Ảnh minh họa
Dựa trên nhận định của các chuyên gia kinh tế về xu hướng thay đổi của toàn cầu hóa, nhật báo Le Monde của Pháp cho rằng sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và môi trường đang làm thay đổi bản đồ thương mại thế giới. Toàn cầu hóa tuy vẫn tiếp diễn, nhưng dưới một hình thức mới và những đối tượng bị thua thiệt lớn trong toàn cầu hóa kiểu mới này chính là người tiêu dùng và các nước đang phát triển.
Bất chấp sự tê liệt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sự gia tăng của căng thẳng địa chính trị và xu hướng kêu gọi di dời các dự án đầu tư, toàn cầu hóa vẫn tiếp tục diễn ra nhưng dưới một hình thức khác. "Đó là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới"- Pinelopi K. Goldberg, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Tristan Reed- nhà kinh tế thuộc bộ phận nghiên cứu và phát triển của WB- đưa ra nhận định này trong bài viết của họ in trên đặc san của Cơ quan nghiên cứu kinh tế Mỹ (NBER) hồi tháng 4/2023, mang tựa đề "Nền kinh tế toàn cầu đang phi toàn cầu hóa? Nếu vậy, tại sao? Và điều gì sẽ tiếp theo?".
Theo hai chuyên gia này, đầu tiên, nếu đánh giá dựa trên tính năng động của trao đổi thương mại, lưu thông vốn hoặc con người, thì phi toàn cầu hóa đã không diễn ra. Quá trình này chỉ chậm lại và biến đổi sang dạng khác. Hai nhà kinh tế Mỹ lưu ý rằng “bối cảnh chính trị và quan điểm chung liên quan đến toàn cầu hóa đã thay đổi, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn”. Sự ngờ vực đã tăng lên vào năm 2015, khi sự cạnh tranh từ các quốc gia có chi phí thấp như Trung Quốc làm thổi bùng lên sự quan ngại đối với các nước lớn, dẫn đến sự kiện Brexit và cuộc chiến thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ.
Tiếp đó , khi đại dịch COVID-19 tấn công, sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu đã bộc lộ những điểm yếu, liên quan đến tình trạng thiếu thuốc và khẩu trang. Sau đó, các chính trị gia đã kêu gọi việc di dời các dự án đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào các nước cung cấp như Trung Quốc.
Thách thức thứ ba đến từ việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Chuỗi cung ứng bị đe dọa bởi bất ổn địa chính trị và sự ủng hộ của Mỹ đối với mô hình đồng minh, tức là di dời sản xuất đến các quốc gia đồng minh địa chính trị và tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia này. Đồng thời, toàn cầu hóa bị cáo buộc góp phần vào sự nóng lên toàn cầu thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và chuyển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sang các quốc gia có tiêu chuẩn môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
Các nhà kinh tế Mỹ lập luận rằng những thay đổi sâu sắc này có thể là "những dấu hiệu cảnh báo nếu không phải là phi toàn cầu hóa, thì ít nhất sẽ là một hình thức toàn cầu hóa mới". Họ gợi ý rằng: "Chúng ta có thể đang bước vào một kỷ nguyên mà tương lai của thương mại và toàn cầu hóa sẽ được định hình từ thượng tầng bởi các định hướng chính trị của các quốc gia chứ không phải bởi các lực tác động thị trường”.
Sébastien Jean, Giáo sư tại Viện Quốc gia về Nghệ thuật và Nghề nghiệp Pháp, cũng nhận thấy hai xu hướng cơ bản. Đầu tiên là "chủ nghĩa can thiệp đơn phương", thể hiện ở việc tăng trợ cấp chính phủ cho các công ty, thường là bất chấp các quy định của WTO, như trường hợp của chương trình Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, cung cấp 370 tỷ USD (khoảng 340 tỷ euro) trợ cấp cho các công nghệ sạch. Liên minh châu Âu (EU), tuy không đi quá xa như vậy, nhưng cũng theo hướng đi này với Kế hoạch công nghiệp cho quá trình chuyển đổi xanh.
Trong một bài đăng trên blog gần đây, Alfred Kammer, người đứng đầu Vụ châu Âu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lo lắng về “một cuộc chạy đua trợ cấp có hại giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới để thu hút đầu tư xanh”. Theo ông, đối với các khoản trợ cấp giúp chống lại biến đổi khí hậu, chúng phải được phối hợp với nhau, nếu không chúng sẽ bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước hơn là bảo vệ hành tinh.
Xu hướng thứ hai là việc sử dụng thương mại ngày càng thường xuyên như công cụ ép buộc trong hoạt động ngoại giao. Mỹ và EU giương cao vũ khí trừng phạt kinh tế để buộc Nga phải khuất phục, còn Trung Quốc lại tung đòn trả đũa thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Lithuania…
Trong cuộc chơi thiếu bình đẳng này, những đối tượng thua thiệt lớn lại chính là người tiêu dùng và các nước đang phát triển. Ví dụ, người mua sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho ô tô điện của họ nếu gói ưu đãi cho ô tô không áp dụng với các xe được sản xuất tại Trung Quốc, theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. “Chủ nghĩa bảo hộ xanh” sẽ làm tăng số lượng rào cản tại đầu vào đối với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển.
Nhà kinh tế Pinelopi K. Goldberg và Tristan Reed cảnh báo: “Tỷ trọng thương mại ngày càng tăng có khả năng diễn ra chỉ trong một nhóm các nước giàu hơn là giữa các nước có thu nhập cao và các nước thu nhập thấp”. Điều đó có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển./.
Theo TTXVN