Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 2,7% năm 2020, nhưng khả năng có những tín hiệu phục hồi tốt hơn trong giai đoạn hậu COVID-19.
Theo nhận định của Giáo sư Pankaj Jha, giảng viên của Trường Quan hệ Quốc tế Jindal, Đại học Toàn cầu O P Jindal, Sonepat (Ấn Độ) trên trang tin Modern Diplomacy, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn so với nhiều nền kinh tế châu Á trong khu vực.
Theo Giáo sư Pankaj Jha, dự báo điều chỉnh của IMF được công bố hồi tháng 5/2020 cho biết nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 7% trong năm tới, nhưng dựa vào những tín hiệu đáng khích lệ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể vượt mức dự kiến.
Năm nay, mặc dù nhu cầu giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ đã tác động đến xuất khẩu của Việt Nam và điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng, nhưng việc Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 5% cũng là điều rất đáng khen ngợi.
Với việc khôi phục lại sản xuất một cách nhanh chóng và là sự thay thế tiềm năng đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc tại một số thị trường, Việt Nam có thể có động lực để phục hồi sớm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế này cũng dẫn đến lạm phát gia tăng và có khả năng ở mức hơn 4% trong năm nay.
Trong quý II/2020, các chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam có nhiều triển vọng. Theo Bloomberg, Việt Nam đã công bố thặng dư thương mại 500 triệu USD vào tháng 6/2020, khi trước đó vào tháng 5/2020, Việt Nam bị thâm hụt thương mại 900 triệu USD.
Thị trường Mỹ cũng đang có dấu hiệu phục hồi và thương mại Việt Nam-Mỹ dự kiến sẽ chạm mốc 80 tỷ USD trong những năm tới. Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã và đang tạo điều kiện tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với việc miễn thuế nhập khẩu hơn 71% hàng hóa Việt Nam sang châu Âu, trong khi hơn 65% hàng hóa châu Âu sẽ được miễn thuế vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam đã chứng kiến gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty châu Âu và Mỹ vì sự cải thiện về mặt pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Việt Nam cũng đã có những hành động tích cực để giải quyết một số vấn đề kinh tế đặt ra trong giai đoạn COVID-19. Điều này bao gồm hợp lý hóa cơ cấu thuế, cải thiện cơ sở hạ tầng, giải quyết các thách thức trong kinh doanh, cải cách khu vực công và lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, đồng nội tệ của Việt Nam đã duy trì được sự ổn định tương đối trước những biến động trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Ngoài ra, chi phí lao động tương đối thấp ở Việt Nam cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc tạo ra một hệ sinh thái kinh tế, vốn có thể tạo ra nhiều việc làm. Việt Nam còn là nước có tỷ lệ người biết chữ cao và đang nỗ lực xây dựng một hệ thống giáo dục mới để cung cấp nguồn lao động lành nghề cũng như các chuyên gia về ngôn ngữ để thu hút các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này.
Với việc xác định các cơ sở đào tạo nghề tốt ngày càng hơn, các trung tâm đào tạo kỹ năng chuyên môn hiệu quả và cải thiện giáo dục đại học là trọng tâm chính, điều này sẽ mang lại những thay đổi cần thiết để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, một trong những thành tựu lớn nhất mà Việt Nam đã đạt được trong một thập kỷ qua là sự suy giảm rõ rệt về tham nhũng trên cả nước.
Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực như dệt may, luyện kim, nhựa, giấy, du lịch, nông nghiệp và viễn thông. Việt Nam cũng đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực như ô tô, điện tử và công nghệ phần mềm. Việt Nam hiện đang nỗ lực để thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước châu Á và châu Âu để thúc đẩy sản xuất, đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Tuy nhiên, tiềm năng của ngành dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam vẫn cần thêm động lực từ các lĩnh vực như giáo dục, y học, du lịch và công nghệ thông tin. Mặc dù nhiều nhà phân tích thị trường đã dự đoán rằng Mỹ có thể chuyển chuỗi cung ứng vốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc sang các nước thay thế khác, Việt Nam có thể không phải là quốc gia hưởng lợi ngay từ sự thay đổi đó. Có thể có một vài tập đoàn đa quốc gia chuyển cơ sở sang Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác có lao động giá rẻ nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra sau một thời gian dài.
Tóm lại, Giáo sư Pankaj Jha cho rằng Việt Nam có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao thời hậu COVID-19 dựa vào việc cải cách cơ cấu và các biện pháp tạo điều kiện thúc đẩy thương mại. Do đó, Việt Nam có thể nổi lên như một hình mẫu hoàn hảo ở phía Nam Bán Cầu./.
Theo TTXVN