Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Donald Kanak, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN, với tựa đề: “Gắn kết quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế ASEAN sau COVID-19”.
Nội dung bài viết nhận định thế giới đang sống trong thời kỳ khác thường, khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trở thành tình trạng khẩn cấp kinh tế toàn cầu, tạo ra căng thẳng chưa từng có trên tất cả các khía cạnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại có một vị thế tốt để nổi lên mạnh mẽ hơn và được trang bị tốt hơn để nắm bắt các cơ hội trong tương lai.
Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã họp thảo luận về các chiến lược phục hồi kinh tế sau đại dịch cho khu vực. Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN, cơ quan kinh doanh châu Âu tại Đông Nam Á và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN - cùng với một loạt các tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp từ Mỹ, Vương quốc Anh, Australia, New Zealand, Canada, Ấn Độ, Nga, Đông Á, cũng như các doanh nhân trẻ gần đây đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi một cách tiếp cận nhằm tạo điều kiện để ASEAN chứng minh sức mạnh giảm thiểu tác động xấu nhất của đại dịch, đồng thời đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài và sự khỏe mạnh của người dân thông qua hành động nhanh chóng. Trong đó, việc lập kế hoạch nhanh chóng và hiệu quả và thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch là ưu tiên hàng đầu.
Tuyên bố chung kêu gọi một Ủy ban đặc biệt cấp cao được các nhà lãnh đạo ASEAN giao nhiệm vụ lên kế hoạch phục hồi nhằm cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch hiện tại và tương lai, cũng như đảm bảo rằng ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn, hội nhập hơn và có khả năng ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu và những cơ hội.
Ủy ban đó sẽ tìm kiếm đầu vào bao gồm từ Ban cố vấn kinh doanh đặc biệt, vì sự phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ không dễ dàng và điều bình thường mới đòi hỏi những cách tiếp cận mới.
Kinh tế thế giới sẽ chứng kiến quá trình số hóa và tự động hóa tăng tốc, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa nguồn gốc của các thành phần thiết yếu; mang đến nhu cầu cấp thiết và sâu sắc hơn về việc đào tạo lại công nhân và điều chỉnh các hoạt động giáo dục hiện tại theo mô hình mới.
Giới chuyên gia nhận định ASEAN có vị trí tốt để thành công, với dân số trẻ và dễ thích nghi, tỷ lệ đô thị hóa cao và mức độ sử dụng internet và vị trí địa lý. Các gói kích thích lớn mà các chính phủ trong khu vực đã đưa ra sẽ làm dịu cú đòn kinh tế do COVID-19. Một số hành động cần thiết là cơ bản như xác định và nới lỏng sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hoặc thiết lập các quy tắc rõ ràng và hiệu quả để mở lại du lịch trong khu vực. Các hành động khác đòi hỏi những bước táo bạo hơn để trang bị cho lực lượng lao động tài năng ASEAN và giải phóng sức mạnh của 650 triệu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy nhanh tiến độ như đã hứa về thị trường đơn lẻ và cơ sở sản xuất, đồng nghĩa với việc hành động để loại bỏ các rào cản phi thuế quan đối với thương mại trong khu vực, bắt đầu bằng các hạn chế kiểm soát giá, hạn ngạch nhập khẩu và hạn chế quyền sở hữu, kiểm soát. Ngoài ra, ASEAN cũng cần nhanh chóng hài hòa các tiêu chuẩn trên phạm vi rộng nhất có thể của các lĩnh vực; đơn giản hóa và tự động hóa các thủ tục hải quan, cho phép sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số.
Những điều này sẽ làm cho khu vực trở thành địa điểm ưa thích để đầu tư mới vì các công ty ở khắp mọi nơi đang tìm cách đa dạng hóa khỏi việc phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung cấp để làm cho chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt hơn, do đó dẫn đến sản xuất, nghiên cứu và phát triển tiên tiến và việc làm được trả lương cao hơn.
Một cách khác để tăng tốc phục hồi sau COVID-19 là đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững. Việc tạo ra việc làm trong ngắn hạn và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững lâu dài sẽ có lợi cho ASEAN và công dân của khối. Trong khi đó, thiết kế và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, tài chính và bảo hiểm là những lĩnh vực chuyên môn mà ASEAN có thể học hỏi từ các ngành công nghiệp châu Âu. Điều tương tự cũng có thể được áp dụng trong các nền tảng cơ sở hạ tầng vật lý truyền thống như đường bộ, đường sắt, sân bay, hệ thống điện và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm các thành phố thông minh và y tế kỹ thuật số.
Kế hoạch phục hồi mạnh mẽ sẽ thiết lập nền tảng cho tăng trưởng và mở ra sự đổi mới, nâng cao phúc lợi của người dân sống trong ASEAN, đồng thời đảm bảo sự phát triển kinh tế và xã hội bao trùm, rộng khắp. Hợp tác giữa khu vực công và tư có thể giúp chuẩn bị lực lượng lao động cho một tương lai ngày càng số hóa và đổi mới, bao gồm đào tạo nghề nhiều hơn, tăng tính cơ động của lực lượng lao động và các chương trình đào tạo và thực tập trong khu vực.
ASEAN sẽ cần phải đi đầu trong cuộc "chinh phục" của mình. Sức mạnh của ASEAN, 10 quốc gia và tất cả các bên liên quan làm việc cùng nhau, sẽ là một lực lượng tốt cho công dân và thế giới./.
Theo TTXVN