Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một trong sáu vùng kinh tế của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Nghị quyết 39-NQ/TW - cơ hội và động lực quan trọng
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (Vùng còn có thể chia thành các tiểu vùng như: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Tiểu vùng Nam Trung Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…). Đây là vùng có tiềm năng lớn để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là thế mạnh về phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics; chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng; trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch…
Để thúc đẩy vùng phát triển, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây thật sự là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển.
Nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt nhiều kết quả quan trọng
Sau 18 năm thực hiện triển khai Nghị quyết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW - khẳng định, sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương và sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong Vùng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một số tiềm năng, lợi thế của Vùng được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân trong Vùng không ngừng được cải thiện; một số địa phương đã bứt phá, vươn lên và trở thành các điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước: Kinh tế Vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005-2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng và du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; một số ngành kinh tế chủ lực của vùng được hình thành, phát triển và trở thành các trụ cột của nền kinh tế. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả; chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết và biến đổi khí hậu. Hệ thống đô thị ven biển, Khu kinh tế ven biển, Khu công nghiệp được hình thành và dần trở thành động lực phát triển. Văn hóa-xã hội vùng có bước phát triển; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.
Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, cơ cấu lao động có sự dịch chuyển tích cực. Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố; Vùng trời, Vùng biển của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng ngày càng được nâng cao; bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường...
Cần hướng đi và giải pháp phù hợp cho tình hình mới
Thực tiễn đã chứng minh Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo sức bật cho nhiều địa phương phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra trong bối cảnh, tình hình mới đòi hỏi phải có hướng đi, giải pháp phù hợp.
Theo đó, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW".
Tại Hội thảo Liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung tổ chức tại Quảng Nam tháng 7 vừa qua, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, mặc dù kinh tế từng địa phương vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, song quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng cho nên chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng. Hội đồng này chưa được trao quyền trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng. Vì vậy, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trở nên rời rạc và hình thức, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng.
Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (ngày 12/9/2022), nhiều đại biểu cho rằng, liên kết phát triển vùng là tất yếu khách quan, một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội vùng. Liên kết phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ cần thay đổi về nhận thức tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị; cần đi từ đơn giản đến phức tạp với nhiều bên tham gia trong đó vai trò của Nhà nước là thúc đẩy, hỗ trợ; cần tập trung vào liên kết trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; liên kết về phát triển hệ thống đô thị và các tổ hợp du lịch-dịch vụ, cảng biển; liên kết phát triển các khu kinh tế biển và hình thành các trục kinh tế biển; liên kết trong đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; liên kết phát triển du lịch; liên kết xây dựng bộ dữ liệu chung cho vùng; liên kết trong xúc tiến và thu hút đầu tư; liên kết trong đầu tư xây dựng các dự án có tác động lan tỏa đến vùng, liên vùng; liên kết trong bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trong đó, đề xuất xây dựng và ban hành một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất trong đó Nhà nước đóng vai trò điều phối, định hướng thông qua quy hoạch và các chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực.
Các đại biểu thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình mới; đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách mới để tạo động lực cho toàn vùng, tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh các địa phương, vùng trong thời gian tới./.
Theo TTXVN