TTXVN (Sydney 13/5): Bài viết của hai nhà nghiên cứu Noah Yim và Nathasha Kassam đăng tải trên trang Interpreter của Viện Lowy Australia nhận định sự thay đổi hành vi và chính sách dựa trên khoa học, cùng với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp trong quá trình hành động chống lại biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Năm 2020, thế giới sẽ chứng kiến mức sụt giảm khí thải carbon dioxide (CO2) hàng năm lớn nhất trong lịch sử. Sự tàn phá của COVID-19 và những biện pháp phong tỏa đi kèm đã khiến các phi đội máy bay nằm im trên đường băng, các nhà máy ngừng sản xuất. Lưu lượng giao thông tại các thành phố lớn nhất trên thế giới đều giảm mạnh. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán COVID-19 có thể "quét sạch" nhu cầu quốc tế về than, dầu và khí đốt, chỉ duy nhất năng lượng tái tạo là có khả năng phục hồi.
Dữ liệu sơ bộ từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới cho thấy lượng khí thải toàn cầu cũng giảm mạnh. Những con số thống kê sớm của châu Âu (EU) dẫn tới dự đoán rằng lục địa này có thể chứng kiến sự sụt giảm 24% lượng khí thải theo Chương trình Giao dịch Khí thải (ETS) của Liên minh châu Âu (EU) cho cả năm. Khí thải toàn cầu sẽ giảm 5% - một lời nhắc nhở rằng phần lớn khí thải thế giới không đến từ giao thông vận tải.
Tuy nhiên, các nền kinh tế trên thế giới đang dần dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Trung Quốc, nước phát thải khí carbon lớn nhất thế giới, đã đạt mức giảm 25% lượng khí thải trong thời gian phong tỏa kéo dài bốn tuần. Các nhà máy ở Trung Quốc đang quay lại hoạt động. Công chúng nhận ra thách thức phía trước. Ở Trung Quốc, 87% người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như COVID-19 trong dài hạn.
Trong khi con số này ở Australia thấp hơn rất nhiều dù vẫn chiếm đa số, với 59% đồng ý với quan điểm đó. Với những hy sinh kinh tế và cá nhân quan trọng mà nhiều người đã thực hiện để chống lại COVID-19, liệu những lo ngại cuối cùng này có chuyển thành sự tiến bộ thực sự trong việc giải quyết biến đổi khí hậu, một khi cuộc khủng hoảng y tế hiện tại lắng xuống?
Triển vọng dường như khá tốt. Dịch COVID-19 đã đưa khoa học lên hàng đầu và chiếm vị trí trung tâm. Với một vài trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, hầu hết các chính trị gia và nhà lãnh đạo đang tham gia vào việc đưa ra thông tin nghiêm túc, có căn cứ dựa trên lời khuyên khoa học – bất kể là từ quyết định để trẻ em tới trường hay sự cần thiết ban hành các hướng dẫn giới hạn xã hội. Đây chính xác là điều mà các cuộc thảo luận về khủng hoảng khí hậu đã thiếu vắng quá lâu; đó là một khả năng đưa ra lập luận chính sách kinh tế xã hội hiệu quả dựa trên cơ sở mô hình khoa học hợp lý.
Và COVID-19 cũng đã góp phần vào sự hồi sinh trong chế độ lưỡng đảng và chức năng chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, điều chưa từng xuất hiện trong nhiều thập kỷ vừa qua. Đại dịch cũng đã thúc đẩy xã hội hành động với sự cân nhắc vì lợi ích cộng đồng lớn hơn. Tại Australia, mặc dù số lượng người nhiễm virus và tử vong tương đối thấp, nhưng công chúng đã chấp nhận tuân thủ các yêu cầu ở trong nhà vì lợi ích cộng đồng.
Khoa học, lưỡng đảng và ý chí cộng đồng, cả ba yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng để khắc phục khủng hoảng khí hậu. Cần có sự kết hợp sâu sắc giữa các quyết định chính sách dựa trên lời khuyên khoa học nghiêm túc, với các cam kết của tất cả các cấp chính trị. Đồng thời, tất cả các thành viên trong xã hội chấp nhận chia sẻ các phí tổn tương đối nhỏ của ngày hôm nay, để tránh những mất mát lớn hơn nhiều trong tương lai.
Tuy nhiên, như trường hợp đã xảy ra vài năm trước, điều này có thể là một đòi hỏi quá lớn trong một thế giới hậu COVID-19. Đại dịch cúm năm 1918 là tình huống tương tự với những gì đang xảy ra trong năm nay, nhưng sự kiện này đã không nhận được nhiều sự chú ý sau khi kết thúc. Gina Kolata, một chuyên gia về cúm, đã viết: “Cúm bị xóa khỏi các tờ báo, tạp chí, sách giáo khoa và bộ nhớ của tập thể xã hội, dịch bệnh chỉ đơn giản là quá khủng khiếp và bao phủ tâm trí mọi người với nỗi sợ hãi về một cuộc chiến mà hầu hết mọi người không muốn nghĩ tới nó hay viết về nó, sau khi năm 1918 khủng khiếp kết thúc.”
Sau khi đại dịch hiện tại kết thúc, xã hội sẽ muốn quên đi càng nhanh càng tốt. Đó là một phản ứng dễ hiểu. Vì vậy, con người có thể quên đi lợi ích cộng đồng vượt trội mà họ đã rất siêng năng xem xét trong các hành vi hàng ngày của mình. Có thể xuất hiện những ác cảm đối với việc huy động xã hội trên diện rộng hay ác cảm với chính phủ về việc kêu gọi xã hội phải chịu thêm các phí tổn vì lợi ích cộng đồng lớn hơn.
Hơn nữa, giá nguyên liệu hóa thạch thấp cũng có thể khiến các quốc gia quay trở lại sử dụng các phương pháp sản xuất năng lượng kém bền vững hơn, để khởi động lại nền kinh tế, đưa cuộc khủng hoảng khí hậu trở lại vị trí “thứ yếu” dưới danh nghĩa phục hồi kinh tế.
Mặc dù vậy, COVID-19 sẽ dẫn đến những thay đổi vĩnh viễn, cho dù là trong chính sách thuế, ngành nghệ thuật hay bản chất công việc. Liệu thế giới thời kỳ hậu COVID-19 sẽ dành sự tôn trọng cho thực tế khoa học và sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ hơn trong nỗ lực đối đầu với biến đổi khí hậu? Hay việc gây tê liệt kinh tế và đóng cửa biên giới sẽ cho thấy nhiều hơn nữa sự cô lập và hủy hoại môi trường lớn hơn vì lợi ích kinh tế trong ngắn hạn?
Một vài chính phủ đã báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi các tiêu chuẩn môi trường để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các nhóm kinh doanh đang đề xuất rằng việc xây dựng lại các nền kinh tế bị đại dịch tấn công có thể được thực hiện cùng với việc chuyển đổi sang phát thải bằng không. Có lẽ chính sách khí hậu, vốn luôn đi kèm với rất nhiều khó khăn trong lịch sử, sẽ có cơ hội ở một thế giới mới./.
Theo TTXVN