Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và nội các mới ra mắt tại thủ đô Tokyo.
Trong chiến dịch tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết theo đuổi hình thái mới của chủ nghĩa tư bản. Sau khi lên nắm quyền vào đầu tháng 10/2021, Thủ tướng Kishida đã nỗ lực để thực hiện cam kết này. Câu hỏi đặt ra là trong quan niệm của Thủ tướng Kishida, hình thái mới của chủ nghĩa tư bản theo kiểu Nhật Bản có những đặc trưng gì và liệu "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" này có giúp đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng hay không?
* Chủ nghĩa tư bản kiểu Nhật Bản
Trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch LDP vào tháng 9/2021, mặc dù ca ngợi những thành quả của gói chính sách kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Shinzo Abe và cam kết duy trì các chính sách này, nhưng ông Kishida cũng cho rằng các lợi ích thu được từ Abenomics đang tập trung vào một số doanh nghiệp nhất định, từ đó làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, chính trị gia này chủ trương theo đuổi cái gọi là "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" theo kiểu Nhật Bản, chuyển từ các chính sách dựa trên chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) sang các chính sách ưu tiên phân phối công bằng hơn.
Sau khi lên nắm quyền vào đầu tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Kishida nhiều lần tái khẳng định cam kết theo đuổi "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản". Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng về khái niệm này nhưng dựa trên các phát biểu của Thủ tướng Kishida, có thể hiểu mục tiêu của việc xây dựng chủ nghĩa tư bản mới theo kiểu Nhật Bản mà ông Kishida đang theo đuổi là đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo tăng trưởng và tái phân phối các thành quả của quá trình tăng trưởng.
Trong bài phát biểu chính sách đầu tiên tại Quốc hội hôm 8/10, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: "Một số người đã chỉ ra rằng các chính sách tân tự do đã có tác hại là tạo ra rạn nứt sâu sắc giữa những người "có" và "không có" (của cải). Hiện nay, trên thế giới đang có những động thái nhằm tìm kiếm một (mô hình) nền kinh tế tư bản cho kỷ nguyên mới, trong đó các tập đoàn và chính phủ đầu tư táo bạo, bảo vệ tầng lớp trung lưu và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như biến đổi khí hậu". Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: "Giờ là lúc Nhật Bản bắt đầu hình thái mới của chủ nghĩa tư bản và biến nó thành hiện thực. Khái niệm này là: Một chu trình tăng trưởng và phân phối hợp lý, và phát triển một xã hội mới hậu COVID-19".
Về mối quan hệ giữa tăng trưởng và phân phối, Thủ tướng Kishida nói: "Hướng tới chu kỳ tăng trưởng tốt là tuyệt đối quan trọng, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để hiện thực hóa điều này. Tuy nhiên, nếu không có phân phối, sẽ không có tăng trưởng tiếp theo… Chỉ khi các thành quả của tăng trưởng được phân phối một cách hợp lý thì mới có tăng trưởng tiếp. Đây là điểm cực kỳ quan trọng của chu trình tăng trưởng và phân phối hợp lý".
Theo Thủ tướng Kishida, chiến lược tăng trưởng của mình bao gồm 4 trụ cột: thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ; mang lại sức sống mới cho các vùng kinh tế và Tầm nhìn về quốc gia thành phố vườn kỹ thuật số (Vision for a Digital Garden City Nation) kết nối với phần còn lại của thế giới; đảm bảo an ninh kinh tế; và xóa bỏ sự bất an trong xã hội có nhiều người già trên 100 tuổi. Trong khi đó, các trụ cột của chiến lược phân phối gồm: Tăng cường hoạt động phân phối cho người lao động; mở rộng tầng lớp trung lưu và giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh giảm; tăng thu nhập cho những người làm việc ở các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc người cao tuổi và trẻ nhỏ; và điều chỉnh các ảnh hưởng bất lợi do quyết định tài chính công trên cơ sở từng năm tài chính, vốn quyết định sự phân phối công cộng.
Trong các bài phát biểu sau đó, Thủ tướng Kishida tiếp tục làm rõ hơn về khái niệm "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" theo kiểu Nhật Bản. Trong bài phát biểu đầu Năm mới 2022, Thủ tướng Kishida cho biết "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản mà tôi đang chủ trương là chủ nghĩa tư bản theo đuổi sự bền vững về kinh tế bằng cách tạo ra một chu trình tăng trưởng và phân phối hợp lý". Theo nhà lãnh đạo này, "trong hình thái mới của chủ nghĩa tư bản, thay vì để mọi thứ cho thị trường và cạnh tranh, điều quan trọng là các pháp nhân ở cả khu vực công và khu vực tư nhân cùng nhau đóng vai trò của mình, và có chung một tầm nhìn bao quát về các cải cách kinh tế-xã hội trong tương lai".
Thủ tướng Kishida cũng chia sẻ: "Chúng ta sẽ đưa số hóa, biến đổi khí hậu, an ninh kinh tế, đổi mới và khoa học-công nghệ cùng với các vấn đề xã hội khác trở thành các động lực tăng trưởng. Chúng ta sẽ giải quyết triệt để vấn đề bất bình đẳng và phân phối thông qua việc tăng lương của các doanh nghiệp cũng như đầu tư nhiều hơn cho con người - điều sẽ dẫn đến chu kỳ tăng trưởng tiếp theo".
Trong nỗ lực thiết lập hình thái mới của chủ nghĩa tư bản ở Nhật Bản, Thủ tướng Kishida đã lập ra Hội đồng hiện thực hóa hình thái mới của chủ nghĩa tư bản và dự kiến sẽ công bố kế hoạch hành động cũng như lộ trình để hiện thực hóa tham vọng này vào mùa Hè 2022. Trong bài viết trên tạp chí Bungei Shunju số ra tháng 1/2022, Thủ tướng Kishida tiết lộ ông "muốn đưa ra một tầm nhìn cụ thể về chủ nghĩa tư bản mới giúp giải quyết vấn đề phân hóa và bất bình đẳng".
* Tăng lương để tạo tiền đề cho tăng trưởng
Sau giai đoạn tăng trưởng thần kỳ trong những năm 1970 và 1980, nền kinh tế Nhật Bản đã trải qua nhiều chu kỳ suy thoái-tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng trong các chu kỳ này đều khá thấp. Tốc độ tăng trưởng cao nhất mà nền kinh tế lớn thứ ba này đạt được kể từ năm 2010 chỉ là 4,2%, được ghi nhận vào năm 2010. Ngay cả trong giai đoạn tăng trưởng dài thứ hai trong thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai kéo dài tới 71 tháng dưới thời chính quyền của cựu Thủ tướng Abe (tới tháng 9/2018), nước này cũng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là 2,2% (năm 2017).
Cùng với tăng trưởng thấp, Nhật Bản vẫn loay hoay để thoát khỏi vòng xoáy thiểu phát và giải quyết vấn đề già hóa dân số. Tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Nhật Bản trong giai đoạn này chỉ là 2,74% (năm 2014), trong khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở nước này liên tục tăng và chạm mức cao kỷ lục 29,1% dân số vào năm ngoái, cao nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, các chính quyền gần đây ở Nhật Bản đều chú trọng tới việc đưa nền kinh tế nước này trở lại quỹ đạo tăng trưởng, khắc phục tình trạng thiểu phát và giải quyết vấn đề lão hóa dân số, nhưng có sự khác biệt lớn về cách thức giải quyết các vấn đề này. Trong khi Thủ tướng Abe chú trọng thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc thực hiện Abenomics, Thủ tướng Yoshihide Suga lại đẩy mạnh các cải cách và số hóa nền kinh tế. Đối với Thủ tướng Kishida, dường như ông chú trọng nhiều hơn tới vấn đề phân phối. Điều này thể hiện ở việc Thủ tướng Kishida đã sử dụng từ "bunpai" (phân phối) tới 12 lần trong phát biểu chính sách đầu tiên tại Quốc hội, trong khi vào thời điểm nhậm chức, ông Abe sử dụng từ "seicho" (tăng trưởng) tới 11 lần, còn ông Suga lại sử dụng từ "kaikaku" (cải cách) tới 16 lần.
Để thực hiện chiến lược phân phối, chính quyền của Thủ tướng Kishida đã đưa các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng lương cho nhân viên vào gói biện pháp kích thích kinh tế có tổng giá trị lên tới 78.900 tỷ yen. Các chuyên gia nhận định với việc khuyến khích doanh nghiệp tăng lương, Thủ tướng Kishida muốn giải quyết vấn đề thiểu phát và tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới ở Nhật Bản, bởi vấn đề giá-lương-tiền vốn có quan hệ khá mật thiết. Và có vẻ như biện pháp này đang nhận được phản ứng tích cực từ giới doanh nghiệp Nhật Bản.
Kết quả khảo sát mới đây của công ty Teikoku Databank Ltd. cho thấy có tới 48,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ tăng lương cho nhân viên bất kể quy mô miễn giảm thuế của chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng lương sẽ lớn tới mức nào, 8,5% cho biết họ sẽ tăng lương nếu chính phủ tăng khuyến khích về thuế và 22,3% cho hay họ sẽ cân nhắc tăng lương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu chỉ khuyến khích tăng lương thôi thì chưa đủ. Ông Yusuke Inoue, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Marubeni, nói: "Nếu biện pháp này không đi kèm với các chính sách nâng cao năng suất và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tôi không nghĩ rằng nó sẽ được triển khai suôn sẻ".
Bên cạnh đó, cho dù kết quả khảo sát của Teikoku Databank Ltd. cho thấy đa số doanh nghiệp Nhật Bản phản ứng khá tích cực với yêu cầu tăng lương cho nhân viên của chính phủ nhưng vẫn có khoảng cách giữa nói và làm, nhất là khi vẫn còn không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn do nền kinh tế nước này phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Bà Harumi Taguchi, chuyên gia của công ty IHS Markit, bình luận do nhiều chi phí chủ chốt của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ do giá cả của nhiều hàng hóa tăng và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng nên nhiều doanh nghiệp không có dư địa để tăng lương.
Mặt khác, Nhật Bản cũng đã triển khai chương trình giảm thuế cho các doanh nghiệp tăng lương cho nhân viên từ năm 2013. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài chính, cho tới năm 2019, mới có khoảng 130.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 3% trong tổng số, sử dụng chương trình này. Tổng số tiền thuế được khấu trừ chỉ vào khoảng 227 tỷ yen, rất nhỏ so với quy mô của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.
Ngoài ra, việc duy trì động lực tăng lương là một vấn đề không hề dễ dàng. Phát biểu với các phóng viên vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh điều quan trọng là đảm bảo rằng quá trình tăng lương sẽ diễn ra liên tục thay vì chỉ diễn ra một lần.
Xuất phát từ thực trạng như vậy, Thủ tướng Kishida đang lên kế hoạch tăng gấp đôi các khuyến khích về thuế cùng với việc thực hiện một số biện pháp khác. Theo dự kiến, các công ty lớn tăng 4% lương và tăng đầu tư cho đào tạo nhân viên sẽ được cắt giảm tới 30% tiền thuế công ty, cao hơn rất nhiều so với mức tối đa 20% hiện nay. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỷ lệ khấu trừ có thể lên tới 40%, tăng mạnh so với con số 25%. Các doanh nghiệp lớn không tăng lương hoặc không đầu tư vào thiết bị mới sẽ không được miễn giảm thuế về chi tiêu vốn.
Cùng với những khó khăn trong việc duy trì động lực tăng lương cho doanh nghiệp, chính quyền của Thủ tướng Kishida đang phải đối mặt với sự phản đối trong nội bộ đảng cầm quyền đối với các chính sách mới. Đáng chú ý, cuối tháng trước, cựu Thủ tướng Abe, một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong LDP, đã lên tiếng kêu gọi ông Kishida tiếp tục thực hiện Abenomics.
Phát biểu trong một chương trình truyền hình, ông Abe, người mới đảm nhận vị trí lãnh đạo Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP, nói các thị trường tài chính không mong chờ sự thay đổi cơ bản trong chiến lược kinh tế từ chính quyền của Thủ tướng Kishida, thay vào đó, họ muốn duy trì chương trình chi tiêu khổng lồ và thúc đẩy tăng trưởng đã được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga.
Ông Abe cảnh báo: "Các thị trường có thể phản ứng một cách tiêu cực nếu họ cho rằng (chính sách chủ nghĩa tư bản mới của Thủ tướng Kishida) mang đặc trưng của chủ nghĩa xã hội".
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng việc theo đuổi "hình thái mới của chủ nghĩa tư bản" chắc chắn sẽ không dễ dàng đối với Thủ tướng Kishida. Trước mắt, mọi thứ sẽ tùy thuộc vào việc nhà lãnh đạo này có thành công trong việc dẫn dắt LDP tới chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa Hè tới hay không. Nếu LDP giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử quan trọng này, Thủ tướng Kishida sẽ củng cố được quyền lực và dễ dàng triển khai các chính sách của mình. Ngược lại, ông có thể sẽ phải tiếp tục duy trì các chính sách của những người tiền nhiệm hoặc thậm chí phải chia tay với chiếc ghế Thủ tướng./.
Theo TTXVN tại Tokyo