Thứ Sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024

35 năm UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”

Ngày phát hành: 06/09/2022 Lượt xem 1080

 

          Cách đây 35 năm, Khoá họp lần thứ 24 của UNESCO diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”. Đến nay, những di sản Người để lại vẫn còn nguyên giá trị và những ký ức về Người vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

 

  Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất” 

Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất” được thông qua trong giai đoạn Việt Nam còn nhiều khó khăn, gần 20 năm sau ngày Bác đi xa. Quyết định đó của UNESCO có giá trị lớn lao, là sự ghi nhận của thế giới, của Liên hợp quốc – tổ chức quốc tế toàn cầu lớn nhất - đối với những giá trị cao đẹp của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân cao quý nhất, xuất sắc nhất.


Nghị quyết của UNESCO đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Người đã “cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Người đã có sự “đóng góp quan trọng và về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. Người là “kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và biểu hiện cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.


Trong nghị quyết của mình, Đại hội đồng UNESCO không chỉ khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người” mà còn yêu cầu Tổng Giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”.


Hàng loạt các phát biểu, đánh giá về tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ý nghĩa của Nghị quyết 24C/18.6.5 đã được nêu đậm không chỉ tại các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào năm 1990, mà còn tại nhiều hoạt động kỷ niệm nhiều năm sau đó và cho đến tận ngày nay.


Trong những năm qua, tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, đã có nhiều hoạt động thiết thực để tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và tôn vinh những giá trị cao đẹp của Người. Từ những đường phố tại đất nước Madagascar, tới Bảo tàng Thành phố Mimasaka ở Nhật Bản, đã có nhiều câu chuyện, nhiều cuốn sách, nhiều thước phim tư liệu được chia sẻ về cuộc đời hoạt động của Người. Chính những hoạt động đó đã giúp tăng cường sự kết nối, hiểu biết hơn lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

 Người là khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân Việt Nam
Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân
       Ra đi tìm đường cứu nước khi 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và nhận thức rõ rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ và Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”. Người tin tưởng ở con đường đi của mình, tin tưởng ở sức mạnh của nhân dân, của dân tộc.
Người còn là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi lãnh đạo toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng đấu tranh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang. Ðó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Ðó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Ðó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 


Với những thắng lợi đó, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển rất tươi sáng.


Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới, giúp cho mọi người Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc. Sự nghiệp đó gắn liền với sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.



Với bạn bè quốc tế - Người là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công
Với bạn bè quốc tế, Bác Hồ là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công. Trái tim và khối óc của Người luôn đồng lòng với nhân dân thế giới. Với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy.

 


Những ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế với tầm vóc một danh nhân kiệt xuất, lỗi lạc của thời đại, một nhà chính trị tài ba và cũng là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ lớn lao của nhân loại. Cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh” được các chính khách, nhà văn, nhà báo khắp năm châu nhắc tới như một lời khẳng định hình ảnh của Bác luôn gắn liền với dân tộc Việt Nam.


Tại Ai Cập, hầu hết người dân đều biết tới Việt Nam và Chủ tịch “Hồ Chí Minh”. Câu nói quen thuộc của người dân ở đây là “Việt Nam – Hồ Chí Minh” với sự ngưỡng mộ và đầy kính phục. Đại sứ Ai Cập Moheb El Samra đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cổ vũ và ảnh hưởng to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc các nước Châu Phi, Ai Cập cùng nhiều dân tộc trên thế giới. Bất cứ cuộc đấu tranh giải phóng nào của các dân tộc ở Châu Á, cũng như trên toàn thế giới lúc đó đều lấy Việt Nam – Hồ Chí Minh làm ngọn cờ để đấu tranh giành độc lập.”

 


Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Time của Mỹ đã bình chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX, đồng thời 5 lần lựa chọn hình ảnh Người để đưa lên trang bìa. Sau ngày nước ta hoàn toàn thống nhất, Tạp chí Time đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam là “người chiến thắng” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời nhấn mạnh những gì mà Bác Hồ để lại trước lúc ra đi rất ấn tượng.


Còn Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra đã từng nhấn mạnh: "Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao".


Tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam cũng như những tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ của mình là chân lý không bao giờ thay đổi. Cuốn sách “Hồ Chí Minh - nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam” của Nhà Xuất bản Monde (Pháp) đề cập, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày đất nước toàn thắng nhưng tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn luôn hiện hữu trong lòng mọi người dân Việt Nam. Trong trái tim của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, Người là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc với câu nói đã đi vào lịch sử: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết