I. Thực trạng hệ thống trợ giúp xã hội ở nước ta
Việc đánh giá thực trạng hệ thống trợ giúp xã hội ở nước ta hiện nay sẽ được mô tả phân tích trên hai khía cạnh chủ yếu đó là xây dựng và thực hiện luật pháp, chính sách về trợ giúp xã hội. Trợ giúp xã hội có nội hàm rất rộng, trong phạm vi nghiên cứu này bài viết chỉ tập trung vào phân tích đánh giá các chương trình chính sách trợ cấp tiền mặt, trợ giúp đột xuất và chăm sóc xã hội thuộc ngành LĐTB&XH quản lý
1. Luật pháp và chính sách
Hệ thống luật pháp và chính sách về trợ giúp xã hội thuộc lĩnh vực ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã từng bước được hoàn thiện và đã được quy định tại trên 10 Bộ luật, luật và hơn 30 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ Tướng Chính Phủ; hơn 40 Thông tư, Thông tư liên tịch cấp bộ và nhiều văn bản có nội dung liên quan. Trong đó có những văn bản quan trọng như Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 13/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020; Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/07/2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/08/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/04/2015 phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 và một loạt các chương trình liên quan đến bảo vệ chăm sóc trẻ em và trợ giúp người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm và bình đẳng giới.
Nếu xem xét trợ giúp xã hội trên bình diện rộng hơn thì nước ta có hàng trăm chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác, do nhiều bộ ngành làm đầu mối quản lý. Riêng chính sách trợ giúp đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đã có tới 118 chương trình, chính sách đan xen vào nhau. Đó là cơ hội cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những người yếu thế (gọi chung là đối tượng trợ giúp xã hội) nhưng cũng là bất cập trong hoạch định và triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở nước ta.
2. Kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
Trợ cấp xã hội ở cộng đồng: Số lượng và tỷ lệ người được hưởng trợ cấp xã hội ở cộng đồng không ngừng tăng lên từ 2,6 triệu người (chiếm 1.63% dân số) năm 2014 lên 2,863 triệu người (chiếm 2.95% dân số) vào năm 2018. Trong số 2.863 triệu người đang hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tháng ở cộng đồng có: 42.734 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1.634.367 người cao tuổi; 1.012.623 người khuyết tật và 172.844 đối tượng khác.
Mức chuẩn trợ cấp được điều chỉnh tăng đồng biến với tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế của đất nước và nguồn lực thực hiện của các địa phương. Theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 270.00đ/tháng. Mức trợ cấp này vẫn chưa đáp bảo đảm được mức sống tối thiểu của người dân; vì vậy, một số địa phương đã tự chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn chung của cả nước, cụ thể: Hà Giang (320.000đ), Quảng Ninh (350.000đ), Hà Nội (350.000đ), Đà Nẵng (405.000đ), Bình Dương (340.000đ), Đồng Nai (300.000đ), Hồ Chí Minh (380.000đ), Khánh Hòa (300.000đ), Bà Rịa - Vũng Tàu (320.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ), Quảng Nam (nâng chuẩn trợ cấp xã hội lên 1,5 lần so với Nghị định 136).
Về phát triển cơ sở trợ giúp xã hội và chăm nuôi dưỡng tập trung: Việc thành lập và hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 10 người trở lên đã được quy định khá chặt chẽ, nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Số lượng cơ sở trợ giúp xã hội cũng khá nhiều so với quy mô dân số và phân bố ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Từ năm 2008 trở lại đây, các cơ quan quản lý cũng đã quan tâm đến việc ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. (Nghị định 68, Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; Thông tư 04, Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội). Tính đến tháng 12/2018, nước ta có khoảng 420 cơ sở trợ giúp xã hội, với 14.500 cán bộ, nhân viên ( bình quân 36 cán bộ nhân viên /1 cơ sở); nuôi dưỡng, chăm sóc 41.434 đối tượng bảo trợ xã hội ( bình quân chăm sóc nuối dưỡng 103/1 cơ sở); trong đó có 11.365 trẻ em; 4.723 người cao tuổi; 8.218 người khuyết tật nặng; 10.438 người tâm thần; 1.421 người nhiễm HIV/AIDS và 5.269 đối tượng khác.
Trong số 420 cơ sở trợ giúp xã hội có 213 cơ sở công lập và 207 cơ sở ngoài công lập; xét về số lượng cơ sở trợ giúp xã hội thì khu vực ngoài công lập cũng chiếm tỷ lệ 49%; Tuy vậy, quy mô chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng thường nhỏ đa phần dưới 50 người/1 cơ sở và chủ yếu là chăm sóc nguôi dưỡng trẻ em. Đa phần các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập do các tổ chức xã hội thành lập; một số cơ sở do tổ chức tôn giáo thành lập (Chùa Bồ Đề thành phố Hà nội, chùa Kỳ Quang Thành phố Hồ chí Minh, nhà thờ 40 Nhà chung Hà Nội, Thánh địa cao đài Tây Ninh…) cũng tham gia vào cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội với ý nghĩa “ tốt đời- đẹp đạo”; có một số ít cơ sở trợ giúp xã hội do tư nhân thành lập hoạt động vì mục đich nhân đạo từ thiện; song cũng có cơ sở trợ giúp xã hội d o tư nhân thành lập hoạt động mang tính chất dịch vụ như nhà dưỡng lão dành cho người cao tuổi (Trung tâm nhân ái, Cầy Giấy Hà Nội).
Về đào tạo nghề công tác xã hội: Thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, số lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội tăng nhanh (hiện nay, có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội). Chuyên ngành này cũng đã thu hút được nhiều sinh viên theo học (số tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân/năm); có 07 trường đã tiến hành đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ngành công tác xã hội. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, đào tạo công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học cho khoảng 3.000 lượt người/năm; hỗ trợ các tỉnh, thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên công tác xã hội.
Trợ giúp đột xuất: Tính từ 2010-2018 thiên tai đã làm 2.150 người chết và mất tích, 3.391 người bị thương, 41.329 lượt nhà bị đổ, sập, trôi, 3.156.312 lượt nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, hàng triệu lượt ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại, hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp. Ước tổng thiệt hại về tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng khoảng 152.547 tỷ đồng.
Chính sách trợ giúp đột xuất cũng đã và đang được hoàn thiện theo hướng từng bước bảo đảm ổn định đời sống dân sinh và khắc phục một phần hậu quả thiên tai. Để bảo đảm nguồn lực thựchiện chính sách, trong vòng 5 năm từ 2014-2018, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 195.261 tấn gạo 11.403.756 lượt người. Việc trợ giúp khẩn cấp cho những người, hộ gia đình gặp rủi ro, đặc biêt do thiên tai được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, nguồn lực vật chất tại chỗ, chỉ huy tại chỗ nên đã cơ bản đáp ứng kịp thời được nhu cầu về bảo đảm an sinh cho người dân trong tình trạng khẩn cấp. Trong xu thế chuyển đổi sang nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, công tác TGĐX đã có những đổi mới về quan điểm, nhận thức trong hoạch định và tổ chức thực hiện với hai chức năng cơ bản là trợ giúp để người dân và cộng đồng ổn định tạm thời cuộc sống và trợ giúp để duy trì và phát triển.
Đánh giá chung về điểm mạnh của chính sách trợ giúp xã hội
Trong quá trình đổi mới,chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ở nước ta, nhận thức về TGXH ngày càng rõ, nhất quán với quan điểm xuyên suốt là gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiên tiến bộ, công bằng xã hội. Từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội là một bộ phận cấu thành của hệ thống an sinh xã hội toàn dân, gắn kết với hệ thống chính sách xã hội chung. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội nói chung, đảm bảo ASXH (trong đó có TGXH) nói riêng, coi đây là quyền của người dân được hưởng mức sống tối thiểu và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Quan điểm này cũng được thể hiện trọng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về Định hướng một số chính sách đến năm 2020.
Hệ thống luật pháp về TGXH ngày càng đầy đủ, thể hiện sự cam kết cao trong thực hiện các mục tiêu TGXH của Nhà nước được thể chế hóa từ hình thức cao nhất là Hiến pháp, đến Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Chính sách, pháp luật TGXH luôn được bổ sung, sửa đổi phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng biến động của những người cần TGXH. Chính sáchTGXH được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng theo vòng đời nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời. Chính sách TGXH từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng. Nhìn chung TGXH đã tạo thành lưới an toàn xã hội rộng khắp, đan xen, có khả năng bao phủ nhiều đối tượng thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Hệ thống dịch vụ TGXH ngày càng phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc đối tượng TGXH. Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của hệ thống các cơ sở dịch vụ TGXH công lập và ngoài công lập thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng. Phương thức hoạt động của nhiều cơ sở được cải tiến, tăng cường kết nối với cộng đồng, gia đình trong cung cấp các dịch vụ TGXH cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng. Đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội được tăng cường, một số địa phương đã bố trí được đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội; công tác đào tạo, tập huấn về nghề công tác xã hội được quan tâm hơn nên đã nâng cao một bước về chất lượng dịch vụ.
Đối tượng hưởng TGXH được mở rộng. Năm 2005, có khoảng 416 nghìn đến cuối năm 2015 đã có hơn 2,643 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, (tăng gần 6,5 lần so với năm 2005), năm 2018 có 2,863 triệu đối tượng (tăng gần 7 lần so với năm 2005). Mức TGXH liên tục được điều chỉnh tăng lên. Mức chuẩn trợ cấp năm 2000 là 45.000 đồng/tháng, đến năm 2006 tăng lên 65.000 đồng/người/tháng, đến năm 2007 tăng lên 120.000 đồng/tháng, năm 2010 tăng lên 180.000 đồng/tháng và đến năm 2013 là 270.000 đồng/tháng, tăng 6 lần so với năm 2000.
Nhiều mô hình TGXH thành công trong chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, trợ giúp người cao tuổi do các địa phương thực hiện. Các tổ chức đoàn thể, xã hội cũng có nhiều chương trình xã hội nhân đạo, từ thiện trợ giúp các đối tượng trợ giúp xã hội như chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; chương trình phẫu thuật nụ cười; chương trình giáo dục chuyên biệt, hoà nhập; quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh.
Trợ giúp xã hội đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống và hòa nhập cộng đồng cho đại đa số đối tượng trợ giúp xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đình và cộng đồng.
Hạn chế của hệ thống trợ giúp xã hội
Mức độ bao phủ chính sách trợ cấp tiền mặt thấp, chỉ chiếm khoảng gần 3% dân số. Trên thực tế thì vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn nhưng chưa được hưởng chính sách, như: trẻ em nghèo dân tộc thiểu số, người nghèo khi mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị bệnh dài ngày. Đặc biệt trong tổng số 24 triệu trẻ em dưới 15 tuổi mới chỉ có 42.734 trẻ em được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (tương đương với 0.18%).
Các chế độ, chính sách mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần các nhu cầu thiết yếu của đối tượng. Mức chuẩn trợ cấp xã hội là 270.000 đồng/tháng, tương đương với 25kg gạo, bằng 20% mức lương cơ sở, tương đương khoảng 7,5% GDP bình quân đầu người chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của đối tượng. Trong khi đó, từ năm 2013 đến nay mức lương cơ sở đã được điều chỉnh 4 lần, tăng 30% (tháng 7/2013 là 1.150.000 đồng, tháng 5/2016 là 1.210.000 đồng, tháng 7/2017 là 1.300.000 đồng, tháng 7/2018 là 1.390.000 đồng; chuẩn nghèo thu nhập tăng gần 57% (giai đoạn 2011-2015 là 400.000 đồng đối với khu vực nông thôn, 500.000 đồng đối với khu vực thành thị; giai đoạn 2016-2020 là 700.000 đồng đối với khu vực nông thôn và 900.000 đồng đối với khu vực thành thị).
Thủ tục hành chính còn phức tạp, xét duyệt thủ công, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đăng ký và quản lý đối tượng dẫn đến việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, chồng chéo và còn nhiều bấp cập, mức độ “rò rỉ” và “bỏ sót” đối tượng còn cao, giảm hiệu quả trong việc quản lý và xét duyệt hồ sơ.
Bất cập của Hệ thống trợ giúp xã hội xét trên diện rộng
Thứ nhất, có quá nhiều chính sách trợ giúp và văn bản quy định về chính sách trợ giúp xã hội dẫn đến tình trạng chồng chéo chính sách, đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các chính sách về giảm nghèo, chính sách trợ giúp trẻ em, chính sách trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận xây dựng chính sách trợ giúp vẫn mang tính chất ứng phó với tình huống cụ thể, tản mạn nhiều lĩnh vực, tầm nhìn ngắn hạn chưa mang tính tổng thể toàn diện.
Thứ hai , có quá nhiều cơ quan đầu mối quản lý chính sách trợ giúp xã hội ( Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, UBDT, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương dẫn đến tình trạng chính sách trợ giúp tản mạn, mức hỗ trợ không thống nhất, hiệu quả chính sách không cao, lãng phí nhân lực quản lý xác định đối tượng thụ hưởng chính sách và thực hiện chính sách còn nhiều sai sót, vì không có đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội mang tính chuyên nghiệp.
Thứ ba, độ bao phủ của chính sách trợ cấp tiền mặt hiện nay còn ở mức thấp so với nhiều nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như nước ta (khoảng gần 3% dân số) và mức trợ cấp quá thấp đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi không người chăm sóc, người khuyết tật nặng không tự đảm bảo được cuộc sống (mức chuẩn trợ cấp chỉ bằng khoảng 38,5% chuẩn nghèo về thu nhập đối với vùng nông thôn và 30% chuẩn nghèo về thu nhập đối với vùng đô thị; và bằng 20% mức lương cơ sở). Việc thực hiện chính sách ở các địa phương chưa có sự cắt lát rõ ràng về đối tượ ng của chính sách trợ cấp tiền mặt và đối tượng của chính sách giảm nghèo.
Thứ tư, hệ thống trợ giúp xã hội hiện nay chưa đáp ứng khả năng chống chịu và khả năng ứng phó cao trước các rủi ro. Sự ứng phó của người dân trước các cú sốc/ rủi ro còn mang tính bị động nhiều hơn chủ động, chi phí cao hiệu quả thấp, thậm chí chấp nhận hậu quả gây ra trong các tình huống khẩn cấp. Rất nhiều người dân trong các tình huống rủi ro đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn, nguồn dự trữ không có đã ứng phó bằng cách vay với lãi suất cao; giảm chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày, giảm chi tiêu cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe; đi làm xa nhà kiếm tiền trả nợ không còn thời gian chăm sóc con cái.
Thứ năm, sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội và các NGO vào hệ thống trợ giúp xã hội chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của nó do thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp. Cơ chế “ mua dịch vụ của khu vực tư nhân” khi họ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng trợ giúp xã hội thuộc diện nhà nước trợ giúp chưa được hình thành; nhà nước chưa có cơ chế khuyến khích hay ưu đãi bằng thuế, cho thuê mặt bằng, cho vay tín dụng ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội, vì vậy sự tham gia của khu vực tư nhân còn rất hạn chế.
II. Đổi mới nhận thức, phương pháp tiếp cận xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, có khả năng ứng phó với rủi ro
1. Đổi mới nhận thức tiếp cận xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội
Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội là một quá trình thay đổi nhận thức tư duy và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, nhưng cần có tầm nhìn dài hạn mang tính hệ thống toàn diện để xác định bước đi cho phù hợp là cách lựa chọn hợp lý nhất, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao nhất cho quá trình đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội ở nước ta.
Trợ giúp xã hội không phải chỉ nhằm vào mục tiêu giúp những người dân gặp rủi ro, yếu thế, thiệt thòi hoặc hẫng hụt trong cuộc sống và người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm cho họ có được m ức sống tối thiểu mà còn phải hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực ứng phó với những rủi ro, tạo cơ hội cho họ hoà nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo ổn định và công bằng xã hội.
Đầu tư cho trợ giúp xã hội là đầu tư cho phát triển một cách hiệu quả, khi người dân có đủ năng lực ứng phó với rủi ro thì nhà nước cũng giảm được chi phí trợ giúp khắc phục hậu quả, thông thương trợ giúp khắc phục hậu quả tốn kém hơn rất nhiều so với trợ giúp mang tính phòng ngừa giảm thiểu rui ro. Đầu tư cho trợ giúp xã hội sẽ làm giảm nhanh tỷ lệ người nghèo và góp phần giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đối tượng của trợ giúp xã hội là tất cả những người dân thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vì vậy chính sách trợ giúp xã hội cần phải giúp họ con cá để họ tồn tại và giúp họ cần câu để họ tự vươn lên và chủ động ứng phó với rủi ro.
2. Hướng đến xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện có khả năng ứng phó với các rủi ro
Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và cộng nghệ 4.0 và kinh nghiệm của các nước phát triển về thiết kế hệ thống trợ giúp xã hội, đó là những tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng Hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, có khả năng ứng phó cao, đó là hệ thống trợ giúp xã hội có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về bảo đảm sinh kế và sự an toàn trong cuộc sống, có tính hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm tính bền vững, có khả năng giúp người dân chủ động trong việc ứng phó với các rủi ro của vòng đời, các cú sốc trong cuộc sống.
Hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện: là hệ thống có khả năng bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân theo vòng đời, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật; có khả năng tăng cường năng lực cho người dân chủ động ứng phó với các cú sốc/rủi ro; có sự gắn kết chặt chẽ với các trụ cột khác của an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội. Hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện cũng là hệ thống được bảo đảm ổn định về mặt tài chính; ổn định về bộ máy tổ chức thực hiện theo hệ thống ngành dọc và duy nhất một đầu mối quản lý; ổn định về chính sách trợ giúp trong từng thời kỳ
Hệ thống trợ giúp xã hội có khả năng ứng phó cao: là hệ thống có khả năng giúp người dân chủ động ứng phó có hiệu quả với các cú sốc về kinh tế, thảm họa thiên tai và các loại hình rủi ro khác; có khả năng cung cấp được các dịch vụ một cách linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trọng các tình huống khẩn cấp.
Ngoài các giải pháp nêu trên cũng cần có các giải pháp khác về xây đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp; thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá đủ mạnh; trợ cấp đột xuất theo mức độ thiệt hại và khả năng ứng phó của hộ gia đình; việc cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội tập trung chủ yếu ở cộng đồng và dựa vào cộng đồng là chính; áp dụng cơ chế ghi danh hay đăng ký được hưởng chính sách trợ giúp xã hội và đánh giá gia cảnh; thiết lập cơ chế khiếu nại - phản hồi về trợ giúp xã hội một cách minh bạch và kịp thời./.