Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Yếu tố mang lại thành công cho ngành sản xuất của Việt Nam

Ngày phát hành: 11/01/2022 Lượt xem 2190


Trang Tech Wire Asia ngày 10/1 đăng bài phân tích những yếu tố thúc đẩy ngành sản xuất của Việt Nam, nội dung như sau: Nhờ những tác động của toàn cầu hóa, Việt Nam tiến thẳng vào nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ và đang trên đà phát triển hơn nữa.


Thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN


ASEAN là nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển “vũ bão”. Trong báo cáo kinh tế Đông Nam Á hàng năm, Google, Temasek và Bain dự đoán, ASEAN sẽ trở thành khu vực kinh tế số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Dự đoán này càng được củng cố khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, sẽ xóa bỏ tới 90% thuế quan thương mại xuyên biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu trong vòng 20 năm đối với các quốc gia thành viên.
Không thể đánh giá thấp tốc độ số hóa của ASEAN. Đại dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trên toàn cầu, đặc biệt là ở ASEAN. Báo cáo của Google, Temasek và Bain nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng bền bỉ của Đông Nam Á chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm. Cả hai ngành dọc dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế số của khu vực phát triển trong thập kỷ tới.
Một báo cáo của Deloitte, công bố tháng 12/2021, theo dõi tăng trưởng của thương mại số xuyên biên giới ở châu Á-Thái Bình Dương, đã chia thị trường thành 3 phân khúc: trưởng thành, đang phát triển và mới nổi. Nhìn chung, các thị trường trưởng thành có tốc độ phát triển nhanh chóng ở châu Âu, châu Mỹ và Đông Nam Á. Các thị trường đang phát triển chủ yếu mở rộng bán hàng sang thị trường châu Á. Hơn 80% doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cho rằng thị trường Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.


Việt Nam - trung tâm sản xuất


Việt Nam nổi tiếng là trung tâm của hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong mắt các quốc gia có thu nhập cao hơn đang áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”. “Trung Quốc+1” là chiến lược kinh doanh, trong đó các công ty đa dạng hóa đầu tư vào các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Chi phí kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất, thấp do chi phí đầu tư phải chăng như chi phí xây dựng, đất đai và nhân công. Việt Nam cũng có chính sách thuế lũy tiến đối với các công ty nước ngoài, cũng như lợi ích cho các công ty sử dụng năng lượng xanh hoặc có kế hoạch kết hợp năng lượng này.
Việt Nam có các chính sách phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy vốn FDI và tập trung nhiều hơn vào việc thiết lập một môi trường trung lập tự do. Chính phủ Việt Nam cũng cung cấp các điều kiện cần thiết cho việc phân cấp quản lý FDI hiệu quả và thúc đẩy sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp khác, đồng thời tham vấn chặt chẽ hơn với các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng.
Tuy nhiên, có lẽ khía cạnh hấp dẫn nhất của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nằm ở vị trí địa lý và khả năng tiếp cận. Lĩnh vực chế biến và chế tạo của Việt Nam là lĩnh vực có vốn FDI lớn nhất, ở mức 58,2% vào năm 2020. Việt Nam có vị trí địa lý rất chiến lược và so với hầu hết các nước láng giềng, có khả năng tiếp cận dễ hơn với các tuyến đường thương mại và vận chuyển hàng hóa lớn trong và ngoài Đông Nam Á cũng như châu Á. Việt Nam có vô số sân bay quốc tế, cảng biển và đường sắt - tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy sản xuất và logistics.


Lợi thế sản xuất của Việt Nam


So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đạt cấp độ cao nhất về số hóa trong sản xuất và chế tạo, liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới. Việt Nam dường như đang dần vươn lên và thực hiện rất tốt trong công cuộc số hóa trên hầu hết các khía cạnh của thương mại điện tử.
Nhìn chung, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận thấy chi phí logistics cao là khía cạnh thách thức nhất của thương mại điện tử xuyên biên giới, trừ Việt Nam. Theo số liệu thống kê, 61,8% doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong khâu kiểm tra thủ tục hải quan là thách thức lớn nhất đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Tỷ lệ % nhìn chung thấp trên các lĩnh vực thương mại điện tử khác chứng tỏ Việt Nam có tương đối ít vấn đề về logistics, tiếp thị và chi phí. Điều này giúp dễ dàng nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực có thể cải thiện hơn nữa để tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới.
Dù vẫn còn nhiều cách để Việt Nam thâm nhập vào các khía cạnh số hóa tiên tiến hơn của thương mại điện tử như trong lĩnh vực logistics và thanh toán, song chỉ từ mức độ số hóa trong sản xuất, Việt Nam có lẽ sẽ vượt qua các đối thủ “sừng sỏ” như Trung Quốc và thậm chí là Malaysia trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định. Không nghi ngờ gì nữa, COVID-19 đã làm “trật bánh” các kế hoạch của Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và sự hoạt động trở lại của các nhà máy, cũng như RCEP, Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực trong sản xuất và chế tạo, ít nhất là trong tương lai gần./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết