Suốt 95 năm qua, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trở thành một quy luật xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Đảng; nhân tố quan trọng tạo nên bản lĩnh, sức mạnh chiến đấu của Đảng. Trong mỗi bước chuyển của cách mạng, với chủ trương, đường lối đúng đắn và lãnh đạo thống nhất, với sức mạnh của khối đoàn kết từ trung ương xuống cơ sở, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng - cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, với những giá trị, triết lý đạo đức và nhân sinh: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công" (1).
Là Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.
Từ khi mới ra đời, Đảng đã gắn bó với dân tộc, hòa mình cùng dân tộc, sinh tồn trong dân tộc. Tập hợp trong hàng ngũ của Đảng là những người xuất thân từ nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau, chủ yếu là công nhân và nông dân, nhưng đều chung lý tưởng, mục tiêu và lợi ích. Lý tưởng đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Mục tiêu đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lợi ích đó là phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, ngoài ra Đảng không có lợi ích riêng tư nào khác. Chính lý tưởng chung, mục tiêu chung và lợi ích chung là cơ sở của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất thực sự là động lực chủ yếu của sự phát triển của Đảng.
Từ nhận thức sâu sắc rằng, “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là thắng lợi”, Đảng ta đã không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng thực sự là đội tiền phong, bộ tham mưu vững mạnh, người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”, chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng; là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về xây dựng Đảng; là phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan điểm, ở tư tưởng mà đã trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và được xây dựng thành một lực lượng có tổ chức, đó chính là Mặt trận Dân tộc thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các tên gọi, nội dung và hình thức tổ chức khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đó là cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; là Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt. Là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, thi đua đổi mới sáng tạo; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy, đoàn kết chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng, cũng là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhờ đó, trải qua bao khó khăn, thử thách, cách mạng Việt Nam đã đi đến được thắng lợi cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (2).
Đoàn kết bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc
Với chủ trương, giải pháp đồng bộ, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện thành công công cuộc đổi mới. Từ một đất nước nghèo, có cơ sở vật chất-kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Đặc biệt, năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%, vượt các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Đời sống của nhân dân đã được cải thiện đáng kể. Chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao với sự chăm lo đầu tư phát triển các ngành y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững. Vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Có thể thấy rõ, thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thành quả trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, xét đến cùng đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nói một cách khác, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng được củng cố thì sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đại đoàn kết sẽ nhân nguồn sức mạnh nội lực để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi Họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 3/8/2024): “Không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy. Đây là truyền thống rất tốt đẹp, là sức mạnh của Đảng, quốc gia, vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi, mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra”.
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930-1975), khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946-1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954-1975. Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975-2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. Và bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026).
Trong bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh".
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, "từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Điều quan trọng là chúng ta phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc"./.
Theo TTXVN
(1): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr 120.
(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.15, tr.621.