Thứ Tư, ngày 24 tháng 04 năm 2024

Từ Đề cương văn hóa 1943: Nhận diện rõ những vấn đề đặt ra về phát triển các giá trị con người - văn hóa trong tình hình hiện nay (phần 2)

Ngày phát hành: 22/03/2023 Lượt xem 2066

 

 

2. Nhận thức về “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển”

 

Khi đã khẳng định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển” thì cần nhận thức sâu sắc rằng để trở thành sức mạnh nội sinh, văn hóa phải ở “bên trong”- “nội tại” và là một yếu tố - nội dung mang tính bản chất của sự phát triển con người, kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái. Văn hóa không thể nhìn nhận chỉ như những yếu tố “bên ngoài, bên cạnh” tác động qua lại với kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái, mặc dù văn hóa được nhìn nhận có tính độc lập tương đối với các lĩnh vực này. Khi đã nhận thức “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển” cần xác định rõ văn hóa nằm ở đâu? trong các chủ thể nào? của chủ thể nào? trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường sinh thái. Cần phải thấy rằng văn hóa nằm trong tất cả các chủ thể, các thiết chế, các tổ chức, các đối tượng chịu sự tác động qua lại của các chủ thể với con người và hoạt động của con người trong xã hội. Có thể nêu lên các chủ thể cơ bản của văn hóa là: Quốc gia - dân tộc; Hệ thống chính trị; Đảng và các tổ chức trong hệ thống của Đảng; Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống quyền lực nhà nước; Hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; Hệ thống các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác; Các gia đình, dòng họ; Các cộng đồng, tộc người; Các cá nhân. Mỗi loại chủ thể đó có các giá trị văn hóa đặc trưng riêng, dù có những tính chất chung.

 

Khi xác định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của sự phát triển” thì tất yếu phải làm rõ sức mạnh nội sinh mang tính bản chất cốt lõi của văn hóa trong mỗi chủ thể này trong quá trình vận động và phát triển. Bản chất văn hóa cốt lõi trong các chủ thể đó lại phụ thuộc một cách căn bản vào chức năng và vai trò của xã hội của từng chủ thể. Có chủ thể có chức năng và vai trò là lãnh đạo - quản lí xã hội (như các tổ chức đảng cầm quyền và tổ chức nhà nước), có chủ thể hoạt động theo cơ chế tự chủ trong xã hội trong khuôn khổ pháp luật, có chủ thể có vị trí là người “bị lãnh đạo - quản lí”… Điều đó cho thấy trong mỗi chủ thể có hai chức năng văn hóa khác nhau: chức năng văn hóa là sức mạnh nội sinh cho hoạt động và sự phát triển của chính chủ thể đó, và chức năng văn hóa tác động (tương tác) với các chủ thể khác trong xã hội. Hai chức năng văn hóa này trong mỗi chủ thể liên quan mật thiết - biện chứng với nhau tạo thành bản chất văn hóa của chủ thể; đồng thời bản chất văn hóa của mỗi chủ thể lại tương tác hữu cơ với bản chất văn hóa của các chủ thể khác nhau trong xã hội theo những phương thức khác nhau; thuận chiều, lệch chiều, ngược chiều, cộng hưởng, thúc đẩy hay kìm hãm, hạn chế, áp đặt,… Quá trình tương tác này tạo thành bản chất văn hóa ở cấp độ hệ thống cao hơn, rộng hơn, lên tới cấp Quốc gia - dân tộc, kết nối với quốc tế. Xét trên bình diện quốc gia - dân tộc, bản chất - vị trí - vai trò - chức năng văn hóa của hai chủ thể là Đảng cầm quyền và Nhà nước có tầm quan trọng “áp đặt” và chi phối mạnh nhất đối với tất cả các chủ thể khác trong xã hội, vì hai chủ thể này có vai trò lãnh đạo - quản lí sự phát triển của xã hội. Hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có sự phụ thuộc một cách quyết định vào bản chất và giá trị văn hóa mà đảng cầm quyền và nhà nước “đặt ra” cho xã hội, định hướng phát triển xã hội, phù hợp (hay mâu thuẫn) với yêu cầu khách quan của sự phát triển, phù hợp hay mâu thuẫn (xung đột) với những giá trị văn hóa của các chủ thể khác trong xã hội, nhất là giá trị văn hóa của con người, của gia đình, các cộng đồng và hệ thống các doanh nghiệp. Khi không có sự phù hợp khách quan, văn hóa không tạo được (và không là) sức mạnh nội sinh của sự phát triển của từng chủ thể, và nhất là không tạo được sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của toàn bộ hệ thống phát triển xã hội - của quốc gia. Bởi vì mọi điều áp đặt các giá trị trái quy luật có thể đưa lại sức mạnh nhất thời, nhưng rồi sẽ phải “trả giá” bằng những thất bại, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời. Về điều này F. Engghen đã nói “Một dân tộc đi xâm lược dân tộc khác, bằng bạo lực có thể áp đặt quyền cai trị lên dân tộc đó, nhưng sẽ không đồng hóa được dân tộc đó nếu dân tộc đi xâm lược có trình độ văn hóa thấp hơn, mà ngược lại, sẽ bị dân tộc bị xâm lược đồng hóa ngược lại”. Trong lịch sử hơn một ngàn năm bị Bắc thuộc của dân tộc ta cũng nói lên điều này: Dưới các lũy tre làng của Việt Nam chứa đựng những giá trị văn hóa - sức mạnh nội sinh mà các triều đại phong kiến phương Bắc không thể xóa đi được, không thể đồng hóa được. Đó chính là sức mạnh nội sinh cho sự đấu tranh, chiến đấu giành lại, giữ gìn, bảo vệ nền độc lập và phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.

 

Sức mạnh nội sinh của văn hóa nằm ở những giá trị tạo động lực hành động của mỗi chủ thể; đồng thời nằm ở sự liên kết (đồng chiều) giữa các giá trị phát triển của các chủ thể ở mỗi cấp độ, liên kết từ thấp lên cao, lên tới tầng quốc gia - dân tộc, tạo thành ý chí, khát vọng và động lực nội sinh của cả dân tộc.

 

3. Đẩy mạnh xây dựng - phát triển đồng bộ các trụ cột chủ yếu phát triển văn hóa ở mọi cấp độ

 

Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của sự phát triển trong mỗi chủ thể và liên kết thành sức mạnh nội sinh phát triển của cả xã hội, cần phải xây dựng và phát triển đồng bộ các trụ cột văn hóa chủ yếu, làm “giá đỡ” cho sự phát triển và phát huy các giá trị đó.

 

(1) - Phát triển con người với những giá trị đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới

Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, chủ thể của quá trình phát triển; những giá trị cốt lõi về con người cũng là những giá trị mang tính bản chất của văn hóa. Trong công cuộc đổi mới, từ thể chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang thể chế kinh tế thị trường đòi hỏi (và đã) có bước phát triển đột phá về chất về các gái trị con người. Giờ đây, đang thực hiện bước chuyển quan trọng từ thể chế phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; đặt ra những yêu cầu mới và rất cao về phát triển các giá trị con người với tư cách là chủ thể của quá trình phát triển đất nước. Điều này đặt ra yêu cầu đào tạo - phát triển con người trong giai đoạn mới cần tập trung vào phát triển các giá trị: i) - Nhân cách, đạo đức, lối sống; trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, đề cao dân chủ gắn với ý thức thượng tôn pháp luật; ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; ii) - Năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; iii) - Tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thức tư; iv) - Năng lực thực hành sáng tạo, hiệu quả; v) - Kỹ năng sống, năng lực liên kết, hợp tác, hoạt động cộng đồng và hội nhập… Đó không chỉ là những giá trị cá nhân con người, mà nó còn là nền tảng và gắn liền với giá trị con người cộng đồng, con người quốc gia - dân tộc. Những giá trị cốt lõi đó cần phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp đối với từng chủ thể trong xã hội; bao gồm đồng bộ các loại chủ thể: lãnh đạo Đảng và quản lý Nhà nước các cấp; đội ngũ công chức viên chức; đội ngũ chuyên gia khoa học - công nghệ; đội ngũ doanh nhân; đội ngũ công nhân và nông dân…, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

 

 (2) - Phát triển đời sống văn hóa - lối sống văn hóa 

Đời sống - lối sống văn hóa vừa là hệ quả, vừa là một phương thức thể hiện của nền sản xuất xã hội, các quan hệ xã hội, vừa là động lực phát triển của nền sản xuất xã hội, và các quan hệ xã hội; thể hiện giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội, trình độ phát triển của một xã hội với những đặc điểm dân tộc. Đó không phải chỉ là lối sống sinh hoạt và trong các quan hệ xã hội, mà còn là toàn bộ các giá trị - chuẩn mực - quy tắc trong quan hệ lao động sản xuất xã hội và trong thể chế phát triển xã hội. Đó là những giá trị về quyền con người, quyền công dân, những lợi ích chính đáng của con người được thừa nhận và tôn vinh. Đó còn là những giá trị hiện thực của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, trong đó Nhà nước tôn trọng, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng và nhân phẩm con người, phát huy những giá trị con người và giá trị công dân; đó còn là những giá trị phi quan phương (tự chủ, tự quản) nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của con người, gia đình, cộng đồng và xã hội. Tất cả những giá trị trên được “sinh thành”, phát triển, sàng lọc, cô đúc, tái sinh, nảy nở những giá trị mới ở tầm cao hơn cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất, xã hội hóa nền sản xuất và sự phát triển của toàn xã hội. Đời sống - lối sống văn hóa của một xã hội công nghiệp hiện đại đòi hỏi phải xây dựng những giá trị mới tương ứng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có môi trường mạng, tạo động lực cho sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, không phải chỉ chú trọng xây dựng đời sống - lối sống “đuổi theo”, “thích ứng” với nhịp độ của cuộc cách mạng này, mà cũng rất cần quan tâm xây dựng và “neo giữ lại” các giá trị lối sống “tĩnh tâm”, “lắng đọng”, “an nhiên”, “bình yên”, “đùm bọc”, “chia sẻ”.

 

Có thể nói, điểm quy tụ cao nhất, sâu nhất, đặc trưng nhất và bền vững nhất của phát triển văn hóa là hình thành được những giá trị con người, giá trị xã hội trở thành lối sống, lẽ sống, nhân cách, lý tưởng sống, ý thức lao động, trách nhiệm đối với gia đình, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với đất nước…trong đời sống thường nhật và trong lao động sản xuất của mỗi con người, mỗi đơn vị, cũng như toàn xã hội, phù hợp với mỗi bước phát triển của xã hội; đồng thời Nhà nước với tư cách là một thiết chế xã hội cao nhất phải là “bà đỡ” cả về mặt pháp lý, cả về mặt thể chế, cả về mặt cơ sở vật chất và trách nhiệm xã hội để đảm bảo cho nền văn hóa đó phát triển trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế và xã hội, mà trung tâm là con người. Chính vì vậy, việc xây dựng, hình thành và phát triển đời sống văn hóa - lối sống văn hóa tốt đẹp trở thành những giá trị phổ quát, bền vững, “chi phối”, “điều chỉnh”, “định hướng” sự phát triển của một dân tộc, của một cộng đồng, của mỗi đơn vị, mỗi gia đình và mỗi con người là một trong những trụ cột quan trọng nhất của phát triển văn hóa, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của sự phát triển. Một dân tộc, trong những điều kiện nào đó, khi chưa định hình được những giá trị con người, giá trị văn hóa mang tính phổ biến thể hiện thành đời sống - lối sống văn hóa, thì khi đó văn hóa chưa trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Điều này lại càng đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn biến đổi mang tính bước ngoặt của một đất nước, khi khi thay đổi thể chế phát triển.

 

(3) - Phát triển sáng tạo văn hóa

Đây là trụ cột thể hiện sức sống sinh động của một nền văn hóa trong quá trình phát triển. Điều quan trọng là cần nhận thức rõ bản chất của sự sáng tạo văn hóa. Sự sáng tạo văn hóa nằm sâu từ trong bản chất của sự sáng tạo trong nền sản xuất xã hội, đời sống xã hội, trong chế ngự tự nhiên, trong đấu tranh… và trong thể chế phát triển xã hội, thông qua những hoạt động của con người. C.Mark đã nêu một luận điểm rất đáng lưu ý là : Đối với mỗi nền sản xuất, điều quan trọng không phải là sản xuất ra cái gì, mà điều quan trọng là sản xuất như thế nào. Chính điều “sản xuất như thế nào” nói lên trình độ của nền sản xuất, và đó cũng là trình độ của nền văn hóa (cũng có thể gọi là nền văn minh). Chính sự sáng tạo trong nền sản xuất xã hội và trong mọi mặt đấu tranh và phát triển của đời sống xã hội đã được “cô đúc” lại thành những giá trị văn hóa (cả vật thể và phi vật thể), giá trị con người, giá trị xã hội tương ứng trình độ của nền sản xuất xã hội đó. Do đó, việc phát triển một nền kinh tế tiên tiến - hiện đại với một thể chế kinh tế hiện đại - nhân văn, bản thân nó đã là sự “cô đúc” những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiên tiến, đồng thời nó lại là điều kiện, tiền đề và môi trường để tiếp tục phát triển sáng tạo văn hóa. Cần nói thêm rằng, do nhận thức không đầy đủ về bản chất của văn hóa, bản chất của quá trình sáng tạo văn hóa, nên về sáng tạo văn hóa đã không quan tâm và đề cập đầy đủ, sâu sắc đến sáng tạo văn hóa ngay trong nền sản xuất xã hội, trong các thể chế, thiết chế phát triển xã hội; mà mới thiên về sáng tạo trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

 

Cần nhận thức đầy đủ rằng trong quá trình phát triển sáng tạo văn hóa, có sáng tạo văn hóa quần chúng, có sáng tạo văn hóa chuyên nghiệp (ở đây không dùng khái niệm văn hóa “đỉnh cao”, hay “văn hóa bác học” vì trong cả sáng tạo văn hóa quần chúng và trong sáng tạo văn hóa chuyên nghiệp đều có thể có những giá trị đỉnh cao, đồng thời cũng có cả những giá trị bình thường). Cả hai loại hình sáng tạo văn hóa này không thể coi nhẹ loại hình nào, không thể lấy loại hình này thay thế loại hình kia. Có thể coi đó như là “cặp song sinh” của một nền văn hóa. Nhận thức và sự phát triển thiên lệch một trong hai loại hình sáng tạo đều dẫn đến sự suy yếu sức mạnh và sự liên kết “cộng sinh” của văn hóa. Sáng tạo văn hóa chuyên nghiệp có vai trò rất quan trọng tạo nên những sản phẩm văn hóa “đỉnh cao”, quy mô lớn. Song nếu chỉ chú trọng phát triển văn hóa chuyên nghiệp, thì văn hóa đó dần sẽ xa rời tuyệt đại đa số những người lao động bình thường, “biến” họ thành những người được “thụ hưởng” những giá trị văn hóa do người khác mang lại cho thông qua “đọc, nghe, nhìn, xem”, phần văn hóa trở thành “của họ” trong đó sẽ rất ít và dễ qua đi. Đối với họ văn hóa không phải đơn giản như chiếc vé đi xem biểu diễn mà người ta mang đến biếu, mà nó phải chính là cuộc sống lao động của họ, là miếng cơm manh áo của họ, là những nỗi lo toan thường nhật của họ, là niềm vui, nỗi buồn và hạnh phúc của họ. Sáng tạo văn hóa quần chúng có thể nói đó là văn hóa “của chính họ”, do chính họ là chủ thể sáng tạo từ chính cuộc sống của họ và quay trở lại phục vụ chính họ, nó phản ánh không chỉ hiện thực đời sống của họ mà còn phản ánh ý chí, ước mơ, khát vọng của họ, do đó nó thường tạo nên những giá trị sức sống, đời sống, lối sống lâu bền. Từ ngàn xưa, ở đất nước ta, dưới lũy tre làng đã nảy nở, tồn tại, sáng tạo và phát triển những giá trị văn hóa này, tạo nên sức mạnh trường tồn mà một nghìn năm bắc thuộc không thể đồng hóa và tiêu diệt được. Chính vì vậy cả hai loại hình sáng tạo văn hóa phải phát triển cộng sinh với nhau, tạo thành trụ cột sáng tạo văn hóa vững mạnh. Vì vậy, sáng tạo văn hóa chuyên nghiệp phải gắn được với đời sống hiện thực, “sống” bằng hơi thở của đời sống hiện thực, không phải chỉ là sản phẩm để mang đến cho người khác (công chúng, nhất là đông đảo những người lao động) “thụ hưởng”, mà điều quan trọng hơn là phải trở thành các giá trị văn hóa “của họ”. Đó cũng là mục đích cao cả của phát triển sáng tạo văn hóa. 

 

(4) - Phát triển dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa và hội nhập quốc tề về văn hóa 

Đây là một trụ cột, bước phát triển mới, quan trọng của văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông đa phương tiện và các mạng xã hội. Theo UNESCO “Công nghiệp văn hóa xuất hiện khi các hàng hóa và dịch vụ văn hóa được sản xuất và tái sản xuất, được lưu trữ và phân phối trên dây chuyền công nghiệp và thương mại, tức là trên quy mô lớn, phù hợp với chiến lược kinh tế hơn là phát triển văn hóa”[1]. Công nghiệp văn hóa (CNVH) sản xuất ra những sản phẩm hữu hình hoặc vô hình mang tính nghệ thuật, sáng tạo và có tiềm năng tạo ra thu nhập, của cải thông qua việc khai thác các tài sản văn hóa, sản xuất hàng hóa, dịch vụ dựa trên tri thức. Các lĩnh vực thuộc CNVH có điểm chung là đều vận dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và sở hữu trí tuệ trên nền tảng công nghệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ với ý nghĩa văn hóa, xã hội[2]. Như vậy, trong quá trình phát triển, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa “đi vào” kinh tế thị trường, trờ thành hàng hóa, dịch vụ có giá trị và giá trị sử dụng lưu thông trên thị trường. Sự phát triển dịch vụ văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường sẽ có một phổ rất rộng: từ loại được sản xuất và cung ứng theo cơ chế phi lợi nhuận, đến loại được sản xuất và cung ứng hoàn toàn theo cơ chế vì lợi nhuận, đồng thời có những dịc vụ, hàng hóa văn hóa được sản xuất và cung ứng theo cơ chế “bán vì lợi nhuận” (theo nghĩa được bao cấp ở những mức độ khác nhau).

Khi đó CNVH trở thành một ngành kinh tế đặc biệt, việc sản xuất và cung ứng các hàng hóa dịch vụ văn hóa, một mặt chịu sự chi phối bởi các quy luật của kinh tế thị trường, mặt khác phải được điều chỉnh bởi các giá trị chính trị, tư tưởng, pháp lý, đạo đức, văn hóa, xã hội, con người theo những chuẩn mực tốt đẹp của một xã hội, của một dân tộc và những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại. CNVH đã và đang trở thành một ngành rất quan trọng, vì khi được phát triển đúng đắn, nó sẽ không chỉ đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế, mà còn góp phần quan trọng vào tạo lập và lan tỏa sức mạnh mềm của một đất nước, làm lan tỏa rộng rãi các giá trị tốt đẹp, góp phần quan trọng vào tạo lập nền tảng tinh thần, nền tảng đạo đức, hệ điều tiết phát triển lành mạnh các giá trị con người, giá trị xã hội - trở thành một nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước.

 

Phát triển CNVH trở thành một nhiệm vụ trọng yếu của nhiều quốc gia. Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhận rõ tầm quan trọng của việc phát triển CNVH. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (BCHTW Đảng khóa XI, 2014) đã nêu nhiệm vụ phát triển các ngành CNVH đi đôi với việc hoàn thiện thị trường dịch vụ văn hoá. Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu phát triển CNVH trong 12 lĩnh vực[3]. Sự phát triển CNVH ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực; song, so với các nước trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đang đi chậm hơn nhiều.

 

Phát triển CNVH gắn liền với phát triển hội nhập và hợp tác quốc tế không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, mà cả trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác mới có được hiệu quả tổng hợp cao. Với tầm quan trọng của phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển dịch vụ văn hóa, CNVH phải trở thành một trụ cột quan trọng trong giai đoạn mới. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết vừa cơ bản lâu dài.

 

(5) - Phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa 

Hệ thống thiết chế văn hóa có chức năng cơ bản là tạo điều kiện và “môi trường sống” cho các giá trị văn hóa, cho các hoạt động văn hóa; điều hòa và phối hợp giữa các chủ thể, các hoạt động văn hóa; giám sát - định hướng - điều chỉnh các hoạt động văn hóa theo những giá trị tốt đẹp đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cá nhân, đơn vị, cộng đồng và của toàn xã hội. Cùng với những thiết chế văn hóa được xác định hiện nay; xét về bản chất cũng như yêu cầu thực tế thì tất các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đơn vị xã hội, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và các thiết chế khác đều cần và phải coi là một thiết chế văn hóa. Chính ở các “chủ thể” này sẽ nuôi dưỡng và phát triển các giá trị văn hóa chung và các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình trở thành bản sắc văn hóa tốt đẹp.

 

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, phát triển kinh tế thị trường, bản thân các doanh nghiệp tiên tiến - hiện đại đang chính là các thiết chế văn hóa tạo lập các giá trị văn hóa lao động, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, giá trị con người mới (như tính hiệu quả, tính kỷ luật lao động, tính sáng tạo, tính tự chủ trong sản xuất…) mà nền sản xuất nhỏ không thể có được. Chính vì vậy, có thể coi các thiết chế văn hóa như những “giá mang” cho quá trình phát triển văn hóa, hình các giá trị văn hóa, giá trị con người. Có những thiết chế vật chất, có những thiết chế phi vật chất; có những thiết chế quan phương và có những thiết chế phi quan phương. Một hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp sẽ tạo được động lực mạnh cho sự phát triển văn hóa lành mạnh và sáng tạo, nhân lên những giá trị tốt đẹp (đó cũng là một động lực nội sinh quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội). Ngược lại, một hệ thống thiết chế văn hóa không phù hợp sẽ không chỉ là “lực cản” mà còn là “tác nhân” gây nên sự phát triển lệch lạc, kém hiệu quả, “kích hoạt và lan tỏa” những “gía trị tiêu cực” trong kinh tế, trong đạo đức xã hội và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; “đẩy” những giá trị tốt đẹp vào thế yếu - không được bảo vệ, không được tôn vinh và dần bị băng hoại, trong đó băng hoại về lòng tin vào những giá trị tốt đẹp là một cảnh báo nghiêm trọng, nó làm giảm đi động lực phát triển trong mỗi con người, mỗi đơn vị xã hội, mỗi cộng đồng cũng như trong toàn xã hội.

 

Chính vì vậy việc xây dựng và phát triển một hệ thống các thiết chế văn hóa đồng bộ phù hợp và hiệu quả là một trong những trụ cột trọng yếu, vì đó chính là tạo nên mảnh đất để “gieo trồng” và phát triển sáng tạo văn hóa, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tốt đẹp. Xây dựng các thiết chế phát triển văn hóa, một mặt, phải xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của quá trình phát triển (hiện thực) của kinh tế, xã hội, nhằm thúc đẩy hình thành các giá trị con người, giá trị xã hội mới đáp ứng với đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới; mặt khác, phải tạo được các “rào cản” ngăn chặn, làm suy yếu, triệt tiêu tác động của các “giá trị” cũ không còn phù hợp, các tác động tiêu cực, cản trở..., để các giá trị văn hóa mới thực sự trở thành “nội lực” cơ bản tạo nên tư cách chủ thể phát triển sáng tạo của mỗi con người, mỗi đơn vị, mỗi cộng đồng và của cả dân tộc trong quá trình xây dựng - phát triển - bảo vệ Tổ quốc. 

 

Việc quan tâm xây dựng và phát triển đồng bộ 5 trụ cột phát triển văn hóa nêu trên có thể coi là những nội dung chủ yếu trong định hướng phát triển văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nằm trong tổng hòa hình thành các giá trị văn hóa mới đáp ứng với đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới.

 

4. Xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy hình thành, phát triển và hiện thực hóa hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 

Khái niệm thể chế phát triển văn hóa (hay thể chế văn hóa) hiện đang có những cách hiểu khác nhau về nội dung và phạm vi bao quát (nghĩa hẹp và nghĩa rộng). Trên thực tế và trong bản chất, thể chế văn hóa phải bao gồm đồng bộ các thành tố cơ bản sau: i) - Các chủ thể tham gia hoạt động và thụ hưởng văn hóa (gọi tắt là “Người chơi”), gồm: Nhà nước (các cơ quan nhà nước); các chủ thể hoạt động văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hóa, các chủ thể thụ hưởng văn hóa, chịu tác động của văn hóa; ii) - Hệ thống cơ sở pháp lý, cơ chế (khung pháp luật) cho các hoạt động văn hóa (gọi là “Luật chơi”; iii) - Nội dung và môi trường các hoạt động văn hóa (gọi là “Sân chơi”).  Văn hóa là một lĩnh vực đặc biệt, thể chế phát triển văn hóa đòi hỏi sự đồng bộ giữa “Người chơi”, “Luật chơi” và “Sân chơi” khác với các lĩnh vực khác; chứa đựng cả những yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. “Sân chơi” trong lĩnh vực văn hóa là một phổ rất rộng, mỗi lĩnh vực có những đặc điểm riêng, mức độ tiếp cận cơ chế thị trường khác nhau; đòi hỏi sự đồng bộ về “Người chơi”, “Luật chơi” và “Sân chơi” trong mỗi lĩnh vực văn hóa. Vai trò của các chủ thể (người chơi) và các quy định pháp lý cho hoạt động văn hóa trong mỗi lĩnh vực văn hóa cũng có những nội dung khác nhau. Vai trò của Nhà nước có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thể chế phát triển văn hóa; tuy nhiên vai trò của Nhà nước cũng có những nội dung khác nhau trong mỗi lĩnh vực văn hóa, hoạt động văn hóa. Văn hóa vừa mang giá trị và lợi ích cá nhân (của từng chủ thể), vừa mang giá trị, lợi ích cộng đồng, cao hơn nữa là mang giá trị và lợi ích của Quốc gia - Dân tộc. Do đó thể chế phát triển văn hóa phải tạo cơ sở để vừa tôn trọng, phát triển giá trị, lợi ích của mỗi chủ thể, đồng thời liên kết được các giá trị, lợi ích của các chủ thể thành giá trị và lợi ích chung của Quốc gia - Dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển.

 

Trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tất yếu các hoạt động văn hóa sẽ bị chi phối, tác động, cao hơn nữa là tham gia vào cơ chế thị trường ở những mức độ khác nhau (tùy thuộc vào bản chất, tính chất của từng hoạt động, lĩnh vực văn hoá); văn hóa còn trở thành một lĩnh vực kinh tế dịch vụ (như công nghiệp văn hóa…). Tác động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế về văn hóa có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Xây dựng thể chế văn hóa phải hướng tới phát huy các mặt tích cực; hạn chế, loại bỏ các tác động tiêu cực. Điều quan trọng trong xây dựng thể chế văn hóa là phải chế định được đồng bộ vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích và trách nhiệm xã hội của từng chủ thể, phù hợp với từng lĩnh vực văn hóa.

 

Thể chế phát triển văn hóa có chức năng quan trọng là tạo cơ sở để thúc đẩy phát triển các tru cột văn hóa; để hiện thực hóa các giá con người - giá trị văn hóa trong cuộc sống. Do đó, trong xây dựng thể chế phát triển văn hóa cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

 

 (1). Trên cơ sở những yêu cầu phát triển đặt ra đối với đất nước trong giai đoạn mới để xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa với định hướng chung, đồng thời cần phải cụ thể hóa thành hệ giá trị của từng chủ thể đáp ứng với yêu cầu phát triển hiện nay và trong giai đoạn tới. Từ đó xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, các tiêu chuẩn, chuẩn mực giá trị đối với từng chủ thể trong cuộc sống và lao động của mọi người, mọi chủ thể trong xã hội, trở thành thước đo giá trị sống trong xã hội.

 

(2). Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh - bền vững, phát triển theo chiều sâu của giai đoạn mới; để làm giá đỡ cho sự hình thành và phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội tích cực, tạo động lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để chống lại các giá trị tiêu cực, các thói hư, tật xấu; làm cơ sở để hình thành và khẳng định các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội của một xã hội tiên tiến - văn minh.

 

Hoàn thiện đồng bộ hệ thống luật pháp theo tinh thần và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền: thượng tôn pháp luật, dân chủ và pháp quyền, bảo vệ và phát huy cao quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó cũng là cơ sở để xây dựng và phát triển môi trường sống, môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, trong đó mỗi con người đều được tôn trọng và có điều kiện phát triển toàn diện mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội.

 

(3). Cần xác định rõ nội dung văn hóa trong phát triển của tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách phát triển phù hợp. Đây sẽ là cơ rất quan trọng để hiện thực hóa và phát triển những giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội trở thành động lực phát triển đất nước nhanh - bền vững trong giai đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

(4). Cần nhận thức rõ và chế định tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội phải là những thiết chế văn hóa - xã hội gắn liền với những yêu cầu và tiêu chí về phát triển giá trị con người, giá trị công dân, giá trị công chức - công vụ...Cần đặc biệt coi trọng xây dựng thể chế - thiết chế văn hóa đối với các chủ thể: gia đình, nhà trường, các tổ chức và đơn vị trong hệ thống chính trị, xã hội, doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư. Khuyến khích xây dựng và phát triển các thể chế - thiết chế phi chính thức lành mạnh, tích cực, như: hương ước, dòng tộc, cộng đồng dân cư, các giá trị tích cực và lành mạnh của tôn giáo...

 

 (5). Cần rất coi trọng xây dựng các thể chế - thiết chế để liên kết được các giá trị tích cực, kết hợp hài hòa, hiệu quả các giá trị của các chủ thể trong xã hội (giá trị các nhân, giá trị gia đình, với giá trị từng tổ chức, với giá trị xã hội, quốc gia - dân tộc, với giá trị nhân loại - quốc tế) theo chiều ngang và chiều dọc thành những giá trị chung, tạo nên sự đồng thuận xã hội cao, làm nên biểu tượng và sức mạnh lớn lao của đất nước trong quá trình phát triển. Cốt lõi xuyên suốt cơ chế liên kết các giá trị này là lợi ích (tinh thần và vật chất, phẩm giá con người và vị thế quốc gia - dân tộc...). Các giá trị này được tích hợp lại với nhau thành một hệ thống và khi hiện thực hóa tạo được động lực phát triển đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

 (6). Đảng và Nhà nước phải trở thành nhân tố then chốt - quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh - bền vững đất nước. Do đó, Đảng và Nhà nước (và từng tổ chức, từng thành viên) phải xây dựng được hệ giá trị của chính mình, tiêu biểu cho những giá trị phát triển tốt đẹp của dân tộc; phải xây dựng được thể chế và thiết chế để hiện thực hóa các giá trị đó trong thực tiễn lãnh đạo và quản lý phát triển đất nước; tạo lập niềm tin của nhân dân và của xã hội vào tấm gương sự lãnh đạo - quản lý của mình. Đảng và Nhà nước phải tiếp tục đổi mới - hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách và phương thức lãnh đạo, quản lý xây dựng và phát triển con người - phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, thông qua hoàn thiện đồng bộ thể chế, cơ chế, chính sách và phương thức lãnh đạo, quản lý - quản trị phát triển trong tất cả các lĩnh vực của đất nước. /.

(Hết)

PGS.TS Trần Quốc Toản

                       

                             Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

                            Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

 



           [1] UNESCO: Cultural Industries - a challenge for the future of culture, Paris, 1982.

           [2] UNESCO: Statistics on cultural industries: Framework for the Elaboration of National Data Capacity Building Projects, Bangkok, 2007, tr.11.

           [3] Như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết