Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo tài năng, suốt đời vì nước vì dân

Ngày phát hành: 20/11/2022 Lượt xem 1228

 

Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú, đồng chí Võ Văn Kiệt từng được trao giữ nhiều trọng trách lãnh đạo Đảng và chính quyền. Sớm giác ngộ cách mạng, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, trải nghiệm qua thực tế lãnh đạo và điều hành các cấp, với bản lĩnh cách mạng và sáng tạo, đồng chí đã hoạt động không mệt mỏi, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

 

 Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo bản lĩnh, tài năng

 
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, được gọi với tên gần gũi là Sáu Dân hay Chín Hòa, sinh ngày 23/11/1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Đồng chí tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, một năm sau đó, ở tuổi 17, đồng chí là đảng viên cộng sản.
Ở tuổi 18, với cương vị là Bí thư chi bộ xã, Huyện uỷ viên, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 ở Vũng Liêm. Tuy khởi nghĩa thất bại nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã bộc lộ tư chất của một tài năng lớn. Trên cương vị Tỉnh ủy viên lâm thời tỉnh Rạch Giá, đồng chí xây dựng cơ sở cách mạng, huấn luyện lực lượng quân sự, mở rộng và phát triển căn cứ địa U Minh trở thành đầu não chỉ huy kháng chiến của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần cùng các địa phương trong cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.


Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, trên cương vị Ủy viên Chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh miền Tây, đồng chí được phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở các tỉnh Rạch Giá, Bạc Liêu. Dấu chân của đồng chí in khắp các chiến trường miền Tây Nam Bộ. Bằng trí tuệ, hoạt động chỉ đạo của mình, đồng chí đã góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), đồng chí được phân công bí mật ở lại miền Nam tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam khi đó, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự nhạy cảm của một nhà hoạt động cách mạng lão luyện, kịp thời đề ra những đối sách, chỉ đạo phong trào cách mạng; sát cánh bên cạnh đồng chí Lê Duẩn, góp phần xây dựng Đề cương cách mạng miền Nam, để từ đó Đảng ta nghiên cứu, hoàn thiện cho ra đời Nghị quyết 15 lịch sử, thổi bùng lên phong trào Đồng khởi, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền Nam.


 Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra những quyết định mang tính lịch sử “đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân”; không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris; kiên quyết, chủ động và liên tục tiến công địch trên các mặt trận, cả nông thôn và thành thị.


Với quyết định đúng đắn và rất sáng tạo đó, chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân Khu 9 đã làm thất bại âm mưu lấn chiếm của địch, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng, tạo nên thế và lực mới quan trọng, là một trong những cơ sở để Đảng ta đưa ra quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, trên cương vị Ủy viên Đảng ủy đặc biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch, chỉ huy năm cánh quân thần tốc tiến vào Thành phố, phối hợp với sự nổi dậy của nhân dân, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

"Kiến trúc sư” của công cuộc đổi mới

 
Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí đã cùng lãnh đạo Thành phố đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa Thành phố dần đi vào ổn định để rồi sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Đã có lúc người ta đặt cho đồng chí nhiều cái tên như “Chủ tịch gạo”, “Bí thư phá rào” để thấy những quyết định của đồng chí không rập khuôn, giáo điều, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo, năng động, bám sát yêu cầu của thực tiễn cách mạng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với đất nước, với nhân dân.


Sau này, trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Xuất phát từ tấm lòng vì nước, vì dân, trước khi đưa ra một quyết định quan trọng nào, đặc biệt là những quyết định có tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước và đời sống nhân dân, đồng chí đều chú trọng tập hợp và lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học và tự mình bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, khi vận dụng vào chỉ đạo thực tiễn, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã nhận được sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”; phát huy hiệu quả, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công trường xây dựng đường dây 500kV đoạn đi qua Tây Nguyên


Với tầm nhìn chiến lược, với tính cách nổi bật là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới. Các công trình điện năng lớn như Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận- Đa Mi, Phú Mỹ, Cà Mau, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam…; các công trình giao thông như đường Bắc Thăng Long-Nội Bài, đường cao tốc Láng-Hòa Lạc; đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận…; các dự án, công trình lớn như chương trình khai thác và phát triển kinh tế-xã hội Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… và sự phát triển của các ngành như dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, những cơ sở hạ tầng quan trọng của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... đều mang đậm “dấu ấn” khai mở, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đốc thúc của đồng chí. 


Đồng chí cũng là người ký nghị định thành lập Đại học Quốc gia năm 1993, chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sự ra đời của hai trường Đại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.


Trên bình diện hội nhập quốc tế, với cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ song phương và đa phương với các nước; phá vỡ thế bao vây cấm vận, từng bước đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, đi vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển.


Sau khi rời cương vị Thủ tướng (8/1997), đồng chí vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cho Đảng, cho đất nước. Với vai trò Cố vấn, đồng chí đã dồn tâm trí cho công cuộc xây dựng Đảng, với nhiều kiến nghị cụ thể, tâm huyết trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, cũng như trong nhiều sinh hoạt quan trọng của Đảng, góp phần thiết thực vào công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng.


Những ai từng chiến đấu, làm việc bên đồng chí đều có chung nhận xét đồng chí là người năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm như một bản năng vốn có. Đồng chí gần gũi, sâu sát với dân, với cán bộ, với đồng đội, đoàn kết, chân tình, là người nhạy cảm, phong phú về thực tiễn. Cả cuộc đời đồng chí gắn bó với dân, tin yêu dân. Tên bí danh Sáu Dân và tên người con gái yêu quý của đồng chí - Võ Hiếu Dân - cũng nhằm để đồng chí nhớ mãi lòng dân, nhớ mãi công ơn sâu nặng của dân. Ở đồng chí Võ Văn Kiệt vừa có những phẩm chất tốt đẹp mà những người bình thường có thể có và cả những đức tính, những phẩm chất chỉ có thể có ở những con người từng trải qua sóng to gió lớn của cuộc đời, những con người “có cứng mới đứng được đầu gió”.


Từ đồng chí luôn tỏa ra một nguồn năng lượng, một bầu nhiệt huyết dồi dào, một ham muốn cống hiến sục sôi và luôn luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới, muốn ngày hôm nay phải hơn, phải khác ngày hôm qua, và ngày mai, ngày kia phải thật sự là những ngày mới.


Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá về Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Là người đóng vai trò động lực trong công cuộc cải cách kinh tế ở Việt Nam khởi đầu hồi cuối những năm 1980, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho quá trình chuyển tiếp của Việt Nam từ tình trạng nghèo khổ sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”. Vẫn theo nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc: “Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng từ 1991 đến 1997, ông Kiệt cũng đã đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trên thế giới”. Còn với Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Anh Võ Văn Kiệt là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói, tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi chỉ đạo điều hành hoặc xử lý công việc về đối nội và đối ngoại, anh thể hiện nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động, triệt để”.


Có thể nói, trải qua gần 70 năm hoạt động vô cùng phong phú và sôi nổi, từ khi còn lăn lộn với phong trào cách mạng ở quê hương cho đến khi giữ cương vị lãnh đạo của cả nước, cuộc đời của đồng chí Võ Văn Kiệt gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất đỗi oanh liệt, vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

 

Đồng chí Võ Văn Kiệt mất ngày 11/6/2008. 86 tuổi đời, gần 70 năm tham gia cách mạng, tất cả những gì đồng chí Võ Văn Kiệt - Sáu Dân đã hiến dâng cho Đảng, cho dân, cho đất nước, với một con người, một cuộc đời, như thế là hết sức lớn lao, vô cùng trân trọng./.

 


Theo TTXVN (Diệp Ninh tổng hợp)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết