Chủ Nhật, ngày 07 tháng 07 năm 2024

Quan điểm về thời kỳ quá độ lên CNXH qua tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" và giá trị thực tiễn đối với nước ta hiện nay

Ngày phát hành: 02/06/2023 Lượt xem 1439

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng _Ảnh: TTXVN

 

Kế thừa và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận của các nhà cách mạng tiền bối, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đúc kết thành tác phẩm đặc sắc: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là “tuyên ngôn về chủ nghĩa xã hội Việt Nam”. Tác phẩm đã hàm chứa rất nhiều nội dung sâu sắc, trong đó quan điểm của tác giả về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Có thể thấy rõ qua những biểu hiện chính yếu sau:

 

 

1. Tác phẩm đã nêu các luận cứ khoa học có sức thuyết phục về vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

Thời kỳ quá độ thường được hiểu là thời kỳ chuyển biến từ xã hội cũ sang xã hội mới. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác cho rằng, giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia và thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị. Đặc điểm bao trùm của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản chính là xã hội quá độ, bao gồm những thực trạng, dấu vết, tàn tích của xã hội tư bản chủ nghĩa ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời là sự xuất hiện và hình thành những nhân tố của xã hội mới (xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa). Đây là thời kỳ mà những tố chất của xã hội cũ, trật tự cũ đang bị đẩy lùi, dần mất đi hoặc biến đổi nhưng chưa mất hẳn với những yếu tố mới đang hình thành, từng bước củng cố và phát triển nhưng chưa được khẳng định vững chắc. Các tố chất cũ và mới đan xen nhau, tác động và chuyển hóa lẫn nhau tạo ra những tình huống mâu thuẫn, xung đột hoặc dung hòa với tính chất và mức độ khác nhau làm cho thời kỳ quá độ là thời kỳ lâu dài, có  rất nhiều khó khăn, phức tạp.

 

Đối với nước ta, thời kỳ quá độ là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đảng ta xác định “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”.[1] Phân tích sâu sắc hơn về vấn đề này, trong tác phẩm của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng xác định: Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có sự chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”[2].

 

Luận cứ về việc tại sao chúng ta không lựa chọn mà lại bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa được Tổng Bí thư Đảng ta khẳng định rất sáng tỏ: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công; “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ  không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.[3] Thật là một áng hùng văn lay động lòng người!

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng_Ảnh : Tư liệu

 

2. Tác phẩm đã phân tích và làm sâu sắc hơn tính khó khăn, phức tạp trong thời kỳ quá độ ở nước ta

 

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ trong lịch sử nên đối với nước ta, đây là chặng đường cách mạng đầy khó khăn, thách thức. Những thách thức đó là:

 

Thứ nhất, chúng ta tiến bước cùng nhân loại nhưng lại ở điểm xuất phát thấp, từ một xã hội đang phát triển với nền sản xuất nhỏ manh mún, lạc hậu.

 

Thứ hai, đất nước trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc, giành được những thắng lợi vẻ vang nhưng phải gánh chịu những tổn  thất nặng nề về nhân lực, vật lực, về cơ sở hạ tầng kinh tế nên phải hàn gắn và xây dựng lại.

 

Thứ ba, trong những thập niên vừa qua thế giới có nhiều biến động phức tạp khôn lường, đặc biệt là sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu nên cũng bị mất đi sự giúp đỡ tích cực, nhiều mặt của anh em bạn bè trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là sự hẫng hụt về vật chất mà còn là sự tác động tiêu cực về tinh thần, tư tưởng.

 

Thứ tư, nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận trong những năm đầu thời kỳ đổi mới và cho tới nay cũng luôn phải đấu tranh với  các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Càng đi sâu vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả cách lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới..[4]

 

3. Đã phân tích rõ những hạn chế trong nhận thức và phương hướng để khắc phục kịp thời những vướng mắc trong nhận thức và thực tiễn

 

Cả trong lý luận và từ thực tiễn cho thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa chứa đựng nhiều vấn đề mà không phải lúc nào cũng nhận thức đúng và giải quyết tốt. Xây dựng chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất do xã hội cũ để lại nên không thể nhanh chóng phủ định cái cũ mà phải vừa từng bước hình thành cái mới, vừa sử dụng và cải tạo cái cũ để thúc đẩy cái mới ra đời. Những biểu hiện lệch lạc không tránh khỏi trong nhận thức và thực tiễn là hoặc chủ quan, nóng vội hoặc bi quan, trì trệ.

 

Trước thời kỳ đổi mới, trong nhận thức cũng như chỉ đạo thực tiễn, để “quá độ lên chủ nghĩa xã hội”,  chúng ta chưa thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường mà xem kế hoạch hóa là đặc trưng căn bản nhất của nền kinh tế thị trường trong chủ nghĩa xã hội, coi phân bổ nguồn lực theo kế hoạch là chủ yếu, thị trường chỉ là thứ yếu, bổ sung cho kế hoạch. Theo đó, cũng không thừa nhận sự tồn  tại của nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ, lấy kinh tế quốc doanh và tập thể làm trọng tâm phát triển, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân và kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân. Kết quả là nền kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng. Để nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, phát huy bản lĩnh trí tuệ của đội tiên phong cách mạng, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế và từng bước hình thành quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Tình hình đó đã được Tổng Bí thư của Đảng khái quát rõ: “Trong những năm tiền hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...”[5].

 

4. Đã khái quát rất rõ ràng, đậm nét những yếu tố nảy sinh cùng những yêu cầu mới để đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

 

Quá trình hình thành, phát triển nhận thức về quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là những phát kiến sáng tạo. Nhận thức lý luận và thực tiễn về quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong điều kiện đã có hệ thống xã hội chủ nghĩa là hai lần sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế xã hội trong nước còn lạc hậu, yếu kém, thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đòi hỏi sự sáng tạo gấp nhiều lần. Hàng loạt các vấn đề về nhận thức và vô vàn những khó khăn phức tạp trong thực tiễn đặt ra để giải đáp câu hỏi lớn: Những nội  dung và những nhiệm vụ chủ yếu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là gì?

 

Trình bày một cách khái quát lại rất sâu sắc, dễ hiểu, không chỉ nêu rõ nội dung và những nhiệm vụ chủ yếu mà cả phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định: “Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”[6].

 

Rõ ràng là, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS,TS. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những quan điểm về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa chiếm dung lượng không nhiều nhưng đó là những vẫn đề căn cốt nhất, hệ trọng nhất giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn về nội dung, tính chất, nhiệm vụ, những vấn đề cần giải quyết và phương hướng, cách thức giải quyết như thế nào để chúng ta thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam vô vàn yêu dấu./.

 

GS, TS. VŨ VĂN HIỀN



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 21

[2]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 25

[3]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 21

[4]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 25

[5]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 23-24

[6]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 35 - 36

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết