Các nhà nghiên cứu ngày 6/8 cho rằng những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài 2 năm giống như kỷ lục xảy ra ở khu vực Trung Âu từ năm 2018-2019 có thể thường xuyên xảy ra hơn nếu khu vực này không ngăn chặn sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Một con sông khô cạn ở Vácsava, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo thống kê, 5 năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay đều xảy ra vào 5 năm vừa qua. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy tình trạng nắng nóng cực đoan trở nên trầm trọng hơn trong năm 2018 và 2019 khi 2 mùa hạn hán liên tiếp đã tác động đến hơn một nửa khu vực Trung Âu. Các nhà nghiên cứu ở Đức và Séc đã phân tích dữ liệu từ năm 1766 và kết luận rằng đây là đợt khô hạn quy mô lớn nhất cũng như nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận trong vòng 250 năm qua, gây ảnh hưởng đến cây trồng và đất canh tác nông nghiệp.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã phân tích liệu hạn hán kéo dài có thể xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai hay không bằng cách sử dụng mô hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo kịch bản khí nhà kính phát thải ra môi trường tiếp tục tăng, các nhà nghiên cứu dự báo số đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài 2 năm sẽ tăng gấp 7 lần ở châu Âu trong nửa cuối của thế kỷ 21 này. Đồng tác giả nghiên cứu trên Rohini Kumar cho rằng điều này sẽ gây ra tình trạng diện tích đất trồng trọt bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở khu vực Trung Âu sẽ tăng gần gấp 2 lần. Theo đó, tổng cộng 40 triệu hécta đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, tương đương với 60% diện tích đất canh tác trong khu vực.
Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh mô hình với lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường ở mức độ vừa phải, số đợt hạn hán kéo dài 2 năm dự báo sẽ giảm một nửa so với kịch bản tồi tệ nhất, theo đó diện tích khu vực bị hạn hán cũng giảm. Theo nhà nghiên cứu Kumar, điều này cho thấy việc giảm lượng khí nhà kính có thể làm giảm nguy cơ xảy ra các đợt hạn hán gây thiệt hại nói trên.
Nhà nghiên cứu Kumar cho biết đợt hạn hán kéo dài 2 năm qua đang gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho thảm thực vật so với những đợt hạn hán chỉ diễn ra trong một mùa Hè của những năm trước đó vì đất trồng trọt không thể phục hồi nhanh chóng. Theo ông Kumar, khoảng 1/5 khu vực Trung Âu đã ghi nhận "sức khỏe" thảm thực vật kém trong 2 năm qua. Theo nghiên cứu, khu vực Trung Âu bao gồm các khu vực ở Đức, Pháp, Ba Lan, Thụy Sĩ, Italy, Áo, CH Séc, Bỉ, Slovenia, Hungary và Slovakia. Khoảng 34% tổng diện tích đất khu vực này được sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới cam kết hạn chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đặt mục tiêu mức tăng 1,5 độ C nếu có thể. Tuy nhiên, đến nay chỉ với mức tăng 1 độ C, Trái Đất đã phải hứng chịu những đợt hạn hán kỷ lục, cháy rừng, siêu bão do mực nước biển dâng cao. Để giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức mục tiêu 1,5 độ C, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm 7,6% mỗi năm trong thập kỷ này.
Trần Quyên (TTXVN)