TTXVN (Seoul 22/4): Thế giới hiện vẫn đang trong tâm bão của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đã có nhiều quan điểm đưa ra về những tác động lâu dài của đại dịch đối với trật tự toàn cầu. Theo tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc), các chuyên gia bất đồng về thời điểm cuộc khủng hoảng y tế này sẽ chấm dứt hoàn toàn song tất cả đều nhất trí rằng tương lai sẽ không như trước đây. Đại dịch COVID-19 sẽ định hình lại thế giới trong mọi lĩnh vực - chính trị, kinh tế, thương mại và môi trường. Lời cảnh báo gần đây của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rằng COVID-19 sẽ thay đổi mãi mãi trật tự thế giới đã khiến cộng đồng quốc tế phải chuẩn bị cho một mô hình hậu đại dịch.
Liên quan đến kinh tế, các chuyên gia dự báo rằng đại dịch này sẽ làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới các chính phủ nhiều quyền lực, điều mà cây bút người Mỹ Will Bunch gọi là "chủ nghĩa xã hội thời thảm họa". Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế đã bác bỏ những lo ngại rằng COVID-19 sẽ hoàn toàn "giết chết" quá trình toàn cầu hóa, song họ nhất trí rằng sẽ có một số thay đổi nhất định trong trật tự thương mại quốc tế, điều rõ ràng sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hàn Quốc vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Giáo sư kinh tế trường Đại học Loyola-Marymount, Sohn Sung-won, một nhà kinh tế cấp cao trong Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Nixon, nói: "Chắc chắn là COVID-19 đã tạm thời cản trở quá trình toàn cầu hóa. Nhiều công ty đang nhận ra sự nguy hiểm của việc 'bỏ tất cả trứng vào một giỏ'. Samsung đã hưởng lợi từ việc chuyển sang xây dựng nhà máy tại Việt Nam trước đây. Hậu quả của đại dịch khiến chúng ta phải kết luận rằng chi phí sản xuất thấp không phải là tất cả. Bằng cách đa dạng hóa sản xuất và thị trường, rủi ro kinh tế có thể giảm đáng kể".
Giáo sư Đại học Columbia Joseph Stiglitz chia sẻ quan điểm này, dự đoán sự "đánh giá lại toàn bộ" chuỗi cung ứng toàn cầu khi đại dịch được kiểm soát. Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel này phát biểu với tờ Korea Times trong một cuộc phỏng vấn trước đây rằng tại các khu vực mà Hàn Quốc là nhà cung cấp chủ chốt, như chất bán dẫn, có thể nhu cầu sẽ giảm do sự đa dạng hóa nguồn cung trong những năm tới.
Giáo sư kinh tế trường Đại học Harvard Robert Barro cho biết ông không dự đoán tác động lớn của dịch COVID-19 đến toàn cầu hóa, như đại dịch cúm năm 1918 phần nhiều đã bị lãng quên khi dịch bệnh này kết thúc. Vị Giáo sư nghiên cứu về tác động kinh tế của dịch cúm Tây Ban Nha cho biết: "Tôi đoán tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 sẽ chủ yếu là tạm thời". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng các quốc gia như Mỹ có thể chuyển sang sản xuất trong nước nhiều sản phẩm để chuẩn bị cho nguy cơ tình trạng y tế khẩn cấp.
Theo các nhà kinh tế, một sự thay đổi kinh tế vĩ mô khác có thể sẽ được chứng kiến trên toàn cầu trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 là sự can thiệp nhiều hơn của các chính phủ vào thị trường. Họ lưu ý rằng mô hình chính phủ nhiều quyền lực rõ ràng đã được "biện minh" như một trong những biện pháp đối phó quan trọng chống lại trật tự kinh tế bị dịch bệnh tấn công.
Sau khi Mỹ và các nền kinh tế thị trường lớn đưa ra mức thu nhập cơ bản "chống thảm họa" như một phần của gói kích thích kinh tế, một số nhà hoạt động cánh tả cho rằng dịch COVID-19 đã chứng minh sự cần thiết của chủ nghĩa xã hội. Seoul cũng đã thực hiện các chương trình cứu trợ quy mô lớn và kiểm soát nguồn cung cấp khẩu trang, mặt hàng khiến người dân phải xếp hàng dài để mua.
Nhà kinh tế Barro gợi ý rằng vai trò của các chính phủ trên toàn thế giới sẽ được tăng cường theo trật tự sau đại dịch. Ông nói: "Chính phủ các nước, bao gồm cả Mỹ, đã ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế này bằng cách can thiệp quy mô lớn, phần lớn là hợp lý. Thật khó để nói bao nhiêu sự can thiệp này sẽ là lâu dài. Tôi nghĩ sự thật là Chính phủ ở Mỹ đã trở nên nhiều quyền lực hơn sau Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới thứ hai".
Ông Sohn cho rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay cho phép Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in tiếp tục can thiệp vào thị trường, điều mà nhà nghiên cứu Paul Choi xác định là "những chính sách xã hội chủ nghĩa". Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những người ủng hộ nền kinh tế thị trường đã chỉ trích các chính sách can thiệp của chính quyền đương nhiệm và các biện pháp quản lý tài sản hà khắc, cho rằng các chính sách này có thể làm giảm lòng tin kinh tế và dẫn đến một cuộc di cư của tư bản và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính phủ các nước có thể sẽ tiếp tục theo đuổi một vai trò lớn hơn, bởi thực tế đã chứng minh rằng nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của đất nước dễ bị dịch bệnh tấn công.
Giáo sư Sohn nhận định: "Hàn Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 do quốc gia này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Sẽ có nhiều chương trình kích thích kinh tế hơn trong những tháng tới và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sẽ tiếp tục mạnh tay nới lỏng định lượng. Chính quyền Tổng thống Moon ủng hộ Chính phủ có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế"./.
Theo TTXVN tại Seoul