Thứ Bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Vai trò của cộng đồng xã hội trong chăm sóc người cao tuổi trước xu hướng dân số già: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Ngày phát hành: 23/11/2023 Lượt xem 333

 

 

1. Đặt vấn đề

 

Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Bởi điều này mang ý nghĩa chìa khóa đối với tất cả các chiều cạnh phát triển của mỗi xã hội. Với Việt Nam một quốc gia đang trong quá trình CNH, HĐH thì già hóa dân số là vấn đế thách thức lớn trong tiến trình này. Nhận thức được tầm quan trọng của giải quyết bài toán già hóa dân số với quá trình CNH, HĐH, năm 2019 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu các giải pháp ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Thực tiễn các quốc gia phát triển trên thế giới như Đức, Pháp, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc ...đã và đang phải đối diện với thách thức của dân số già tác động đến nền kinh tế và hệ thống lương hưu, bảo trợ xã hội cũng như thị trường lao động đang là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay.

 

Theo quan niệm quốc tế, dân số được gọi là già hóa khi người cao tuổi chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong toàn bộ dân số. Với mỗi quốc gia khi mức sinh giảm và tuổi thọ tăng thì dẫn đến già hóa dân số là mang tính quy luật. Theo số liệu thống kê năm 2011-2012 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ già hóa và ước tính vào năm 2049, nước ta sẽ có 26,10% là người cao tuổi, có nghĩa cứ 3 người Việt Nam thì sẽ có 1 người từ 60 tuổi trở lên[1]; đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ dân số già, có sự chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Điều đáng nói hơn là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nói trên kéo dài hàng trăm năm. “Bước nhảy vọt” của tiến trình già hóa dân số sang dân số già ở Việt Nam chính là những rào cản thách thức tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nếu không có chiến lược, giải pháp phù hợp thích ứng sớm chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội tiêu cực do áp lực của dân số già gây nên.

 

Quá trình giá hóa dân số diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhiều vấn đề xã hội nan giải, yêu cầu có sự chung tay, hỗ trợ, góp sức của toàn xã hội trong xử lý, giải quyết, đặc biệt là công tác chăm sóc người cao tuổi. Tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng của các quốc gia trên thế giới có giá trị nhất định trong xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách, kế hoạch, loại hình chăm sóc sức khỏe với đối tượng người cao tuổi ở nước ta hiện nay.

 

2. Phát huy vai trò của cộng đồng trong chăm sóc người cao tuổi: kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

 

Ở khu vực châu Á

 

Tại Xin-ga-po: Hệ thống dịch vụ y tế cộng đồng dành cho người cao tuổi chủ yếu được cung cấp bởi Quỹ Chăm sóc tại nhà (gồm dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày) được thực hiện tại trung tâm chăm sóc sức khỏe dành cho NCT; bên cạnh đó, các chương trình phục hồi chức năng tại nhà được tiến hành bởi đội ngũ y tá chuyên nghiệp cũng được tổ chức. Chính quyền chú trọng việc phối hợp với khoa lão khoa tại các bệnh viện để có sự hỗ trợ về chuyên môn, gia tăng khả năng phản ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp trong quá trình chăm sóc người cao tuổi. Xin-ga-po cũng duy trì hoạt động của các nhóm hỗ trợ (gồm câu lạc bộ phòng chống đột quỵ và chăm sóc tình nguyện), đến nay, nhiều dịch vụ chăm sóc thay thế hiện được cung cấp chủ yếu từ một số nhà tình nguyện. Nhìn chung, mục tiêu chăm sóc người cao tuổi hiệu quả dựa vào cộng đồng nhằm hướng đến cung cấp đầy đủ các dịch vụ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội([2]).

 

Tại Trung Quốc: Hiện dịch vụ chăm sóc NCT tại cộng đồng đã trở thành hoạt động thường xuyên, mang ý nghĩa lớn trong chiến lược phát triển toàn diện lĩnh vực chăm sóc NCT ở đất nước này. Đây là loại hình chăm sóc tổng hợp, có sự tích hợp và được người dân ủng hộ; tạo ra sự kết nối giữa các cơ sở dịch vụ y tế, từ đó, tích hợp phương pháp phục hồi chức năng và dịch vụ điều dưỡng tại cộng đồng thành một nền tảng quản lý chung, đáp ứng mong muốn của người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, đồng thời, đáp ứng nhu cầu bảo đảm sức khỏe trong quá trình già hóa của người cao tuổi. Bên cạnh đó, Trung Quốc chủ động tích hợp các nguồn lực y tế cũng như các nguồn lực tài trợ, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên tục và kết hợp một cách thuận tiện, chuyên nghiệp, như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho người cao tuổi([3]). Đối với đối tượng là NCT mắc bệnh mãn tính, các dịch vụ bác sĩ gia đình và chăm sóc y tế phù hợp như chăm sóc tại nhà và chăm sóc ban ngày có thể được cung cấp thông qua hoạt động chăm sóc tại cộng đồng([4]).

 

Tại Nhật Bản: Đây là quốc gia có dân số siêu già, nhóm dân số cao tuổi năm 2022 đạt khoảng 36,2 triệu người (chiếm 29% tổng dân số); dự báo đến năm 2030, nhóm dân số cao tuổi sẽ tăng lên là 37,3 triệu người nhưng lại chiếm tới 31% tổng dân số (do mức sinh giảm, quy mô dân số cũng giảm) và sẽ tiếp tục tăng lên đến gần 40% tổng dân số vào năm 2060([5]),… do đó, hệ thống dịch vụ tích hợp dựa vào cộng đồng là giải pháp chăm sóc sức khỏe NCT hiệu quả. Bên cạnh đó, sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ, thể hiện nỗ lực phối hợp trong việc chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, góp phần bảo đảm môi trường an toàn cho NCT giữ gìn cuộc sống có ý nghĩa. Tại các khu dân cư thưa thớt, nhiều chương trình thực hiện tái tạo khu vực lân cận (kết nối cộng đồng) được thực hiện, nhằm bảo đảm điều kiện và khả năng hiện có từng địa phương, khu vực đáp ứng quá trình áp dụng hệ thống dịch vụ chăm sóc tích hợp.

 

Nhật Bản cũng tập trung nghiên cứu sự sự đa dạng của yếu tố môi trường sống tác động đến quá trình lão hóa, từ đó, thông qua nỗ lực của nhiều bên liên quan xây dựng chính sách, biện pháp dần thay đổi cuộc sống người cao tuổi theo hướng phù hợp với cộng đồng địa phương([6]). Mặt khác, người cao tuổi được khuyến khích thường xuyên giao lưu bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, như văn nghệ, thể thao và các chương trình tình nguyện, đây vừa là cơ hội để họ vận động, vừa giúp tinh thần trở nên trẻ trung, sảng khoái, từ đó, hạn chế cảm giác cô đơn và những suy nghĩ tiêu cực thường nhật. Đến nay, ở Nhật Bản (nơi 75 tuổi trở lên mới được gọi là “già”), nhiều người cao tuổi vẫn hăng say lao động dù đã quá độ tuổi nghỉ hưu. Những công việc nhẹ nhàng như bán hàng tại cửa hàng tiện lợi, làm nông tại nhà…giúp người cao tuổi ở “đất nước mặt trời mọc” hoạt bát, dẻo dai, tích cực và luôn thấy bản thân có ích.

 

Tại Thái Lan: Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ dân số già đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Xin-ga-po) với tốc độ già hóa dân số nhanh (dưới 1%/năm), trong khi tốc độ gia tăng nhóm dân số cao tuổi khoảng hơn 3%/năm; mặt khác, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên được dự đoán tăng gấp đôi từ 15,7% (năm 2015) lên tới 35,8% (năm 2050); tỷ lệ người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên có nhu cầu chăm sóc dài hạn sẽ tăng gấp năm lần, từ 2,2% (năm 2015) lên 10,7% (năm 2050)([7]).

Năm 2005, chương trình chăm sóc y tế tại nhà được Nhà nước Thái Lan ban hành, đến năm 2011 có tới 95,6% chính quyền địa phương thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà nhằm hỗ trợ đối tượng người cao tuổi xử lý các vấn đề sức khỏe mãn tính hoặc bị tàn tật (những người tuy đã kết thúc điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn cần chăm sóc tại nhà). Chương trình cung cấp các dịch vụ thăm khám, chăm sóc sức khỏe tại nhà được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, y tá, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia tâm lý, cán bộ phát triển xã hội và cán bộ y tế cộng đồng,... Bên cạnh đó, nhiều dự án, câu lạc bộ người cao tuổi được tổ chức, hướng tới thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cao tuổi; những người cao tuổi độc lập, có khả năng tự chăm sóc có thể giúp đỡ những người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, phải phụ thuộc vào người khác. Chính quyền cũng hỗ trợ tiếp cận kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho các đối tượng người cao tuổi, đồng thời, đưa ra các tư vấn liên quan đến quá trình chăm sóc người cao tuổi([8]).

 

Ở khu vực châu Âu

 

Hiện nay, dân số châu Âu đang già đi nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp trong khi tuổi thọ ngày càng tăng; khoảng 50% dân số liên minh châu Âu (EU) có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên cho biết họ bị hạn chế các hoạt động hằng ngày do có các vấn đề về chức năng thể chất hoặc giác quan([9]); do đó, nhiệm vụ cải thiện hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc cần được được đặt ra nhằm hỗ trợ xử lý các căn bệnh tuổi già, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển và duy trì sức khỏe NCT. Mặt khác, mô hình trong cách chăm sóc cần được đổi mới theo hướng xác định rõ nhu cầu NCT và bảo đảm sự độc lập, trao quyền cũng như khả năng hòa nhập của họ([10]).

 

Hội Chữ thập đỏ châu Âu là tổ chức tích cực đưa ra phương pháp thúc đẩy các cộng đồng thân thiện với NCT nhằm tăng cường tính năng động và khỏe mạnh trong quá trình lão hóa bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong nỗ lực tạo ra môi trường thân thiện với NCT, đồng thời giải quyết các vấn đề về sự cô đơn trong xã hội; chủ động thiết kế, thực hiện, phối hợp nhằm liên tục cải thiện dịch vụ và cung cấp các giải pháp để giúp cho người cao tuổi sống trong môi trường thân thuộc. Bên cạnh đó, Hiệp hội chữ thập đỏ các quốc gia thực hiện quá trình xúc tiến, phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ để xây dựng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp; tập trung hỗ trợ tâm lý và sự hòa nhập xã hội của NCT thông qua tổ chức các hoạt động giải trí, đánh giá cao kinh nghiệm và kỹ năng của NCT, đồng thời khuyến khích NCT có nhiều hoạt động gắn bó hơn với gia đình và bạn bè,...

 

Ở nước Đức, tỷ lệ người cao tuổi cần được chăm sóc dự kiến sẽ tăng từ 2,4 triệu người (năm 2015) lên 3,2 triệu người (năm 2030). Hiện phần lớn những người cần được chăm sóc thích ở trong môi trường quen thuộc của họ càng lâu càng tốt để duy trì mức độ tự chủ cao và các mối quan hệ xã hội của họ([11]); hàng xóm, bạn bè và tình nguyện viên có thể giúp những người cần hỗ trợ và chăm sóc điều dưỡng tại cộng đồng và NCT có thể giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời, phương pháp chăm sóc tại nhà cũng và cộng đồng được khuyến khích vì nó ít tốn kém hơn cho nhà nước và hệ thống an sinh xã hội([12]). Chính quyền thành phố có trách nhiệm lớn trong việc định hình các cơ cấu chăm sóc và hỗ trợ, tạo điều kiện và định hình sự tương tác giữa các nguồn lực gia đình, khu phố và cộng đồng xã hội với các dịch vụ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ già hóa gia tăng, tình trạng di cư trong nước và cơ cấu gia đình thay đổi cũng tạo ra những thách thức mới cho nhiều cộng đồng trong việc định hình điều kiện sống của người cao tuổi.

 

3. Hàm ý chính sách cho Việt Nam trong chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng xã hội

 

Hiện nay, nước ta có trên 12,5 triệu NCT, trong đó, hơn 6,5 triệu người đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất (khoảng 400 nghìn NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi); là lực lượng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, như tham gia xây dựng đảng, chính quyền ở cơ sở, cung cấp sức lao động, hiến đất, ủng hộ của cải, vật chất trong hoạt động xây dựng đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, khuyến học,…

 

Ở Việt Nam, đối tượng người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân kính trọng, tôn vinh; được tạo điều kiện để phát huy vai trò, kinh nghiệm trong công cuộc phát triển đất nước thông qua nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Để giải quyết hiệu quả những vấn đề liên quan đến quá trình già hóa dân số và bảo đảm lợi ích, an sinh xã hội cho đối tượng người cao tuổi, có thể nói rằng, biện pháp phát huy vai trò của cộng đồng trong chăm sóc NCT là một hướng đi phù hợp với văn hóa cộng đồng, truyền thống tôn trọng NCT và điều kiện vật chất hiện nay của nước ta; đồng thời, góp phần trút bỏ gánh nặng cho gia đình và các hệ thống cơ sở y tế các cấp. Từ kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, để thu hút, tận dụng, phát huy vai trò, năng lực của toàn xã hội đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thời gian tới, cần nghiên cứu, ban hành, triển khai thực hiện một số chính sách với các nội dung trọng tâm sau:

 

Thứ nhất, chú trọng, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền thụ hưởng sự chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và nâng cao tuổi thọ đối với đối tượng là người cao tuổi([13]). Đặc biệt, trước mắt cần chú trọng thực hiện đạt và vượt mục tiêu “Đến năm 2030 bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; được quản lý khám sức khỏe, khám chữa bệnh và chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”([14]) được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030). 

 

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người cao tuổi tại các xã, phường, thị trấn (cơ sở gần nhất), bao gồm các dịch vụ chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng và chăm sóc ban ngày dưới sự hỗ trợ, thực hiện cua đội ngũ nhân viên y tế đã qua đào tạo, có kết nối với các cơ sở y tế, bảo đảm xử lý kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của các tổ chức, nhóm hỗ trợ và nhóm chăm sóc tình nguyện gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nội dung, phương thức, loại hình chăm sóc NCT; phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Người cao tuổi,... trong các phong trào tôn vinh, chăm sóc NCT, như “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”, “Tuổi cao gương sáng”,...

 

Thứ ba, phát triển các dịch vụ chăm sóc NCT gắn với sự tích hợp các nguồn lực y tế, nguồn tài trợ, đồng thời cung cấp các dịch vụ liên tục, đồng bộ, thuận tiện, chuyên nghiệp như nhập viện, chăm sóc phục hồi chức năng và chăm sóc cuộc sống ổn định cho người cao tuổi mắc bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, chăm sóc NCT cần có sự tham gia của các bên liên quan từ chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp nhằm phối hợp hiệu quả trong quá trình chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi, góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi cho họ có được sự an toàn và cuộc sống có ý nghĩa; mặt khác, không ngừng xây dựng môi trường sống lành mạnh, thân thiện với đối tượng NCT.

 

Thứ tư, tập trung nguồn lực phù hợp để phát triển vốn xã hội về thể chế, con người (gia đình, cộng đồng, tôn giáo), văn hóa và trí tuệ; không ngừng nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, đóng góp cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đối tượng NCT trong cộng đồng. Bên cạnh đó, xây dựng, áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt trong quản lý hệ thống chăm sóc người cao tuổi thông qua việc lập kế hoạch và ngân sách rõ ràng, minh bạch; quản lý nguồn nhân lực cả về khía cạnh y tế và xã hội, đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ chăm sóc chính thức và không chính thức tại cộng đồng nhằm bảo đảm nguồn nhân lực; phát triển mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn dựa vào cộng đồng, tập trung vào chất lượng, kết nối và tích hợp mọi lĩnh vực nhằm cung cấp chất lượng chăm sóc các nhóm người cao tuổi.

 

Thứ năm, xác định các tiêu chuẩn chất lượng cho các dịch vụ chăm sóc, cũng như có chính sách công nhận, khuyến khích, hỗ trợ cho lực lượng lao động và người chăm sóc không chính thức; đồng thời, hướng dẫn các kỹ năng số có thể, khuyến khích NCT trao đổi nhiều hơn với gia đình và bạn bè. Mặt khác, chính quyền cơ sở cần có trách nhiệm định hình các cơ cấu chăm sóc và hỗ trợ NCT phù hợp với điều kiện địa phương. Chú trọng xây dựng “cộng đồng dựa trên sự đoàn kết” và phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn, góp phần giúp NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, góp phần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

 

Đặng Thị Ánh Tuyết*

 

 



* PGS,TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

[1].Theo báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách” của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) năm 2011

 

([2]) Lee K. S., Owen R.E., Choo P.W., Jayaratnam F.J.: “The role of community health care team in the care of the elderly” (Tạm dịch: Vai trò của đội ngũ chăm sóc ức khỏe cộng đồng đối với hoạt động chăm sóc người cao tuổi), Singapore Medical Journal, tháng 8 - 1991

 

([3]) Xu L. và Zhang Y.: “Grding nursing care study in integrated medical and nursing care institution based on two-stage gray synthetic clustering model under social network context” (Tạm dịch: Phân loại nghiên cứu chăm sóc điều dưỡng tại các cơ sở chăm sóc điều dưỡng và y tế tích hợp dựa trên mô hình phân cụm tổng hợp màu xám hai giai đoạn trong bối cảnh mạng xã hội”, International Journal of Environmental Research and Public Health, Switzerland, 2022, https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36078579/

 

([4]) Smith SM, Soubhi H, Fortin M, Hudon C, O'Dowd T. Managing patients with multimorbidity: systematic review of interventions in primary care and community settings. BMJ. (2012) 345:e5205. doi: 10.1136/bmj.e5205

([5]) Xem: TH: “Việt Nam và Nhật Bản trao đổi kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 29-8-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhat-ban-trao-doi-kinh-nghiem-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-645280.html

([6])Xem:Leng Leng Thang, Yoshimichi Yui, Yoshiki Wakabayashi và Hitoshi Miyazawa: “Promoting 
agerndly community of support and care in Japan's aging neighborhood: The Nagayama model” 
(Tạm dịch: Thúc đẩy cộng đồng hỗ trợ và chăm sóc thân thiện với người già ở Nhật Bản: Mô hình 
Nagayama”, Aging and Health Research, Japan, Volume 3, issue 1, tháng 3 - 2023, tr. 1 - 6 
([7]) Xem: Nguyễn Thị Hoài Thu: “Chính sách phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại Thái Lan”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 8-7-2022, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/4326-chinh-sach-phat-trien-he-thong-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-tai-thai-lan.html

([8]) Prachuabmoh, V.: “A lesson learned from community-based integrated long-term care in Thailand” (Tạm dịch: Kinh nghiệm từ chăm sóc dài hạn tích hợp dựa trên cộng đồng ở Thái Lan), Asia Pacific Journal of Social Work Development,  United Kingdom, 2015, tr. 213 - 224

 

([9]) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong công thân thiện với người già”, The Red Cross EU Office, Belgium, ngày 7-9-2022, https://redcross.eu/latest-news/caring-for-older-people-in-age-friendly-communities#_ftn1

 

([10]) Xem: “Caring for older people in age-friendly communities” (Tạm dịch: Chăm sóc người cao tuổi trong công thân thiện với người già), Tlđd

 

([11]) Xem: Heuchert M., König H. và Lehnert T.: “The role of preferences in the German long-term care insurance - results from expert interviews” (Tạm dịch: Tầm quan trọng của các chính sách ưu đãi trong bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi ở Đức - kết quả từ phỏng vấn các chuyên gia), Gesundheitswesen, Germany, số 79, tháng 12 - 2017, tr. 1052 – 1057

 

([12]) Xem: Hajek A., Lehnert T., Wegener A., et al: “Factors associated with preferences for long-term care settings in old age: evidence from a population-based survey in Germany” (Tạm dịch: Những yếu tố ảnh hưởng mong muốn lựa chọn cơ sở chăm sóc sức khỏe tuổi gia: Góc nhìn từ khảo sát người dân ở Đức), BMC Health Service Research, Springer Nature, (17:156), 2017, tr. 1 - 9

 

([13]) Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” xác định nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về công tác dân số trong tình hình mới”; Chỉ thị số 59-CT/TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư, “Về chăm sóc người cao tuổi” xác định chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; Luật Người cao tuổi năm 2009; Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31-7-2017, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020” ; Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25-4-2015, của Thủ tướng Chính phủ,  về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, đây là dịp kêu gọi sự hưởng ứng của toàn xã hội tích cực tham gia chăm sóc người cao tuổi,…

 

([14]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sdđ, t. I, tr. 271

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết