Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Phục hồi, phát triển kinh tế khi đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới

Ngày phát hành: 05/05/2022 Lượt xem 1636

 

1. Bối cảnh tình hình, những khó khăn, thách thức

Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế đất nước ta. Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng quốc tế và những biện pháp quyết liệt để thực hiện dãn cách xã hội, khoanh vùng, cách ly, hạn chế đi lại, giao tiếp giữa mọi người, giữa các địa phương trong nước, nhất là ở các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế, thương mại để chống dịch đã làm đình trệ hoạt động kinh tế vốn hết sức sôi động của đất nước. Hàng triệu hộ gia đình, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ phải dừng hoạt động, thu hẹp hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, phải đóng cửa, dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhiều khu công nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải dừng sản xuất nhiều ngày vì dịch bệnh, không giao được hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng. Doanh nghiệp trong các ngành hàng không, du lịch thuộc  loại bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch… Tăng trưởng GDP của đất nước giảm sâu, từ 6-7%/năm của các năm trước, năm 2020, chỉ còn đạt 2,93%, 9 tháng đầu năm 2021, chỉ đạt 1,47% (Quý III năm 2021, do đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát mạnh, tăng trưởng kinh tế giảm -6,17%), triển vọng cả năm 2021, tăng trưởng GDP của đất nước được dự báo cũng ở mức trên, dưới 2%... Mặc dù nước ta vẫn còn đạt được mức tăng trưởng GDP dương, không phải là tăng trưởng âm như nhiều nước trên thế giới, nhưng đây là những mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong hơn 30 năm qua ở nước ta. Hàng triệu người không có việc làm, mất nguồn thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn; hàng trăm nghìn người rời bỏ các thành phố lớn, các khu công nghiệp trở về quê để tránh dịch, dựa vào gia đình, vào sản xuất nông nghiệp để sống qua thời gian dịch, gây xáo động xã hội, là hiện tượng chưa từng thấy ở nước ta nhiều năm qua…

Hiện nay, trước dự báo tình hình khả năng dịch COVID-19 còn có thể kéo dài, khó có khả năng loại bỏ hoàn toàn được các biến chủng của virút gây dịch ra khỏi xã hội, mà phải thích ứng, chung sống với chúng, hạn chế tác hại của chúng, cùng với nhiều nước trên thế giới, nước ta cũng thay đổi cách thức chống COVID-19, từ truy vết, cách ly, tận diệt nguồn virút gây bệnh, chuyển sang vừa chống COVID-19, ngăn chặn lây lan, giảm tối đa các trường hợp tử vọng do COVID, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xem đây là trạng thái bình thường mới. Ngăn chặn COVID-19 lây lan, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người vẫn phải là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng nhất, nhưng phục hồi hoạt động kinh tế, phát triển kinh tế cũng là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn. Người dân không chỉ khổ, cuộc sống bị đe dọa vì COVID mà còn khổ, cuộc sống bị đe dọa vì không có việc làm, không có thu nhập. Các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hợp đồng kinh tế với nước ngoài, việc dừng hoạt động dài ngày, không thực hiện được các hợp đồng đã ký kết với nước ngoài, có nguy cơ mất bạn hàng, mất hợp đồng sản xuất kinh doanh với các đối tác. Tăng trưởng GDP của đất nước giảm sâu, trong khi nhiều nước trên thế giới vừa chống COVID, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng kinh tế âm, đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao, 5-6%, như Mỹ, hay cao hơn, như Trung Quốc (tới trên, dưới 8%). Trong bối cảnh đó, nếu nước ta không nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, để kinh tế tụt hậu xa hơn so với các nước trên thế giới thì hậu quả sẽ to lớn, lâu dài.

 

 

Song, việc phục hồi, phát triển kinh tế ở nước ta trong bối cảnh tình hình hiện nay là không dễ dàng, mà có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về nguồn lực và môi trường kinh doanh. Hộ kinh doanh là lực lượng kinh tế lớn của đất nước, nhưng phổ biến là quy mô nhỏ, tiềm lực kinh tế yếu, hai năm qua, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID, với nhiều hộ, phục hồi kinh doanh như trước khi COVID xảy ra đã là việc khó khăn. 96-97% doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính, khoa học công nghệ phổ biến là yếu, hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Hai năm đại dịch vừa qua, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải giảm quy mô hoạt động, tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại cũng hoạt động trong trạng thái có nhiều khó khăn. Các lực lượng này rất cần phải có sự hỗ trợ cả về nguồn lực và động lực để phục hồi và phát triển. Trong khi đó, dịch COVID hai năm qua cũng ảnh hưởng xấu đến nguồn lực tài chính của Nhà nước. Kinh tế suy giảm, trước những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Nhà nước ban hành nhiều chính sách miễn thuế, giảm thuế, cho phép chậm nộp thuế… làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước. Mặt khác, Nhà nước lại thực hiện nhiều gói cứu trợ, hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID để duy trì hoạt động kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ công vẫn còn ở mức cao, lạm phát vẫn là nguy cơ chưa thể xem thường, dư địa cho việc Nhà nước đi vay cho đầu tư, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế cũng rất hạn chế. Khó khăn đối với phục hồi, phát triển kinh tế còn lớn hơn nữa khi Nhà nước ta, với nguồn lực tài chính như vậy, lại vẫn phải tiếp tục quan tâm đầu tư, củng cố bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình Biển Đông, an ninh trong khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, tiếp tục phải giành nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đang và sẽ xảy ra, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu đang và sẽ tác động lớn đến nước ta nhanh hơn, sớm hơn so với dự báo trước đây.

Hơn nữa, trên thế giới, mặc dù các quốc gia, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực cao, tập trung nguồn lực để đối phó, nhưng dịch COVID vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng virút mới lây lan nhanh hơn, độc hại và nguy hiểm hơn, nhiều chuỗi cung ứng vẫn bị đứt gãy, cạnh tranh chiến lược, trừng phạt, cấm vận, trả đũa giữa các nước lớn, giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ với Trung Quốc…, phục hồi kinh tế thế giới còn rất khó khăn; trong khi các nước, nhất là các nước lớn, đều tung ra những gói cứu trợ lớn để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hỗ trợ nền kinh tế làm cho lạm phát trở thành nguy cơ lớn có thể bùng phát… Bối cảnh đó làm cho việc phục hồi, phát triển kinh tế phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, chính trong những hoàn cảnh khó khăn lại là lúc ý chí vươn lên của nhân dân ta được khơi dậy, phát huy, lại là động lực để đất nước đẩy mạnh đổi mới; trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế nhiều nước trên thế giới cũng lâm vào khó khăn, lại tạo cơ hội để nước ta có thể vượt lên trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia nhiều hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước đi trước…

 

 

2. Một số định hướng và giải pháp

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi mà tiếp tục diễn biến phức tạp với những biến chủng mới, thì yêu cầu, điều kiện tiên quyết để phục hồi, phát triển kinh tế là phải khống chế được dịch, từng bước hạn chế, giảm thiểu được hậu quả do dịch gây ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, ổn định xã hội. Tuyệt đối không thể chủ quan, buông lỏng các biện pháp chống dịch đã được khẳng định có hiệu quả, như đeo khẩu trang, hạn chế tụ họp đông người, đẩy nhanh việc tiêm vắc-xin đủ hai mũi cho đến khi đạt tới 80-85% dân số, mở rộng tiêm vắc-xin mũi ba cho các đối tượng, tập trung điều trị bệnh nhân nhiễm COVID, nhất là những bệnh nhân nặng để giảm tử vọng… Trong bối cảnh đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế cần phải hết sức linh hoạt, bám sát diễn biến tình hình dịch COVID trên cả nước, cũng như từng vùng, từng địa phương mà có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời; cũng như cần theo dõi sát tình hình dịch COVID, biến động giá cả hàng hóa, lạm phát, sự phục hồi kinh tế ở nước trên thế giới, nhất là những nước là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, để có sự điều chỉnh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Để phục hồi và phát triển kinh tế đòi hỏi cần phải huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả trong và ngoài nước, cả nội lực và ngoại lực, cả nguồn lực vật chất và tinh thần, vừa huy động được nhiều và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mới, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tài sản hiện có. Để đất nước vượt qua những khó khăn do dịch COVID gây ra, phục hồi và phát triển kinh tế, Nhà nước có vai trò rất lớn. Nhà nước vừa là người ban hành luật pháp, cơ chế chính sách tạo động lực và định hướng hoạt động cho tất cả chủ thể, thành viên xã hội, vừa là chủ thể lớn nhất, nắm trong tay những nguồn lực vật chất to lớn để phục hồi, phát triển kinh tế. Việc Nhà nước đã thông qua gói cứu trợ lớn, tới 350 nghìn tỷ đồng cho phục hồi kinh tế là đúng đắn và kịp thời (song vấn đề là cần nhanh chóng phân bố, sử dụng đúng đắn, có hiệu quả nguồn lực này). Đồng thời, vừa cơ bản, lâu dài, Nhà nước cần phải tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại để đẩy nhanh việc cơ cấu lại, đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (hiện nay, đây là bộ phận đang nắm giữ một nguồn lực to lớn của đất nước nhưng hiệu quả hoạt động còn rất hạn chế, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế, lực lượng vật chất mà khu vực này nắm giữ). Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đất đai, các tài nguyên thiên nhiên của đất nước (Đây cũng là những nguồn lực to lớn nhưng chưa được quản lý sử dụng có hiệu quả, lãng phí, thất thoát rất lớn); đồng thời, cần đẩy mạnh đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính để thu hút khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực to lớn trong xã hội trong nước và thu hút nguồn lực nước ngoài vào phục hồi phát triển kinh tế. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, càng khó khăn thì càng cần thiết đẩy mạnh đổi mới.

Mặc dù dịch COVID có làm ảnh hưởng đến nguồn thu, phải tăng chi cho các gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp, những đối tượng xã hội gặp khó khăn bởi đại dịch, nhưng Nhà nước vẫn có trong tay những nguồn lực tài chính to lớn. Nhà nước cần phải có chương trình, kế hoạch, đổi mới cơ chế quản lý để nhanh chóng, kịp thời sử dụng nguồn lực này có hiệu quả, như:

- Đầu tư vào các chương trình, dự án quan trọng, sớm phát huy hiệu quả (nhất là các chương trình, dự án sắp hoàn thành). Hoàn thiện thể chế, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ở các doanh nghiệp nhà nước; các ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư công đã được phê duyệt, đã có sẵn nguồn vốn và quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, xử lý trách nhiệm những cơ quan và cán bộ có liên quan để vốn đầu tư công tồn đọng kéo dài, có lãng phí, tiêu cực trong thực hiện dự án.

 

 

- Xây dựng quy chế để Nhà nước có thể hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi các doanh nghiệp trong nước (cả doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước) có dự án đầu tư có hiệu quả, có các hợp đồng lớn nhưng khó khăn về vốn khi thực hiện để việc hỗ trợ được thực hiện có cơ sở pháp luật, công khai, minh bạch.

- Chuẩn bị các điều kiện để sớm phục hồi các đường bay quốc tế, từng bước mở cửa du lịch, có các phương án chống dịch phù hợp với tình hình này, ngăn chặn dịch bùng phát.

- Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, nâng cấp mạng cáp quang, Internet, phát triển mạng 5G, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống an ninh, bảo đảm an toàn mạng thông tin. Đẩy mạnh chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực kinh tế, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.

- Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của các ngành, các vùng, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, sản xuất vật liệu, nhất là vật liệu mới.

- Đặc biệt, Nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển và đổi mới thể chế quản lý để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố rất quan trọng không chỉ để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế mà cả đối với phát triển kinh tế nhanh, bền vững về lâu dài.

Kinh tế tư nhân là bộ phận lớn, có vị trí rất quan trọng của nền kinh tế, hiện đóng góp trên 40% GDP. Dịch COVID-19 làm cho các doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là khu vực kinh tế có sức sống dẻo dai, mạnh mẽ, có tiềm năng to lớn, đã nhiều lần giúp nền kinh tế đất nước phục hồi, phát triển trong những thời kỳ khó khăn trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Đây chắc chắn sẽ là một lực lượng quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế đất nước trong và sau đại dịch COVID-19. Một số giải pháp cần tập trung thực hiện ngay, như:

- Không chỉ dừng lại ở những gói cứu trợ khẩn cấp cho những doanh nghiệp gặp khó khăn để tồn tại, mà Nhà nước cần tạo ra các điều kiện thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính, có các chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh tư nhân phục hồi, phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực kinh tế này, để khu vực kinh tế này phát huy được vai trò to lớn của mình vào phục hồi, phát triển kinh tế đất nước như những thời kỳ đất nước rơi vào tình trạng khó khăn trước đây. Những khó khăn của đất nước do dịch COVID-19 tạo ra cần phải trở thành cơ hội, động lực để Nhà nước đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất, định hướng và tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ mọi chủ thể trong xã hội chủ động, tích cực khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực có thể khai thác của mình để đưa vào hoạt động kinh tế. Nhà nước cần phải loại bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý trong luật pháp, chính sách, những thủ tục hành chính gây phiền hà, phân biệt đối xử, cản trở đầu tư, kinh doanh; bổ sung những quy định mới tạo hành lang pháp luật cho những lĩnh vực, những mô hình, phương thức kinh doanh mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

- Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là chính sách thuế, lãi suất tín dụng, hỗ trợ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn và giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh để phục hồi, phát triển kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế, ngăn ngừa lạm phát.

- Phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của thị trường trong huy động, phân bổ các nguồn lực, quyết định giá cả, điều tiết lưu thông, hoạt động của doanh nghiệp… tạo môi trường công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế.

- Đồng thời, Nhà nước cần tăng cường kỷ luật kỷ cương trong tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, từng cán bộ, công chức ở mọi vị trí công tác, nhất là của người đứng đầu; tăng cường giám sát (nội bộ, giám sát xã hội), thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi sai phạm.

Trong khu vực kinh tế tư nhân, cần quan tâm trước hết, nhiều hơn đến hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh (lực lượng đông đảo những người sản xuất nhỏ); đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn, cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chung, cần có chính sách định hướng, khuyến khích họ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, những lĩnh vực được Nhà nước xác định là mũi nhọn, nòng cốt, cần ưu tiên phát triển; đồng thời, ngăn ngừa độc quyền, ngăn chặn và xử lý tình trạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, móc nối giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước.

Hai năm qua, nước ta đã thực hiện có kết quả cao hoạt động ngoại giao vắc-xin, được nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều tập đoàn sản xuất vắc-xin chống COVID-19 lớn trên thế giới tặng, bán cho một số lượng lớn vắc-xin, góp phần rất quan trọng vào những kết quả chống dịch của nước ta như vừa qua. Điều này cho thấy uy tín của nước ta trên thế giới. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đúng đắn, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ta trong những năm qua. Giờ đây, để phục hồi, phát triển kinh tế, cùng với phát huy nội lực, ngoại lực cũng là nguồn lực lớn cần được khai tách, sử dụng có hiệu quả. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới, làm cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế bị trở ngại, giám sát, hiện nay, đang được các nước, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trên thế giới nỗ lực tìm cách phục hồi, Nhà nước ta, doanh nghiệp nước ta cần phải tận dụng được cơ hội này, tham gia tích cực được vào phục hồi các chuỗi cung ứng, các hoạt dộng đầu tư, thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế đất nước. Để làm được điều này đòi hỏi nước ta nhất thiết phải kiểm soát được dịch COVID, có kế hoạch tổng thể, nhiều giải pháp đồng bộ:

- Chủ động, tích cực đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành để mở đường, kết nối, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, khoa học công nghệ của đất nước, của doanh nghiệp trong nước với các nước, các doanh nghiệp nước ngoài.

- Hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách (nhất là chính sách tài chính, đất đai), thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn; đào tạo nguồn nhân lực đông đảo có chất lượng… để thu hút đầu tư nước ngoài, để các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất kinh doanh thuận lợi, có hiệu quả, đóng góp vào phục hồi, phát triển kinh tế Việt Nam, chuyển giao công nghệ, thu hút doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất trong nước đổi mới công nghệ, áp dụng các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn của các nước tiên tiến trên thế giới, của các tổ chức quốc tế để sản phẩm của Việt Nam có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, có thể xuất khẩu sang thị trường ở các nước phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất trong nước tiếp cận thị trường nước ngoài, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên thị trường thế giới…

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

PGS.TS Bùi Thị Lý

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết