Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong Quân đội: Thực trạng và giải pháp

Ngày phát hành: 11/10/2022 Lượt xem 1322

 

1. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong Quân đội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (sau đây viết tắt là Nghị quyết 27-NQ/TW)

 

Mười lăm năm qua kể từ khi ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi và tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Quân đội tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Trong bối cảnh đó, đội ngũ trí thức Quân đội được xây dựng, phát huy tốt vai trò và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc thù của Quân đội. Những ưu điểm nổi bật là:

Một là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp đã quán triệt cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, ban hành các nghị quyết, kết luận; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ thực hiện chủ trương “trí thức hóa đội ngũ cán bộ Quân đội”

Công tác triển khai, tuyên truyền, quán triệt được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, nghiêm túc. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức, nhất là Nghị quyết 27-NQ/TW, Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009 của Ban Chấp hành Trung ương “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ đến năm 2020”, Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TWtạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên toàn quân nói chung và đội ngũ trí thức Quân đội nói riêng.

 

Cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chính trị các cấp đề cao trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết cho các đối tượng bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức toàn diện, sâu sắc quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và các địa phương, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết đến toàn dân, toàn quân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

 

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai được tiến hành đồng bộ, thống nhất, toàn diện. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội và công tác khoa học và công nghệ (KH&CN). Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ… thể hiện rõ yêu cầu về trình độ đào tạo, khả năng công tác, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ[1]. Trên cơ sở đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã cụ thể hóa thành chủ trương, giải pháp lãnh đạo nâng cao trình độ học vấn, tăng cường rèn luyện cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức Quân đội, góp phần ngăn ngừa từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm, đề ra các biện pháp xây dựng đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Hai là, các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 đã được thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả thiết thực.

Môi trường và điều kiện cho hoạt động của đội ngũ trí thức được quan tâm, chú trọng. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới cơ bản, toàn diện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, khuyến khích để đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân đội, phù hợp với xu thế hợp tác quốc tế về KH&CN. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có bước phát triển mới, theo hướng tập trung, đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án KH&CN trọng điểm nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị và hàm lượng KH&CN cao đáp ứng yêu cầu của Quân đội. Công tác xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư toàn diện trên các mặt; triển khai các giải pháp thu hút nguồn nhân lực KH&CN phục vụ quốc phòng; quy hoạch và đầu tư chiều sâu phát triển cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự. Hoạt động hợp tác nghiên cứu KH&CN tiếp tục phát triển đa dạng và hiệu quả. Phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng chương trình hoạt động, tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN với các bộ, ngành, địa phương để khai thác tiềm lực KH&CN phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Qua đó, giúp đội ngũ trí thức Quân đội tiếp cận và làm chủ nhiều công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật, góp phần hiện đại hóa các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được triển khai đồng bộ, tích cực. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức trong Quân đội, như: Ưu tiên xét tuyển vào đội ngũ cán bộ; phong, thăng quân hàm, nâng lương, kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ; xét tuyển đào tạo, bồi dưỡng; xét duyệt chức danh sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ, đề nghị công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...và các giải thưởng quốc gia, Bộ Quốc phòng[2]... Các tập thể, cá nhân có cống hiến xuất sắc được tôn vinh, khen thưởng xứng đáng cùng với một số chế độ đãi ngộ khác như phụ cấp trách nhiệm, chính sách nhà ở[3]... Hầu hết các viện nghiên cứu đều có nhà công vụ cho cán bộ trẻ để yên tâm công tác, phục vụ quân đội lâu dài.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), các sự kiện khoa học, công nghệ... Tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm, giới thiệu thành tựu, kết quả nghiên cứu KH&CN; các hội thi sáng tạo kỹ thuật[4]; gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh, khen thưởng nhà khoa học, tổ chức khoa học, cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc...

 

Đã có sự chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức. Thực hiện chủ trương điều chỉnh về tổ chức, biên chế Quân đội và mục tiêu, chiến lược xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quân ủy Trung ương đã có nhiều giải pháp lãnh đạo xây dựng đội ngũ trí thức, tập trung giải quyết số lượng gắn với điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cả trước mắt và lâu dài. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong Quân đội đã tập trung đổi mới nội dung, chương trình, quy trình và phương pháp đào tạo ở các bậc học, cấp học[5]. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài được quan tâm đúng mức, phát triển cả về số lượng và chiều sâu, chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, chuyên môn và giảng dạy[6]. Hệ thống nhà trường được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao toàn diện chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

 

Trách nhiệm của đội ngũ trí thức được đề cao. Thông qua các hoạt động thực tiễn cho thấy, đội ngũ trí thức luôn đề cao trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo; nhiều tập thể, cá nhân có cống hiến xuất sắc, uy tín trên một số lĩnh vực như: chỉ huy quản lý, giáo dục - đào tạo, khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, y - dược học quân sự... Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng nâng cao chất lượng hội đồng khoa học các cấp và hoạt động nghiên cứu khoa học[7]. Vì vậy, công trình, đề tài KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ Quốc phòng có giá trị lý luận và thực tiễn cao. Huy động hàng nghìn nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình, đề án KH&CN trọng điểm cấp quốc gia, cấp Bộ và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ được đánh giá cao.

 

Chất lượng công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với đội ngũ trí thức được nâng cao. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác trí thức, KH&CN, gắn với đánh giá, sơ, tổng kết của các cơ quan, đơn vị hằng năm; tích cực đối thoại dân chủ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Phát huy kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật và sản xuất quốc phòng... góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

 

Ba là, đội ngũ trí thức trong Quân đội có sự phát triển, phát huy được vai trò và có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.

Đội ngũ trí thức trong Quân đội có sự phát triển cả về s lượng, cơ cấukhông ngừng nâng cao chất lượng. Số cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư của Quân đội không ngừng tăng[8]; đã hình thành một số cơ sở nghiên cứu chuyên ngành, đa ngành và một số mô hình doanh nghiệp Quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phục vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao[9].

 

Đội ngũ trí thức Quân đội đã có đóng góp tích cực trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức Quân đội là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, nghiên cứu, giảng dạy khoa học quân sự trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường Quân đội và giáo dục quốc phòng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tham gia có hiệu quả xây dựng, củng cố khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần đẩy mạnh và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tham gia các dự án cải tạo môi trường, phát triển các mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng - an ninh.

 

Trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự: Đã tập trung nghiên cứu nhằm phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, dự báo, giải quyết những vấn đề khoa học mới phát sinh từ thực tiễn thông qua triển khai đề tài cấp quốc gia; cấp Bộ Quốc phòng và cấp ngành. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp những luận cứ khoa học tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, đường lối, chính sách về “Chiến lược quốc phòng”, “Chiến lược quân sự”, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, “Chiến lược biên giới quốc gia”… góp phần tăng cường, củng cố quân sự quốc phòng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

 

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự: Trí thức Quân đội đã chú trọng nghiên cứu vận dụng, phát triển và gắn kết chặt chẽ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội… Cung cấp luận cứ khoa học làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH; làm sáng tỏ về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, “thế trận lòng dân”; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội.

 

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ: Tập trung nghiên cứu trên 3 hướng chính: Nghiên cứu, thiết kế chế tạo các vũ khí trang bị kỹ thuật mới nhằm đáp ứng yêu cầu trang bị của Quân đội, góp phần tự chủ về thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị. Cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tác chiến mới, phù hợp với điều kiện môi trường và địa bàn tác chiến đặc thù, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tập trung khai thác làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, đặc biệt đối với vũ khí, trang bị của các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, từ đó nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các quân, binh chủng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang.

 

Trong lĩnh vực y - dược học quân sự. Triển khai đồng bộ các nội dung nghiên cứu cả về y học quân sự và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; tạo ra các sản phẩm phục vụ nhiệm vụ quân sự, chẩn đoán, điều trị và dự phòng cho cán bộ, chiến sỹ và cộng đồng có hiệu quả, như: Nghiên cứu và ứng dụng các cơ số bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu; kỹ thuật ghép tạng, ghép đa tạng; các kỹ thuật can thiệp mạch vành trong cấp cứu nhồi máu cơ tim, nong van tim; sử dụng kỹ thuật huyết tắc động mạch gan cục bộ trong điều trị ung thư gan nguyên phát…; siêu lọc máu, nuôi cấy tế bào sừng ghép da; trong cấp cứu điều trị bỏng..., đã phát triển những kỹ thuật chuyên sâu có phần vượt trội hơn các bệnh viện dân y, tương đương với trình độ các nước có nền y học tiên tiến trong khu vực.

 

Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật: Không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tuyên truyền điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; sáng tác quảng bá các tác phẩm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị về nội dung và nghệ thuật, về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng; mang lại giá trị về tư tưởng và nhân văn sâu sắc, gắn với phong trào hoạt động của Quân đội và công tác đối ngoại quốc phòng.

 

Trong lĩnh vực phối hợp đào tạo nguồn nhân lực: Một số học viện, nhà trường trong Quân đội đã liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào, Campuchia, liên kết đào tạo với các trường đại học; sinh viên, cán bộ ra trường chất lượng ngày càng cao… Đồng thời, thực hiện có hiệu quả giáo dục và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ địa phương, học sinh, sinh viên nhằm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về chiến lược quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, trang bị kiến thức quốc phòng, an ninh… góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tích cực học tập, rèn luyện, làm chủ khoa học công nghệ, đóng góp cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong Quân đội thời gian qua cũng còn những hạn chế, như: Trình độ khoa học và công nghệ, khả năng làm chủ về thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có mặt hạn chế, nhất là trong thiết kế, chế tạo và tiếp cận khai thác làm chủ vũ khí công nghệ cao. Khả năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu nền của đội ngũ trí thức còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về thiết kế, chế tạo, nghiên cứu công nghệ. Đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo còn ít; một số ngành kỹ thuật chuyên sâu, chuyên ngành hẹp còn thiếu cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu; năng lực, trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế của một số cán bộ còn khó khăn.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: Việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đội ngũ trí thức ở một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sắc, toàn diện, cụ thể. Chính sách, chế độ đãi ngộ chưa đủ mạnh để thu hút chuyên gia giỏi gắn bó, phục vụ lâu dài trong Quân đội; một số cấp ủy, chỉ huy chưa quan tâm nhiều đến việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài. Công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ ở một số cơ quan, đơn vị chưa thật chặt chẽ; chất lượng đào tạo ở một số chuyên ngành hẹp, chuyên sâu chưa được quan tâm đúng mức; khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện về mọi mặt của một số trí thức trẻ chưa cao. Việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quốc phòng còn vướng mắc, khó khăn trong khuyến khích các đề tài nghiên cứu tạo ra sản phẩm đưa vào sản xuất.

 

2. Một số vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong Quân đội thời gian tới

 

Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, tình hình cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, nhất là chủ quyền biển, đảo còn nhiều khó khăn, phức tạp. Tổ chức biên chế Quân đội có sự điều chỉnh, vũ khí trang bị kỹ thuật tiếp tục được hiện đại hóa; xu thế hội nhập trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; sự tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số, chiến tranh trên không gian mạng… đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới đối với đội ngũ trí thức Quân đội, nhất là đội ngũ làm công tác khoa học, giáo dục và đào tạo thời gian tới:

 

Một là, thống nhất nhận thức, trách nhiệm và hành động, tiếp tục nghiên cứu quán triệt, cụ thể hóa biện pháp thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Từ thực trạng nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong Quân đội đặt ra vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW (khóa XI); Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 18-NQ/TW (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCHTW (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chỉ huy và các tổ chức về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức phát huy năng lực, trí tuệ, cống hiến và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư). Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, có tư duy hoạch định chiến lược xây dựng đội ngũ trí thức Quân đội cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực, ngành nghề; khắc phục sự hụt hẫng về đội ngũ kế cận, có biện pháp bồi dưỡng, bổ sung số cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật; phát huy cao nhất ưu thế của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 

Hai là, gắn kết nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị trong xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Giáo dục cho đội ngũ trí thức có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ở mỗi cấp, mỗi đơn vị, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức gắn với nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của đơn vị. Trong quản lý, sử dụng trí thức cần nghiên cứu, thực hiện các nội dung, hình thức phù hợp, tránh việc áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của đội ngũ trí thức.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo bước chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức Quân đội, nhất là đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học đầu ngành gắn với chính sách trọng dụng, đãi ngộ hợp lý. Đổi mới công tác cán bộ, thực hiện đề bạt, bổ nhiệm từ nguồn trí thức có chất lượng cao về chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ các chức vụ quan trọng của ngành, đơn vị; xác định tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ phù hợp với yêu cầu của từng chức danh, nhiệm vụ. Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển vững chắc; ưu tiên bổ nhiệm cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ. Nâng cao chất lượng nguồn đào tạo, chú trọng nguồn đào tạo cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, đào tạo sau đại học. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, trước hết là về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 

Ba là, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cần phát huy vai trò của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ, có trình độ học vấn tương ứng, tập trung nâng cao trình độ tư duy lý luận, năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp; tiến hành đồng bộ các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, lấy đào tạo cơ bản, dài hạn, chính quy theo các chương trình đào tạo tiên tiến làm chủ yếu, kết hợp với đào tạo các loại hình khác để đáp ứng cán bộ tại chỗ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú ý đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.

 

Thực hiện có hiệu quả việc liên kết đào tạo với các cơ sở ngoài Quân đội và nước ngoài, tập trung các ngành Quân đội chưa đào tạo được hoặc số lượng đào tạo còn hạn chế. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực thực tiễn, trình độ ngoại ngữ, tin học; gắn đào tạo chuyên ngành với bồi dưỡng kiến thức về đạo đức, pháp luật, kinh tế, xã hội cho đội ngũ cán bộ. Kết hợp chặt chẽ đào tạo tại trường với bồi dưỡng, huấn luyện tại chức và tự học tập, nâng cao trình độ của mỗi cán bộ.

Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ ở nước ngoài theo đúng định hướng của Nghị quyết số 618-NQ/ĐU ngày 28/10/2010 của ĐUQSTW (nay là QUTW) “Về đào tạo cán bộ quân đội ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; chú trọng đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu, đồng bộ với vũ khí trang bị của Quân đội, ưu tiên đào tạo cán bộ nghiên cứu, thiết kế chế tạo, quản lý, khai thác vũ khí trang bị mới, hiện đại; đào tạo phi công, chỉ huy, kỹ thuật tàu ngầm. Lựa chọn đối tác, phương thức và loại hình đào tạo, ngành học, bậc học và chi phí hợp lý; tuyển chọn chặt chẽ, đúng nguyên tắc; có cơ chế phù hợp trong bố trí, sử dụng cán bộ sau đào tạo.

 

Bốn là, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức Quân đội nỗ lực phấn đấu, phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục đề cao dân chủ, đổi mới phương pháp, cách thức quản lý, thực hiện tốt việc khuyến khích đội ngũ trí thức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, các chương trình, đề án KH&CN để thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ trí thức chất lượng cao trong và ngoài Quân đội; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn quân và mở rộng giao lưu, hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc; nghiên cứu áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quốc phòng một cách phù hợp…để đội ngũ trí thức phát huy tốt khả năng nghiên cứu, sáng tạo và vai trò, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

 

Năm là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi, trách nhiệm của đội ngũ trí thức

Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Quân đội cần đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực khắc phục những hạn chế, bất cập đặt ra nhằm phát huy cao nhất khả năng, vai trò của của đội ngũ trí thức Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ. Đảng, Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách đối với Quân đội nói chung, với đội ngũ trí thức nói riêng một cách thỏa đáng, phù hợp, nhằm thu hút, khuyến khích đội ngũ trí thức Quân đội một mặt an tâm công tác, xác định rõ vai trò, trách nhiệm. Mặt khác, đội ngũ trí thức Quân đội cần nỗ lực, tích cực nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự cạnh tranh rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Trung tướng TRỊNH VĂN QUYẾT

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam



[1] Giai đoạn 2008 - 2021, đã ban hành 06 Nghị quyết, Kết luận; 18 Thông tư; 07 Chỉ thị; 07 Quyết định. Nội bật là: Nghị quyết số 769-NQ/QUTW ngày 21/12/2012 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 “Về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 618-NQ/QUTW ngày 28/10/2010 “Về đào tạo cán bộ Quân đội ở nước ngoài đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30/12/2012“Về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Thông tư 66/2017/TT-BQP ngày 30/3/2017, Thông tư 07/2021/TT/BQP ngày 14/01/2021 “Ban hành tiêu chuẩn chức danh sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”…

[2] Từ năm 2008 đến nay, toàn quân đã có 6.969 đồng chí được công nhận ngạch chính và cao cấp thuộc 06 ngành (thanh tra, nghiên cứu khoa học; giáo dục và đào tạo; kỹ thuật và công nghệ; y - dược quân sự; xã hội nhân văn).

[3] Toàn quân có 215 dự án phát triển nhà ở chính sách; tham gia dự án nhà ở: 35.618 đ/c; giải quyết nhà theo Nghị định 60: 16.500 đ/c; bán nhà theo Nghị định 61: 6.800 đ/c; 222 dự án nhà ở công vụ với 11.583 căn hộ. Các đoàn an điều dưỡng tăng từ 3.600 lên 6.400 giường; đón tiếp 1.250.826 lượt cán bộ, thân nhân.

[4] Tổ chức 21 lần Hội thi tuổi trẻ sáng tạo với 5.480 công trình đề tài, sáng kiến của hơn 10.000 lượt tác giả tham gia.

[5] Các học viện, nhà trường Quân đội đã xây dựng mới 184 chương trình đào tạo, bổ sung 648 chương trình.

[6] Từ năm 2008 đến năm 2021, Quân đội đã mở 197 mã ngành đào tạo, nâng số chuyên ngành đào tạo từ 338 lên 430 chuyên ngành.

[7] Giai đoạn 2008 - 2021 đã nghiên cứu 51 nghiệm vụ, đề tài khoa học cấp Nhà nước, 591 cấp Bộ, 3.417 cấp cơ sở; 5.002 sáng kiến; 558 giáo trình cơ sở, 5.616 giáo trình thường; 3.876 tài liệu mới; tham dự 09 giải thưởng quốc gia, 2780 giải thưởng BQP; tổ chức 37 hội thảo quốc tế, 06 hội thảo cấp quốc gia, 32 hội thảo cấp BQP.

[8] Đội ngũ có trình độ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II) tăng lên khoảng 72% so với năm 2008; đội ngũ có trình độ thạc sĩ tăng lên 168%; đặc biệt đội ngũ tri thức của Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã tăng trên 200%.

[9] Kết quả đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ tri thức trong Quân đội giai đoạn 2008 - 2021: Cấp chiến dịch, chiến lược: 3608; Cấp chiến thuật, chiến dịch: 44.823; Sau đại học: 23.574; Chuyên khoa cấp II: 666; sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học: 61.314; đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật: 81.693; đào tạo học viên Bộ Công an: 7.142; Đào tạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa: 65.701; đào tạo ngành khoa học quân sự: 18.844; đào tạo, hoàn chỉnh cao cấp lý luận: 4.112; đào tạo giảng viên: 7.458; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh 96.574; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài: 767; luân chuyển thực tế: 3.859; tập huấn, bồi dưỡng: 7.621.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết