Biến đổi khí hậu: Đợt nóng kéo dài tại vùng Siberia của Nga là do biến đổi khí hậu
Đợt nóng vừa qua tại Siberia ở vùng Bắc Cực thuộc Nga với nền nhiệt cao kỷ lục 38 độ C "gần như không thể xảy ra" nếu không có tác động của biến đổi khí hậu. Đây là kết luận được một nhóm nhà khoa học quốc tế đưa ra trong nghiên cứu về đợt nóng triền miên gần đây ở vùng Siberia.
Một vụ cháy rừng ở vùng lạnh nhất của nước Nga. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty images)
Trong lịch sử, 5 năm nóng nhất đều xảy ra trong nửa thập niên qua, và năm 2020 cũng đang trên đà trở thành năm nóng kỷ lục từng được ghi nhận. Nền nhiệt của cả Nam Cực và Bắc Cực đều đang gia tăng nhanh hơn phần còn lại của hành tinh và trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 6, nhiệt độ tại Siberia - nơi có nhiều tảng băng vĩnh cửu giàu carbon của thế giới - cao hơn 5 độ C so với mức trung bình Trong đó, thị trấn Verkhoyansk xa xôi của Siberia đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên tới 38 độ C - "xô đổ" mọi kỷ lục nhiệt độ được xác lập trước đó.
Để xác định tác động của biến đổi khí hậu đối với các đợt nóng bất thường, các nhà nghiên cứu đã tiến hành mô phỏng trên máy tính nhiệt độ với tình trạng khí hậu như hiện nay - khi nhiệt độ Trái Đất cao hơn khoảng 1 độ C so với mức tiền Công nghiệp. Sau đó, họ so sánh mô hình này với mô hình nhiệt độ tại Siberia trong năm nay với khí hậu trong điều kiện không bị ảnh hưởng của con người - đồng nghĩa nền nhiệt không cao hơn 1 độ C do hành vi của con người. Các nhà khoa học nhận thấy rằng nếu không có biển đổi khí hậu do con người gây ra, khả năng xuất hiện đợt nóng kéo dài như vừa qua ở Siberia chưa tới một lần trong mỗi 80.000 năm - nghĩa là "gần như không thể xảy ra" trong điều kiện khí hậu không bị ảnh hưởng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngược lại, ô nhiễm khí CO2 lại làm gia tăng tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan lên ít nhất 60 lần.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh đợt nóng ở Siberia là một vấn đề đối với toàn cầu khi nó "kích hoạt" hàng loạt các đám cháy lan rộng, khiến 1,15 triệu hécta rừng bị thiêu rụi. Đây cũng là tác nhân dẫn đến việc giải phóng khoảng 56 triệu tấn CO2 vào khí quyển. Cùng với đó, các đám cháy rừng và đợt nóng kéo dài càng đẩy nhanh quá trình tan chảy băng vĩnh cửu trong khu vực. Điều này khiến cho một bể chứa dầu được xây dựng trên tầng đất đóng băng bị sụp đổ vào tháng 5 vừa qua, gây ra một trong những sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong khu vực.
Nhà khoa học cao cấp Andrew Ciavarella thuộc Văn phòng Met của Anh, tác giả chính của nghiên cứu, mô tả phát hiện trên là "đáng kinh ngạc" và càng minh chứng về viễn cảnh loài người có thể sẽ phải chấp nhận hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trên thế giới khi Trái Đất ấm lên. Điều đáng nói là con người có thể điều hòa tần suất xảy ra ngày một tăng của các hiện tượng nhiệt độ cực đoạn bằng cách giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Olga Zolina thuộc Viện Hải dương học P.P. Shirshov của Nga nhấn mạnh đợt nắng nóng kéo dài tại Siberia như vậy "rất quan trọng, không chỉ vì sự ảnh hưởng của nó đối với con người, mà còn từ quan điểm khoa học". Bắc Cực nói chung có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hình thành thời tiết và vòng tuần hoàn. Do đó, sự gia tăng nhiệt độ tại đây "thực sự quan trọng đối với toàn bộ địa cầu".
Trước đó, Cơ quan thời tiết Nga cho biết vùng Bắc Cực của nước này đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng 6, dẫn đến các đám cháy rừng bất thường ở vùng lãnh nguyên, đồng thời cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng bất thường này. Các vùng lãnh thổ phương Bắc của Nga, trong đó có các khu vực thuộc vùng Yakutia giáp biên giới với biển Bắc Cực, đã đối mặt với làn sóng nắng nóng trong thời gian vừa qua. Các ngôi làng tại vùng lãnh nguyên hẻo lánh này đã phải chống chọi với cháy rừng, khi một số nơi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp./.
Theo TTXVN