Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí khoa học Science ngày 13/1 cho biết sự suy giảm các loài động vật phát tán hạt mầm đang ảnh hướng đến khả năng của hệ thực vật di chuyển đến các môi trường sống phù hợp hơn trong một thế giới đang nóng lên.
Phát hiện trên phản ánh vòng luẩn quẩn đáng lo ngại giữa thiếu đa dạng sinh học với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, vì các cánh rừng đóng vai trò quan trọng trong việc thu giữ CO2.
Tác giả hàng đầu của nghiên cứu trên, ông Evan Fricke từ đại học Rice, cho biết: “Khi các loài chim và động vật có vú biến mất, chúng ta không chỉ mất đi những loài đó mà đang mất đi lực lượng có chức năng sinh thái quan trọng là phát tán hạt của các loài cây”.
Đây là tài liệu đầu tiên nêu vấn đề này ở quy mô toàn cầu. Các nhà nghiên cứu ước tính khả năng giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu ở những loài cây vốn nhờ động vật phát tán hạt đã giảm 60% do nhiều loài chim và động vật có vú biến mất.
Biến đổi khí hậu đang thay đổi các hệ sinh thái trên khắp thế giới, khiến môi trường sinh trưởng của các loài cây ngày nay sẽ trở thành mảnh đất không thể sống trong vài thập kỷ tới. Có những nơi mà cây có thể di chuyển đến, với các điều kiện nhiệt độ và đất phù hợp hơn, nhưng để đến đó là cả một hành trình từ khi còn là một hạt mầm. Khoảng một nửa số loài cây phụ thuộc vào động vật ăn quả hoặc hạt sẽ mang hạt đi và một số loài khác phụ thuộc vào gió.
Trong nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu người Mỹ và Đan Mạch sử dụng dữ liệu từ hàng nghìn nghiên cứu thực địa về các đặc điểm của động vật, cùng với công nghệ học máy để xây dựng một bản đồ về sự đóng góp của các loài chim và động vật có vú trong việc phát tán hạt mầm trên khắp thế giới. Họ cũng so sánh các bản đồ phát tán hạt ngày nay với kịch bản hoạt động của con người khiến một số loài động vật sụt giảm số lượng hoặc tuyệt chủng.
Chuyên gia Fricke cho biết các mô hình thống kê chi tiết đến mức bao gồm cả “loài động vật nào ăn hạt của quả nào, các hạt mầm có thể đi xa cây mẹ đến mức nào, và tác động ra sao lên quá trình nảy mầm”. Có nghĩa là khi các động vật ăn quả, chúng có thể nhai nát hạt hoặc sẽ nhả hạt ở cách cây mẹ vài mét hoặc vài km.
Công nghệ học máy được sử dụng để lấp đầy các khoảng trống của một số loài động vật chưa được nghiên cứu sâu. Ví dụ nếu một con cáo Nam Mỹ có chung đặc điểm với một con cáo ở châu Âu, vốn được nghiên cứu kỹ, thì mô hình học máy sẽ dự báo cách con báo Nam Mỹ tương tác với hạt.
Kết quả rất đáng ngạc nhiên. Việc phát tán hạt mầm giảm nghiêm trọng ở các vùng khí hậu ôn hòa ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và Australia, dù mức giảm động vật có vú và loài chim ở đây chỉ là vài %. Ngược lại, việc phát tán hạt ít nghiêm trọng hơn ở các vùng nhiệt đới tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á, nhưng sẽ tăng nếu các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, như voi, biến mất.
Tổng kết lại, nghiên cứu chỉ ra rằng các nỗ lực bảo tồn và khôi phục các loài động vật về quy mô như trước có thể giúp chống biến đổi khí hậu. Chuyên gia Fricke cho biết: “Sự suy giảm các loài động vật có thể làm đứt gãy các mạng lưới sinh thái theo hướng đe dọa khả năng chống biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái mà con người đang sống trong đó”./.
Theo TTXVN