Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, cùng với những lợi ích mang lại cho đời sống cũng đi kèm với những tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị tổn thương do đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Giữa bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất chú trọng tới việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trước các mối đe dọa từ không gian mạng.
Được đánh giá là một bước đi “trọng đại”, Thượng viện Mỹ ngày 30/7/2024 đã thông qua gói dự luật an toàn truyền thông xã hội sâu rộng nhằm thúc đẩy các công ty công nghệ hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trẻ em. Gói dự luật này bao gồm Dự luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em (KOSA) và dự luật Bảo vệ Quyền riêng tư Trực tuyến của Trẻ em và Thanh thiếu niên (COPPA 2.0). KOSA quy định trách nhiệm bảo vệ trên các nền tảng trực tuyến, dựa trên các điều khoản đặc biệt để “tạo lá chắn” giúp trẻ em tránh khỏi những nội dung độc hại. Luật này yêu cầu các công ty cung cấp cho người dùng một trang riêng biệt để báo cáo nội dung độc hại như lạm dụng tình dục, bắt nạt trực tuyến, xúi giục tự tử... Trong khi đó, COPPA 2.0 yêu cầu tiêu chuẩn về quyền riêng tư cho công dân Mỹ dưới 17 tuổi, cấm quảng cáo trực tuyến có mục tiêu nhằm vào trẻ em và thanh thiếu niên, buộc các doanh nghiệp cho phép người dùng xóa bỏ thông tin cá nhân. Hai dự luật trên là động thái lớn đầu tiên nhằm đảm bảo an toàn trực tuyến cho trẻ em, kể từ khi Mỹ lần đầu ban hành đạo luật COPPA hồi năm 1998. Dự luật đã nhận được sự ủng hộ của nhiều công ty công nghệ như Microsoft, X và Snap.
Cùng trong nỗ lực bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ của không gian mạng, chính phủ New Zealand vào tháng 6/2024 cho biết đã nâng cấp đáng kể hệ thống liên quan đến trẻ em trên nền tảng kỹ thuật số, qua đó ngăn chặn quyền truy cập vào các trang thông tin điện tử được biết là lưu trữ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em. Theo giới chức New Zealand, trong năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ đưa danh sách cập nhật các trang web lưu trữ tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em do Tổ chức Theo dõi Internet (IWF) - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh - thực hiện vào bộ lọc hiện có của nước này. Bộ lọc IWF được cập nhật hàng ngày bằng cách sử dụng cả phân tích của con người và trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định các trang web được xác định lưu trữ tài liệu phi pháp này. Đây là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn trẻ em trước nguy cơ bị tổn thương một lần nữa do hồ sơ lạm dụng của chúng được chia sẻ lên mạng, cũng như ngăn người dân New Zealand xem tài liệu này, trong đó có cả việc trẻ em vô tình truy cập.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, Thủ hiến bang Nam Australia đã đề xuất cấm trẻ em dưới 14 tuổi ở bang này sử dụng mạng xã hội. Theo đề xuất, mọi trẻ em dưới 14 tuổi ở bang Nam Australia đều không được phép sử dụng mạng xã hội và những trẻ em 14-15 tuổi phải có sự cho phép của bố mẹ mới được sở hữu tài khoản mạng xã hội. Theo số liệu năm 2021 của Ủy ban An toàn điện tử thuộc chính phủAustralia, thanh thiếu niên nước này dành trung bình 14,4 giờ mỗi tuần để “lướt” Internet và sử dụng trung bình 4 nền tảng mạng xã hội khác nhau. Chính phủ Australia dự kiến sẽ chi 4,4 triệu USD trong ngân sách để triển khai thí điểm “các công nghệ bảo đảm độ tuổi” bằng cách kiểm tra tính hiệu quả và điều tra cách thức thực hiện nhằm ngăn chặn trẻ em truy cập nội dung trực tuyến không phù hợp, độc hại.
Nhiều nơi trên thế giới cũng đang có các biện pháp hạn chế trẻ dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội do những tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Vào tháng 3/2024, Thống đốc bang Florida (Mỹ) đã ký ban hành luật cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội nhằm bảo vệ giới trẻ khỏi những rủi ro ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần. Tháng 5/2024, Cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) cũng cho biết sẽ siết chặt quy định về giới hạn độ tuổi trẻ em sử dụng mạng xã hội, theo đó trẻ em dưới 13 tuổi sẽ không được phép tạo tài khoản để sử dụng mạng xã hội ở nước này. Những công ty nào không tuân thủ quy định mới được đề xuất nói trên sẽ chịu mức phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu mỗi năm của công ty. Tây Ban Nha hồi đầu năm 2024 thông báo đang phát triển công nghệ xác minh độ tuổi để ngăn trẻ vị thành niên xem nội dung khiêu dâm trực tuyến và tiến tới soạn thảo luật để giải quyết vấn đề này. Chính phủ nước này đã giao cho cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia phát triển ứng dụng có thể cài đặt trên điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, chứng minh người dùng ít nhất 18 tuổi mới được truy cập vào các trang web phim người lớn.
Theo báo cáo cuối tháng 3/2024 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2022, khoảng 16% trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 15 ở châu Âu, Trung Á và Canada từng bị bắt nạt trực tuyến ít nhất 1 lần - cao hơn tỷ lệ 13% ghi nhận 4 năm trước đó. WHO nhấn mạnh báo cáo này là hồi chuông cảnh tỉnh đòi hỏi phải giải quyết nạn bắt nạt và bạo lực mọi lúc, mọi nơi. Tỷ lệ bắt nạt trực tuyến cao nhất xảy ra với trẻ em trai ở Bulgaria, Litva, Moldova và Ba Lan. Bắt nạt trực tuyến đỉnh điểm ở độ tuổi 11 đối với trẻ em trai và 13 đối với trẻ em gái. WHO kết luận cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát các hình thức bạo lực đồng trang lứa ở trẻ em cũng như ưu tiên giáo dục trẻ em, gia đình và trường học về các hình thức bắt nạt trực tuyến và hệ lụy, siết chặt quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tiếp xúc với bắt nạt trực tuyến. Trong khi đó, Viện An toàn trẻ em toàn cầu Childlight của Đại học Edinburgh (Anh) cho biết hơn 300 triệu trẻ em là nạn nhân của nạn bóc lột và lạm dụng tình dục trực tuyến mỗi năm. Childlight cho rằng đây là một đại dịch toàn cầu đã âm thầm xảy ra từ rất lâu, ở mọi quốc gia và đang gia tăng theo cấp số nhân, đòi hỏi phải có sự ứng phó trên cấp độ toàn thế giới./.
Theo TTXVN