Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam

Ngày phát hành: 05/04/2022 Lượt xem 4260

 

Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên cơ sở này, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

 Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Tại Việt Nam, từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người ở mức cao nhất có thể.
Năm 1946, bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam ra đời, đánh dấu bước tiến quan trọng về thực hiện dân chủ và quyền con người, quyền công dân tại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền luôn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Cùng với sự đi lên về mọi mặt của đất nước, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển.
- Tham gia và nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ, cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản.
Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em, thông qua tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Nhiều lãnh đạo các nước thời điểm đó ca ngợi tinh thần trách nhiệm, sự năng động của Việt Nam. Việt Nam đã đóng góp nhiều giá trị vào sự tiến bộ của nhân loại trong bảo đảm quyền con người.
Với mong muốn đóng góp hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất được ASEAN đề cử.
Gần 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống xã hội và việc tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 thể hiện quyết tâm, sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người ở khu vực và trên thế giới theo đúng tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người
Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.
Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế.
Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến về bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, trong đó riêng Chương II có 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều đáng lưu ý, các nội dung liên quan đến quyền con người không chỉ được quy định trong Chương II mà còn được đưa vào nhiều chương khác của Hiến pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người được thụ hưởng, thực hiện và bảo vệ quyền con người của mình. Khi quy định quyền con người, quyền công dân, các điều của Hiến pháp xác định rõ “mọi người có quyền ”, “công dân có quyền”, để khẳng định tính pháp lý của các quyền được Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.
Hiến pháp năm 2013 cùng với các luật, bộ luật được ban hành tạo khuôn khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; không chỉ xác lập cơ sở pháp lý về các quyền của chủ thể hưởng quyền (cá nhân, công dân, các nhóm yếu thế trong xã hội), mà còn đặt nghĩa vụ cho các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước và các tổ chức phi nhà nước (chủ thể nghĩa vụ) phải nâng cao tinh thần trách nhiệm xã hội, trách nhiệm pháp lý tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Nhờ đó, thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trải rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Đảm bảo các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mọi đối tượng trong xã hội.
Trên lĩnh vực bảo đảm các quyền dân sự, chính trị: các quyền con người đã được bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Chẳng hạn, bảo đảm quyền sống, được quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013. Pháp luật quy định trừng phạt nghiêm khắc các hành vi tước đoạt mạng sống của con người một cách tùy tiện; nghiêm cấm tra tấn nhục hình; chỉ áp dụng án tử hình với các loại tội đặc biệt nghiêm trọng nhất. Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội... Việc bảo đảm quyền sống còn được quan tâm về khía cạnh kinh tế, xã hội thông qua việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh; thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp đối với những vùng chịu thiệt hại nặng do thiên tai...
Trên lĩnh vực bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: được thực hiện một cách tích cực trong các chương trình, chính sách quốc gia, như: Bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa. So với trước đổi mới, đặc biệt trong khoảng 20 năm trở lại đây, đời sống của nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rõ rệt; nhiều quyền đã được bảo đảm với các chi phí phù hợp.
Bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS... đã đạt được nhiều kết quả tích cực xét theo các tiêu chí: Tăng cường mức độ sẵn có của các dịch vụ; khả năng tiếp cận bình đẳng và chất lượng các dịch vụ, cơ hội; mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội; chi phí phù hợp... Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017-2018, đã có 22 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số (715 trường); 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; nhiều bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số...
Cách tiếp cận tổng thể, cân bằng đó đã giúp Việt Nam xử lý nhiều thách thức, đạt được nhiều thành tựu phát triển về mọi mặt kinh tế-xã hội, mà mới đây nhất là trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

 Nhiều thành tựu đã và đang được thể hiện rõ nét trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã và đang tiến hành song song việc ứng phó với COVID-19 và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở bảo đảm và tôn trọng quyền con người.
       Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hơn thế, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.”
Trải qua 4 đợt dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hướng tới người dân, bảo vệ quyền con người, như nhận định của trang The Diplomat “Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu”.
Riêng năm 2021 xảy ra đợt dịch thứ ba, đặc biệt là đợt dịch thứ tư được đánh giá là khốc liệt nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” vừa chống dịch vừa đưa hoạt động kinh tế-xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường, tạo điều kiện cho người dân được làm việc, được học hành, phát triển.
Việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch đã góp phần đáng kể bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đến cuối năm 2021, hơn 28 triệu đối tượng đã được hỗ trợ, tổng kinh phí 28.400 tỷ đồng; 153.400 tấn gạo dự trữ quốc gia đã được xuất cấp.
Những nỗ lực của Việt Nam bảo đảm quyền con người trong đại dịch còn được thể hiện nổi bật qua việc triển khai quyết liệt, đồng bộ và bài bản Chiến lược vaccine, trong đó ngoại giao vaccine được coi là mũi nhọn, nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng miễn phí toàn dân. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định đặt sức khỏe của người dân vào trung tâm của việc ứng phó với COVID-19 là cách tiếp cận đúng đắn.
Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt trên nhiều cấp khác nhau, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp. Trong hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong nước và ngoài nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều đề cập đến việc hợp tác vaccine cũng như tiếp cận nguồn vaccine của các đối tác. Nhờ đó, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến ngày 13/3/2022, Việt Nam đã vượt mốc 200 triệu liều tiêm vaccine phòng COVID-19. Việt Nam cũng đã sẵn sàng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Có thể khẳng định, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là ưu tiên cao nhất, là mục tiêu cuối cùng và là động lực của sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam để bảo đảm người dân được thụ hưởng các quyền con người cơ bản, đặc biệt trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 là minh chứng cho chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, như quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: "người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể"./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết