Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc

Ngày phát hành: 05/09/2022 Lượt xem 1377

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. 
( GS. Trần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ). Ảnh http://baotanglichsu.vn/

                                                                    

Để hoàn thành chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các chủ thể, các tầng lớp trong xã hội nhưng trong đó, đội ngũ trí thức đóng một vai trò hết sức quan trọng. Các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đổi mới đều nhất quán khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng».

 

1. Xây dựng hệ thống lý luận về văn hóa và phát triển văn hóa dân tộc

Lý luận là một hệ thống các quan điểm phản ánh thực tiễn, được thể hiện dưới dạng hệ thống những tri thức đã được khái quát, tạo ra những quan niệm tương đối hoàn chỉnh về các mối liên hệ cơ bản và các quy luật của hiện thực khách quan. Hay nói cách khách, lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn có tác dụng chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Lý luận về văn hóa là hệ thống tri thức đặc thù của lĩnh vực văn hóa. Để nền văn hóa dân tộc vận động và phát triển một cách toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, đáp ứng được các các yêu cầu của thời đại, của đất nước thì cần phải xây dựng được hệ thống lý luận văn hóa tiên tiến. Và việc xây dựng hệ thống lý luận về văn hóa và phát triển chính là nhiệm vụ của đội ngũ trí thức.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Trong ý nghĩa “phải soi đường” của văn hóa, ngoài việc khẳng định vai trò dẫn đường của những giá trị tốt đẹp, hoàn thiện phẩm giá của con người và xã hội loài người, còn có cả vai trò định hướng của một hệ thống lý luận văn hóa nhân văn, vì con người. Kể từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã rất chăm lo đến việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng hệ thống lý luận văn hóa và đường lối văn hóa. Đội ngũ trí thức có nhiệm vụ tìm tòi, phát hiện, xây dựng hệ thống quan niệm, khái niệm, quy luật, phạm trù, tính chất của nền văn hóa dân tộc, khái quát thực tiễn phát triển văn hóa dân tộc đúc rút thành hệ thống lý luận về văn hóa và phát triển. Nhưng bên cạnh đó, đội ngũ trí thức cũng có một nhiệm vụ rất quan trọng là đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị.

 

Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có mục “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mácxít Việt Nam” trong đó khẳng định những nhà văn hóa phải dùng vũ khí lý luận để chống lại thứ văn hóa phản tiến bộ, phát huy trí tuệ xây dựng nền văn hóa mới dân chủ với những công việc cơ bản cần phải thực hiện như: tranh đấu về học thuyết, tư tưởng; tranh đấu về tông phái văn nghệ; tranh đấu về tiếng nói, chữ viết[1].  

Như vậy, ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta đã xác định rất rõ nhiệm vụ của đội ngũ trí thức đối với việc xây dựng hệ thống lý luận về văn hóa, đó là không ngừng nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, phản tiến bộ, xuyên tạc về sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa cũng như chống lại nền văn hóa dân tộc. Những cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa thời kỳ này đã phản ánh vai trò và trách nhiệm của đội ngũ trí thức trên mặt trận tư tưởng, lý luận.

Ngay những ngày đầu thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có nhiều cuộc đối thoại với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Đảng cũng tiếp nhận những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa. Thông qua đó, đường lối văn hóa của Đảng đã có sự thay đổi từ nền văn hóa “có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản”[2] đến nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là một trong những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vừa là định hướng của một nền văn hóa mới. Đội ngũ trí thức đã không ngừng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tiếp thu những thành tựu lý luận về văn hóa của thế giới, kế thừa những giá trị lý luận văn hóa dân tộc để hình thành hệ thống lý luận về một nền văn hóa mới: nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hệ thống lý luận về xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc được thể hiện rõ trong hệ thống Văn kiện, Nghị quyết của Đảng về văn hóa, trong các chính sách phát triển văn hóa của đất nước thời kỳ đổi mới, trong các chương trình nghiên cứu khoa học và trong thực tiễn xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tư tưởng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được đề cập đến trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Tư tưởng này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998. Không dừng lại ở đó, đội ngũ trí thức tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nên những thành tựu lý luận mới, khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa gắn với sự hình thành và phát triển con người, thấm sâu vào mọi hoạt động sống của con người. Từ đó, Đảng ta đã tiếp tục tiếp nhận những thành tựu nghiên cứu của đội ngũ trí thức, tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới được khẳng định, đó là: một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu tất cả vì con người. Nền văn hóa tiên tiến không chỉ ở nội dung mà cả ở hình thức, phương thức chuyển tải. Và tính chất tiên tiến của nền văn hóa Việt Nam được đặt trong mối quan hệ hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống như yêu nước, nhân văn, đoàn kết, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù trong lao động, giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử, ... vẫn là những giá trị cốt lõi để từ đó bổ sung những giá trị mới, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.  

 

Từ thực tiễn phát triển văn hóa dân tộc, từ những kinh nghiệm của thế giới, cả những kinh nghiệm thành công và chưa thành công, đội ngũ trí thức Việt Nam đã tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học, phát triển lý luận về xây dựng nền văn hóa dân tộc cho phù hợp với quy luật khách quan cũng như điều kiện cụ thể của đất nước và bối cảnh khu vực, quốc tế. Nhiều nội dung mới về xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc đã được đội ngũ trí thức đề xuất, trở thành những định hướng, những nhiệm vụ phát triển văn hóa như: văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh trong phát triển đất nước, sức mạnh mềm văn hóa, công nghiệp văn hóa, thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, …

 

Điều đó cho thấy, những sáng tạo không ngừng của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực lý luận đã góp phần quan trọng làm sáng rõ sự phát triển nền văn hóa mới của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nói riêng cũng như con đường phát triển của đất nước nói chung. Chính vì vậy, Đảng ta đã khẳng định: “Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới”[3].

 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

 

1. Sáng tạo ra các sản phẩm, các giá trị văn hóa

C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng nói “mỗi thế hệ một mặt tiếp tục cái hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động đã hoàn toàn thay đổi”[4]. Mặc dù chúng ta vẫn thực hiện những hoạt động tưởng chừng như giống nhau trong các thời đại (lao động, sản xuất, học tập, đi lại, khám chữa bệnh…) nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau thì đòi hỏi phải có sự sáng tạo để thích ứng với những điều kiện khác nhau đó. Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, đội ngũ trí thức luôn đóng vai trò là người sáng tạo ra các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần; nhưng trong từng hoàn cảnh khác nhau, những giá trị văn hóa ấy luôn được làm mới tạo nên sự phong phú, đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

 

Bản chất của văn hóa là sáng tạo ra những giá trị mới phục vụ cho sự sinh tồn và phát triển của con người. Tất nhiên, sự sáng tạo trong văn hóa không phải là của độc quyền đội ngũ trí thức. Nhưng đội ngũ trí thức luôn tiên phong trong sự tìm tòi, sáng tạo những giá trị văn hóa mới, tạo nên những đỉnh cao văn hóa của dân tộc. Trong một nền văn hóa thường có diện và điểm. Nếu như diện của một nền văn hóa là kết quả những sáng tạo của cộng đồng, thì điểm là những điểm nhấn, những thành tựu văn hóa đỉnh cao của những cá nhân xuất sắc. Diện và điểm đều có những vai trò lịch sử của mình. Nhưng những đỉnh cao văn hóa thường là kết tinh tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của những người trí thức, văn nghệ sĩ. Những Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, … là những đỉnh cao của văn hóa nghệ thuật  Việt Nam.

 

Năm 2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 7 khóa X đã ra Nghị quyết số 27 - NQ/TW Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”[5]. Điều đó cho thấy, trong xã hội hiện đại, đội ngũ trí thức có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới, trong những hoàn cảnh và điều kiện mới.

 

Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đội ngũ trí thức luôn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành tựu to lớn vì sự phát triển của đất nước. Những mô hình phát triển “kinh tế tri thức”, “kinh tế tuần hoàn”, “Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp”, “Chính phủ kiến tạo”, “Chính phủ số”…. đã cho thấy rất rõ vai trò to lớn của đội ngũ trí thức. Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, trong thời gian gần đây, đã có hàng trăm tác giả, tác phẩm đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Đây là những phần thưởng cao quý dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

 

 

2. Bảo vệ, trao truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa

Để những giá trị văn hóa dân tộc được lan tỏa theo thời gian và không gian đòi hỏi phải có những chủ thể thực hành, bảo vệ và trao truyền các giá trị ấy. Cố nhiên, người dân, quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo nhất để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Nhưng đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa là những người am hiểu về các giá trị văn hóa dân tộc, có khả năng khái quát, dẫn dắt cộng đồng trong việc thực hành văn hóa. Bằng tri thức, phương pháp, uy tín, họ không chỉ truyền dạy cho cộng đồng cách thức thực hành văn hóa mà họ còn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị của của sản phẩm văn hóa để từ đó chung tay bảo vệ, gìn giữ các giá trị văn hóa. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa có nguy cơ mai một, thất truyền thì đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng để phục hồi, phục dựng, để hóa giải các nguy cơ. Trí thức cũng là lực lượng có vai trò nòng cốt trong quá trình quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Họ có thể tư liệu hóa các giá trị văn hóa qua sưu tầm, phim, ảnh, các công trình nghiên cứu; mô hình hóa việc thực hành các giá trị văn hóa thông qua các câu lạc bộ, các hội, nhóm; … Bằng nhiều cách thức khác nhau, những giá trị văn hóa được đội ngũ trí thức đưa đến với công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng chính là cách phát huy sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, làm cho công chúng thấy được sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa.

 

Thông qua thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc mà không làm mất đi truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Sự đóng góp của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng đã góp phần quan trọng trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Việc ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ đã tạo ra những hướng đi mới trong bảo tồn di sản văn hóa, trong thúc đẩy giao lưu văn hóa. Những bảo tàng 3D đã làm giảm nguy cơ tổn hại đến các hiện vật. Những công nghệ thực tế ảo đã làm sống dậy nhiều thực hành văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về các giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, các hình thức diễn xướng dân gian, … Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cách thức sáng tạo, thực hành văn hóa. Sự tiên phong của đội ngũ trí thức trong việc sáng tạo ra những sản phẩm khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa của con người là những đóng góp hết sức thiết thực trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc.

 

Thực tế phát triển của nhân loại đã cho thấy một quy luật khách quan “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa suy thì dân tộc yếu, văn hóa mất thì dân tộc diệt”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, để không trở thành bản sao, bóng mờ của người khác, đòi hỏi các quốc gia tham gia vào quá trình hội nhập phải có bản lĩnh. Bản sắc văn hóa là một lợi thế của Việt Nam trong phát triển, nhưng để hội nhập thành công, để bản sắc văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh của đất nước thì đòi hỏi phải có trí tuệ và bản lĩnh. Chính vì vậy, việc giữ gìn, trao truyền, khẳng định giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc là đòi hỏi cấp thiết. Bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc mà còn khẳng định chủ quyền đất nước. Đây là vấn đề của cả dân tộc nhưng đội ngũ trí thức giữ trọng trách quan trọng.

 

 

3. Tiêu dùng, thẩm định và thụ hưởng các giá trị văn hóa

Đội ngũ trí thức không chỉ là chủ thể sáng tạo, thực hành, lan tỏa các giá trị văn hóa, các sản phẩm văn hóa mà chính họ là người tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Với tư cách là người tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, người trí thức góp phần tạo động lực cho việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Nhưng việc tiêu dùng các giá trị văn hóa của người trí thức có sự khác biệt tương đối so với các nhóm xã hội khác. Người trí thức, bằng năng lực, tri thức của mình, là những chủ thể có khả năng đánh giá, thẩm định những sản phẩm văn hóa để từ đó khẳng định hoặc phê phán. Với uy tín của mình, đội ngũ trí thức còn có khả năng tạo ra những trào lưu xã hội trong việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Việc đánh giá của những trí thức có tên tuổi về các sản phẩm văn hóa sẽ thu hút được sự quan tâm của xã hội về sản phẩm văn hóa đó. Nếu đó là sự đánh giá tích cực, sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực trong việc phổ biến, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm đó và ngược lại. Hay nói cách khác, hành vi tiêu dùng, thái độ của đội ngũ trí thức với các sản phẩm văn hóa có tác dụng định hướng cho xã hội trong việc tiếp nhận các sản phẩm văn hóa.

 

Nhưng không chỉ dừng lại ở việc thẩm định các giá trị văn hóa trong các sản phẩm văn hóa, với năng lực của mình, đội ngũ trí thức là lực lượng có khả năng tiếp biến, sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới từ chính các sản phẩm văn hóa mà họ được tiếp nhận. Lịch sử văn hóa Việt Nam đã chứng kiến nhiều cuộc giao lưu văn hóa lớn với các nền văn hóa, văn minh lớn của nhân loại. Và trong những lần giao lưu văn hóa ấy, đội ngũ trí thức luôn đóng vai trò nổi bật trong việc tiếp nhận và tiếp biến những giá trị văn hóa của nhân loại để làm phong phú hơn giá trị văn hóa dân tộc. Có thể nói, đội ngũ trí thức Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đã có kinh nghiệm trong việc lựa chọn những giá trị ngoại sinh để biến đổi, cấu trúc lại cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, biến những yếu tố ngoại sinh thành yếu tố nội sinh, thành bộ phận hữu cơ của văn hóa Việt Nam để tiếp tục phát triển nền văn hóa dân tộc.

 

Ngày nay, hội nhập quốc tế vừa mang lại những thời cơ lớn nhưng cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển văn hóa dân tộc. Những thách thức đó diễn ra đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc vừa là thách thức đối với việc tiêu dùng, thẩm định, thụ hưởng những giá trị văn hóa của nhân loại. Đội ngũ trí thức đã trăn trở rất nhiều trong quá trình giao lưu, tiếp biến những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trong thời đại ngày nay. Bởi nếu chúng ta không đủ bản lĩnh, sức mạnh, sự sáng suốt thì rất dễ bị những yếu tố văn hóa ngoại lai lấn át, làm thui chột và suy yếu giá trị văn hóa dân tộc; các thế lực bên ngoài sẽ thực hiện việc áp đặt văn hóa; ta tự đánh mất mình trong thế giới hiện đại.

 

Nhận thức rõ những khó khăn thách thức đó, đội ngũ tri thức đã chủ động đổi mới tư tuy về văn hóa và phát triển văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đội ngũ trí thức đã góp phần quan trọng trong đánh giá, tiếp nhận những thành tựu mới về lý luận văn hóa, chuyển giao thành tựu về khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, mở rộng hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú của người dân.

 

Ngoài ra, thông qua tiêu dùng, thẩm định, thụ hưởng các giá trị văn hóa, đội ngũ trí thức cũng nhận thức rõ hơn những yếu kém, bất cập trong phát triển văn hoá dân tộc, những thiếu hụt của văn hóa nước nhà. Từ đó, đội ngũ trí thức đề xuất với Đảng, Nhà nước những yếu tố văn hóa mới cần được hình thành trong quá trình phát triển nền văn hóa mới cũng như quá trình đổi mới đất nước. Điều này góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện, phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam.

 

Ngày nay, văn hóa được khẳng định là một lĩnh vực trọng yếu của quốc gia trong quá trình phát triển. Để khơi dậy được giá trị văn hóa dân tộc, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát huy được vai trò của các chủ thể, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến vai trò của đội ngũ trí thức. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển đội ngũ trí thức, trong đó có đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc, đòi hỏi cần có sự quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ này. Sự quan tâm này phải được thể hiện ở hệ thống chính sách toàn diện và đồng bộ, sự quan tâm này phải được thể hiện ở nguồn lực đầu tư xây dựng đội ngũ, sự quan tâm này phải được thể hiện ở tôn vinh, khích lệ của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với những nỗ lực, cống hiến của họ. Có như vậy, đội ngũ trí thức sẽ có động lực sáng tạo, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn.

 

 PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu

 



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr 320-321

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Tập 1, Nxb Sự thật, H.1982, tr. 93-94

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 67, Sđd, tr 793-794.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 1995, tr.65.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 67, Sđd, tr 792.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết