Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phát triển kinh tế hợp tác xã và vấn đề hoàn thiện thể chế đất đai trong nông nghiệp (phần 1)

Ngày phát hành: 05/05/2022 Lượt xem 1160

                                             

 

 I. Một số đặc điểm liên quan đến thể chế phát triển và liên kết trong nông nghiệp

 Nông nghiệp là một lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường sinh thái đặc thù; vì vậy, trên thế giới, thể chế phát triển nông nghiệp có nhiều đặc điểm khác biệt so với các lĩnh vực khác, đồng thời còn có những điểm khác nhau giữa các nước (do điều kiện tự nhiên, dân số - lao động, đất đai khác nhau, do tính chất và trình độ của các nền nông nghiệp khác nhau), có những điểm khác nhau đối với các loại đối tượng sản xuất khác nhau. Nhưng nằm sâu trong nền tảng cơ bản của thể chế phát triển nông nghiệp là sự chế định và sự tương tác về các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích của các đơn vị kinh tế hộ nông dân, giữa các hộ nông dân với nhau và với các chủ thể khác trong sự tương tác với các đối tượng sản xuất kinh doanh, với đất đai, mang tính đặc thù của nền nông nghiệp.

 

1. Những đặc điểm của nền kinh tế nông nghiệp chế định tính đặc thù của thể chế phát triển và liên kết trong nông nghiệp

Nền nông nghiệp ở các nước trên thế giới, nhất là ở các nước tiên tiến cho thấy, dù phát triển lên nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, chất lượng cao, với sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại, thì số lượng các các chủ thể sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất và là đơn vị kinh tế cơ sở là Kinh tế hộ nông dân (trên thế giới thường gọi dưới cái tên phổ biến nhất là nông trại) tồn tại, vận động và phát triển với nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, bị quy định bởi những quy luật nội tại, đặc thù riêng có của sản xuất nông nghiệp. Xin nêu khái quát các đặc điểm chủ yếu sau:

 

- Nền sản xuất nông nghiệp ở tất cả các nước không phải là một ngành kinh tế thuần túy. Đây là một nền sản xuất (kinh tế) gắn bó hữu cơ giữa con người với các yếu tố tự nhiên (phụ thuộc rất mạnh vào thiên nhiên), giữa các yếu tố kinh tế với các yếu tố xã hội, giữa cá nhân con người với những người trong gia đình hình thành nên đơn vị sản xuất đặc thù - đơn vị xã hội huyết thống đặc thù, giữa các hộ gia đình với cộng đồng dân cư… Tất cả những điều đó làm cho nền nông nghiệp không tồn tại đơn thuần chỉ là nền kinh tế, mà nó chứa đựng rất nhiều yếu tố xã hội, yếu tố tự nhiên, cả trong quá trình sản xuất, quá trình tiêu dùng và sinh hoạt xã hội, cộng đồng. Đã có những học giả gọi nền sản xuất nông nghiệp là nền kinh tế đạo đức (hay nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ). Trong nền nông nghiệp không phải khi nào cũng đặt mục tiêu tối đa lợi nhuận lên đầu, mà nó còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố và giá trị xã hội. Lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp nói chung thường là không cao và không ổn định, và chứa đựng nhiều rủi ro. Điều này sẽ có ảnh hưởng mạnh đến các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Mối quan hệ giữa con người với các thực thể sinh học và giữa con người với con người trong quá trình sản xuất nông nghiệp là điểm khác biệt căn bản của sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp và dịch vụ, nó quy định nội dung và các hình thức sở hữu và do đó cả các hình thức tổ chức sản xuất, trong đó có hình thức cơ bản là kinh tế hộ nông dân và các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh trong sản xuất nông nghiệp, mà phổ biến nhất là các hình thức hợp tác xã (HTX).

 

- Đặc thù sinh học: Quá trình sản xuất - tiêu dùng trong nông nghiệp chia làm các giai đoạn khác nhau, song đều gắn với các thực thể sinh học là các cây - con - sản phẩm đều là những “cơ thể sống”. Quá trình sinh học này đòi hỏi người sản xuất phải có sự quan tâm thường xuyên với ý thức của người chủ, cao hơn nữa là một tình yêu đối với đồng ruộng và cây con - một yếu tố phi kinh tế, nhưng lại đóng một vai trò có tính quyết định trong sản xuất nông nghiệp, mà việc đánh mất tình yêu này sẽ phải trả giá đắt. Đặc tính này quy định sự phân công lao động và kiểu tổ chức sản xuất trong nông nghiệp không thể “công đoạn hoá” máy móc tách biệt như trong công nghiệp, nó làm cho sản xuất nông nghiệp ở các đơn vị cơ sở thường khó thoát ly khỏi hình thức kinh doanh hộ gia đình, các đơn vị liên kết sản xuất ở cơ sở, nhất là ở những khâu liên quan trực tiếp đến quá trình sản xuất sinh học (cây, con).

 

- Đặc thù của quá trình sản xuất nông nghiệp: Chính đặc thù sinh học đã làm cho quá trình sản xuất nông nghiệp có khác biệt căn bản với sản xuất công nghiệp. Trước hết đó là quá trình lao động có thể không trùng khớp hoàn toàn về mặt thời gian với quá trình sản xuất (sinh học). Nếu quá trình sản xuất sinh học theo một trình tự liên tục gắn với quá trình phát triển sinh học của cây con cho đến sản phẩm cuối cùng (thu hoạch), thì quá trình lao động lại có thể bị chia cắt về thời gian, mang tính thời vụ. Chính điều này làm cho sản xuất nông nghiệp có thể cần một cơ cấu lao động nhiều khi mang tính thời vụ, làm cho sản xuất nông nghiệp khó chuyên môn hoá, tiêu chuẩn hoá, công đoạn hoá máy móc theo “kiểu tổ chức sản xuất công nghiệp”.  

 

 

Đơn vị kinh tế hộ gia đình trong nông nghiệp thường là sự kết hợp trong nó “đơn vị sản xuất” và “đơn vị tiêu dùng”, “đơn vị xã hội, huyết thống”. Đặc điểm này làm cho sản xuất nông nghiệp vừa mang tính hướng nội (tự cung tự cấp) vừa mang tính hướng ngoại (sản xuất để bán). Như thế, trong nông nghiệp, kết cấu lao động - TLSX - Đất đai - đối tượng sản xuất không phải chỉ được xem xét đơn thuần về phương diện kinh tế, một quy trình sản xuất, mà còn chính là quá trình tái sinh liên tục của một phương thức sống, phương thức sản xuất của người chủ hộ nông dân - của gia đình nông dân, nếu tách từng yếu tố ấy ra và quá trình sản xuất trở thành “của người khác”, thì phương thức sống ấy sẽ mất nội lực, mất động lực phát triển bề vững.

 

- Sự phát triển của công cụ sản xuất trong nông nghiệp: Trong nông nghiệp vai trò của công cụ sản xuất cũng mang tính đặc thù. Công cụ sản xuất dù thô sơ hay hiện đại, rất quan trọng, vẫn không làm mất đi tính sinh học của sản xuất nông nghiệp. Các công cụ sản xuất hiện đại chỉ trợ giúp các quá trình sinh học, làm tăng năng suất lao động, năng xuất sinh học, chứ không làm thay đổi tính chất của sản xuất nông nghiệp, không làm thay đổi quy luật sinh thành của đối tượng sản xuất cây, con (trừ những đột biến Gene). Như vậy, nếu trong sản xuất công nghiệp vai trò chi phối quyết định là công cụ sản xuất, thì ở trong sản xuất nông nghiệp đối tượng sản xuất vẫn đóng vai trò chi phối quyết định việc ứng dụng các tư liệu, công cụ sản xuất. Các đối tượng sản xuất sinh học thường có một quá trình sống liên tục, không thể chia cắt; việc “vô chủ hoá”, hoặc “đa chủ hoá” máy móc, hoặc “công đoạn hoá” máy móc các chủ thể sản xuất đều không thích ứng với tính sinh học của nó. Chính đặc tính này quy định sự tồn tại lâu dài của hình thức kinh tế hộ nông dân và các hình thức hợp tác - liên kết sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể phù hợp với đặc điểm của nông nghiệp. 

 

- Đặc thù của tư liệu sản xuất đặc biệt - ruộng đất: Trong nông nghiệp ruộng đất vừa là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể thay thế được vừa là đối tượng sản xuất, lại vừa là cái kết hợp giữa lao động của con người với các yếu tố tự nhiên và các yếu tố khác để nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi, lại vừa là địa bàn diễn ra quá trình sản xuất. Mặt khác ruộng đất có thể coi cũng là một cơ thể sống, nó có đời sống riêng của nó, nếu nó được “nuôi dưỡng” chăm bón, bảo tồn thì độ phì của nó ngày một tăng lên và sẽ trả ơn người thích đáng. Còn nếu nó phải chịu một chế độ canh tác theo kiểu tàn phá, bóc lột, một thái độ đối xử vô chủ thì con người sẽ phải trả giá, mà cái giá nhiều khi không thể trả một đời người là xong được. Cũng chính vì vậy sản xuất nông nghiệp đòi hỏi các chủ thể sản xuất phải am hiểu toàn bộ nghề nông, chứ không chỉ một khâu nào trong quy trình sản xuất như trong công nghiệp. Điều đó đặt kinh tế hộ nông dân và các chủ thể sản xuất kinh doanh trở thành một tế bào sinh động chứa đựng cả những yếu tố tự nhiên, kinh tế và xã hội, với tư cách là người làm chủ ruộng đất. Chừng nào khi người nông dân mỗi buổi sáng ra đồng còn băn khoăn “nhất cuốc này bổ xuống là vì lợi ích của ai”, thì chừng đó đừng hy vọng có một vụ mùa bội thu. Chính diễn biến của mối quan hệ nông dân với ruộng đất đã quy định tiến trình phát triển của nông nghiệp. Quan hệ giữa nông dân với ruộng đất không đơn thuần chỉ mang tính kinh tế, mà còn mang tính chính trị - xã hội - môi trường sinh thái. Ruộng đất trong nền kinh tế tự cung tự cấp là điều kiện sinh tồn, là quan hệ sinh tồn; nhưng khi chuyển sang nền nông nghiệp hàng hoá, ruộng đất là điều kiện sản xuất hàng hóa, là hàng hóa để thực hiện lợi ích kinh tế thông qua cơ chế thị trường. Khi chuyển từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp sang nền nông nghiệp hàng hoá, quan hệ nông dân và ruộng đất có sự thay đổi về chất. Khi trao quyền làm chủ ruộng đất cho nông dân, đồng thời mở đường cho ruộng đất tìm đến những người chủ có khả năng sử dụng có hiệu quả nhất, chính là đã tạo một tiền đề quan trọng cho bước chuyển về chất trong quan hệ ruộng đất từ điều kiện sinh tồn thuần tuý, sang điều kiện kinh tế hàng hóa là cơ bản. Khi đó, các yếu tố sản xuất, trong đó có đất đai, sẽ vận động theo hướng thoát khỏi trạng thái khép kín, đi vào liên kết, hợp tác, tích tụ… để sử dụng có hiệu quả hơn.

 

- Hộ nông dân tồn tại với tư cách là một đơn vị sản xuất - đơn vị xã hội - đơn vị tiêu dùng đặc thù: Những đặc điểm nêu trên đưa đến (quy định) sự tồn tại khách quan của đơn vị kinh tế hộ nông dân. Chính Mác và Ăngghen, mặc dù thời gian đầu có dự đoán rằng con đường phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ diễn ra “cùng kiểu” với công nghiệp - thành các xí nghiệp TBCN với lao động làm thuê; nhưng, sau này khi nghiên cứu viết tập III của bộ Tư bản (và cũng từ sự phát triển của thực tiễn nông nghiệp nhiều nước Âu, Mỹ) đã công nhận nông trại gia đình trên thực tế không sử dụng lao động làm thuê kiểu TBCN đã ngày càng được củng cố vững chắc và phồn thịnh, và Người viết rằng: “Luân lý lịch sử mà ta có thể rút ra trong khi xem xét nghề nông… là ở chỗ hệ thống TBCN mâu thuẫn với nghề nông hợp lý, hay nghề nông hợp lý không phù hợp (trái ngược) với hệ thống TBCN (mặc dầu hệ thống này có hỗ trợ cho sự phát triển kỹ thuật nông nghiệp) và đòi hỏi phải có hoặc là bàn tay của người tiểu nông bằng lao động của chính mình, hoặc là sự kiểm soát của những người sản xuất có liên kết với nhau[1].

 

 

2. Đơn vị kinh tế hộ nông dân - đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản

Thực tiễn phát triển các nền nông nghiệp trên thế giới cho thấy, trong cấu trúc của hệ thống các chủ thể tham gia sản xuất nông nghiệp, dù đạt tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, thì đơn vị kinh tế hộ nông dân vẫn là những đơn vị cơ sở và chiếm số lượng lớn nhất. Sự phát triển của các loại hình HTX và các loại hình doanh nghiệp về cơ bản đều phải dựa trên nền tảng sự phát triển của kinh tế hộ nông dân với những quy mô và trình độ khác nhau.

 

Ngay Mác và Ăngghen, lúc đầu, khi nghiên cứu con đường công nghiệp hóa đặc thù của nước Anh đã có dự báo là nền nông nghiệp cũng sẽ được xã hội hóa và tổ chức lại thành nền đại sản xuất như trong công nghiệp, theo kiểu của công nghiệp. Nhưng sau này, khi nghiên cứu sâu và rộng hơn về sự phát triển của nền nông nghiệp nước Anh và nền nông nghiệp của các nước khác, Mác và Ăngghen đã thấy rõ những đặc thù của sản xuất nông nghiệp - kinh tế nông nghiệp, và đã rút ra kết luận quan trọng rằng: Nông trại gia đình (về căn bản không dựa trên lao động làm thuê) vẫn tỏ rõ sức sống lâu bền và và hiệu quả của nó, và “Ngay ở nước Anh siêu công nghiệp… với thời gian cho đến nay đã khẳng định là hình thức lãi nhất không phải là nông trại công nghiệp hóa (theo phương thức công nghiệp) mà là nông trai gia đình thực tế không dùng lao động làm thuê”. Các ông cho rằng đó là “Nghề nông hợp lý”.

 

Sau này, khi xem xét con đường phát triền nông nghiệp ở nước Nga, và khi thực hiện “Chính sách kinh tế mới” Lênin đã thấy rằng: Không thể phát triển nông nghiệp theo con đường chủ nghĩa tư bản kiểu Phổ vì đó là kiểu phát triển kém hiệu quả, mà phải là kiểu “Một chủ trại tự do trên mảnh đất tự do, nghĩa là mảnh đất đó được dọn sạch khỏi những tàn tích trung cổ. Đó là kiểu Mỹ”. Và ông cũng cho rằng nông nghiệp không phát triển theo cùng kiểu với công nghiệp. Nhiều nhà khoa học - nông học trên thế giới đã luận chứng rõ điều này, và thực tế phát triển nền nông nghiệp của các nước trên thế giới (dù có phải trải qua các “khúc quanh” như ở một số nước) cũng đã khẳng định rõ điều này.

 

Trong quá trình phát triển lâu dài, do đặc điểm của nền sản xuất nông nghiệp, đơn vị kinh tế hộ nông dân có những đặc điểm chủ yếu sau: i) - Đơn vị kinh tế hộ nông dân bao chứa trong mình ba tư cách quan hệ mật thiết hữu cơ với nhau trên tất cả các phương diện kinh tế và phi kinh tế, vất chất và phi vật chất…, đó là: đơn vị sản xuất, đơn vị tiêu dùng và đơn vị xã hội - huyết thống đặc thù; ii) - Trong quá trình phát triển kinh tế hộ nông dân có phân hóa, phân tầng thành các loại hộ khác nhau.

Xét theo trình độ sản xuất hàng hóa sẽ có các loại sau: Hộ sản xuất tự cung tự cấp. Đối với các hộ này, đất đai, vốn và các nguồn lực khác về cơ bản không tham gia vào quan hệ thị trường; Hộ sản xuất hàng hoá nhỏ. Các hộ này làm ra các sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng trực tiếp trong gia đình, số lượng sản phẩm đưa ra lưu thông ở thị trường nói chung là chiếm tỷ lệ nhỏ, không đáng kể, không phải hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, vì lợi nhuận (tức theo quan điểm kinh doanh); Hộ sản xuất hàng hoá là chủ yếu. Đây là loại hộ nông dân đã hướng mục tiêu sản xuất ra thị trường đồng thời vẫn giữ phần nhỏ tiêu dùng trực tiếp trong hộ như một chiếc “van an toàn”.

Vì sản xuất hướng theo thị trường nên các yếu tố đầu vào và đầu ra của đơn vị sản xuất (kế cả chi phí lao động sống và đất đai) đã được tính toán tới trong quá trình sản xuất. Khi đó đất đai từng bước thoát ra khỏi “chức năng đảm bảo lương thực sinh tồn” của kinh tế hộ nông dân để nhận cho mình một chức năng mới trong cơ chế thị trường: chức năng nguồn lực, "nguồn vốn” phát triển. Đây là một nấc thang phát triển rất quan trọng của quan hệ ruộng đất và kinh tế hộ nông dân; Hộ sản xuất hàng hoá hoàn toàn. Đặc trưng kinh tế của loại hộ này là sản xuất hoàn toàn hướng theo nhu cầu của thị trường và thông qua thị trường; quy mô sản xuất thường do thị trường điều tiết. Mục tiêu của sản xuất hoàn toàn hướng theo thị trường, theo lợi nhuận, do đó mọi yếu tố đầu vào - đầu ra của quá trình sàn xuất đều được xem xét trên cơ sở giá trị; cả sức lao động và đất đai đều trở thành yếu tố đầu vào trực tiếp của sản xuất hàng hoá, bị chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường.

 

Đi vào sản xuất hàng hóa, do điều kiện và năng lực của các hộ khác nhau tất yếu diễn ra sự phân hoá giữa các hộ: phân hoá về trình độ, quy mô sản xuất kinh doanh, phân hoá về nghề nghiệp - giỏi về nghề gì làm nghề đó. Đối với các hộ sản xuất hàng hoá, các yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất khác, vốn, lao động mới chỉ là những điều kiện - dù là rất quan trọng đối với sản xuất hàng hóa, yếu tố quyết định nhất lại là năng lực sản xuất - kinh doanh nông nghiệp hàng hoá của chủ hộ. Chính sự khác biệt về năng lực sản xuất - kinh doanh là một trong những yếu tố cơ bản nhất có tác động quyết định đến mức độ ruộng đất tham gia vào sản xuất hàng hoá, có những hộ phát triển hơn lên, tích tụ, mở rộng quy mô canh tác, lại có một số hộ không phát triển thậm chí phải giảm quy mô canh tác, hoặc sang nhượng ruộng đất, chuyển sang lĩnh vực khác.

 

II. Quá trình xã hội hóa nền sản xuất nông nghiệp

1. Đặc điểm của quá trình xã hội hoá nền sản xuất nông nghiệp

Cũng chính do đặc tính sinh học, đặc điểm của nền sản xuất nông nghiệp, quy định sự tồn tại khách quan, lâu dài của tế bào kinh tế hộ gia đình nông dân đã làm cho quá trình xã hội hoá nền sản xuất nông nghiệp không giống với công nghiệp và các lĩnh vực khác. Trong nông nghiệp luôn chứa đựng sự thống nhất - mâu thuẫn khách quan giữa sản xuất hộ gia đình mang tính độc lập tương đối bị quy định bởi đặc tính sinh học, với việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với quá trình chuyên môn hoá, hợp tác và liên kết sản xuất kinh doanh ở những khâu xa, cao hơn quá trình sản xuất sinh học. Sản xuất nông nghiệp hàng hoá lại không thể tách khỏi công nghiệp bảo quản, chế biến, thương nghiệp, dịch vụ… mà từng hộ khó có thể đảm đương được một cách có hiệu quả. Đồng thời khi chuyển sang sản xuất theo chiều sâu, nhiều vấn đề từng hộ không làm được, đòi hỏi không chỉ hợp tác mà phải có sự đầu tư lớn về khoa học và công nghệ như: cách mạng xanh với giống cây, con cao sản, nhân giống hiện đại trên cơ sở sinh học, hệ thống công cụ hiện đại, chế biến và bảo quản nông sản, cung cấp các dịch vụ “đầu vào, đầu ra” cho sản xuất nông nghiệp…, do đó xuất hiện nhu cầu ra đời các HTX và các loại hình doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp cung cấp công cụ và thiết bị sản xuất… . Như vậy tất yếu khách quan có sự phân tầng chức năng giữa hộ nông dân - HTX và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết sản xuất kinh doanh. Nhưng sự phân tầng này không cố định, khi sản xuất hàng hoá càng phát triển, khoa học kỹ thuật và công nghệ càng cao, quá trình chế ngự tự nhiên càng nâng cao, thì một mặt kinh tế hộ càng lớn mạnh, nhưng vai trò của hộ giảm đi một cách tương đối theo nghĩa nhiều chức năng, khâu sản xuất được chuyên môn hóa sâu hơn và nâng lên tầng hợp tác, liên kết, liên doanh, tích tụ lại ở tầng cao hơn.

 

Quá trình xã hội hóa trong sản xuất nông nghiệp còn bị chi phối bởi hai đặc tính nữa, đó là:

Một là, tính đặc thù của sự hình thành thị trường trong nông nghiệp. Khác với trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong sản xuất nông nghiệp thị trường nông sản phần lớn thường là thị trường giao sau, có nghĩa là: khi bắt đầu sản xuất các sản phẩm nông sản, phần lớn chưa có các hợp đồng tiêu thụ (hợp đồng thường được hình thành sau đó, có thể là gần thu hoạch hoặc sau thu hoạch), trong khi thời gian sản xuất nhiều loại sản phẩm thường là dài hàng mấy tháng. Sự tách biệt giữa thời điểm bắt đầu sản xuất với thời điểm hình thành thị trường tiêu thụ làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn lớn trong việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Đối với một nền sản xuất nông nghiệp ở trình độ sản xuất hàng hóa nhỏ thì việc các hộ nông dân đưa sản phẩm nông sản ra thị trường tự do hoàn toàn mang tính chất may rủi. Nhưng khi đã đi vào sản xuất hàng hóa lớn (hay hàng hóa chuyên), từng hộ nông dân không thể đủ sức để “đối phó” có hiệu quả với đặc điểm của thị trường giao sau này, nhất là khi sản phẩm nông sản đó chủ yếu hướng ra xuất khẩu. Đặc điểm của sự hình thành thị trường giao sau trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải hình thành các hình thức liên kết ngang và liên kết dọc phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, giữa các đơn vị sản xuất hộ nông dân với các đơn vị bao tiêu, bảo quản, chế biến và kinh doanh (đưa ra thị trường). Ở đây đặc biệt cần tới vai trò của nhà nước, các HTX và doanh nghiệp liên kết.

 

Hai là, Tính chất rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, do tính đặc thù sinh học của nó, tính chất và mức độ rủi ro thường là cao. Có hai loại rủi ro chủ yếu: Rủi ro từ tự nhiên và rủi ro từ thị trường. Rủi ro từ tự nhiên là rủi ro thất bát mùa màng do thay đổi khí hậu không thuận, do bão tố, lụt lội, do sâu và dịch bệnh… Những rủi ro này trong nhiều trường hợp không thể dự báo trước được. Rủi ro từ thị trường là rủi ro từ sự thay đổi quan hệ cung - cầu, thay đổi phương thức và hợp đồng thương mại trên thị trường khác với kế hoạch sản xuất đã thực hiện và với kết quả sản xuất cụ thể. Đó còn là sự thay đổi giá cả nông sản trong tương quan với giá cả các yếu tố “đầu vào” để sản xuất ra sản phẩm. Đặc biệt, đối với các sản phẩm nông sản nằm trong thị trường giao sau, thì rủi ro từ thị trường là rất lớn. Đồng thời, về mặt cơ chế, trên thực tế cũng có thể xuất hiện các rủi ro từ các chính sách bất cập (hoặc thay đổi chính sách) của Nhà nước, như chính sách quy hoạch sản xuất, chính sách giá cả, chính sách thu mua, chính sách xuất nhập khẩu…của cả trong nước và từ phía nước ngoài, dẫn đến những thiệt hại cho người sản xuất. Trên thực tế cũng còn loại rủi ro từ đặc điểm các sản phẩm nông sản đa số là sản phẩm tươi sống, dễ vỡ, dễ hỏng, dễ bị biến đổi chất lượng, khó bảo quản lâu dài và vận chuyển đi xa.

 

Những đặc điểm chung nhất của các nền nông nghiệp nêu trên là cơ sở để tạo nên hệ thống các chủ thể sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp thường là : tầng cở sở là các đơn vị kinh tế hộ nông dân, chiểm số lượng lớn nhất; các tầng trên là các loại hình HTX, các loại hình doanh nghiệp (bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, cung cấp các dịch vụ “đầu vào đầu ra”, dịch vụ khoa học - công nghệ, thương mại…). Đồng thời, ra đời các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp và phát triển gắn liền với quá phát triển sản xuất hàng hóa.

 

Cùng với những đặc điểm trên, nền nông nghiệp Việt Nam còn là một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất nhiều vụ, lương thực chủ yếu là trồng lúa nước (giống một số nước ở châu á), phụ thuộc rất mạnh vào tự nhiên; lại với dân số đông chủ yếu còn sống ở nông thôn, diện tích đất canh tác bình quân đầu người thuộc loại rất thấp trên thế giới và khu vực. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quy mô và các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp từ xa xưa và cả ngày nay khi chuyển sang phát triển nền nông nghiệp hàng hóa và hội nhập quốc tế. Tất cả những đặc điểm nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các hình thức tổ chức sản xuất và liên kết kinh doanh trong nông nghiệp, cần phải được nhận thức rõ và vận dụng phù hợp đối với từng lĩnh vực và trình độ sản xuất cụ thể ở mỗi vùng, mỗi loại cây con.

 

 

2. Sự phát triển các loại hình HTX, các loại hình doanh nghiệp và quá trình liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

i) - Tính khách quan của sự phát triển các hình thức hợp tác

Trong khi khẳng định vai trò đơn vị kinh tế tự chủ cơ bản trong nông nghiệp là hộ nông đân - nông trại, cả Mác, Ăngghen, Lênin cũng như nhiều nhà khoa học - nông học nổi tiếng trên thế giới đều không tuyệt đối hóa tính chất bền vững biệt lập của kinh tế hộ nông dân, nhất là khi tham gia vào kinh tế thị trường, mà trong quá trình phát triển nó đòi hỏi phải có các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp.

Mác và Ăngghen cho rằng đối với “nghề nông hợp lý” thì hoặc là phải có “bàn tay của người tiểu nông bằng lao động của chính mình” hoặc là phải có “sự kiểm soát của những người sản xuất có liên kết lại với nhau”. Đó là những tư tưởng quan trọng về chế độ hợp tác trong nông nghiệp. Sau này Ăngghen đã khẳng định một cách kiên quyết rằng, khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền thì tuyệt đối không được tước đoạt của những người tiểu nông dù bất kỳ dưới hình thức gì như buộc phải làm đối với những chủ đất lớn. Nhà nước vô sản phải bằng những biện pháp hết sức tỷ mỉ, khuyến khích họ “liên hợp kinh tế của họ với hiệp hội… với quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng”.

Sau này, trong tác phẩm nổi tiếng “Bàn về chế độ hợp tác”, Lênin đã đi đến hai kết luận rất quan trọng: - Hợp tác xã là “bước quá độ sang một chế độ mới bằng con đường đơn giản nhất, dễ tiếp thu nhất đối với nông dân”; - “Chế độ hợp tác của những xã viên hợp tác xã văn minh là chế độ xã hội chủ nghĩa”. Theo Lênin kiểu tổ chức hợp tác xã như vậy có khả năng kết hợp hữu cơ, hài hòa, hiệu quả giữa “lợi ích tư nhân với lợi ích xã hội”. Trong mối quan hệ hợp tác đó không được xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân về vật phẩm tiêu dùng và về tư liệu sản xuất của nông dân, trong đó có ruộng đất. Lênin nhấn mạnh bản chất của các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp là tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tương trợ, tôn trọng lợi ích của các thành viên và của hợp tác xã. Lênin phê phán gay gắt sự áp đặt trong việc phát triển kinh tế hợp tác, ông cho rằng “Ở đây mà dùng bạo lực thì có nghĩa là làm nguy hại đến toàn bộ sự nghiệp…, và không bao giờ được dùng mệnh lệnh”, “Chỉ những Hợp tác xã do chính những người nông dân điều hành theo sáng kiến của họ và lợi ích của các hợp tác xã ấy được kiểm nghiệm trên thực tế mới có giá trị”. Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác, bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên và các tổ chức kinh tế hợp tác. Theo Traianôp (1889- 1939), nhà bác học Xô - Viết nổi tiểng trước đây, hợp tác hóa là một quá trình xã hội hóa từng bước kinh tế hộ nông dân, “Hợp tác xã nông nghiệp là sự bổ sung cho kinh tế hộ nông dân, phục vụ cho nó, và vì thế mà thiếu kinh tế hộ nông dân thì hợp tác xã không có ý nghĩa gì cả”.

 

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn quá trình phát triển nền nông nghiệp trên thế giới cho thấy:

- Do những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp - kinh tế nông nghiệp, mà đơn vị kinh tế hộ gia đình - kinh tế nông trại là hình thức phổ biến nhất, có hiệu quả cao, tồn tại và phát triển lâu dài kể cả trong điều kiện đi vào sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại.

 

- Hợp tác xã là hình thức tổ chức liên kết sản xuất kinh doanh phù hợp và hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội đối với kinh tế hộ nông dân.

- Xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác xã phải trên cơ sở tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và lợi ích của các hộ nông dân - với tư cách là những đơn vị kinh tế tự chủ.

 

- Chế độ kinh tế hợp tác phải đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích giữa hộ nông dân, tập thể và xã hội.

 

ii) - Sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp

Khi đi vào sản xuất hàng hóa, quá trình phân công và chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp trực tiếp và gián tiếp tham gia sản xuất kinh doanh nông nghiệp, cũng như các loại hình doanh nghiệp liên quan. Trước hết đó là những đơn vị tiêu thụ nông sản, những đơn vị cung cấp các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như giống, vật tư nông nghiệp, phân bón…, các đơn cung cấp các công cụ, thiết bị và máy móc nông nghiệp, các đơn vị cung cấp dịch vụ khuyến nông, cao hơn nữa là sự phát triển các đơn vị chế biến, bảo quản, các đơn vị dịch vụ khoa học - công nghệ, doanh nghiệp thương mại cao cấp…Các loại hình doanh nghiệp này phát triển đều dựa trên sự phát triển các quan hệ tương hỗ (trực tiếp hay gián tiêp) với sự phát triển của kinh tế hộ nông dân, các hợp tác xã.

Trong một số lĩnh vực cụ thể như chăn nuôi gia súc, nuôi bò và sản xuất sữa, cây công nghiệp…, cũng có thể hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn với cơ chế quản lý tập trung, nhưng nhìn chung số loại doanh nghiệp như vậy thường chiếm tỷ lệ không lớn so với số lượng đơn vị kinh tế nông trại.

 

iii) - Phát triển quá trình liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp

Quá trình xã hội hóa của nền nông nghiệp về cơ bản là quá trình phát triển và tác động qua lại - hỗ trợ lẫn nhau giữa kinh tế hộ nông dân với nhau và với các chủ thể sản xuất kinh doanh khác thông qua các hình thức kinh tế hợp tác, hình thức liên kết kinh doanh khác. Trong quá trình phát triển và hiện đại hóa nền nông nghiệp thì khái niệm, nội dung và hình thức hợp tác cũng cần được hiểu mở rộng hơn: Đó là tất cả các hình thức liên kết sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị kinh tế hộ nông dân với nhau và với các đơn vị sản xuất kinh doanh khác trong nông nghiệp, hay liên quan tới nông nghiệp. Hình thành đa dạng các liên kết ngang hay liên kết dọc, hay liên kết hỗn hợp. Nền tảng cốt lõi của các liên kết này là liên kết và chia sẻ về mặt lợi ích, trách nhiệm, và sự chia sẻ về rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất và trình độ của nền kinh tế nói chung và nền nông nghiệp nói riêng, phụ thuộc vào trình độ của kinh tế hộ nông dân, vào sự phát triển của lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, vào mức độ tham gia vào kinh tế thị trường, vào đặc điểm và quy mô của đối tượng sản xuất…các đơn vị kinh tế hộ nông dân sẽ tham gia vào các hình thức hợp tác và liên kết kinh doanh khác nhau. Trong một chu trình từ sản xuất tới người tiêu dùng, thường sẽ phải quá các chủ thể sau: Đơn vị kinh tế hộ nông dân (ĐVKTH), đơn vị thu mua, chế biến, bảo quản (ĐVCB), đơn vị kinh doanh thương mại (ĐVKD), sau đó sẽ được đưa ra thị trường (TT), và cuối cùng là tới tay người tiêu dùng (NTD); nhưng cũng nhiều khi phải qua các chủ thể trung gian (TG).

Phụ thuộc vào trình độ của đơn vị kinh tế hộ nông dân và các chủ thể khác tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh nông nghiệp trong cơ ché thị trường, có thể khái quát thành 5 cấp độ liên kết sản xuất kinh doanh như nêu ở hình 1.

Hình 1: Lược đồ về Hợp tác - liên kết sản xuất - kinh doanh trên cơ sở kinh tế hộ nông dân

 

 

Trong lược đồ trên mô tả:

(i) - Là trạng thái cơ bản của các hộ kinh tế nông dân ở trình độ sản xuất tự cung tự cấp là chủ yếu, hầu như không hoặc rất ít tham gia thị trường và không có sự hợp tác hoặc liên kết sản xuất kinh doanh.

 

(ii) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân tham gia sản xuất hàng hóa một cách độc lập. Sản phẩm đưa ra thị trường có thể phải trải qua nhiều chủ thể độc lập (kể cả các khâu trung gian) quan hệ kinh doanh với nhau theo kiểu “mua đứt bán đoạn” qua mỗi khâu, không có sự chia sẻ với nhau về lợi ích hay rủi ro. Đây là trạng thái của nền nông nghiệp chủ yếu còn sản xuất nhỏ và phát triển theo chiều rộng.

 

(iii) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân chỉ hợp tác - liên kết với nhau chủ yếu ở khâu sản xuất thông qua đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác. Còn các khâu khác thì các hộ nông dân lại tự thực hiện độc lập.

 

(iv) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân thực hiện sự hợp tác với nhau cả ở khâu sản xuất của của hộ (hợp tác theo chiều ngang) và các khâu khác theo chiều dọc (như liên kết với các đơn vị chế biến, bao tiêu sản phẩm...) cho tới khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng (sự hợp tác này cũng có thể ở trình độ thấp hơn chỉ ở một số khâu, một số tầng nào đó). Đây là trạng thái của kinh tế hộ và nền nông nghiệp hàng hóa trình độ cao, phát triển theo chiều sâu.

 

(v) - Là trạng thái của các hộ kinh tế nông dân sản xuất hàng hóa lớn (các nước trên thế giới gọi là trang trại lớn hay cực lớn), bao quát tất cả các khâu sản xuất kinh doanh theo chiều ngang và chiều dọc, cho tới khâu đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng. Trong nền nông nghiệp hàng hóa phát triển cao, tỷ lệ số hộ này không nhiều, nhưng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa ở một số lĩnh vực như chăn nuôi gia súc thịt, sản xuất sữa...

 

Trên thực tế cũng xuất hiện các mô hình liên kết là sự đan chéo giữa các trạng thái nêu trên, như: các hộ nông dân độc lập liên kết với các đơn vị chế biến và kinh doanh để được bao tiêu sản phẩm; hay các HTX của các hộ nông dân liên kết với các đơn vị chế biến và kinh doanh để được bao tiêu sản phẩm và cung ứng các dịch vụ…

Song hành với sự phát triển quá trình sản xuất kinh doanh trên là sự ra đời và phát triến của hệ thống các đơn vị cung cấp các dịch vụ như tín dụng, khoa học-công nghệ, khuyến nông, cung cấp giống cây con, bảo vệ thực vật, bảo hiểm nông nghiệp, tư vấn… (cả công và tư, vì lợi nhuận và không không vì lợi nhuận, trong nước và quốc tế).

Như vậy, trong thể chế phát triển nông nghiệp, tầng cơ sở là các đơn vị kinh tế hộ nông dân với quy mô và trình độ khác nhau; còn các tầng trên là các đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan đến các khâu chế biến, bảo quản, lưu thông thương mại… Mức độ liên kết sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào trình độ của nền nông nghiệp hàng hóa. Xét về bản chất kinh tế - xã hội, có thể khái quát thành các cấp độ liên kết sau:

 

- Không có sự liên kết, mà đơn vị sản xuất tự đưa các hàng hóa nông sản ra “mua, bán” trên thị trường (như sản phẩm của những hộ nông dân sản xuất hàng hóa nhỏ được mang ra chợ để bán).

 

- Liên kết qua các hợp đồng mua bán sản phẩm theo kiểu “mua đứt - bán đoạn”.

 

- Liên kết có sự hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm (theo hợp đồng), nhưng không có sự chia sẻ rủi ro.

 

- Liên kết có sự hỗ trợ đầu tư, bao tiêu sản phẩm, có sự liên kết về trách nhiệm, lợi ích và sự chia sẻ về rủi ro giữa các chủ thể (có thể theo chuỗi sản phẩm, hay theo ngành sản xuất…); đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, nhất là lợi ích của các hộ nông dân.

 

Trên thực tế có thể tồn tại sự đan xen các trình độ liên kết trên (với các tỷ lệ khác nhau), bị quy định bởi trình độ của nền nông nghiệp hàng hóa và tính hiệu quả của hình thức liên kết trong điều kiện cụ thể.

(còn tiếp)
   PGS.TS Trần Quốc Toản
Nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương


     [1] C.Mác, F.Angghen, Tập 25, phần 1, trang 135.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết