Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thương hiệu quốc gia mạnh – lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam

Ngày phát hành: 20/10/2021 Lượt xem 1157


Trang dhakatribun.com của Bangladesh ngày 19/10 cho rằng bất chấp những thách thức to lớn, Việt Nam đã đạt được chỗ đứng ổn định trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu và quyền lực mềm, hỗ trợ các công ty Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh.


Những bước tiến lớn
Trước đại dịch, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong cải cách kinh tế và thể chế. Từ một nước nghèo, Việt Nam vươn lên nhóm nước có thu nhập trung bình và cũng là một trong những quốc gia thành công nhất trong công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (LHQ). Nền kinh tế đất nước đang phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện ồ ạt doanh nghiệp tư nhân và tầng lớp trung lưu. Việt Nam cũng tự hào là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất trên thế giới.


Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển và còn nhiều việc cần phải làm để có thể trở thành quốc gia phát triển. Từ một nền kinh tế khép kín sang hội nhập toàn cầu, đặc biệt là cách ứng phó với COVID-19, chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy, không chỉ về thương mại và đầu tư, mà còn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
COVID-19 cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội của Việt Nam, song cách thức vượt qua khó khăn, giảm tác động tiêu cực, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng bền vững đã khiến thế giới nhìn Việt Nam theo hướng tích cực và nể trọng hơn. Điều này được thể hiện rõ trong sự tăng trưởng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu.


Việt Nam là thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm 2020 của Brand Finance. Trong khi hầu hết các quốc gia đều “mất giá” do cuộc khủng hoảng COVID-19, Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 với giá trị thương hiệu tăng vọt 29% lên 319 tỷ USD. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở ASEAN vươn lên trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, tăng ba bậc từ thứ 50 lên thứ 47 trong tổng số 60 quốc gia.
Các chỉ số này cùng với sự cải thiện trong các bảng xếp hạng khác đã ghi nhận kết quả đổi mới của Việt Nam trong 35 năm qua, đồng thời chứng tỏ tính hiệu quả của lộ trình phát triển đất nước, không chỉ so với chính Việt Nam mà còn với các nước khác trên thế giới.

 


Vẫn cần cải thiện
Tuy nhiên, vị trí khiêm tốn trong nhiều chỉ số cũng chỉ ra những điểm Việt Nam cần cải thiện, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như môi trường kinh doanh và đổi mới, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng cạnh tranh của đất nước.
Ở cấp độ lớn nhất của thương hiệu quốc gia, điều quan trọng là phải xây dựng hình ảnh hấp dẫn về một Việt Nam thân thiện, đáng tin cậy và những đặc điểm nổi bật của bản sắc Việt Nam, từ đó nhận thức và niềm tin của người dân các nước về Việt Nam có thể chuyển thành hành động ủng hộ con người, sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam.


20 năm trước, rất ít người nghĩ Việt Nam có thể chủ trì một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên LHQ, song tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc tranh luận mở cấp cao của LHQ. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì hoạt động quan trọng như vậy, qua đó gửi thông điệp cấp cao nhất về định hướng và tầm nhìn của Việt Nam đối với sự phát triển và chính sách đối ngoại.


Nhiều công ty Việt Nam cũng đang nâng cao giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng toàn cầu. Thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp có chung “tiếng nói”. Thương hiệu quốc gia bắt đầu từ hành vi của mỗi người, mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tạo dựng được thương hiệu uy tín là góp phần tạo nên ấn tượng tốt đẹp về một quốc gia.


Ở góc độ kinh doanh, doanh nghiệp nên nâng cao ý thức xây dựng thương hiệu và quan trọng hơn là học cách bảo vệ các thương hiệu hiện tại. Chuyện một số doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 của Việt Nam là gạo ngon nhất thế giới 2019 tại Mỹ mới đây là một lời cảnh báo đến các doanh nghiệp Việt Nam về việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài. Xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn tốn kém và phức tạp hơn. Từ bài học thương hiệu nước mắm Phú Quốc và cà phê Buôn Mê Thuột rơi vào tay các công ty nước ngoài vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam nên có các bước cần thiết để bảo vệ thương hiệu của mình.


Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Có thể nói, trong và sau đại dịch, thế giới đã và đang chứng kiến sự vận động và biến đổi vô cùng sâu sắc. Hòa mình vào các xu hướng lớn, chính sách phát triển của Việt Nam gắn liền với các xu hướng mới, tạo dựng hình ảnh một quốc gia phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm. Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và ứng xử văn hóa. Thương hiệu Việt Nam sẽ ngày càng tỏa sáng khi đất nước đẩy mạnh cải cách, đổi mới hiệu quả./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết