Thứ Tư, ngày 05 tháng 02 năm 2025

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

Ngày phát hành: 04/02/2025 Lượt xem 89

                              

Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, tư tưởng về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là nội dung cơ bản, xuyên suốt và là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn là công cụ bạo lực sắc bén, là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào. Thực tiễn 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định tính khoa học, cách mạng tư tưởng của Người. Hiện nay, tư tưởng của Người về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới.

 

 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Kế thừa, vận dụng sáng tạo tinh hoa truyền thống tổ chức, xây dựng Quân đội của dân tộc Việt Nam và nhân loại, đặc biệt là học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, trực tiếp là xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm toàn diện, sâu sắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua những bài nói, bài viết và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội, có thể khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam gồm những nội dung cơ bản sau:

 

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam là tất yếu khách quan, một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng Quân đội có sức mạnh vô địch.

 

Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội là tất yếu khách quan, một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng Quân đội có sức mạnh vô địch, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:

 

Xuất phát từ mục đích tổ chức, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam là nhằm làm cho Quân đội thực sự là công cụ bạo lực sắc bén; lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; thực sự là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đấu tranh nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy, Chánh cương vắn tắt của Đảng, ngày 3 tháng 2 năm 1930, Hồ Chí Minh khẳng định phải “Tổ chức ra quân đội công nông”[2]; và Quân đội ấy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì mới bảo đảm “có con đường chính trị đúng”[3].

 

Xuất phát từ thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, giáo dục, rèn luyện Quân đội, Người luôn yêu cầu: “Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”[4]. Đảng phải lãnh đạo Quân đội; đồng thời, Quân đội phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[5].

 

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng: “chiến đấu anh dũng; công tác và lao động tích cực”[6]. Thực hiện chức năng chiến đấu, Quân đội phải đánh giặc để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Thực hiện chức năng công tác, Quân đội phải tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Thực hiện chức năng lao động, Quân đội phải tích cực tham gia sản xuất để góp phần cải thiện đời sống, giảm chi phí của nhà nước, của nhân dân. Để làm tròn chức năng trên tất yếu Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không có sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ không làm tròn được các chức năng trên.

 

Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Quân đội cùng với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc để thực hiện mục tiêu giải phóng đất nước. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Quân đội tiếp tục đóng vai trò nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, đòi hỏi Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng mới đảm bảo cho sự thắng lợi nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[7].

 

Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc quan trọng hàng đầu, bất di, bất dịch; đồng thời, đây cũng là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trước giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện ở những nội dung sau:

 

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể lãnh đạo tuyệt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Quân đội, Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo Quân đội cho bất cứ một tổ chức, một đảng phái hay một cá nhân nào.

 

Đề cập nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối Quân đội nhân dân Việt Nam, Trong bài Nói với các đơn vị tham gia cuộc duyệt binh, ngày 1 tháng 1 năm 1955 tại thủ đô Hà Nội, Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm nhất quán: Đảng phải “lãnh đạo kiên quyết và đúng đắn”[8]. Đồng thời, trong Bài nói chuyện về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của Quân đội ta tại hội nghị cấp cao toàn quân, ngày 20 tháng 3 năm 1958, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương”[9].

 

Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện ở việc xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của Quân đội qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu của Quân đội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu cách mạng của Đảng cũng chính là mục tiêu chiến đấu của Quân đội, nên Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi cán bộ, chiến sĩ phải: “sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”[10].

 

Trên thực tế, trong những năm đầu tiên của chính quyền cách mạng, trước sức ép của các thế lực phản động, để bảo vệ Chính quyền nhân dân non trẻ, ngày 11 tháng 11 năm 1945, Đảng tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật để giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đất nước đang diễn ra cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vô cùng gay go, quyết liệt, vận mệnh của quốc gia, dân tộc như “ngàn cân treo trên sợi tóc”. Ở trong tình thế ấy, Đảng vẫn kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo của mình đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc; giữ vững quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình đối với Quân đội.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam là lãnh đạo trực tiếp. Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, không qua một khâu trung gian, hay một tổ chức trung gian nào. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội được thực hiện bằng việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đường lối, chủ trương tổ chức xây dựng quân đội, xác định cơ chế hoạt động lãnh đạo đối với quân đội, xác định nhiệm vụ, mục tiêu chiến đấu cho Quân đội... Nhằm thực hiện trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng bảo đảm: “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng”[11].

 

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo về mọi mặt Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam còn là sự lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng và tổ chức; trên mọi nhiệm vụ: chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng, lao động sản xuất; trên các mặt công tác: quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật. Ở đâu có tổ chức và hoạt động của Quân đội thì ở đó có sự lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm cho Quân đội thực sự là đội quân cách mạng, luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, giành và giữ vững nền độc lập dân tộc.

 

Theo Hồ Chí Minh, không được coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng trên bất cứ lĩnh vực, nhiệm vụ hay mặt công tác nào. Đề cập nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện đối với Quân đội, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn sâu sắc: “Đảng phải chăm lo lãnh đạo mọi mặt, lúc đánh nhau, tất cả mọi mặt phải gắn liền với nhau thì mới thắng được”[12] và “Lãnh đạo về kỹ thuật chưa đủ. Còn phải lãnh đạo về tinh thần”[13]. Bởi theo Hồ Chí Minh: “Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”[14].

 

Ba là, phương thức thực hiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Đảng phải có đường lối lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đúng đắn. Đảng lãnh đạo quân đội nên phải đề ra được đường lối xây dựng quân đội ở mỗi thời kỳ lịch sử một cách đúng đắn. Việc xác định đường lối xây dựng quân đội phải bảo đảm khoa học, sát với điều kiện tình hình thực tiễn thế giới, trong nước, nhất là đặc điểm của quân đội và giữ vị trí quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Trong đường lối xây dựng quân đội, Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng cần xác định rõ hệ tư tưởng, bản chất, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của quân đội. Chú trọng đường lối xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, tăng cường hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đường lối xây dựng quân đội phải thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn cách mạng. Mặt khác, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đòi hỏi quân đội phải nắm vững, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”[15] và “tuyệt đối chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng”[16].

 

Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong quân đội. Để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, về mặt tổ chức, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội từ Quân ủy Trung ương đến các tổ chức đảng ở đơn vị cơ sở; đồng thời, tổ chức Quân đội theo những nguyên tắc phù hợp với đường lối chính trị, quân sự và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, theo mô hình lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, có đại diện của Đảng (chính trị viên) bên cạnh người chỉ huy quân sự để chăm lo công tác chính trị theo đường lối của Đảng. Người chỉ rõ: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”[17]. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Coi đây là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội.

 

Đảng thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam còn bằng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng trong Quân đội. Đây là những người trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng trong Quân đội, đưa quan điểm, đường lối xây dựng Quân đội và nhiệm vụ của Quân đội trở thành hiện thực. Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng phải thường xuyên chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội có phẩm chất “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”[18], có giác ngộ chính trị cao, có trình độ hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin, khoa học kỹ thuật quân sự, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và có khả năng vận động, tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện đường lối ấy.

 

Đảng thường xuyên giáo dục để Quân đội nhân dân Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ. Theo đó, Đảng phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về mọi mặt đối với quân đội, đặc biệt là giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, vì chủ nghĩa Mác - Lênin là “cẩm nang thần kỳ”, “là mặt trời” soi sáng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng tổ chức, xây dựng và lãnh đạo nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng nên quân đội phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Trong thực tế, bằng hoạt động thực tiễn hết sức phong phú, Hồ Chí Minh đã từng bước giáo dục, bồi dưỡng làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng thấm sâu và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Hồ Chí Minh còn yêu cầu phải thường xuyên giáo dục quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho quân đội; đặc biệt là giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho quân đội, đảm bảo cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Người căn dặn: “Toàn thể cán bộ và chiến sĩ cần phải ra sức học tập chính trị, quân sự, văn hoá, cần phải nâng cao lập trường và tư tưởng của giai cấp công nhân, cần phải nắm vững đường lối quân sự của Đảng,... phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân,... tuyệt đối chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ”[19]. Người còn động viên, cổ vũ, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ bộ đội và yêu cầu mọi cán bộ, chiến sĩ: “đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”[20], “phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao”[21]. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, được sự quan tâm giáo dục, rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam nên Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đúng như Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo”[22].

 

2. Nội dung, biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay

 

Hiện nay, sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đang đứng trước cả thời cơ, thuận lợi đan xen những nguy cơ, khó khăn. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, từng bước tiến tới vô hiệu hóa, làm mất sức chiến đấu của Quân đội ta. Thực hiện mưu đồ đó, chúng đã và đang ra sức chống phá, luôn công kích, phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước bối cảnh tình hình đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:

 

Thứ nhất, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung, phương thức và giá trị lý luận, thực tiễn trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương, quan điểm, đường lối, nhất là tư duy mới của Đảng về sự cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, không những tổ chức ra Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn lãnh đạo, rèn luyện và xây dựng Quân đội thực sự là đội quân cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân; có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng giao cho. Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân; qua đó, Đảng nắm chắc Quân đội, lãnh đạo Quân đội hoàn thành chức năng, nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên quyết bảo vệ tính khoa học, cách mạng và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Trên cơ sở đó đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén, sắc sảo và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; tỉnh táo, kịp thời xử lý các tình huống phức tạp diễn ra trong hoạt động thực tiễn theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, không để kẻ địch lợi dụng.

 

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được xác định ngay từ những đội vũ trang đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ của Quân đội trong từng giai đoạn lịch sử. Cho dù, hình thức tổ chức cụ thể của cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội trong mỗi thời kỳ lịch sử có thể khác nhau, nhưng đều nhất quán quan điểm, nguyên tắc là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Vì vậy, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội luôn thể hiện rõ sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đoàn kết, gắn bó, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Theo đó, trước những thay đổi của thực tiễn, để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm bảo đảm cho cơ chế theo Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX)  “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” được vận hành thông suốt, có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng, nhận thức, hành động tuyệt đối hóa hoặc hạ thấp vai trò bất kỳ thành tố nào trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

 

Thứ ba, xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao. Đây là một nội dung, biện pháp quan trọng để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đủ sức lãnh đạo toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng.

 

Theo đó, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu và tính năng động của các tổ chức đảng, đặc biệt là tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo gắn với phân công cá nhân phụ trách; coi trọng việc xây dựng và triển khai quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác trọng yếu; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nâng cao tính chiến đấu, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức đảng và đơn vị; chủ động triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát trong từng nhiệm kỳ sát với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn của từng tổ chức. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ, quản lý rèn luyện đảng viên; đẩy mạnh xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng ngày càng có chất lượng cao, số lượng phù hợp, gắn liền với cơ cấu, bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý.

 

Thứ tư, tổ chức có hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, vạch trần bản chất phản động, phản khoa học trong âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch là nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm thay đổi bản chất giai cấp công nhân của quân đội, làm cho quân đội từng bước xa rời phương hướng chính trị giai cấp. Do vậy, tổ chức đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch cũng là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay.

 

Để tổ chức đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận, chống âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, phải chú trọng hơn nữa nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong định hướng nhận diện và đấu tranh kịp thời, có trọng tâm với các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, phát huy vai trò cơ quan thường trực ban chỉ đạo 35 của đảng ủy các cấp thực hiện tốt việc tham mưu, xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống quy chế, quy định, chương trình hành động cụ thể; thường xuyên nghiên cứu, nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin và định hướng đấu tranh kịp thời, có trọng tâm. Phát huy sâu, rộng vai trò của lực lượng 47 ở các cơ quan, đơn vị toàn quân tham gia đấu tranh vạch trần bản chất phản động trong âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, phản động.

 

Chú trọng và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận có đủ phẩm chất và năng lực, nhạy bén trong đấu tranh và tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và các đơn vị văn hóa, nghệ thuật quân đội, kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với hệ thống truyền thông, văn hóa, nghệ thuật của cả nước để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Thực hiện tốt việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, sớm kết luận những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau từ thực tiễn tạo cơ sở vững chắc để đấu tranh với âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội./.

 

PGS.TS Cao Văn Trọng[1]


[1] Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, Sđd, tr. 1.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 449.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 265.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 435.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 587.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 435.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Sđd, tr. 220.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 367.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 435.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 367.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 447.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Sđd, tr. 170.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 219.

[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 217.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 273.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Sđd, tr. 502.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Sđd, tr. 594.

[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 272-273.

[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 76.

[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Sđd, tr. 470.

[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 483.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết