Chuyên gia Nhật Bản nhìn lại kinh tế Việt Nam 2016-2020
Theo đài BBC, Việt Nam được quốc tế xem là câu chuyện thành công của thế giới, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế ở tốp đầu thế giới trong suốt thập niên qua. (theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới - WB).
Tỷ lệ nghèo cùng cực ở Việt Nam giảm từ 53% năm 1992 xuống còn chưa đến 2% vào năm 2017.
Trong bối cảnh cuộc chuyển giao lãnh đạo 5 năm một lần sắp diễn ra ở Đại hội Đảng XIII, đây cũng là dịp nhìn lại nền kinh tế Việt Nam từ năm 2016 tới nay.
Bà Mai Fujita, Tiến sĩ, chuyên gia từ Viện các nền kinh tế đang phát triển (Institute of Developing Economies), thành phố Chiba (Nhật Bản), đã dành nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Mai Fujita chỉ ra một số ưu tiên kinh tế của chính phủ Việt Nam từ sau Đại hội Đảng XII năm 2016 đến nay:
“Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng”
“Đổi mới mô hình tăng trưởng, trước đây chủ yếu dựa vào sức lao động và vốn, chuyển sang mô hình dựa vào cải thiện năng suất, tiếp tục là nghị trình chủ yếu kể từ Đại hội Đảng XI năm 2011. Trong nửa đầu thập niên (2011-2015), Việt Nam tập trung vào hồi phục sau bất ổn kinh tế vĩ mô và tăng trưởng chậm do khủng hoảng tài chính toàn cầu và thất bại của các tập đoàn quốc doanh. Nghị trình giai đoạn 2016-2020 bao gồm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho mọi khu vực kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, chú trọng sáng tạo. Giai đoạn này cũng tăng tốc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính và đầu tư công. Sự chậm trễ của các kế hoạch trên đã kéo lùi nền kinh tế Việt Nam”.
Tiến sĩ Mai Fujita cho rằng các chỉ số kinh tế của Việt Nam thời gian qua là “ấn tượng”. Việt Nam đã tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động thương mại hội nhập ngày càng sâu rộng với các đối tác chủ yếu ở Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và châu Âu.
Tài sản của người dân đã tăng theo thời gian. WB ước tính tầng lớp “người tiêu dùng”, chi tiêu từ 5,5 USD trở lên mỗi người mỗi ngày, đã tăng từ khoảng 49% trong năm 2010 lên hơn 70% vào năm 2016.
Từ 2002 - 2018, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019.
Bà Mai Fujita nhận xét: “Tăng trưởng đẩy nhanh nhờ xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và tiêu thụ mạnh trong nước. Tình trạng của doanh nghiệp nhà nước, nợ công và khu vực tài chính cũng cải thiện”.
Tuy vậy, cải cách những năm vừa qua cũng có những hạn chế.
Bà nhấn mạnh: “Năng suất lao động của Việt Nam có vẻ đi sau các nước trong khu vực, cho thấy Việt Nam chỉ mới đạt tiến bộ hạn chế trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Mặc dù có nỗ lực cải cách hành chính để việc kinh doanh thông thoáng hơn, vẫn còn lo ngại về việc điều đó đã đủ bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hay chưa”.
Tiến sĩ Mai Fujita cũng chỉ ra rằng: “Một diễn tiến quan trọng giai đoạn 2016-2020 là sự trỗi dậy của các nhóm doanh nghiệp tư nhân lớn trong các khu vực mà nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Có vẻ các nhóm này khó phát triển nếu không nhận được mức độ hậu thuẫn chính trị nào đó”.
“Ưu tiên trong phát triển”
Bà Mai Fujita đưa ra dự đoán về các ưu tiên kinh tế cho chính phủ mới sau Đại hội XIII năm 2021: “Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò chủ chốt cho tính chính danh của chế độ. Việt Nam đã rất thành công kiểm soát dịch COVID-19 so với nhiều nước trong khu vực. Kinh tế Việt Nam gắn bó với kinh tế toàn cầu và khu vực nên ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh là không tránh được. Vì thế, ưu tiên của Việt Nam là làm sao hồi phục kinh tế nhanh chóng. Có thể nói Việt Nam sẵn sàng để đón lợi thế khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển, tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng rất cần quan tâm làm sao để tăng trưởng kinh tế mang lại lợi ích cho tất cả, và bình đẳng hơn cho người dân”.
Tiếp tục cải cách để đưa thu nhập người dân tiến gần hơn một số nước trong khu vực, và giảm thiểu tác động của tăng trưởng đối với môi trường, sẽ là thử thách cho ban lãnh đạo kế tiếp của Việt Nam./.
Theo TTXVN