Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Phát triển thương mại điện tử

Ngày phát hành: 01/06/2020 Lượt xem 7315

       

 

I. Tình hình phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2013-2019

Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2016 - 2019 tại các quốc gia phát triển đang có dấu hiệu chững lại thì tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng lĩnh vực này lại phát triển có tính nhảy vọt, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng và quy mô thị trường. Theo Statista, thị trường TMĐT của Mỹ hiện có chỉ số tăng trưởng khoảng 12%/năm, trong khi đó tỷ lệ này ở Đông Nam Á đạt 33 - 35%. Báo cáo của Google và Temasek cho thấy, Indonesia và Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng tăng trưởng (lần lượt 49% và 38% từ 2015 đến 2019).

 

Tại Việt Nam, thị trường TMĐT bán lẻ năm 2019 ghi nhận doanh thu 10,07 tỷ USD chiếm 4,8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. TMĐT đang trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam.

1. Tình hình ứng dụng TMĐT trong cộng đồng

Việc mua bán qua các website TMĐT từ 2013 đến nay trở thành hoạt động phổ biến với doanh nghiệp và cộng đồng. Các mặt hàng được mua sắm trực tuyến phổ biến nhất hiện nay bao gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm (59%), đồ công nghệ, điện tử (47%), thiết bị đồ dùng gia đình (47%) v.v.. Phương thức thanh toán và giao hàng cũng được các doanh nghiệp thực hiện tương đối linh hoạt, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua từ chuyển khoản, thanh toán bằng thẻ cho đến thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng - COD (năm 2013 khoảng 74%, năm 2018 là 82%). Giao dịch TMĐT ngày nay không chỉ diễn ra trên website, qua các thiết bị điện tử truyền thống như máy tính để bàn, máy tính xách tay, mà còn phát triển mạnh trên các ứng dụng qua các thiết bị điện tử khác như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh, máy tính bảng. Khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân truy cập Internet qua điện thoại di động tăng nhanh từ 50% năm 2013 lên 89% năm 2018.

(1) Tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến tăng từ 57% năm 2013 lên 67% năm 2018. Trong đó, 3 loại hàng hóa được người tiêu dùng lựa chọn phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm; Đồ công nghệ và điện tử và thiết bị đồ dùng gia đình giai đoạn 2013 – 2018.

(2) Các kênh mua sắm trực tuyến: Người tiêu dùng chủ yếu mua sắm trực tuyến thông qua website TMĐT (năm 2013: 61%, năm 2018: 68%), diễn đàn/mạng xã hội (năm 2013: 45%, năm 2018: 51%). Mua sắm trực tuyến thông qua ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động tăng nhanh từ 6% năm 2013 lên đến 41% năm 2018.

(3) Hình thức thanh toán: Thanh toán tiền mặt khi nhận hàng COD là phương thức thanh toán phổ biển được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013: 74%, năm 2018: 82%). Tiếp đến là chuyển khoản qua ngân hàng (năm 2013: 41%, năm 2018: 48%), thẻ thanh toán quốc tế (năm 2013: 11%, năm 2018: 19%), ví điện tử (năm 2013: 8%, năm 2018: 7%).

(4) Đánh giá của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến: Tỷ lệ người tiêu dùng trả lời Hài lòng khi mua sắm trực tuyến tăng từ 29% năm 2013 lên 54% năm 2018.

2. Tình hình ứng dụng kinh doanh TMĐT tại các doanh nghiệp Việt Nam

Từ năm 2013 đến nay, Cục TMĐT và KTS (Bộ Công Thương) đã tiến hành khảo sát khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước nhằm đánh giá mức độ mức độ tham gia TMĐT của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

- Tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng website trung bình 43% trong cả giai đoạn 2013 - 2018. Trong số 43% doanh nghiệp có website năm 2018, có 49% doanh nghiệp cập nhật thông tin trên website hàng ngày, 25% doanh nghiệp có kế hoạch cập nhật thông tin theo tuần;

- Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch TMĐT trung bình 11% trong giai đoạn 2013 - 2018. Năm 2018, 32% doanh nghiệp tham gia khảo sát có tiến hành quảng cáo hoặc bán hàng qua mạng xã hội, tăng 8% so với năm 2014;

- 39% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua website TMĐT (tăng so với 35% năm 2013). Để đặt hàng, 41% doanh nghiệp sử dụng website TMĐT (giảm so với 50% năm 2013).

- Tỷ lệ website TMĐT có phiên bản tương thích với thiết bị di động tăng từ 15% năm 2014 lên 72% năm 2018. Tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động tăng từ 11% năm 2014 lên 13% năm 2018;

- Đánh giá hiệu quả của việc bán hàng qua các hình thức: Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả hoạt động TMĐT qua các hình thức tăng qua các năm. Năm 2018, 35% doanh nghiệp đánh giá việc bán hàng qua website của doanh nghiệp là hiệu quả cao (tăng so với 23% doanh nghiệp của năm 2014); 39% doanh nghiệp đánh giá việc bán hàng qua mạng xã hội là hiệu quả cao (tăng so với năm 2014 với 16% doanh nghiệp); 22% doanh nghiệp đánh giá việc bán hàng qua ứng dụng di động là hiệu quả cao (tăng so với năm 2014 với 13%); 18% doanh nghiệp đánh giá cao việc bán hàng qua Sàn giao dịch TMĐT (tăng so với 16% doanh nghiệp năm 2014).

3. Tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp

- Tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến ít nhất 1 lần/năm tăng từ 57% năm 2013 lên 73% năm 2018. Riêng năm 2018, trong 73% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ công trực tuyến ít nhất 1 lần/năm,  khai báo thuế điện tử là dịch vụ công trực tuyến được sử dụng nhiều nhất với 88% doanh nghiệp khảo sát đã sử dụng, tiếp đến là đăng ký kinh doanh với 42% doanh nghiệp sử dụng, khai báo hải quan có 21% doanh nghiệp sử dụng, 15% doanh nghiệp thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ,…

- Đánh giá lợi ích của dịch vụ công trực tuyến, năm 2018, 52% doanh nghiệp đánh giá sử dụng dịch vụ công trực tuyến là rất có ích (tăng so với 39% năm 2013), 46% doanh nghiệp đánh giá là có ích (năm 2013: 55%) và chỉ 1% doanh nghiệp đánh giá không có ích (năm 2013: 6%)./.

II. Hạ tầng chính sách, pháp luật cho thương mại điện tử

1. Tổng quan chung

Năm 2005, Quốc hội thông qua ba luật có tính chất đặt nền tảng pháp lý cho TMĐT, đó là Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử. Về cơ bản ba luật này thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong các giao dịch dân sự và thương mại. Tuy nhiên, cả ba luật này đều chưa có quy định cụ thể, chi tiết về TMĐT. Nghị định số 57/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về TMĐT cũng chỉ làm rõ hơn các nguyên tắc của Luật Giao dịch điện tử đối với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, chưa đưa ra được những quy định cụ thể điều chỉnh các phương thức kinh doanh TMĐT trong xã hội.

Trong giai đoạn 2006 - 2012, TMĐT tại Việt Nam phát triển nhanh và có nhiều thay đổi, các mô hình TMĐT mới xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về bản chất hoạt động, các phương thức kinh doanh mới dựa trên nền tảng và tận dụng các tính năng riêng biệt của phương tiện điện tử, ví dụ như mô hình mua theo nhóm qua mạng, mô hình sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, đấu giá trực tuyến, mua hàng trên mạng xã hội. v.v... Một số hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp phát triển mạnh, với đối tượng kinh doanh không phải là hàng hóa mà là dịch vụ trên một số website; tuy nhiên, các văn bản pháp luật trong giai đoạn này chưa bao quát và chưa có chế tài xử lý. Các hoạt động thương mại sử dụng phương tiện điện tử cũng ngày càng đa dạng, qua máy tính, điện thoại, máy tính bảng, các hoạt động TMĐT không chỉ giới hạn trên website mà còn cả trên các ứng dụng (applications) trên các thiết bị di động. Trong giai đoạn này, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TMĐT trở nên hết sức cần thiết.

Ngày 16 tháng 5 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP năm 2006. Trái với Nghị định trước đây chỉ gồm những quy định khung nhằm làm rõ hơn các nguyên tắc của Luật Giao dịch điện tử đối với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, Nghị định mới về TMĐT quy định cụ thể về các hoạt động TMĐT cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch TMĐT được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để TMĐT phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam. Hai Thông tư hướng dẫn hoạt động TMĐT qua website và qua ứng dụng trên thiết bị di động bao gồm:

- Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử;

- Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Đối với các văn bản về chế tài xử lý vi phạm hành chính, ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 124/2015/NĐ-CP).

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra về TMĐT, ngày 14/12/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2015/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động ngành Công Thương. Ngày 10/8/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2016/TT-BCT hướng dẫn một số quy định về thanh tra chuyên ngành Công Thương. Các văn bản trên là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý, giám sát, kiểm tra các website TMĐT và ứng dụng di động nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực quản lý của mình.

Ngoài ra, với mỗi giai đoạn phát triển TMĐT, từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể 5 năm cho từng giai đoạn nhằm định hướng phát triển TMĐT một cách khoa học, đồng bộ và có kế thừa thành tựu, xu hướng phát triển TMĐT của thế giới.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai và ứng dụng TMĐT, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TMĐT giai đoạn 2014 – 2020.

 

 

III. Tình hình triển khai, thực thi pháp luật về thương mại điện tử

1. Về quản lý hoạt động TMĐT

Thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, từ năm 2013 Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký/thông báo website TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn). Số lượng doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo/đăng ký tăng nhanh trong giai đoạn 2013 – 2018, cụ thể: từ 1.923 tài khoản doanh nghiệp năm 2013 lên 34.678 tài khoản năm 2018 (tăng 18 lần); từ 305 tài khoản cá nhân năm 2013 lên đến 12.036 năm 2018 (tăng 39,5 lần); từ 344 hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT năm 2013 lên 4.132 hồ sơ năm 2018 (tăng 12 lần); từ 518 hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng lên đến 45.817 hồ sơ năm 2018 (tăng 88,4 lần).

 Số liệu thống kê từ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho thấy, đến năm 2018, số lượng website TMĐT bán hàng được xác nhận thông báo là 24.247 website, tăng 37,4 lần so với năm 2013; trong khi đó, số lượng website cung cấp dịch vụ TMĐT được xác nhận đăng ký năm 2018 là 1.091 website, tăng 6,9 lần so với năm 2013.

Việc thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân đối với Bộ Công Thương là bước quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết tranh chấp khi các giao dịch có các vấn đề xảy ra. Hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên mạng phải được cung cấp những thông tin cơ bản để khách hàng có thể xác định chính xác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc thực hiện giao dịch; đối với thông tin về người sở hữu website/ứng dụng TMĐT, các thông tin tối thiểu cũng phải được công bố công khai trên giao diện của website/ứng dụng TMĐT.

2. Về hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm

Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm liên quan đến TMĐT, đây cũng là địa chỉ các thông tin cảnh báo được đăng tải đến người tiêu dùng. Ví dụ, trường hợp xử lý vi phạm trong tháng 8/2018 đối với việc một số website TMĐT đăng bán các sản phẩm đồ chơi trẻ em có sử dụng bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Trong thời gian ngắn, Bộ Công Thương đã thông tin tới tất cả các sàn giao dịch TMĐT lớn để yêu cầu (i) kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng TMĐT các sản phẩm đồ chơi, ấn phẩm có sử dụng bản đồ nêu trên (nếu có), (ii) đối với các sàn giao dịch TMĐT, triển khai các biện pháp kỹ thuật/bộ lọc, nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm và các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác (nếu có) trên website và ứng dụng TMĐT theo quy định. Kết quả, cùng với việc tháo gỡ các mặt hàng vi phạm pháp luật trên các website, ứng dụng TMĐT, thông qua dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, cơ quan quản lý chức năng đã nhanh chóng xác minh được đối tượng vi phạm, đồng thời kiểm tra, lập biên bản và thu giữ nhiều thùng hàng của đối tượng này .

Liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TMĐT. Trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong TMĐT, xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả hàng nhái trên môi trường mạng. Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính năm 2015 là 3.5 tỷ VNĐ , năm 2016 là 4.5 tỷ VNĐ và năm 2017 là gần 6 tỷ đồng, năm 2018 là 7 tỷ đồng.

3. Khó khăn, hạn chế trong phát triển TMĐT

 

1) Về hạ tầng pháp lý liên quan thương mại điện tử

Hạ tầng pháp luật và cơ chế chính sách về TMĐT trong thời gian vừa qua đã có vai trò rất tích cực trong việc tạo dựng môi trường cho sự phát triển của TMĐT tại Việt Nam. Trong đó, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT (Nghị định số 52) mặc dù định danh rõ nét các mô hình TMĐT ở thời điểm đó, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động TMĐT theo hướng tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, người dân thực hiện mua bán trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, sau 06 năm triển khai Nghị định nói trên, thực tiễn cho thấy nhiều nội dung chưa được điều chỉnh, điển hình như phạm vi điều chỉnh của Nghị định không bao gồm đối tượng cung cấp hoạt động TMĐT xuyên biên giới; do đó, việc quản lý hoạt động mua bán hàng hóa trên các mạng xã hội/các website, ứng dụng TMĐT của nước ngoài tại thị trường Việt Nam còn chưa được điều chỉnh. Mặt khác, chế tài xử lý vi phạm hành chính tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa bao quát được tất cả hành vi trong TMĐT. Nguyên nhân của các hạn chế nói trên chủ yếu do:

- Sự đổi mới liên tục của công nghệ mà hoạt động TMĐT là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất dẫn tới việc các văn bản, chính sách hiện hành chưa đáp ứng, theo kịp xu hướng và thực tiễn trong môi trường kinh doanh số hóa.

- Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, đặc biệt các mô hình có tính chất xuyên biên giới, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành.

- Những vi phạm liên quan tới hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi. Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng nói trên diễn biến phức tạp; do đặc điểm của TMĐT, việc thu thập thông tin, thu thập chứng cứ, sử dụng công nghệ trong điều tra vụ việc còn gặp nhiều khó khăn.

2) Về dịch vụ bưu chính, logistics cho thương mại điện tử

Thị trường bưu chính chuyển phát hiện nay vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, nguồn lực tài chính không đủ để thích ứng với khoa học công nghệ, việc ứng dụng CNTT còn chậm chưa bắt kịp được yêu cầu của xu thế, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém, nhất là so với các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài.

Một số doanh nghiệp bưu chính chuyển phát lớn như VNPost, Viettel Post... gặp khó khăn về quỹ đất, hạ tầng mặt bằng để xây dựng hệ thống kho bãi, trung tâm khai thác, chia chọn... nhất là tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Cần Thơ... Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đều thiếu nhân lực có trình độ và kinh nghiệm về TMĐT cũng như logistics. Trình độ lao động trong bưu chính về cơ bản chưa đáp ứng được đòi hỏi/yêu cầu của việc áp dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho TMĐT.

Dịch vụ logistics - giao hàng chặng cuối - hoàn tất đơn hàng còn nhiều hạn chế. Theo thông tin của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp chuyển phát có kho riêng, tuy nhiên năng lực kho chưa đáp ứng nhu cầu nên phần lớn các doanh nghiệp chuyển phát vẫn phải thuê ngoài. Công nghệ quản lý kho lạc hậu, chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao (ở nhiều doanh nghiệp chi phí này chiếm trên 20% tổng doanh thu).

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động logistics, trong đó có chuyển phát. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp chuyển phát trong TMĐT bản thân vừa là doanh nghiệp bưu chính, vừa là doanh nghiệp chuyển phát. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các Bộ, ngành trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển phát phát triển.  

3) Về hạ tầng thanh toán cho thương mại điện tử

Việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, chủ yếu do thói quen sử dụng. Thanh toán trực tuyến trong TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng phát triển (bán hàng qua mạng nhưng khi thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt). Khảo sát năm 2019 cho thấy, có hơn 80% người dân vẫn ưu tiên lựa chọn hình thức nhận hàng trả tiền (COD) cho các giao dịch mua sản phẩm/dich vụ trên Internet. Bên cạnh nguyên nhân tỷ trọng COD cao do thiếu lòng tin khi mua hàng trên các website/ứng dụng TMĐT, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, cần xử lý, như: lừa đảo qua mạng, trình độ văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, ngại công khai hóa thu nhập, doanh thu, sử dụng tiền mặt với những mục đích không minh bạch...

Về các giao dịch thanh toán dịch vụ công ích qua ngân hàng được đánh giá chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa; việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công ích vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm.

4) Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong TMĐT

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong TMĐT, đặc biệt đối với tình trạng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên website TMĐT đang gặp nhiều khó khăn, bất cập do những nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi: Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời;

(2) Việc mua tên miền, thiết lập website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng;

(3) Người mua khó nhận biết được hàng hóa thật – giả trên mạng do thông tin đưa trên mạng chỉ bao gồm hình ảnh và thông tin của hàng thật;

(4) Trình độ kỹ thuật, năng lực nghiệp vụ của các cán bộ quản lý, thực thi còn yếu, trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới;

(5) Việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả hàng nhái trong thương mại điện tử như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, ...vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, bản thân sự phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối với các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập.

5) Hạn chế nguồn nhân lực cho thương mại điện tử

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Với công nghệ, các doanh nghiệp có thể phối hợp và triển khai những công việc mà trước đây chỉ các doanh nghiệp lớn mới có thể làm được, chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ theo các mô hình kinh doanh mới để tạo năng lực cạnh tranh khác biệt. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao, có chuyên môn về công nghệ thông tin, thương mại điện tử là rất lớn.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất nhưng nguồn nhân lực của nước ta, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao lại thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Mặc dù số lượng các trường có đào tạo chuyên ngành về thương mại điện tử và các môn học liên quan tăng lên trong giai đoạn gần đây, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế.

Do đó, trong thời gian tới cần có các giải pháp thiết thực tăng cơ cấu nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.

IV. Giải pháp phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025

Một số giải pháp cho TMĐT cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung và triển khai trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh bền vững phù hợp với bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0 nói chung và nền kinh tế số nói riêng:

- Hoàn thiện cơ chế, chính sác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh CMCN 4.0. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.

- Đẩy mạnh đầu tư công nghệ để phát triển TMĐT theo chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp TMĐT tiên phong tập trung phát triển những ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc CMCN lần thứ tư, từ đó nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường TMĐT Việt Nam, coi đây là một động lực cho sự phát triển của kinh tế số trong thời gian tới.

- Chú trọng và các giải pháp xây dựng thị trường, nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT. Theo đó, mục tiêu thu hẹp về khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển TMĐT. Tập trung các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng.

- Về hạ tầng thanh toán điện tử, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán, các dịch vụ thanh toán mới; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để thúc đẩy thanh toán điện tử, hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế. Theo đó, tăng cường ứng dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, hiện đại, tiện ích, tiện lợi, dễ sử dụng (như thanh toán qua QR code, điện thoại, Internet, thẻ phi tiếp xúc...), áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tiên tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán của nền kinh tế

- Về hạ tầng chuyển phát và logistic cho TMĐT, đặc biệt nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực bưu chính phát triển làm hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính đáp ứng sự phát triển của thị trường thông qua việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp; xây dựng định hướng, chiến lược để lĩnh vực bưu chính tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.

 

 Đặng Hoàng Hải

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số 

Bộ Công Thương

 

 

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết