Theo Nikkei Asia ngày 30/1, chiến tranh đang trở thành “hiện trạng mới” trên toàn cầu và các quốc gia cũng như doanh nghiệp đều cần phải tính đến sự lan rộng của xung đột.
Thụy Điển đã không tham chiến trong hơn 200 năm qua, nhưng đến tháng 1 vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng dân sự của nước này đã cảnh báo người dân rằng nền hòa bình lâu dài của họ có thể sớm kết thúc. Hai năm trước việc đưa ra một bình luận như vậy có thể sẽ gây sốc, song ở thời điểm hiện tại, khi Thụy Điển chuẩn bị gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thì không khó để hiểu tại sao giới chức ở Stockholm lại đưa ra cảnh báo như vậy.
Cuộc chiến ở Ukraine chưa biết bao giờ kết thúc và xung đột Israel-Hamas ngày càng lan rộng sang cả Liban, Syria và Biển Đỏ. Căng thẳng leo thang quanh Eo biển Đài Loan sau khi cử tri ở hòn đảo này chọn ứng cử viên Lại Thanh Đức của Đảng Dân tiến (DPP) làm tổng thống tiếp theo, bất chấp việc Bắc Kinh miêu tả nhân vật này là “kẻ ly khai nguy hiểm” và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh sự thống nhất “chắc chắn sẽ thành hiện thực”.
Giới quan sát cũng đang đưa ra một cảnh báo khác về Bán đảo Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chính thức từ bỏ nỗ lực theo đuổi hòa bình với Hàn Quốc và đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Trong khi đó, mối quan hệ hòa bình trước đây giữa Pakistan và Iran đã bất ngờ thay đổi trong tháng 1 này với việc cả hai tiến hành các cuộc tấn công “ăn miếng trả miếng” xuyên biên giới nhằm vào các trại của phiến quân. Trong khi đó, cuộc nội chiến tàn khốc ở Myanmar ngày càng có khả năng lôi kéo các nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc. Khả năng xảy ra chiến tranh cũng rình rập đằng sau những căng thẳng mới xung quanh những yêu sách lãnh thổ giữa Guyana và Somaliland.
Rất ít người muốn chấp nhận ý tưởng rằng thế giới hiện đang có chiến tranh. Và những gì đang xảy ra mới chỉ là sự khởi đầu. Câu hỏi đặt ra là năm 2024 có thể mang lại điều gì khác cho thế giới? Các quốc gia trong quỹ đạo xung quanh Mỹ đang đi theo những hướng khác nhau khi nói đến việc “quản lý chiến tranh”, đặc biệt là khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến gần đến đề cử ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Ở châu Âu, những lời kêu gọi “phòng thủ chủ quyền” đã quay trở lại với việc Liên minh châu Âu (EU) đề xuất quỹ 100 tỷ euro (108,5 tỷ USD) để xây dựng ngành sản xuất quốc phòng trước lo ngại rằng Donald Trump có thể rút Mỹ ra khỏi NATO. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do những lo ngại chung về Trung Quốc, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Philippines đang ngày càng hình thành các liên kết phòng thủ chung dù có hoặc không có sự tham gia của Mỹ.
Sự gia tăng xung đột quân sự có nghĩa là nhiều quốc gia sẽ phải chuẩn bị kinh tế cho “thời chiến” để đảm bảo khả năng chống chọi với áp lực từ các hành động thù địch tiềm tàng trong khi vẫn phát triển và giao thương. Điều này đang góp phần vào nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng cục bộ cũng như tăng cường sản xuất hàng hóa quân sự. “Cổ tức hòa bình” thời hậu Chiến tranh Lạnh đã được chi tiêu một cách xứng đáng và thiết thực.
Trong khi trước đây, tác động tức thời của chiến tranh thường được các quốc gia ở gần nơi xảy ra giao tranh cảm nhận, thì ngày nay tác động đó có thể dễ dàng mang tính toàn cầu (như đã thấy qua tác động gián đoạn của cuộc chiến Ukraine đối với thị trường năng lượng và thực phẩm thế giới). Xung đột lan rộng cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ sẽ phải tự mình lựa chọn từng trận chiến bởi Washington không thể tập trung hoàn toàn vào tất cả các mặt trận.
Quốc gia hùng mạnh nhất thế giới cũng phải cẩn thận để không căng mình quá mức và gây nguy hiểm cho khả năng sẵn sàng chiến đấu của chính mình. Khi ranh giới xung đột mở rộng, Washington có thể sẽ phân bổ các nguồn lực của mình một cách khác nhau. Điều này có thể dẫn đến một số cuộc chiến bị “đóng băng” trong khi những cuộc chiến khác lại trở nên nóng hơn.
Trong khi đó, một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới đã bắt đầu và trở thành đại diện cho cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp quy mô của Mỹ và Nga khi Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ ý tưởng tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Iran cũng đang tiến gần hơn tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân và Hàn Quốc cũng đang nói về điều đó.
Việc phổ biến vũ khí hạt nhân đang được phát triển nhanh chóng và khi xu thế này lan rộng, khả năng sử dụng một số loại vũ khí sẽ tăng lên. Điều này gợi nhớ đến giai đoạn Chiến tranh Lạnh khi mọi người sống dưới sự đe dọa của những đám mây hình nấm.
Điểm cuối cùng cần lưu ý là “khi nào” một cuộc chiến khác sẽ nổ ra? Áp lực địa chính trị “không sớm thì muộn” cũng sẽ nổ tung. Một quân domino đã bị đẩy và những quân khác đang đổ theo. Xung đột ở một nơi trên thế giới đang có những tác động mang tính hệ quả đối với căng thẳng ở những nơi khác.
Một sự biến đổi về địa chính trị đang diễn ra. Trong tương lai, chiến tranh sẽ không còn là sự kiện xảy ra một lần. Thế giới đang ở giữa nhiều cuộc chiến tranh trong đó có nhiều cuộc chiến chưa có hồi kết. Mỗi cuộc chiến đều đang tác động đến các mảng kiến tạo của thế giới theo những cách đáng kinh ngạc. Khi chiến tranh trở thành hiện trạng mới, các bên liên quan trên toàn cầu sẽ phải thích nghi. Cho dù đó là chính sách đối ngoại hay chiến lược doanh nghiệp, chiến tranh giờ đây là một “biến số thường trực” mà mọi người đều phải tính đến (giống như cái chết và thuế).
Thế giới có thể đối phó hết cú sốc này đến cú sốc khác trong bao lâu? Với nền kinh tế toàn cầu đang tiến tới suy thoái, sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh khác hoặc sự leo thang của cuộc chiến hiện tại có thể đẩy thế giới vào tình trạng suy thoái không kiểm soát. Nếu kịch bản này xảy ra, tất cả những cá cược về điều gì diễn ra tiếp theo sẽ không còn ý nghĩa./.
Theo TTXVN