Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch dồi dào đã kết thúc?

Ngày phát hành: 07/10/2021 Lượt xem 1264

Các mỏ than bên ngoài Samaca, Colombia. Ảnh: World Bank


Nếu muốn tìm một tính từ phù hợp nhất để mô tả nguồn cung trong lĩnh vực năng lượng thời gian qua thì đó là “dồi dào”. 

Sự bùng nổ của dầu khí đá phiến Mỹ đã dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung, khiến ngành năng lượng toàn cầu phải tìm cách hạn chế sản lượng nhiên liệu hóa thạch để giữ giá ở mức cao 

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, tình trạng thiếu hụt năng lượng đã thu hút sự chú ý của thế giới. Nhìn bề ngoài, những biểu hiện của tình trạng này dường như không liên quan đến nhau. Nước Anh đang trải qua trình trạng rối loạn do thiếu tài xế xe tải để chở xăng, dầu. Việc cắt điện ở các vùng của Trung Quốc xuất phát một phần từ nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải của nước này. Lượng than dự trữ tại các nhà máy điện ở Ấn Độ ngày càng giảm có liên quan đến việc giá nhập khẩu mặt hàng này tăng vọt.

Tuy nhiên, tạp chí The Economist của Anh đã nhắc đến một yếu tố cơ bản có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt này, đó là sự sụt giảm đầu tư vào các giếng dầu, vựa khí đốt tự nhiên và mỏ than. Đây một phần là “tàn tích” của thời kỳ dồi dào nguồn cung năng lượng, với nhiều năm đầu tư quá mức dẫn đến xu hướng kiểm soát nguồn vốn chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, những áp lực ngày càng tăng đối với yêu cầu cắt giảm khí thải carbon cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Năm nay, sự thiếu hụt đầu tư là một trong những nguyên nhân chính khiến giá năng lượng tăng vọt. Giá dầu đã vượt ngưỡng 81 USD/thùng sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh (hay còn gọi là OPEC+) phản đối lời kêu gọi tăng sản lượng tại cuộc họp ngày 4/10.


Theo phân tích của McKinsey & Co, nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng dự kiến sẽ tăng 3,4% một năm

cho đến năm 2035, vượt xa các loại nhiên liệu hóa thạch khác. Ảnh: Getty Images.


Dầu mỏ là một ngành công nghiệp cần tái đầu tư liên tục để duy trì. Nguyên tắc chung là các công ty dầu mỏ phải phân bổ khoảng 4/5 chi tiêu vốn mỗi năm chỉ để ngăn trữ lượng mỏ dầu giảm. Tuy nhiên, vốn đầu tư hàng năm của ngành công nghiệp này đã giảm từ mức 750 tỷ USD trong năm 2014 (khi giá dầu vượt quá 100 USD/thùng) xuống ước tính chỉ còn 350 tỷ USD trong năm nay, theo tính toán của Saad Rahim, thuộc công ty thương mại đa quốc gia Thụy Sỹ Trafigura.

Một cuộc khủng hoảng nguồn cung đã tạm thời được ngăn chặn trong năm ngoái nhờ sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu về dầu. Tuy nhiên, một khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, tình trạng căng thẳng sẽ bắt đầu xuất hiện.

Ngành công nghiệp dầu mỏ thường sẽ phản ứng với việc nhu cầu tăng mạnh và giá cao hơn bằng cách tăng cường đầu tư khai thác. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều quốc gia đã đưa ra những mục tiêu cắt giảm khí thải carbon đầy tham vọng, người ta không kỳ vọng đầu tư vào ngành dầu mỏ sẽ gia tăng mạnh.

Các công ty dầu khí lớn như ExxonMobil và Royal Dutch Shell đang chịu nhiều sức ép bởi các nhà đầu tư coi đầu tư vào dầu khí là lỗi thời. Đó là vì các cổ đông cho rằng nhu cầu dầu cuối cùng sẽ đạt đỉnh, khiến các dự án dài hạn không mang lại nhiều lợi ích kinh tế, hoặc vì họ thích giữ cổ phiếu trong các công ty hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. 

Mặc dù giá dầu đang tăng, song đầu tư vào dầu dường như sẽ không tăng lên. Khi xem xét dự báo chi tiêu vốn của 250 nhà sản xuất hàng hóa nguyên liệu lớn nhất thế giới vào năm 2022 so với năm 2019, tạp chí The Economist thấy rằng trong khi các công ty khai khoáng và nông nghiệp được dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng lớn về đầu tư, đầu tư vào năng lượng dự kiến sẽ giảm thêm 9%. Thay vào đó, các công ty dầu mỏ đang chi trả tiền mặt dư thừa lại cho các cổ đông.

Một yếu tố khác kiềm hãm dòng vốn đầu tư vào dầu mỏ là cách ứng xử của các nước OPEC+. Môi trường giá cả tương đối thấp trong nửa thập kỷ “dồi dào” và sau đó tiếp tục rơi mạnh khi đại dịch bắt đầu đã làm ngân sách cạn kiệt. Hậu quả là kinh phí đầu tư bị cắt giảm. 

Khi giá dầu phục hồi, ưu tiên của các chính phủ không phải là mở rộng năng lực sản xuất dầu mà là củng cố ngân sách quốc gia. Hơn nữa, các nhà sản xuất nhà nước đang thận trọng, lo lắng rằng một đợt bùng phát COVID-19 mới có thể lại một lần nữa tác động đến nhu cầu. Ngay cả khi tình trạng thiếu hụt này thúc đẩy đầu tư, thì thị trường dầu mỏ cũng sẽ mất nhiều năm để tăng sản lượng một cách đáng kể.

Đầu tư vào dầu giảm cũng có tác động lan tỏa đến sản lượng khí đốt tự nhiên, một sản phẩm phụ của quá trình khai thác dầu thô. Thêm vào đó là việc thiếu các kho vận chuyển khí hóa lỏng LNG từ nơi sẵn có (Mỹ) đến nơi đang thiếu hụt (châu Á và châu Âu). Do sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng cơ sở vật chất cho quá trình này, nên sự thiếu hụt năng lực dự phòng của các kho ở Mỹ dự kiến sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.

Trong khi đó, đầu tư vào điện than là yếu nhất. Ngay cả ở Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia có nhiều các nhà máy nhiệt điện than mới, tâm lý cũng đang là chống lại loại nhiên liệu hóa thạch này.

Kỷ nguyên dồi dào nguồn cung năng lượng dường như sắp kết thúc và cả thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ môi trường giá năng lượng tăng phi mã. Biến động tiềm ẩn về lạm phát sẽ không có lợi cho một thế giới vẫn sử dụng năng lượng cơ bản là nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù vậy, những biến động này có thể giúp đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và rẻ hơn./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết