Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Tăng cường các giải pháp ứng phó với thời tiết cực đoan

Ngày phát hành: 04/08/2020 Lượt xem 2723

 

Thời gian gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong bối cảnh đó, chủ động phòng ngừa là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
 * Thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Không những khiến nhiệt độ tăng và nước biển dâng, biến đổi khí hậu còn khiến cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn cả về không gian và thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn.
Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao. Tính riêng trong 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Đồng thời, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm hoạ từ thiên tai.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên phạm vi cả nước. Trên 160 trận dông, lốc, mưa lớn đã xảy ra tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Riêng tại miền núi phía Bắc, tính từ đầu năm đến nay, ngoài 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn thì còn xảy ra 3 trận lũ quét, sạt lở đất và 12 trận động đất. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã vượt mốc lịch sử năm 2016; tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL cũng diễn ra nghiêm trọng... Hiện nay đã bước vào mùa mưa lũ; trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã xảy ra ở một số khu vực, gây lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh phía Bắc, ngập úng tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh...
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm chết và mất tích 48 người, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 3.424 tỷ đồng. Riêng tại khu vực miền núi phía Bắc, tính đến đầu tháng 7, đã có 19 người chết, 79 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị hư hại, trên 10 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.
Dự báo những tháng còn lại của năm 2020, tình hình thời tiết, thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu trở lại. Vì thế, nhiệt độ mùa đông năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, không loại trừ rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão, lũ lụt, thiên tai sẽ còn gia tăng khốc liệt hơn, tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam. Theo dự báo của cơ quan khí tượng quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 9-11 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão đổ bộ vào đất liền nước ta.
Trạng thái La Nina thường gây ra các trận mưa bão lớn, gây ngập lụt và sạt lở. Kinh nghiệm của các chuyên gia và số liệu thống kê thực tế cũng cho thấy, sau hạn hán kỷ lục thường có mưa lớn, gây ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất, gây mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên các vùng, miền. Lịch sử đã từng ghi nhận, hạn hán gay gắt tại khu vực Nam Trung bộ vào mùa hè năm 1964, sau đó đã xảy ra trận đại hồng thủy cũng năm 1964 tại miền Trung làm gần 6.000 người chết. Đợt hạn hán năm 2015-2016 cũng ở Nam Trung bộ, đến năm 2016-2017 thì xuất hiện mưa bão lớn (4 đợt mưa lũ lớn vào tháng 11 và 12-2016).
Năm 2019 và đầu năm 2020 đã xảy ra tình trạng thiếu nước, hạn hán nặng nề tại khu vực Tây Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL. Theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng thì mưa lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

* Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống thiên tai hiện nay của Việt Nam là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng. Trên phạm vi toàn quốc hiện còn 230 vị trí trên các tuyến đê quốc gia, khoảng 200 hồ đập xuống cấp có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn... Hệ thống tiêu, thoát nước ở nhiều đô thị chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó khi xảy ra các trận thiên tai vượt tần suất thiết kế... Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo dù đã có tiến bộ nhưng cũng chưa theo kịp diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai... Cùng với đó, nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó một số loại thiên tai của người dân còn hạn chế…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng cực đoan, khó lường, không còn cách nào khác, chúng ta phải chủ động các giải pháp, kịch bản ứng phó. Trong đó, phòng hơn chống; đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, cần phải rà soát lại các khuôn khổ pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; cơ chế chính sách; các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Đồng thời, rà soát lại tổng thể dân cư, phương án sắp xếp bố trí để đảm bảo an toàn cho cả an cư lẫn sản xuất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong bất kỳ hình thái thiên tai nào cũng phải đảm bảo duy trì sản xuất, giảm thiểu rủi ro ở mức cao nhất.
Để ứng phó với mưa lũ dồn dập do La Nina thì hệ thống đê điều giữ vai trò quan trọng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cả nước hiện có tổng số 9.078 km đê sông, đê biển và 31.191 km bờ bao tại ĐBSCL. Tuy nhiên, hệ thống đê điều đang xuống cấp. Nếu các trận mưa cực đoan, như: trận mưa lớn năm 2008 gây lụt Hà Nội; mưa lũ lịch sử năm 2015 tại khu vực Đông Bắc, năm 2017 tại miền Trung… xảy ra, khi các hồ chứa có nhiệm vụ cắt lũ ở thượng nguồn đã sử dụng hết dung tích phòng lũ cho hạ du thì khả năng xảy ra lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế là rất cao, uy hiếp an toàn đê điều. Do đó, cần phải tính đến kịch bản làm sao để các hồ chứa, dự án thủy điện để đảm bảo an toàn cho khu vực; phải đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa đúng khoa học, sát thực tế nhất.
Để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, ông Trần Quang Hoài cho biết, các địa phương cần quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.  Cùng với nhiệm vụ này, các địa phương khẩn trương triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; trong đó, triển khai ngay nhiệm vụ rà soát, xây dựng chi tiết phương án ứng phó từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước các tình huống mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở  đất...
Song hành với những nhiệm vụ trên, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các trọng điểm đê, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai... Đặc biệt chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân... ./.
 

Minh Duyên (tổng hợp)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết